Diễn đàn Kinh tế
Vẫn chưa chuyển hướng...
Hôm Thứ Ba 12/11, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ ba thuộc khóa
18 của đảng Cộng sản Trung Hoa thông báo việc đẩy mạnh cải cách sâu rộng
hơn cho đến chân trời 2020. Dư luận quốc tế chú ý đến ảnh hưởng của Hội
nghị cho nền kinh tế hạng nhì thế giới và qua đó cho nền kinh tế toàn
cầu. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những quyết định của Hội nghị này.
Cải cách theo hướng nào?
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông,
theo dõi Hội nghị Trung ương kỳ ba của khoá 18 tại Bắc Kinh, ông nhận
xét như thế nào về việc lãnh đạo Trung Quốc thông báo sẽ đẩy mạnh hơn
nữa việc cải cách trong những năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như chúng ta nhiều lần trình bày trên diễn
đàn này, Hội nghị Trung ương kỷ ba thuộc khóa 18 của đảng Cộng sản Trung
Hoa có tầm quan trọng đặc biệt nên được dư luận quốc tế chú ý. Lý do
là, thứ nhất, sau hội nghị vào Tháng 11 năm ngoái và Tháng Hai vừa qua,
với trọng tâm phân bố trách nhiệm của tầng lớp lãnh đạo mới, đây là hội
nghị đầu tiên của thế hệ mới nhằm đề ra nhiệm vụ và phương hướng lãnh
đạo Trung Quốc trong mươi năm tới. Thứ hai là Trung Quốc đang ở vào giai
đoạn khó khăn và phải chuyển hướng sau 10 năm lãnh đạo của thế hệ
trước, qua hai Đại hội 16 và 17, mà không cải sửa được nhiều nhược điểm
trong cơ chế kinh tế và chính trị, nhất là chính trị. Thứ ba là khi họ
muốn chuyển thì hoàn cảnh kinh tế toàn cầu lại có nhiều thay đổi từ
những biến động thời 2008-2009, và những thay đổi này còn gây thêm trở
ngại cho việc chuyển hướng của Trung Quốc. Tuy nhiên mặc dù như vậy,
hiện nay vẫn còn quá sớm để ta có thể đánh giá được chiều hướng cải cách
của lãnh đạo xứ này.
Vũ Hoàng: Các hãng thông tấn quốc tế đều nói đến quyết định
đẩy mạnh cải cách từ Hội nghị Ba, thí dụ như vận dụng quy luật thị
trường nhiều hơn, hoặc cho tư nhân đầu tư vào hệ thống doanh nghiệp nhà
nước chẳng hạn. Ông nghĩ sao mà cho là vẫn còn quá sớm để đánh giá nỗ
lực cải cách của họ?
TQ đang ở vào giai đoạn khó khăn và phải chuyển hướng sau 10 năm lãnh đạo của thế hệ trước, qua hai Đại hội 16 và 17, mà không cải sửa được nhiều nhược điểm. Ô. Nguyển-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được trình bày lại bối cảnh như thế này để ta hiểu rõ hơn tiến trình quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Sau khi được Đại hội 18 bầu lên cuối năm ngoái, tầng lớp lãnh đạo
mới, những người được gọi là thế hệ thứ năm, đã mất nhiều tháng tìm hiểu
và vận động bên trong Bộ Chính trị gồm 25 người để đạt thỏa thuận căn
bản về những việc phải làm trong thời gian tới, ít ra là cho đến Đại hội
19. Nhưng trong tiến trình đề cử tầng lớp lãnh đạo mới, lớp người lãnh
đạo cũ, thuộc thế hệ thứ tư như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, hoặc thậm chí
thế hệ thứ ba như Giang Trạch Dân, vẫn có tiếng nói và ảnh hưởng về cả
nhân sự lẫn đường lối vì đằng sau họ là các Trung ương Ủy viên cùng phe
cánh, quyền lợi và lối nhận thức. Khi chuẩn bị Hội nghị kỳ Ba vừa qua,
thế hệ lãnh đạo mới cần có sự nhất trí của mọi thành phần đó. Sau đấy họ
mới triệu tập Hội nghị, kỳ này có 204 Trung ương Ủy viên và 169 người
dự khuyết, để 373 người cùng vỗ tay tán đồng. Vì vậy, những gì được
chính thức thông báo là một tập hợp của nhiều khẩu hiệu được tán đồng,
tương tự như một Nghị quyết của Trung ương đảng, bên trong có những gì
mà ngần ấy phe phái đều muốn.
- Qua bản thông báo hơn năm ngàn chữ bằng tiếng Hoa, ta đọc ra một mớ
hổ lốn đủ loại ý kiến cao đẹp, nhiều khi trùng lập. Sau đó, từng phe
nhóm hay cơ quan bộ phận ở dưới mới nhấn mạnh đến những gì họ muốn thực
hiện và nhân danh lãnh đạo coi đó là mệnh lệnh mà thuộc cấp phải thi
hành. Khi thi hành thì vẫn là để đạt mục tiêu riêng mà họ có nhiệm vụ
hoàn thành với thượng cấp cùng phe ở trên.
- Nói cụ thể thì từ một Nghị quyết đầy khẩu hiệu, các cấp bộ còn phải
phân giải ra kế hoạch và chương trình sẽ áp dụng trong tương lai. Với hệ
thống lãnh đạo phức tạp của một quốc gia quá lớn, việc thi hành này sẽ
mất nhiều năm và thể hiện qua nhiều việc đấu tranh trong thực tế. Bây
giờ, trong số khẩu hiệu, các nhà quan sát ở ngoài mới tùy cảm quan hay
nhận định mà tóm lược và đánh giá rằng lãnh đạo Trung Quốc sẽ cải cách
việc này hay thúc đẩy việc kia.
Vũ Hoàng: Hình như là ông không mấy lạc quan về triển vọng cải cách như đã được Bắc Kinh thông báo ra ngoài?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là ta hãy khởi sự từ đầu. Lãnh đạo
Bắc Kinh vừa thông báo là sẽ cải thiện và phát triển "Xã hội chủ nghĩa
với màu sắc Trung Hoa". Họ giương cao lá cờ đó với một chuỗi thần chú
quen thuộc là Chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý thuyết
Đặng Tiểu Bình và Lý luận về "Ba đại biểu".
Vũ Hoàng: Xin ông cho hỏi ngay một câu, lý luận về "Ba đại biểu" đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là năm 2000, ông Giang Trạch Dân bày
ra vụ đảng Cộng sản là đại biểu của các phương tiện sản xuất tiên tiến,
của nền văn hóa kỹ thuật tiên tiến và đại biều của quyền lợi cơ bản của
đa số quần chúng nhân dân. Từ đó qua Đại hội 16 vào năm 2002, thuyết ba
đại biểu này được nâng lên trình độ tam cương ngũ thường của đảng và còn
tồn tại đến bây giờ. Nếu so sánh thì việc "xây dựng xã hội hài hòa", là
phần cống hiến của Hồ Cẩm Đào, lại không lên tới vị trí đó dù có được
nhắc tới bên trong văn bản, và mặc dù tính chất bất công và thiếu hài
hòa xã hội đang là một vấn đề nguy ngập cấp bách.
"Thâm hóa Cải cách"
Vũ Hoàng: Thưa ông, bây giờ thì người ta đọc thấy những gì về chủ trương kinh tế của Hội nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là về kinh tế thì ta có thể chú ý đến
tinh thần họ gọi là "Thâm hóa Cải cách", là đẩy mạnh cải cách một cách
sâu rộng và toàn diện, tức là có tầm quan trọng hơn. Song song thì cũng
cho thị trường một vai trò họ gọi là "quyết định", hơn là cơ bản như
trước đây. Nhưng đi vào thực tế thì đấy là một mâu thuẫn
- Chỉ vì khu vực kinh tế nhà nước và các tập đoàn quốc doanh vẫn giữ
vai trò chính yếu, tức là chưa có chuyện cải cách doanh nghiệp nhà nước
một cách triệt để như người ta chờ đợi. Lý luận ở đây là tư nhân chỉ là
một thành phần của nền kinh tế gọi là thị trường xã hội chủ nghĩa thôi.
Từ đó, mình phải suy ra cái lực cản còn rất mạnh của các Trung ương Ủy
viên đang quản lý hệ thống doanh nghiệp nhà nước có quá nhiều đặc quyền
và đặc lợi,
Khu vực kinh tế nhà nước và các tập đoàn quốc doanh vẫn giữ vai trò chính yếu, tức là chưa có chuyện cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách triệt để như người ta chờ đợi. - Ô. Nguyển-Xuân Nghĩa
- Chuyện thứ hai là Hội nghị có đề ra yêu cầu là cho nông dân nhiều
quyền hạn hơn về sở hữu đất đai, trong mục tiêu cân bằng lại vị trí của
nông thôn và thành thị và giải quyết bài toán ngân sách của công quyền.
Ta biết rằng đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu tập thể và thực tế là do cấp
chính quyền địa phương quyết định về phân phối và đem lại 40% số thu
cho ngân sách, nhưng cũng vì vậy mà có sự lạm dụng, tham nhũng và gây
bất mãn cho dân chúng. Bây giờ, Hội nghị nói đến việc mở rộng quyền hạn
cho nông dân thì đấy là một điều tiến bộ nhưng thật ra vẫn còn tùy thuộc
vào việc chấp hành trong tương lai để lo cho ngân sách địa phương.
- Chuyện thứ ba đáng chú ý là Hội nghị này không nhắc đến yêu cầu cải
cách chế độ hộ khẩu là điều cực kỳ quan trọng về cả kinh tế lẫn xã hội
và thực tế là một trở ngại chi tiến trình đô thị hóa và hiện đại hóa đất
nước.
Vũ Hoàng: Xuyên qua những gì mới được thông báo, ông có thấy một chi tiết hay chiều hướng nào là tích cực hay khả quan hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngoài hồ sơ đất đai có vẻ được nới lỏng một
chút, tôi nghĩ là lãnh đạo Bắc Kinh có nhấn mạnh đến một yêu cầu xây
dựng môi trường sinh thái văn minh, nghĩa là họ có thấy ra tai họa của
nạn ô nhiễm môi sinh. Đấy là một điểm tích cực về tư duy, nhưng vẫn còn
tùy vào sự thi hành sau này.
Vũ Hoàng: Nếu chỉ nhìn vào những gì mới được thông báo thì
ông cho rằng Trung Quốc đã thực sự chuyển hướng hay chưa và sẽ còn phải
giải quyết những vấn đề gì khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng lãnh đạo xứ này chưa thật sự chuyển hướng.
- Dù nói đến yêu cầu đẩy mạnh cải cách thì họ vẫn tự giới hạn trong
vòng tam cương ngũ thường của họ là phát triển xã hội chủ nghĩa với màu
sắc Trung Hoa, dưới quyền lãnh đạo của đảng, theo ánh sáng của Chủ nghĩa
Mác-Lênin, Tư Tưởng Mao Trạch Đông, Lý thuyết Đặng Tiểu Bình, v.v....
Nghị quyết này đã nhiều lần nhắc tới điều ấy nên đấy mới là giới hạn
thật của cải cách.
- Trong khi đó và để trả lời câu hỏi nhiều người nêu ra, chúng ta biết
Trung Quốc đang gặp những thách đố không được thấy đề cập trong Hội nghị
này. Thứ nhất là họ phải tìm ra mô hình phát triển khác hơn là cứ tập
trung vào đầu tư rất mạnh, tức là sẽ gặp mức tăng trưởng thấp hơn và
phải nâng cao khả năng tiêu thụ của các hộ gia đình. Thứ hai, sau 35 năm
tăng trưởng ngoạn mục như Hội nghị đã nhấn mạnh, họ đang phải đối phó
với một thực tế và cũng là thành quả của tăng trưởng, là phí tổn về nhân
công sẽ tăng vì lương bổng và kinh tế Trung Quốc mất lợi thế dân số
đông, có công nhân nhiều và rẻ. Đấy là điều Việt Nam nên theo dõi vì mở
ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế nếu sớm thoát ra khỏi những bài toán
mà Trung Quốc đang gặp.
Vũ Hoàng: Ngoài hai vấn đề ông vừa nêu ra thì Trung Quốc còn gặp nhưng thách thức gì khác?
Nguyển-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến quan hệ giữa kinh tế và chính trị và đấy là bài toán thứ ba.
- Lãnh đạo cứ loay hoay giữa hai yêu cầu trái ngược là phải cải cách
nếu không thì gặp loạn, nhưng lại sợ rằng chính việc cải cách đó lại
càng dễ gây loạn. Từ năm ngoái rồi, họ ý thức được một vấn đề là sau khi
cải cách kinh tế và phần nào cải tiến mức sống của người dân, chế độ
mới càng dễ sụp đổ. Nếu không làm gì như Liên bang Xô viết thì chế độ sẽ
tự tan rã vì tình trạng đình trệ kinh tế, nhưng nếu cải cách thì vẫn bị
rủi ro chính trị vì người dân đòi hỏi nhiều hơn. Những rủi ro ấy mới
khiến họ không thảo nổi cái vòng kin cô ở trên đầu.
- Sau cùng, tất cả ưu thế của xứ này trong hơn 30 năm qua thật ra nằm
trong dân số rất đông. Thế rồi với kế hoạch "mỗi hộ một con" để kiểm
soát sinh đẻ thì dân số đã hết tăng mà bắt đầu giảm, đi cùng nạn lão hóa
và gánh nặng an sinh. Ưu thế dân số đang chấm dứt và sẽ kết thúc vai
trò hãng xưởng toàn cầu của kinh tế Trung Quốc. Khi đó, họ phải tìm ra
ưu thế khác, như khả năng sáng tạo của một hệ thống nhân lực có năng
suất cao hơn để tiến lên trình độ sản xuất tiên tiến.
- Nhưng vì hệ thống văn hoá và chính trị xứ này không chấp nhận quyền
phê phán, ít ra là quyền đặt lại vấn đề, cho nên Trung Quốc có thể làm
ra nhiều sản phẩm mà chẳng phát minh ra cái gì. Các phần tử ưu tú của xứ
này không có khả năng sáng tạo để tìm ra sản phẩm mới và cách sản xuất
cao hơn. Sáng kiến của họ tập trung vào việc bắt chước và bóc lột nên
kinh tế quốc dân chưa thể lên tới trình độ của các nước giàu có. Việt
Nam nên ghi nhận kinh nghiệm này để sớm thoát ra ngoài.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã tóm lược kết quả sơ khởi của Hội nghị Trung ương tại Trung Quốc.
______________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét