Thứ Tư, tháng 11 20, 2013

Phối Hợp để Chuyển Hướng

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày131120
Diễn Đàn Kinh Tế
 
Các nước muốn cùng chuyển hướng thì phải phối hợp - điều chưa có  
 
 
000_DV1579665-305.jpg
* Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa), Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Roesler (trái), và ông Ronald Pofalla (phải) tham dự một cuộc họp nội các hàng tuần tại Chancellery, Berlin vào ngày 20 tháng 11 năm 2013. AFP photo *


Trong năm 2013 sắp kết thúc, kinh tế toàn cầu chưa có đà tăng trưởng khả quan với tốc độ bình quân chỉ là 2,9% theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay 2,7% của cơ quan OCED. Giữa bối cảnh đó, điều đáng quan ngại là khả năng hợp tác để tái quân bình cán cân giao dịch giữa các nước trên một nền tảng lành mạnh hơn. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về nỗ lực tái quân bình đó và chú ý đến trường hợp của nước Đức trong khối Euro.


Bối cảnh chung

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong nhiều chương trình trước, ông nêu một vấn đề của kinh tế thế giới sau những biến động từ năm 2008. Đó là có những nước tiết kiệm nhiều, tiêu thụ ít và đạt xuất siêu rất cao nhờ bán nhiều hơn mua và ngược lại có những nước tiêu thụ và nhập khẩu nhiều nên thu hút tư bản của các nước đạt thặng dư mậu dịch. Chi tiết đáng chú ý là khi phải chuyển hướng để tái quân bình tình hình mua bán thì hai nhóm kinh tế đó cần phối hợp với nhau. Một thí dụ thường được nhắc tới là kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng ngoài ra thì cũng có trường hợp của nước Đức trong khối Euro của Liên hiệp Âu châu. Kỳ này, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ xét về trường hợp của nước Đức.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đề tài này hấp dẫn để có dịp hiểu ra một bài toán phức tạp trong quan hệ kinh tế toàn cầu. Người ta thường nghĩ là quốc gia nào cũng phải ra sức xuất khẩu để đạt thặng dư mậu dịch vì điều ấy có lợi cho mình. Nhưng thật ra nếu cả thế giới đều ráo riết bán hàng thì ai sẽ mua? Và khối thặng dư ngoại thương ấy dùng làm gì? Cũng thế, người ta cứ nghĩ xứ nào cũng nên tiết kiệm nhiều hơn tiêu thụ, nhưng dùng khối tiết kiệm ấy làm gì nếu thiếu người tiêu thụ? Sự thật ở đây là các nước đều cần có sự quân bình chứ không nghiêng hẳn về một phía. Nhìn theo khía cạnh kế toán thì tất cả quan hệ mua bán hay đầu tư tài chính giữa các nước đều cân bằng với nhau. Xứ nào tiết kiệm và xuất khẩu nhiều thì phải đẩy phần thặng dư ấy cho xứ khác xài, tức là cán cân chi phó, kết quả của trương mục vãng lai và cán cân mậu dịch, của toàn cầu đều phải cân bằng. Đó là một khái niệm hơi khó hiểu nên mình cần nhắc lại.

- Đi vào cụ thể thì Trung Quốc là một nước tiết kiệm nhiều, tiêu thụ ít và đạt xuất siêu thì lại phải đem tiền dư ấy đầu tư vào một nước tiêu thụ nhiều và bị nhập siêu, ví dụ như Hoa Kỳ. Trái với nhận thức về luân lý hay quyền lực thì thật ra hai nước này cần nhau. Khi nói đến nhu cầu chuyển hướng của Trung Quốc để nâng mức tiêu thụ nội địa hầu có cơ cấu quân bình hơn thì cũng phải nghĩ tới vế bên kia là Hoa Kỳ cũng phải chuyển hướng để tiết giảm tiêu thụ và gia tăng xuất khẩu. Yêu cầu chuyển hướng đó cần có sự phối hợp giữa hai nước với nhau. Bây giờ ta mới nói đến trường hợp của nước Đức.

Vũ Hoàng: Thưa ông, có phải Đức có vị trí tương tự như Trung Quốc, là cũng xuất khẩu mạnh và cần các nước nhập khẩu, mà các khách hàng chính yếu của Đức lại ở trong khối Euro chưa ra khỏi khủng hoảng, hoặc trong nhóm Liên hiệp Âu châu vẫn còn bị suy trầm hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đấy là vấn đề, mà không thu hẹp trong khuôn khổ Âu Châu vì còn liên hệ tới Hoa Kỳ và đang gây mâu thuẫn giữa Mỹ và Đức. Chúng ta nên quan tâm đến chuyện này vì trong bối cảnh tăng trưởng thấp của kinh tế toàn cầu, những mâu thuẫn như vậy có thể gây tranh chấp mậu dịch và sẽ là vấn đề cho xứ khác.

Vũ Hoàng: Nói về nước Đức, thưa ông thì tình hình đại thể ra sao? Có phải quốc gia này là cột trụ trong khối Euro gồm có 18 nước nếu kể cả xứ Latvia sẽ chính thức gia nhập đầu năm tới và Đức là nền kinh tế mạnh nhất của Liên hiệp Âu Châu gồm 28 nước mà cũng là nước xuất khẩu nhiều nhất sau Trung Quốc hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là từ 20 năm nay, nước Đức cứ đạt xuất siêu vì lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng. Trong khi kinh tế Liên Âu bị trì trệ với thất nghiệp cao và khối Euro chưa ra khỏi cơn khủng hoảng từ bốn năm nay, Đức vẫn đạt thặng dư mậu dịch quá cao nên vừa bị cả Hội đồng Âu Châu lẫn bộ Ngân khố Hoa Kỳ cảnh báo là phải giảm mức thặng dư để giúp các nước khác tái quân bình lại cơ cấu và ra khỏi khó khăn. Thưa đó là về bối cảnh chung.

Vũ Hoàng: Chúng tôi xin hỏi ngay là vì sao Bộ Ngân khố Mỹ cũng than phiền về nước Đức, vốn là một nước Âu Châu trong khối Euro, chứ có liên hệ gì nhiều đến kinh tế Hoa Kỳ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta sẽ lần lượt đi từ vòng cốt lõi ra tới bên ngoài thì sẽ hiểu ra điều ấy. Bộ Ngân khố Mỹ thường có báo cáo trình lên Quốc hội về tình hình kinh tế toàn cầu trong mỗi sáu tháng và báo cáo được công bố cho mọi người cùng biết. Cuối Tháng 10 vừa qua, phúc trình của Bộ về kinh tế thế giới có nhắc đến việc Đức cần phổi hợp với các nước khác để tái lập quân bình toàn cầu và cụ thể là phải giảm dần mức thặng dư mậu dịch quá lớn của họ.

 

Đức phải làm gì?  


000_DV1579633-250.jpg
Xe cảnh sát nhựa được sản xuất bởi hãng đồ chơi trẻ em của Đức Playmobil tại thành phố Dietenhofen, miền nam nước Đức, hôm 19/11/2013. AFP photo


Vũ Hoàng: Nhưng nhiều thính giả có thể thắc mắc là tại sao Đức phải giảm bớt xuất siêu và làm thế nào mà một quốc gia có thể chủ động hạ mức thặng dư ngoại thương như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, ta đi từ vòng trong ra ngoài. Đức nằm trong khối Euro đang bị hoạn nạn từ nhiều năm nay vì các nước ở vòng ngoại vi, đa số tại miền Nam Âu Châu, đều đã tiêu thụ nhiều, tiết kiệm ít và bị nhập siêu nặng nên mới bị khủng hoảng. Khi gia nhập khối tiền tệ thống nhất các nước này bị kẹt vì hết khả năng điều chỉnh ngoại hối, thí dụ như phá giá đồng bạc để bán hàng rẻ hơn. Trong khi đó, nước Đức tiết kiệm nhiều, tiêu thụ ít và vẫn bán hàng rất mạnh nên mới bị trách là chiếm lợi thế nhờ khối Euro mà lại không giúp xứ khác ra khỏi khủng hoảng. Đấy là một vấn đề gồm có nhiều mặt mà đều nhạy cảm về chính trị.

- Ở trong khối Euro cùng dùng chung đồng bạc với các nước có khả năng cạnh tranh thấp hơn, Đức có lợi thế xuất khẩu vào thị trường Âu Châu, lại dùng đồng bạc có giá trị thấp hơn nên còn có ưu thế bán hàng cho các nước ở ngoài khối Euro, thí dụ như Liên Âu hay Hoa Kỳ. Vì vậy, các nước lâm nạn trong khối Euro lẫn các nước Âu Châu hay một đối tác quan trọng là Hoa Kỳ mới than phiền. Sở dĩ như vậy là vì từ nhiều năm nay, Đức đa diện hóa thị trường xuất khẩu của mình là bán ít hơn cho thị trường Euro bị co cụm, và nhiều hơn cho các nước bên ngoài, kể cả Hoa Kỳ. Tức là trong khi các nước đều gặp khó khăn thì Đức vẫn bán hàng rất khoẻ nên mới bị phê phán.

Vũ Hoàng: Nếu muốn giúp xứ khác điều chỉnh tình trạng thất quân bình của họ thì nước Đức có thể làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi từ những giải pháp triệt để nhất để ta thấy ra toàn cảnh.

- Giải pháp lý tưởng là toàn khối Âu Châu phải thống nhất chính trị với một hệ thống ngân hàng và một chính sách thuế khóa duy nhất mà mọi nước đều phải chấp hành như từng tiểu bang trong một Liên bang Âu Châu. Giải pháp này quá xa vời vì từng quốc gia sẽ mất chủ quyền trong một cơ chế siêu quốc gia và hầu như xứ nào cũng sợ là Đức sẽ giữ vai trò chính trong cơ chế ấy.

- Giải pháp triệt để khác là Đức ra khỏi khối Euro và dùng lại đồng Đức Mã ngày xưa. Khi đó, tiền Đức cao giá nhất sẽ làm giảm sức cạnh tranh của Đức, còn các nước khác sẽ có chính sách ngoại hối và tín dụng riêng, thí dụ như phá giá đồng bạc hay hạ lãi suất để tăng thế cạnh tranh. Nhờ vậy mà cán cân thương mại sẽ quân bình hơn. Nhiều người có thể nghĩ đến giải pháp này, nhưng không xứ nào lại muốn như vậy, ít ra là trong tương lai trung hạn.

Vũ Hoàng: Thưa ông, ngoài hai giải pháp triệt để ấy thì người ta còn cách nào khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu cứ giữ nguyên trạng như hiện nay thì nước Đức có thể chủ động áp dụng chính sách tiết giảm xuất khẩu và gia tăng nhập khẩu như nhiều nước yêu cầu. Nhưng thật ra các nước lâm nạn ở miền Nam chưa thể trám vào cái khoảng thu vén đó của Đức vì các nước này có nền móng công nghiệp yếu kém từ lâu. Một chi tiết cần chú ý là mức lương rất cao của công nhân Đức so với công nhân xứ khác tại Âu Châu nên lợi thế mậu dịch của xứ này nằm trong phẩm chất và trình độ sản xuất rất cao hơn là nhờ phí tổn lao động rẻ.

- Thứ hai, các nước Âu Châu cũng muốn Đức phải nâng mức lương tối thiểu của công nhân để vừa gia tăng khả năng tiêu thụ nội địa vừa giảm sức cạnh tranh. Nhưng cho dù chính phủ liên hiệp giữa hai đảng lớn nhất của Đức có thành hình nay mai và dám áp dụng biện pháp đó thì kết quả chỉ thu hẹp trong khu vực dịch vụ hơn là chế biến nên cũng chẳng giúp gì cho mậu dịch.

- Thứ ba, nếu vì lương bổng tại Đức có trở thành đắt hơn thì doanh nghiệp Đức sẽ đem tư bản đầu tư vào các nước đã hội nhập vào chuỗi cung cấp của Đức, như Ba Lan hay Cộng hoà Tiệp. Trong trường hợp đó, số cầu của các nước này sẽ tăng và triệt tiêu kết quả tiết giảm xuất khẩu của Đức.

- Sau cùng, Đức có thể nâng số cầu nội địa bằng các tăng chi ngân sách và thực hiện các dự án năng lượng hoặc xây dựng hạ tầng chẳng hạn. Đức bị bội chi ngân sách không nhiều nên có thể áp dụng giải pháp đó. Nhưng vì kinh tế sa sút từ nhiều năm nên xứ này đã có biện pháp khắc khổ kinh tế được viết thành luật nên việc nâng mức công chi cũng có phần hạn chế.

Vũ Hoàng: Nói chung thì hình như ngần ấy biện pháp đều có phần khả thể dù kết quả của từng biện pháp đều có giới hạn nên phải chăng là các nước sẽ phải áp dụng tất cả. Trong giả thuyết đó, thưa ông, đâu là những trở ngại?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng tất cả các nước trong cuộc đều phải cùng hợp tác trong một kế hoạch chung thì may ra sẽ có kết quả. Nhưng trở ngại ở đây là Hội đồng Âu châu không có khả năng cưỡng hành, tức là bắt các nước phải tôn trọng những cam kết với nhau.

- Thứ nữa, trong nhiều quốc gia, xu hướng chống lại sự hội nhập mạnh mẽ hơn của Âu Châu lại đang thắng thế, như ta có thể sẽ thấy trong cuộc bầu cử Quốc hội Âu châu trong sáu tháng nữa. Vì vậy, chúng ta chẳng nên lạc quan về kết quả mà nên dè chừng phản ứng quốc gia dân tộc hay bảo hộ mậu dịch, nôm na là xứ nào cũng lo cho quyền lợi riêng mà không muốn phối hợp để cùng chuyển hướng và tái lập quân bình.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, lập trường của Hoa Kỳ trong cả hồ sơ rắc rối này là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ đang cùng lúc thương thuyết hai hiệp định tự do mậu dịch với Á Châu và Âu Châu. Với Á Châu thì đấy là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP và với Âu Châu thì đấy là chương trình xây dựng khu vực tự do mậu dịch Âu-Mỹ. Tuy nhiên, đúng lúc này, xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh trong cánh tả của đảng Dân Chủ với hậu thuẫn đáng kể của các công đoàn lại gây trở ngại cho việc đàm phán. Trong khung cảnh đó, chúng ta không nên lạc quan về triển vọng phối hợp giữa các nước để cùng điều chỉnh lại thất quân bình. Nói cho phũ phàng hơn, có khi ta sẽ thấy bùng nổ nhiều tranh chấp bất lợi cho đà tăng trưởng toàn cầu.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét