Thứ Bảy, tháng 8 02, 2014

Từ Biệt Quỳnh Giao


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140802


Nghe hồn bóng xế... mai này sẽ mới *






Trên cột báo này, từ nhiều năm qua, quý độc giả từng đọc bình luận của tác giả Nguyễn-Xuân Nghĩa về đủ loại đề tài. Sau nỗi mất mát vừa qua, người viết thường xuyên đó lại có cảm nghĩ riêng tư. Việt Báo xin trân trọng chia sẻ cùng quý độc giả.....




Trong đời người, tình yêu và cái chết là loại cảm nghiệm riêng, chỉ kẻ trong cuộc mới biết. Khi hai biến cố ấy hòa làm một thì người trong cuộc thấy hạnh phúc rã rời và đành viết lời hư vô....

Nhà thơ có thể viết "tình yêu như trái phá" - trường hợp Trịnh Công Sơn. Trong khi đó, cái chết lại tựa như trái chín. Trong sự tuần hoàn hay luân hồi miên viễn của chúng sinh, với cái lý của "sinh, lão, bệnh, tử", trái cây không thể ở mãi trên cành. Khi trái chín rời cành thì cũng là lúc nẩy mầm cho đời sống về sau. Quỳnh Giao là trái chín - vừa rụng.

Nhưng Quỳnh Giao là trái ngọt đã gây mầm khi còn xanh mướt trên cành, ở tuổi mười lăm.

Đấy là phần "tiểu sử", với trọng tâm là tiểu hơn sử.



Khi trời chưa mờ sáng ngày 23, theo xe cấp cứu từ nhà tới dưỡng đường, bên cạnh là Bảo Cơ nhợt nhạt, người viết này tụng Nam Mô Guru Bay... mà rõ là "tâm viên ý mã". Vì nhớ đến Tô Đông Pha trong bài "Tặng Đông Lâm Tổng trưởng lão":
Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt
Sơn sắc khởi phi thanh tịnh thân...


Chỉ vì đêm tụng tám vạn bốn nghìn bài kệ, sáng sau vẫn ngơ ngác chẳng biết mình là ai, nói gì. Vì thế, khi trời tờ mờ sáng là tuần tự điện thoại cho bằng hữu, theo giờ tỉnh giấc của từng người, trong khi đại gia đình được biết tin dữ và trở thành "tang gia"....



***




Dấu hiệu của đau khổ, của vô minh rồi trái chín gây mầm đã xuất hiện từ đầu Tháng Ba, khi có sự chẩn đoán của khoa học về bệnh tình bất ngờ.

Bên giường bệnh, người viết mời ông bạn thân là Vũ Tài Lục đến bắt mạch và luận về y, lý, số với lá tử vi của Quỳnh Giao trên tay. Nỗi lo mơ hồ với Hoả Linh bên Hóa Kỵ làm hai người đều ngại. Vũ Tài Lục lắc đầu, nhưng về đến nhà còn phân vân và bói lại theo thể Bát tự rồi quay về nói với người bệnh: có hy vọng nếu qua đến tháng sinh là Tháng Mười âm lịch....


Từ nơi chốn xa xôi hơn về cả không gian và thực chứng, khi người bạn Tenzin Dorjee được biết tin, bèn liên lạc với Tu viện Tây Tạng Nyingma tại Mungod ở miền Nam Ấn Độ để thỉnh ý chư tăng. Bên đó lập tức đề nghị cử hành ba khóa lễ Tse Wang (chúc thọ), Tse Tor (xin phóng sinh cầu trường thọ) và mười vạn lần niệm Phật theo nghi thức Dus Sum Sang Gyas Bum Ther của ngài Bồ Tát Liên Hoa Sinh Guru Padmasambhava. 


Từ đấy mới có sự ân cần tụng niệm của Tu viện trưởng là Lama Khensur Rinpochet và chư tăng quanh giường bệnh, trong hai buổi liền. Cùng lúc đó, bằng hữu của Quỳnh Giao cũng được yêu cầu dâng lễ trong các nhà thờ Công giáo và Tin Lành. Chỉ vì thấy người thân yêu nhất lâm ác bệnh thì mọi lý luận khi tỉnh táo đều là vô nghĩa và mọi lời thành khẩn cầu xin đều cần thiết.

Các khái niệm Chân Như, Vô Thường, Trung Ấm Bardo Thodol hay giải thoát tràn ngập trong nhà cùng tiếng kệ. Tại nhà thương thì khoa học ra tay bằng hóa trị với Carbo Platinum hòa cùng Alimta, rồi bằng xạ trị với các phương pháp hiện đại như CyberKnife hay True Beam....

Cứ vậy, trong nhiều tháng liền, hàng ngày, hàng đêm và hàng giờ con gái ở trên lầu thì kê nệm bên giường để chăm sóc mẹ với từng viên thuốc, muỗng canh. Ở dưới nhà thì người viết đọc tin, đọc kinh, soạn bài, thắp nhang, nhiều khi ngủ thiếp với lời thú nhận của Tô Đông Pha: Dù thiên kinh vạn quyển, nhiều lúc mỉnh chẳng nói được cho ai.... Nóng lạnh tự biết.
Bây giờ thì biết rồi. Biết trong nước mắt. 

Trong một phần tư thế kỷ, người viết được ở bên Quỳnh Giao, hiểu thêm về nhạc, nghệ thuật sống và cách xử thế. Còn được nhắc nhiều lần: "anh là người tâm từ khẩu trực, đại khoan tiểu cấp mà hư đốn nhiều lần! Hãy định thần, tu tỉnh, mềm lại, chậm hơn và đừng dùng trí tuệ nói ác nếu muốn thực thi Bồ tát hạnh. Sinh thời, Sư phụ Geshe Tsultim Gyeltsen của anh đã dạy như vậy thì hãy nhớ."
Nay người trang nhã từ tốn, nói điều tốt, hát lời đẹp và viết chuyện tử tế để làm vui cho người đã ra đi trong niềm tiếc thương của bao người. Vì thế, Quỳnh Giao sẽ trở lại, với hình sắc khác. 


Chỉ mong rằng khi đó, vào một kiếp khác, mình vẫn được hạnh ngộ, khi mai này sẽ mới....

_______________________________


(*) Thơ Trịnh Y Thư trong "Chiều Rơi Mênh Mang", lời Việt của ca khúc Spanish Dance # 5 của Granados, Quỳnh Giao trình bày trong đĩa nhạc Khúc Nguyệt Quỳnh năm 1992.


4 nhận xét:

  1. Thành thật chia buồn cung Giáo sư và gia đình.
    Mong rằng sự ra đi của Cô không ảnh hưỡng nhiều đến sự cống hiến của Giáo sư cho xã hội.
    Kính.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin cám ơn nhiều.

      Tôi bị ảnh hưởng nặng hơn những gì mình có thể nghĩ. Nhưng vẫn sẽ phải đứng dậy. Nhà tôi muốn như vậy.
      NXN

      Xóa
  2. Anh Nghĩa kính
    Xin chia buồn với anh về sự mất mát của anh. Nguyện hương hồn chị sớm siêu thoát. Vũ đăng Khuê.
    à anh Nghĩa ơi, Tôi có một người bạn thân muốn chia sẽ với anh bài viết về chị Quỳnh Giao. Anh cho tôi email của anh để tôi gửi bài đến anh được không?

    Trả lờiXóa
  3. Một lần nữa, cháu xin trân thành chia buồn với chú Xuân Nghĩa cùng gia đình!

    Cháu xin cầu nguyện cho hương hồn cô Quỳnh Giao về nơi Tây Phương Cực lạc!

    Mong chú Xuân Nghĩa sức khỏe và bình tâm!

    Trả lờiXóa