Thứ Năm, tháng 11 14, 2013

Khi Liên Bang Nga Có Loạn



Hồ Sơ Người-Việt Ngày 131106
Hùng Tâm

Chiêu bài dân tộc gây phản ứng ngược

 * Đất say đất cũng lăn quay... Chiến dịch lùng rượu *


Thời sự quốc tế loan tin là nhân Ngày Thống Nhất Quốc Gia, cả vạn người đã biểu tình tại thủ đô Moscow vào hôm mùng bốn với nhiều khẩu hiệu mâu thuẫn. Đám đông ô hợp xuống đường ở nhiều nơi, có nơi thì bị cảnh sát chặn, có nơi lại như được cảnh sát hỗ trợ. Hình như là tùy theo mục tiêu xuống dường.

Chi vì có người cổ võ tinh thần phát xít và chống di dân thì có người lại trưng khẩu hiệu chống cộng. Có kẻ đề cao Lenin và Stalin thì lại có người kêu gọi dân chủ và chấm dứt triều đại của Vladimir Putin, v.v... Tính chất hỗn tạp ấy phản ảnh nhiều vấn đề đa diện và nan giải của Liên bang Nga và gợi nhớ đến sự bức bí đầu thế kỷ 20, trước khi bùng nổ cuộc Cách mạng Tháng 10 vào năm 1917.

Nhưng khi đọc tin này, chúng ta muốn biết cái ngày "Thống Nhất Quốc Gia" đó là gì.

Năm 1612, quân lính Nga đẩy lui cuộc xâm lăng của Ba Lan ra khỏi thủ đô Moscow vào ngày bốn Tháng 11. Từ đó, các triều đại của Đế chế Nga chọn ngày này làm Ngày Thống Nhất Quốc Gia, như ngày Quốc Khánh. Sau khi Cộng sản lên nắm quyền từ năm 1917, họ hủy lễ quan trọng này, lấy ngày mùng bảy Tháng 11 là ngày kỷ niệm "Cách Mạng Tháng Mười" theo lịch Nga.

Sau 88 năm bị gián đoạn, kể từ năm 2004, Tổng thống Vladimir Putin lấy lại Ngày Thống Nhất Quốc Gia và cho ăn mừng từ năm 2005. Khi ấy, mục đích của ông là tìm một ngày thay thế cho cuộc cách mạng cộng sản và nhất là để phát huy tinh thần quốc gia dân tộc của người Nga. Mươi năm sau thì tình hình lại đổi khác, ông Putin không còn thế mạnh như xưa. Những ai theo dõi nội tình nước Nga còn thấy ra nhiều yếu tố bất ổn, những mầm mống của một biến động khác.

"Hồ Sơ Người-Việt" cố vượt qua thời sự để lần lượt tìm hiểu chuyện này.....


Chuyển Dịch Dân Số


Những thay đổi về dân số thường xảy ra chậm rãi nên lọt khỏi sự quan sát ngắn hạn của mọi người nhưng lại là yếu tố có ảnh hưởng nhất.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991 và trở thành Liên bang Nga, dân số nước Nga đã giảm mạnh, từ gần 149 triệu nay chỉ còn 143 triệu. Sút giảm mạnh nhất là sắc tộc Nga, thành phần chiếm 81% của dân số toàn quốc. Mãi đến năm 2009 thì đà sút giảm hàng năm mới chậm lại nhờ tử suất giảm và sinh suất tăng. Tử suất hay death rate là số trung bình của người chết so với một ngàn dân và sinh suất hay birth rate là số người sinh ra....

Một yếu tố khác có chi phối dân số hay nhân khẩu (một chữ khác, có nghĩa là miệng ăn) của Nga là số di dân có tăng.

Tìm vào chi tiết thì như hiện nay, 20% dân số nước Nga là những người ra đời sau khi Liên Xô tan rã.

Thành phần trẻ này không biết nhiều về quá khứ Xô viết và chẳng bị ảnh hưởng gì về lý tưởng cách mạng vô sản, về hệ thống tập trung chính trị hay "sự ổn định xã hội" thời xưa. Hãy cho rằng họ bắt đầu có sự hiểu biết là ở tuổi lên 10, là khi Liên bang Nga đã qua thời khủng hoảng hậu Xô viết trong những năm cầm quyền của Tổng thống Boris Yeltsin, và bắt đầu có sự ổn định vững mạnh hơn trong những năm Putin lãnh đạo, từ năm 2000 trở về sau.

Chi tiết đó cho thấy là lớp người trẻ của nước Nga hiện nay không luyến tiếc hay thù ghét chế độ cộng sản và lại thích một xã hội cởi mở, dám nói ngược và phê phán chính quyền. Vì vậy mà sau 10 năm cấp cứu và phục hồi sức mạnh của nước Nga, ông Putin lại thấy quyền lực của chính quyền trung ương, của điện Kremlin, bị chống đối từ năm 2011 trở về sau. Thành phần trẻ này cũng lại có phương tiện thông tin hiện đại để chia sẻ hay quảng bá những suy tư của họ với nhau và với thế giới bên ngoài: số người vào Internet tại Nga hiện là 60%, so với 10% vào năm 2006.

Chuyện ấy, khi làm tin hàng ngày, nhà báo thường không chú ý lắm. Hoặc nhiều khi không hiểu.

Một chi tiết khác là đà sút giảm dân số có chậm lại kể từ năm 2009 - chậm lại thôi, chứ vẫn giảm. Dự phóng cho dài hạn là đến năm 2030, dân số nước Nga sẽ giảm thêm 10%. Nghĩa là 15 năm nữa, Liên bang Nga chỉ còn cỡ 129 triệu dân, trên một lãnh thổ bát ngát là hơn 17 triệu cây số vuông.

Chính quyền Nga có nỗ lực cải thiện chế độ y tế, khuyến khích sinh đẻ và giải trừ hai ảnh hưởng tai hại về dân số là hút thuốc và nghiện rượu. Nhờ vậy, họ hy vọng là sẽ hãm đà giảm sút dân số. Hy vọng thôi. Tháng Tám năm 2012 là lần đầu tiên từ mấy chục năm qua mà dân số của nước Nga có tăng, khiến Tổng thống Putin tuyên bố là dân số Nga sẽ lên tới 146 triệu vào năm 2025. Nhưng chủ yếu gia tăng là nhờ di dân.

Chi tiết quan trọng hơn chuyện tuổi tác và đà tăng giảm của dân số là thành phần thiểu số.

Ngoài sắc tộc đa số (81%) là người Nga, trong thành phần thiểu số tại Nga, những người thuộc sắc tộc khác và theo đạo Hồi lại chiếm tỷ lệ quan trọng. Và gia tăng đều từ nhiều thập niên.

Từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989, dẫn đến sự tan rã của Liên Xô năm 1991, thì dân số các nước Cộng hoà Hồi giáo tăng vọt, như tăng 59% tại Chechnya hay 69% tại Dagestan. Ngoài ra, di dân từ bên ngoài vào Nga cũng tăng mạnh, hàng năm thêm 400 ngàn, trong đó chỉ có 240 ngàn là hợp pháp. Họ đến từ các nước Cộng hoà Hồi giáo vùng Trung Á, ngày xưa nằm trong Liên bang Xô viết. Nhiều nhất là từ Azerbaijan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Trong tháng trước, Hồ Sơ Người-Việt có nói đến các nước Trung Á này, xin quý độc giả chịu khó tìm lại.


Dân Số Và Chủ Nghĩa Dân Tộc


Từ chuyện chuyển dịch dân số, xã hội Nga ngày nay đang có những hiện tượng sau đây.

Thứ nhất, người dân nói chung đã có quyền và thói quen phát biểu tự do hơn trước. Thứ hai, tộc Nga thấy ra sự sa sút dân số trước dân thiểu số, thuộc sắc tộc và tôn giáo khác. Họ muốn hạn chế di dân vào nước Nga. Bên trong nước Nga thì họ muốn hạn chế người Hồi giáo từ khu vực Caucasus ở phía Nam tràn vào vùng sinh hoạt truyền thống của tộc Nga.

Có hai thí dụ về trào lưu đó: 1) Hạ viện Nga (State Duma) từng thảo luận về đề luật ngăn ngừa dân số từ vùng Caucasus của Nga tràn lên hướng Bắc vào thủ đô Moscow và 2) theo cơ quan nghiên cứu độc lập Levada Center, 70% người Nga muốn có luật lệ chặt chẽ hơn về di dân nội địa và di dân ngoại nhập.

Lý do đầu tiên và dễ hiểu của trào lưu đó là việc làm và lương bổng: dân Hồi giáo từ Trung Á muốn vào Nga, và từ miền Nam của nước Nga muốn vào thủ đô Moscow, là để tìm việc và hưởng đồng lương cao hơn.

Quy ra đồng đô la, lương tháng trung bình tại Tajikistan là 22 đồng, tại Kyrgyzstan là 75 đồng, tại các nước Cộng hoà trong vùng Caucasus là 439 đồng, trung bình trên toàn quốc là 800 đồng và tại Moscow là một ngàn 750 đồng. Những người Hồi giáo nghèo khổ ở nơi khác có hy vọng tìm ra việc làm ở Moscow với đồng lương thấp là từ 300 đến 790 đồng một tháng (so với 1.750 là mức trung bình). Dù có thấp thì vẫn khá hơn những gì họ kiếm được ở chốn cũ.

Sức hút đó khiến dân Nga thấy là họ bị cạnh tranh và hai phần ba còn cho rằng dân Hồi giáo (di dân từ Trung Á hay từ miền Nam nước Nga) làm gia tăng tội ác và nạn khủng bố. Đó là về sắc tộc.

Về tôn giáo thì đa số đến 80% người Nga theo Chính thống giáo, một hệ phái của Thiên Chúa giáo ở phương Đông, xin tạm gọi là Chính thống giáo Nga (Russian Orthodox).

Khi muốn củng cố quyền lực của mình, Tổng thống Putin huy động hai sức mạnh tinh thần là 1) chủ nghĩa dân tộc Nga (việc chọn Ngày Thống Nhất Quốc Gia làm Quốc khánh) và tư tưởng tôn giáo chính thống.

Từ chiến lược đó của ông, trong lãnh vực chính trị mới xuất hiện phong trào xưng danh "Nước Nga Của Người Nga" hay "Không Nuôi Đất Caucasus". Họ đã xuống đường biểu tình từ năm 2011 và tuần qua đã tuần hành trên đường phố thủ đô Moscow, và được cảnh sát bảo vệ. Cũng từ chiến lược của Putin, trong lãnh vực tôn giáo đã xuất hiện các lực lượng chính thống nhất, cực đoan nhất. Thí dụ như "Lữ đoàn Chính thống" đã thành hình và đi tuần tra đường phố để bảo vệ người Nga theo Chính thống giáo chống lại dân Hồi giáo.

Thực tế về di dân, quyền lợi kinh tế và chính nghĩa dân tộc hay tôn giáo mới dẫn đến những vụ biểu tình chống đối và bạo lực nhắm vào người Hồi giáo và di dân. Thí dụ như hôm 13 tháng trước đã có bạo động trong nhiều ngày sau khi một người Nga bị một di dân gốc Azerbaijan đâm chết tại quận Biryulyovo ở phía Nam Moscow. Một tuần sau, bạo động lan đến St Petersburg. Tại Volvograd, khi một tên khủng bố tự sát người Dagestan làm sáu người thiệt mạng trong một xe buýt thì nhiều nhà nguyện và đền thờ Hồi giáo đã bị đốt. Những trường hợp như vậy xảy ra thường xuyên hơn. Trong ngày Thống Nhất Quốc Gia, một nhóm biểu tình đã giương lên một biểu ngữ rất to là "Đấu Tranh Cho Biryulyovo"!

Nhờ Vladimir Putin và những thay đổi xã hội, người ta tìm ra biểu tượng mới. Nhưng sự bất mãn của người dân không chỉ xuất phát từ lý do sắc tộc hay tôn giáo và nhắm vào di dân hay đạo Hồi. Quần chúng tại Nga còn thất vọng về nhiều chuyện khác nữa. Tình trạng đình trệ kinh tế là một chuyện. Sự bực dọc về sự đình trệ chính trị và nạn độc tài là một chuyện khác.

Trong kỳ tới, Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu tiếp những chuyện đó.

_________________________

Kết luận ở đây là gì?

Khi lãnh đạo nhắm vào mục tiêu chính trị cục bộ và vận dụng tâm lý người dân làm phương tiện củng cố quyền lực, họ có thể là phù thủy dụng âm binh.

Sau 15 năm lãnh đạo nước Nga, ông Vladimir Putin chứng tỏ bản lãnh của một phù thủy cao tay, tuần qua vừa được tờ Forbes của Mỹ bầu là người quyền thế nhất thế giới, hơn cả Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng phù thủy có thể bị âm binh vật chết.

Những chuyển dịch dân số và xã hội khiến rất nhiều lực lượng có thể là âm binh. Một cách bất ngờ. Chúng ta không muốn bị bất ngờ thì lâu lâu lại tham khảo "Hồ Sơ Người-Việt"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét