Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 131111
"Kinh Tế Cũng Là
Chính Trị"
Bài Toán Kinh Tế Của Chế Độ Bảo
Dưỡng Y Tế Hoa Kỳ
* Bệnh vô minh - cái điềm thắng của... *
Trong các quốc gia tiên tiến nhất
của thế giới, Hoa Kỳ là một nước lạc hậu khi nói đến việc chi tiêu cho sức khoẻ.
Có cái gì đó không ổn!
Nước Mỹ có nhiều tiến bộ vượt bậc
về y khoa nhưng tốn quá nhiều tiền cho dịch vụ bảo dưỡng, bảo vệ và nuôi dưỡng
sức khoẻ. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Hoa Kỳ hiện chi ra 17,9% Tổng sản
lượng cho dịch vụ bão dưỡng và khoản chi này sẽ còn tăng. Tăng 1% vì dân số bị
lão hóa và thêm 3% vì nhiều chứng bệnh kinh niên sẽ hoành hành mạnh hơn. Theo đà
này, chi phí bảo dưỡng có thể chiếm 22% Tổng sản lượng GDP, sản lượng cả năm của
nước Mỹ.
Con số quá lớn này sẽ hút mất nhiều
phương tiện có thể dành cho việc khác.
Các nước tiên tiến kia không tốn
kém như vậy. Anh quốc mất 9,3%, Thụy Điển 9,4%, Tân Tây Lan (New Zealand) 10%, Canada,
Đức Pháp, Thụy Sĩ mất 11%, cao lắm là Hòa Lan thì tốn 12%. (Một chi tiết cho
người tò mò, Việt Nam tốn mất 6,8%, nhưng chưa thuộc loại giàu có tiên tiến!)
Nhìn trong viễn cảnh dài, nửa thế
kỷ trước, Hoa Kỳ dành 5,2% sản lượng cho sức khoẻ, 20 năm sau thì tốn 7,2%, 20
năm sau nữa thì mất 12% trước khi lên tới con số 18% hiện nay.
Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuổi
thọ và thời gian hoạt động của con người đã kéo dài, trung bình toàn cầu là hơn
gấp đôi nếu kể từ đầu Thế kỷ 20 (113 năm trước). Là nước tiên tiến, Hoa Kỳ cũng
có sự may mắn đó. Nhưng vì sao lại tốn tiền nhiều hơn xứ khác?
Sự thật đằng sau mấy con số này
không phải là vì dân Mỹ chăm lo nhiều hơn cho sức khoẻ mà là vì họ không được
khoẻ mạnh nếu so với người dân các nước có cùng trình độ phát triển. Một ví dụ
nhìn quanh cũng thấy là nạn mập phì của trẻ em. Đấy có thể là vấn đề văn hóa và
giáo dục gia đình nằm ngoài phạm vi bài viết, mà cũng đáng quan tâm nếu người
ta thay đổi được cách sống.
Nhưng, như trong lối bình luận mươi
phút hay ngàn chữ theo kiểu "mỳ ăn liền", sự thật đó chỉ là một góc của
vấn đề. Xin đừng trút hết trách nhiệm tốn kém lên đầu con trẻ mà nghĩ xa hơn....
Trong 50 năm qua, quả thật là chi
phí cho bệnh mập phì, mà ta cứ nghĩ là của thành phần trẻ em là chính, đã tăng
từ 10% lên 28%, gần gấp ba. Nhưng tuổi thọ kéo dài khiến nhiều người sống lâu hơn
ông bà và mắc các chứng bệnh kinh niên mà các cụ ngày xưa chưa bị thì đã mất.
Thí dụ như chi phí cho bệnh cao máu đã tăng từ 3% lên 10%, hơn gấp ba; hay bệnh
tiểu đường (loại 2, xin ghi rõ kẻo độc giả bác sĩ sẽ quở) tăng từ 2% lên 10%, gấp
năm lần.
Một số thống kê cho biết đa số
chi phí bão dưỡng là dành cho giới cao niên, chẳng hạn 30% tốn kém là để cho 1%
dân số lớn tuổi nhất, hoặc 60% chi phí cho 5% dân số, v.v.... Đấy thành phần
theo định nghĩa là thiếu dịch vụ cấp dưỡng như chuyên chở từ nhà đến phòng mạch
hay y viện rồi ngơ ngác về quy chế hay thủ tục bảo hiểm sức khoẻ khi cả thân lẫn
tâm đều suy sụp Họ chả muốn vậy, và thật sự là nạn nhân khi các nhà xã hội học
hay chính trị coi là nguyên nhân!
Nhìn vào khía cạnh kinh tế thì ai
đó phải tài trợ những chi phí này.
Chế độ An sinh Xã hội và quỹ
Medicare hay Medicaid là phần trang trải của nhà nước, mà nhà nước không làm ra
tiền. Những người ở tuổi hoạt động đang lặng lẽ đóng góp cho các khoản chi đó mà
đa số không biết là các quỹ này sẽ vỡ nợ vì không đủ tiền thanh toán cho những
yêu cầu sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Người tài trợ sẽ là dân thọ thuế.
Các doanh nghiệp bảo hiểm của tư
nhân tài trợ phần còn lại. Nhưng doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp đầu tư, họ
thu bảo phí để kiếm lời, chứ không để làm việc từ thiện. Cho nên họ tính toán còn
chặt chẽ hơn các công chức. Và tăng bảo phí là biện pháp hợp lý và dễ hiểu nhất. Người tài trợ sẽ là chúng ta.
Các nước tiên tiến đều gặp bài toán
đó, và tùy triết lý chính trị từng nơi mà có chế độ bảo dưỡng hoàn toàn tư nhân
(như Thụy Sĩ hay Singapore là hai nước nhỏ) hay quốc doanh (như Anh, Canada hay
Tây Ban Nha). Họ đều biết và chấp nhận ưu nhược điểm của giải pháp.
Hoa Kỳ không được như vậy và điều
bất nhẫn là khoảng 40 triệu người lại không có bảo hiểm sức khoẻ.
Nhu cầu đặt ra từ lâu, Tổng thống
Cộng Hoà là Richard Nixon muốn giải quyết mà gặp sự chống đối của Quốc hội Dân
Chủ, Tổng thống Dân Chủ là Barack Obama làm được trong khoảnh khắc khi đảng Dân
Chủ nắm đa số tại Hành pháp và hai viện Quốc hội sau cuộc bầu cử 2008.
Bài toán kinh tế sơ đẳng là ai đó
sẽ phải thanh toán cho nhu cầu phụ trội này, qua thuế khóa hay bảo phí, và mọi người đều nên biết vậy trong
tinh thần liên đới, chứ không thể tưởng bở là gánh nặng đó thuộc về người khác.
Bảo rằng cứ thông qua đạo luật mấy ngàn trang rồi sẽ biết nội dung, như Chủ tịch
Hạ viện khi đó là Nancy Pelosi, hoặc ai cũng có thể giữ chương trình bảo hiểm và
bác sĩ của mình, như Tổng thống Obama khẳng định nhiều lần, là sự gian trá.
Người ta chỉ nhấn mạnh đến cái
"được" mà che giấu cái "mất" của một quyết định kinh tế. Các
chính khách đều có biệt tài nói láo như vậy. Nhưng nói láo về một đạo luật sẽ
chi phối đời sống toàn dân hay 18% của nền kinh tế là điều tai hại! Hoa Kỳ có
chế độ bảo dưỡng không giống ai, với một nhà nước tự xưng là lo cho dân nghèo mà
thật ra đã lấy quyết định có hậu quả ngược: đem lại mối lợi cho các tài phiệt
giàu có trong lãnh vực bảo hiểm và y tế.
Trước khi có đạo luật ACA, với tên
gọi sẽ gây xấu hổ là ObamaCare, người cần bảo hiểm y tế đã không có nhiều chọn
lựa. Ở các địa phương có mật độ dân số thấp thì số phận của họ tùy thuộc vào một
nhóm nhỏ doanh nghiệp bảo hiểm mà họ không chạy được để tìm nơi đòi bảo phí ít
hơn. Sau khi đạo luật ra đời, tình trạng tập trung lại cao hơn và cạnh tranh càng
thấp hơn.
Thống kê trước và sau được tờ New
York Times loan tải trong các số báo ngày 19 Tháng Tám 2009 và 23 Tháng 10 năm
2013. Nhật báo này là cái loa truyền thống cho cánh tả chứ không thuộc phe
"phản động" của đảng Cộng Hòa có tiếng là chỉ lo cho nhà giàu! Chẳng
phải ngẫu nhiên mà sau khi đạo luật ra đời, cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo
hiểm và y tế tại Mỹ đã tăng gấp đôi chỉ số Standard & Poor's.
Hậu quả bất ngờ cho người lâm nạn
là gặp quy chế bảo dưỡng khác nhau tùy loại bảo hiểm của mình. Nếu mua xăng ở góc
đường mà phải trả giá khác biệt vì tuổi tác, lợi tức hay thành phần xã hội thì
quý vị có thể qua bên kia đường, và gọi cảnh sát. Trong chế độ bảo dưỡng này thì
không, vì đạo luật ACA không giải quyết tình trạng gần như độc quyền của nhiều đại
tổ hợp.
Nhân danh tinh thần công bằng và
bác ái, sự cấu kết giữa chính trường và doanh trường là một hậu quả bất lường của
ObamaCare. Vì vậy, đạo luật cần thiết này sẽ còn phải đổi.
Trong khi chờ đợi, sự chuyển dịch chậm rãi của dân số khiến tỷ lệ năng động
và hưu liễm tiếp tục thu hẹp. Năm 1950, có 16 người năng động thực tế chu cấp
cho một người về hưu. Ngày nay, con số này chỉ còn là 3,3 và sẽ còn giảm. Hoa Kỳ
sẽ phải giải quyết vấn đề kinh tế và chính trị đó, những tranh luận chung quanh
luật ACA chỉ là một nhắc nhở.
hay quá, thank bạn về bài viết nhiều
Trả lờiXóaKeywords: dong co dien xoay chieu khong dong bo 3 pha