Thứ Sáu, tháng 11 08, 2013

Trung Á Và Sự Triệt Thoái Của Hoa Kỳ



Hùng Tâm / Người Việt 121002

Những Khoảng Trống Đáng Lo Khi Hoa Kỳ Rút Khỏi A Phú Hãn....


* Lính sơn cước Mỹ tại Afghanistan - Ảnh của báo Telegraph Anh *


Sau khi triệt thoái khỏi Iraq, Hoa Kỳ đang chuẩn bị thả nổi Afghanistan. Khoảng trống để lại là nhiều bài toán về sắc tộc, tôn giáo, chính trị và an ninh cho các nước lân bang, từ Pakistan tới Uzbekistan qua Tajikistan hay cả Kyrgyzstan. Nhưng bên kia rặng Thiên San còn có Trung Quốc.... Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu riêng về những động thái của xứ này tại một khu vực hiểm trở, giàu tài nguyên mà cũng có lắm vấn đề sẽ dội vào Tân Cương.... Bài viết ngắn kỳ này khởi đầu với một bối cảnh chung để sẽ tiếp tục trong nhiều kỳ tới.


Sau vụ khủng bố ngày 11 Tháng Chín năm 2001, mùng 10 Tháng 10, Hoa Kỳ mở chiến dịch tấn công Afghanistan, (xin viết là A Phú Hãn vì chữ Afghanistan quá dài có thể làm lệch cột báo). Mục tiêu là để tiêu diệt lực lượng khủng bố Al Qaeda. Mà muốn vậy thì phải lật đổ chế độ Taliban đã chứa chấp khủng bố. Chiến dịch đó đảo lộn cục diện Trung Á với ảnh hưởng lan rộng xuống khu vực Nam Á của Pakistan và Ấn Độ và dội vào biên giới Trung Quốc.

Trong chiến dịch này, Hoa Kỳ tìm sự hợp tác công khai của Liên bang Nga để mượn đường vào A Phú Hãn qua các nước Cộng hoà Trung Á trong vùng ảnh hưởng của Nga, như Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan. Hoa Kỳ cũng có sự hợp tác ngấm ngầm của Iran vì góp phần tiêu diệt lực lượng Hồi giáo quá khích thuộc hệ phái Sunni đối nghịch với hệ phái Shia của Cộng hoà Hồi giáo Iran. Khi chiến dịch mở rộng, Bắc Kinh mới thầm lo vì quân lực Hoa Kỳ vào đến tận Tân Cương, khu vực biên trấn của Trung Quốc.

Thời ấy, nhiều nhà bình luận cho rằng khủng bố chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ bành trướng ảnh hưởng vào Trung Á và canh chừng sân sau của Trung Quốc. Ngày nay, Chính quyền Barack Obama nhất quyết triệt thoái khỏi A Phú Hãn trong hạn kỳ là cuối năm 2014. Khi ấy, tình hình Trung Á sẽ ra sao?


Trung Á Hoang Vu Đầy Nhiễu Loạn


Mọi sự khởi đầu từ năm.... 1904 khi hai đế chế lớn của Âu Châu cùng tiến vào Trung Á, là Đế quốc Nga và Đế quốc Anh.

Địa bàn tranh chấp chính là A Phú Hãn, vùng biên ngoại của Nga mà tiếp cận với thuộc địa Ấn Độ của Anh. Chung quanh A Phú Hãn, cõi hoang vu mà cũng là vùng trái độn của hai đế quốc Âu Châu, lại có nhiều nước Trung Á cùng gọi tên là "stan", có nghĩa là "đất của". Xin hãy nhớ lại: Pakistan, Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan. Mẫu số chung của khu vực là đạo Hồi, nhưng sức ly tâm là tính chất sắc tộc hay bộ lạc biệt lập của dân Pashtun, Tajik, Hazaras, Uzbek, Turkmen. v.v....

Khi Liên bang Xô viết lên thay Đế quốc Nga, khu vực này bị khóa và A Phú Hãn nằm ngoài khối Cộng hoà Trung Á của quỹ đạo Xô viết, là năm nước cùng họ "stan" là Turkmenistan, Tajikistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan. Gần bảy chục năm sau, trước khi tàn lụi và tan rã, Liên Xô mới tiến vào Aghanistan, bị sa lầy và vừa rút chân ra năm 1989 thì bắt đầu sụp đổ. Trong sự sụp đổ này, Hoa Kỳ thời Jimmy Carter có góp phần vì yểm trợ cho lực lượng kháng chiến chống Liên Xô. Nhưng cũng từ lực lượng này mới phát sinh nhóm khủng bố Al-Qaeda.

Khi Liên Xô tháo chạy khỏi A Phú Hãn, và chính quyền thân Nga thân Cộng của Moscow bị phân hoá và tan rã tại thủ đô Kabul, một lực lượng Hồi giáo quá khích đã thành hình từ phía Nam và bành trướng ảnh hưởng lên mạn Bắc để cướp chính quyền và cai trị xứ này, đó là Taliban, ban đầu chỉ có nghĩa là "sinh viên". Chế độ Taliban không kiểm soát được cả lãnh thổ và gặp sự chống đối của các thị tộc ở miền Bắc, đằng sau là nhiều lực lượng Tajik, Uzbek hay Turkmen.

Khi Hoa Kỳ vào A Phú Hãn thì đã được Liên bang Nga yểm trợ vì muốn mượn tay nước Mỹ lật đổ chế độ Taliban ở Kabul và khoanh vùng kiểm soát các lực lượng hay sắc tộc Trung Á muốn đòi ly khai để tự trị, tức là muốn bào mỏng vùng ảnh hưởng của Nga.

Ngày nay, Hoa Kỳ bán cái ở Trung Á và còn có thể thỏa hiệp với lực lượng Taliban để rút lui trong danh dự. Ngần ấy quốc gia lân bang của A Phú Hãn đều bị chấn động.


A Phú Hãn và Ngũ Hổ Lân Bang


Bị chấn động trước tiên là Pakistan vì có một tụ bài mà muốn đánh hai cửa.

Pakistan vừa muốn yểm trợ lực lượng Taliban tại A Phú Hãn để mở rộng ảnh hưởng của mình vào Kabul, vừa phải ngăn chặn lực lượng Taliban trong lãnh thổ của mình. Nếu Hoa Kỳ dàn xếp được chuyện hòa giải hòa hợp tại A Phú Hãn, thì lực lượng Taliban sẽ trở lại Kabul và là sức hút cho các đơn vị "dân quân Taliban" tại A Phú Hãn lui về giải pháp chính trị. Chỉ một mô tả đó, chúng ta đã thấy những biến hóa nhức tim về đòn phép chính trị với Pakistan.

Mà Pakistan lại liên hệ đến Ấn Độ nên mới giải thích vì sao Chính quyền New Dehli ra sức ủng hộ Tổng thống Hamid Karzai và các lực lượng A Phú Hãn có thể giảm thiểu ảnh hưởng của Taliban. Điều ấy khiến cho các nhà bình luận của chúng ta nên theo dõi giải pháp "zero option" mà Hoa Kỳ đang dàn xếp với chính quyền Karzai.

Khi liên quân quốc tế của Mỹ và NATO triệt thoái khỏi A Phú Hãn thì Hoa Kỳ có để lại một số "đơn vị huấn luyện" cho quân lực A Phú Hãn hay sẽ rút sạch?

Nếu còn mấy đơn vị này thì ít ra còn có trọng tài để thổi còi hay nổ súng khi hữu sự. Nếu không, quân Taliban sẽ thắng lớn và sau khi Tổng thống Karzai mãn nhiệm vào năm tới, lãnh đạo A Phú Hãn sẽ là một khuôn mặt mới của chế độ Taliban cũ.

Ngoài Pakistan và Ấn Độ, A Phú Hãn còn tiếp cận với nhiều mối nguy khác.

Truyền thông nặng tính thông ngôn của chúng ta ít phân biệt hai hiện tượng Muslim và Islamist. 

"Muslim" là những cộng đồng theo đạo Hồi, trải rộng từ Bắc Phi qua Trung Đông, Trung Á đến Đông Nam Á. Đa số của thành phần này là những người ngoan đạo nhưng không đồng ý với phương pháp khủng bố. Còn "Islamist" là người theo chủ nghĩa cực đoan quá khích, rằng Hồi giáo mới là chính giáo, ưu việt, các tôn giáo khác đều là dị giáo, tà đạo đáng tiêu diệt. Từ chủ nghĩa Duy Hồi giáo này mới sinh ra các lực lượng áp dụng phương pháp khủng bố để giương danh đạo Hồi và tiến dần đến Đại vương quốc Hồi giáo toàn cầu được cai trị bằng giáo luật Sharia.

Từ khi Liên Xô tháo chạy, khu vực Trung Á là cái nôi của chủ nghĩa Hồi giáo Islamism nổi lên tranh đấu võ trang với các xu hướng khác. Các xu hướng này có thể đề cao chủ nghĩa ái quốc của từng sắc tộc, hoặc việc xây dựng chế độ chính trị theo thế quyền thay vì thần quyền như chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, mà trong khuynh hướng thế quyền secular còn có những nhóm đấu tranh cho một chế độ xã hội chủ nghĩa học từ Liên Xô. Và trong xu hướng đề cao sắc tộc riêng còn có những lực lượng đòi giành quyền độc lập với Liên bang Nga và những lực lượng muốn đưa quốc gia vào quỹ đạo Nga. 

Đáng chú ý nhất là những người muốn xây dựng chính quyền dân chủ theo quy ước thông thường của Tây phương.
Họ là thiểu số, đã lưu vong trong thời chinh chiến và tiếp nhận những ưu điểm của nền dân chủ. Họ còn là thiểu số vì cả khu vực này chưa có ý niệm rõ rệt về quốc gia, bao trùm lên nhiều sắc tộc hay hệ phái tôn giáo. 

Ba nước tiếp giáp với mạn Bắc của A Phú Hãn đang có ngần ấy vấn đề và dị biệt ở bên trong. Đó là Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan.

Khi Hoa Kỳ rút lui, các lực lượng đối nghịch này đều sẽ tung hoành trong khoảng trống A Phú Hãn và được hay bị Liên bang Nga yểm trợ hay kiểm soát ở đằng sau.

Đây là tấm ảnh nhỏ của bối cảnh rộng lớn, trong đó, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu thêm về bài toán của Trung Quốc.

_______________

Giới Thiệu: Thời sự dồn dập hàng ngày trên cả địa cầu có thể giúp chúng ta biết được là chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao.... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Đó là mục "Hồ Sơ Người-Việt", xuất hiện Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét