Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140827
Diễn đàn Kinh tế
Định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn tới sự xuất hiện của các đại gia có quyền vay tiền làm bậy
Hôm 19 Tháng Tám, nhà báo Elizabeth Rosen tại Hà Nội có một bài dài
hơn hai nghìn chữ trên tờ The Diplomat về các khoản nợ xấu của Việt Nam
mà bà gọi là "trái bom nổ chậm". Tháng Bảy trước đó, Ngân hàng Thế giới
có báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam với lời cảnh báo về dị biệt lợi
tức đang đào sâu trong thực tế lẫn trong nhận thức của người dân. Diễn
đàn Kinh tế tổng hợp các vấn đề này qua phần phân ích của chuyên gia
kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Nhiều rủi ro kinh tế xã hội
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, tuần qua dư
luận quốc tế có chú ý đến lời báo động của một nhà báo ngoại quốc tại Hà
Nội về một quả bom nổ chậm là các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng
tại Việt Nam. Theo bài báo của bà Elizabeth Rosen được đăng trên tờ The
Diplomat về quan hệ quốc tế tại Á châu Thái bình dương, thì khoản nợ xấu
sẽ mất có thể hơn gấp đôi con số chính thức và nhà cầm quyền Hà Nội vẫn
trì hoãn giải quyết vì phải cải sửa toàn bộ cơ cấu kinh tế. Theo dõi
tình hình kinh tế Việt Nam, ông có nhận xét gì về lời cảnh báo này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là Việt Nam không chỉ có một trái
bom nổ chậm là các khoản nợ không sinh lời và sẽ mất, mà còn gặp nhiều
rủi ro kinh tế xã hội khác nữa. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về chuyện
này, trước tiên về sự kiện vì sao Việt Nam lại chất lên một núi nợ sẽ
sụp, và khi đó ta liên hệ đến trường hợp tương tự mà diễn đàn này cứ
nhắc tới là kinh tế Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Thưa ông, nếu vậy ta sẽ khởi đi từ đó, từ những
nguyên nhân chung có thể dẫn tới hậu quả là sự sụp đổ tài chính. Xin ông
bắt đầu trình bày cho bối cảnh.
Tôi cho là Việt Nam không chỉ có một trái bom nổ chậm là các khoản nợ không sinh lời và sẽ mất, mà còn gặp nhiều rủi ro kinh tế xã hội khác nữa. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ Tháng Chín này cũng đánh dấu
một vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ từ Hoa Kỳ khiến kinh tế thế giới bị
nạn Tổng suy trầm khiến các Chính quyền Trung Quốc và Việt Nam ào ạt
bơm tiền để kích thích sản xuất và từ đó chất lên một núi nợ.
- Tại Hoa Kỳ, thị trường gia cư có năm năm tăng vọt và tạo ra sự lạc
quan hồ hởi và bong bóng đầu cơ rồi dẫn đến khủng hoảng khi bóng bể vào
năm 2007. Lúc ban đầu, người ta cho là các khoản nợ sẽ mất có thể lên
tới 500 tỷ đô la. So với một nền kinh tế có sản lượng hơn 15 nghìn tỷ
thì khoản tiền bị mất chỉ lên tới 3% và nước Mỹ thừa sức vượt qua sóng
gió như đã từng gặp sau vụ khủng hoảng các quỹ tiết kiệm và tín dụng vào
quãng 1990. Thực tế lại không lạc quan như vậy vì tác dụng dây chuyền
của cả một chuỗi đổ vỡ lây lan ra các lĩnh vực khác. Ta nên nhớ lại
chuyện ấy để thấy rằng khi sóng gió nổi lên thì hậu quả sẽ tai hại gấp
bội.
Vũ Hoàng: Thưa ông, từ một nền kinh tế cứ tưởng như giàu
mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ mà nhìn qua Trung Quốc và Việt Nam thì ta
có thể rút tỉa được bài học gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trở lại hình ảnh của nền kinh tế uống
sâm mà đạp xe cho mạnh để cỗ xe khỏi đổ. Khi kinh tế thế giới bị Tổng
suy trầm vào các năm 2008 và 2009, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có biện
pháp kích thích như cho uống sâm. Nhưng vì cơ chế kinh tế chính trị của
hai xứ này, luồng tín dụng được ào ạt bơm ra lại trước tiên trút vào
khu vực doanh nghiệp nhà nước và tay chân của đảng viên cán bộ. Nền kinh
tế gọi là "tư bản nhà nước", do nhà nước điều tiết và kiểm soát, mới
dẫn tới hiện tượng ta gọi là "tư bản thân tộc" hay crony capitalism, là thân tộc của đảng viên cán bộ dễ vay tiền với điều kiện ưu đãi do chính sách tín dụng nhà nước.
- Nhờ ưu thế đó, họ có tiền nhiều và rẻ hơn so với điều kiện chung của
thị trường và đưa luồng tài nguyên ấy từ nghiệp vụ đầu tư qua đầu cơ để
kiếm lời thật nhiều và thật nhanh rồi thổi lên bong bóng. Đấy là cái nạn
"ỷ thế làm liều" mà bất kể tới rủi ro. Các khoản tín dụng vay mượn này
bao gồm nhiều nghiệp vụ có giá trị kinh tế rất thấp mà vẫn cứ được bút
ghi là nâng cao sản lượng và thực tế trở thành những trái bom nổ chậm.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp loại vừa và nhỏ của tư nhân lại khó vay
được tiền nếu không có quan hệ với các đại gia hay thân tộc và phải trả
tiền lãi rất cao trên thị trường chui nên cũng gặp nguy cơ vỡ nợ.
Vũ Hoàng: Như vậy, thưa ông phải chăng Việt Nam trì hoãn
giải quyết bài toán nợ nần này vì các doanh nghiệp mắc nợ nhiều nhất và
bị rủi ro nhất lại liên hệ tới hệ thống kinh tế nhà nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là trong hiện tượng này, chúng ta có hai loại vấn đề.
- Thứ nhất là quyết định tài trợ thuộc diện chính sách như nước cứ chảy
vào chỗ trũng và gây úng thủy, tức là tài nguyên phân phối không đúng
chỗ, thí dụ như các tập đoàn kinh tế nhà nước được tự tiện lập ra công
ty vệ tinh và thực hiện các dự án có tính chất đầu cơ không thuộc về mục
tiêu nguyên thủy, thí dụ diển hình là đầu cơ về gia cư địa ốc, tức là
bất động sản. Muốn hạn chế và kiểm soát các khoản tín dụng đầy rủi ro
này thì Việt Nam phải tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước, và triệt
hạ các thế lực kinh tế ăn bám vào bộ máy nhà nước, Đây là điều rất khó,
nên người ta mới trì hoãn việc cải danh và bố trí lại các khoản nợ của
ngân hàng.
- Vấn đề thứ hai xuất phát từ hệ thống quản lý ấy là nạn thông tin
thiếu minh bạch và trong sáng. Một phần là vì trình độ nghiệp vụ thấp
của ngân hàng nên khó thẩm lượng được rủi ro tín dụng, nhưng phần chính
là ý đồ ngụy trang số sách để có bảng kết toán không xác thực. Các ngân
hàng có thể định giá lại tài sản thế chấp hoặc đảo các khoản nợ đáo hạn
mà chưa trả được thành khoản nợ mới và nhờ vậy mà hạ thấp mức nợ xấu khó
đòi và sẽ mất. Trình độ nghiệp vụ thấp và ý đồ ngụy trang cao đã mặc
nhiên tạo ra nạn tham nhũng có lợi cho tay chân nhà nước.
Chưa phân biệt được đầu tư với đầu cơ
Vũ Hoàng: Ngoài hai loại vấn đề kết tụ vào nạn tham nhũng và tư bản thân tộc, ông còn thấy những nguyên do gì khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Doanh giới nói chung, cả công lẫn tư, vẫn
chưa phân biệt được đầu tư với đầu cơ và dễ có phan ứng đầu cơ, tức là
lấy rủi ro lớn mà không lường được hậu quả. Tinh thần chủ quan của hệ
thống quản lý nhà nước lại nuôi dưỡng tinh thần đầu cơ ngắn hạn đó nên
càng tích lũy thêm rủi ro mà lại tính không ra nên sẽ bị hậu quả bất
lường.
- Nguyên do thứ hai là, như Trung Quốc, thị trường tài chính tại Việt
Nam còn quá thô thiển, thiếu các phương tiện huy động vốn tinh vi hơn,
cho nên mọi người đều phải lao vào thị trường tín dụng của ngân hàng và
chất lên một núi nợ sẽ ụp mà Công ty Quản lý Tài sản của càc Tổ chức Tín
dụng VAMC không thể đỡ nổi.
Vũ Hoàng: Có lẽ thính giả của chúng ta hiểu vì sao mà ông
nhắc tới khoản nợ xấu của Mỹ được ước lượng là lên tới 500 tỷ đô la mà
sau cùng lại cao gấp bội khiến một tập đoàn đầu tư như Lehman Brothers
có tài sản hơn 600 tỷ mà cũng vỡ nợ và kéo theo nhiều công ty khác của
Hoa Kỳ vào năm 2008. Bây giờ ta bước qua những rủi ro kinh tế xã hội
khác mà ông đã nói hồi nãy. Thưa ông, đấy là gì?
Doanh giới nói chung, cả công lẫn tư, vẫn chưa phân biệt được đầu tư với đầu cơ và dễ có phan ứng đầu cơ, tức là lấy rủi ro lớn mà không lường được hậu quả. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước tiên, ta cần nhớ tới bối cảnh quốc tế
còn quá nhiều rủi ro từ kinh tế đến an ninh khiến đà tăng trưởng toàn
cầu có thể giảm trong năm nay và qua năm tới. Hậu quả sẽ là làn gió
ngược làm giảm mức đầu tư và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
- Thứ hai, riêng tại khu vực Đông Á là nơi có tốc độ tăng trưởng cao
nhất, tình hình cũng kém khả quan khi kinh tế Trung Quốc sẽ trì trệ và
nếu Hoa Kỳ giảm dần mức độ bơm tiền kích thích kinh tế. Hậu quả có thể
là những biến động tài chính khá đột ngột và sự giảm sút của lượng nhập
khẩu khiến Việt Nam gặp thêm khó khăn khi cần bán hàng ra ngoài.
- Chuyện thứ ba, ở bên trong Việt Nam, ta nên để ý tới mặt trái của
một tin vui là đà lạm phát có thể hạ. Mặt trái đó là số cầu nội địa đã
giảm và còn có thể giảm nữa. Điều ấy có nghĩa là mức sống của người dân
bị nghèo đi và rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp có thể tăng, với hậu
quả còn dội ngược vào núi nợ xấu của các ngân hàng.
- Cũng bên trong Việt Nam, tình hình công chi thu của khu vực công
quyền, nôm na là ngân sách nhà nước, có thể bị thiếu hụt nặng hơn 5%,
cao hơn chỉ tiêu của nhà nước. Lý do chính là nguồn thu về thuế khoá có
giảm khi các doanh nghiệp bị lỗ lã. Trong vài tháng tới, ta sẽ xem giới
lãnh đạo kinh tế của Việt Nam xử trí thế nào khi Quốc hội thảo luận về
Dự luật Ngân sách.
Vũ Hoàng: Sau cùng, thưa ông, trong báo cáo về tình hình
kinh tế Việt Nam vừa được công bố tháng trước, Ngân hàng Thế giới dành
nhiều trang cho một vấn đề là nạn dị biệt về lợi tức. Ông nghĩ sao về
chuyện này, liệu đấy có là một quả bom nổ chậm khác như ông nói hay
chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta thường có một ẩn dụ là khi thủy
triều dâng thì cũng nâng mọi con thuyền lớn nhỏ, nghĩa là khi kinh tế có
tăng trưởng thì giàu nghèo gì cũng đều được hưởng. Sự thật lại chẳng
như vậy, riêng với Việt Nam thì lại tệ hơn vậy nên phúc trình của Ngân
hàng Thế giới mới có lời cảnh báo.
- Nếu so với thời trước thì quả thật là mức sống dân cư của Việt Nam
nói chung đã có cải tiến từ hai chục năm nay khi Việt Nam du nhập quy
luật tự do của thị trường và từ bỏ con đường tập trung quản lý bằng kế
hoạch nhà nước. Nhưng, nhận thức hay ấn tượng của người dân nay cũng đổi
khác. Đa số đến 80% cư dân ở thành phố đang cho là khoảng dị biệt giàu
nghèo đã đào sâu và đây là một nghịch lý của một chế độ tự xưng là theo
"định hướng xã hội chủ nghĩa".
- Chúng ta có thể giải thích điều này ở lý do kinh tế vừa nói hồi nãy
là người ta ít phân biệt đầu tư với đầu cơ. Nhưng lý do chính là tại
thành phố, người ta chứng kiến trước mắt một lối sống xa hoa tới lố bịch
của một thiểu số làm giàu rất nhanh nhờ quan hệ với hệ thống nhà nước.
Cái định hướng xã hội chủ nghĩa do nhà nước đề ra chỉ dẫn tới sự xuất
hiện của các đại gia, và đây là một quả bom nổ chậm về xã hội vì dẫn tới
sự bất mãn của đám đông.
- Ra khỏi thành phố thì tình hình nông thôn lại còn bi đát hơn. Đa số
dân cư ở nông thôn chưa có điều kiện sinh hoạt tối thiểu, với những yêu
cầu căn bản về gia cư, y tế và giáo dục. Ở nhiều tỉnh miền Bắc hay miền
Trung, cuộc sống của người dân thật ra chưa có cải thiện và dị biệt về
lợi tức lẫn nhận thức đang trở thành một vấn đề chính trị, chẳng khác gì
Trung Quốc là nơi có hơn trăm triệu người chưa kiếm nổi vài đô la một
ngày.
- Vấn đề nhận thức này dẫn tới một nghịch lý là người dân mong nhà nước
sẽ là giải pháp cứu vãn với biện pháp tái phân phối lợi tức cho dân
nghèo, nhưng lại thấy nhà nước chỉ giúp cho một thiểu số làm giào rất
nhanh. Vì vậy, nhà nước không là giải pháp mà là thủ phạm và nguyên do
căn bản nhất vẫn là sự chuyên quyền của nhà nước thiếu dân chủ, nó trở
thành công cụ bóc lột của thiểu số.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lời cảnh báo này.
_________________________
Với hiện trạng kinh tế và xã hội Việt Nam đương thời, người ta có thể nhìn lại Liên bang Xô Viết và Đông Âu những năm đầu thập niên 90 của thê kỷ 20 và có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho đất nứơc Việt Nam sau những đêm dài bị cai trị bởi ngươì cộng sản.
Trả lờiXóaLà chuyên gia nnhiều kinh nghiệm, bác sẽ cho rằng yếu tố nào sẽ thúc đẩy tiến trình cải tổ đất nươc diễn ra nhang hơn trong các yếu tố sau
- Hiện trạng kinh tế ngày càng xâú đi
- Sự phản kháng mạnh mẽ hơn của người dân trước tình trạng kinh tế
- Sự lớn mạnh cuả các tổ chức đối lập và xã hội dân sự
Nếu lạc quan, hay tham lam, thì tôi cho rằng cả ba loại yếu tố trên đầu có thể tác động.
XóaNhưng thực tế thì chế độ đã tiêu diệt hết mọi ý niệm hay khả năng tổ chức của các xu hướng đối lập - chữ "tổ chức" thôi cũng là điều cấm kỵ - để xã hội không thể có giải pháp nào thay thế cái chế độ đốn mạt này.
Vì thế, khi tình hình kinh tế càng suy đồi thì chính là phản ứng của người dân thấp cổ bé miệng ở dưới mới thúc đẩy sự thay đổi. Nghĩa là những người bình thường nhất cũng sẵn sàng đứng dậy thì mới có thay đổi.
Sự thay đổi ấy sẽ là nhiều năm khủng hoảng kinh tế rồi loạn lạc chính trị, trước khi ta thấy được một chút ánh sáng trong 10 năm tới - từ lớp tuổi 30 hiện nay.
Tôi không muốn xối nước lạnh lên ước mơ của nhiều người, nhưng nếu lặng lẽ tự chuẩn bị cho những gì tệ nhất thì mình mới có hy vọng,
Cháu chân thành cảm ơn bác Nghĩa vì lời khuyên thật lòng
XóaTổng thu ngân sách năm nay dự kiến 40 tỷ đô. Mặc dù ngân sách không chi cho an sinh xã hội, nhưng các khoản chi thường xuyên tăng đều mỗi năm. Những năm gần đây, đầu tư công phải giảm để nhường room cho chi nuôi bộ máy.
Trả lờiXóaTrong khi, nguồn thu chỉ trông chờ vào thuế xăng là ổn định. Một nguồn thu khác là thuế xuất nhập khẩu thu của các doanh nghiệp FDI. Một nguồn thu tưởng chừng như vững chắc nhưng thực tế không nhiều: từ khi khai thác dầu đến nay mới chỉ có doanh thu 120 tỷ đô, doanh thu này còn thua xa kiều hối.
Nhiều người lo xa, nếu thất quân bình ngân sách thì sẽ có loạn vì công an không làm việc. Xin cảm ơn, vì công an Việt Nam chẳng những không bảo vệ dân mà chỉ biết bắt nạt dân.