Thứ Năm, tháng 8 07, 2014

Tập Cận Bình diệt tham nhũng để cải cách

Mặc Lâm và Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140807
Diễn đàn Kinh tế 

 
"Đồng thuận Bắc Kinh" phá sản và Trung Quốc vỡ nợ 

000_Hkg10085444-305.jpg 
* Cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức, ảnh chụp hôm 18/5/2012 tại Thành Đô, Trung Quốc. AFP*


Hôm Thứ Tư 29 Tháng Bảy, Chính quyền Bắc Kinh chính thức thông báo việc điều tra một cựu ủy viên của Thường vụ Bộ Chính Trị là Chu Vĩnh Khang về tội tham nhũng. Quyết định hy hữu này trong một chiến dịch kéo dài từ cả năm nay có thể cho thấy những khó khăn của lãnh đạo Trung Quốc trong việc cải cách kinh tế. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sự liên hệ giữa cải cách và tham nhũng tại Trung Quốc qua phần trao đổi của Mặc Lâm với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do.

 

Chấn chỉnh nội tình đảng?


Mặc Lâm: Xin chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi lên lãnh đạo từ Đại hội khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào Tháng 11 năm 2012, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã nhiều lần nói đến yêu cầu cải cách kinh tế nhưng lại phát động một chiến dịch diệt trừ tham nhũng rộng lớn. Chiến dịch còn nhắm vào các đảng viên thuộc lớp lãnh đạo của thập niên trước như Tướng Từ Tài Hậu của Bộ Chính trị hay Chu Vĩnh Khang của Thường vụ Bộ Chính Trị. Việc một nhân vật đầy quyền thế như Chu Vĩnh Khang mà còn nằm trong tầm nhắm của chiến dịch diệt trừ tham nhũng khiến dư luận thắc mắc là lãnh đạo mới của Bắc Kinh đang theo đuổi ưu tiên nào? Hỏi cách khác, cải cách kinh tế hay chấn chỉnh nội tình của đảng, việc nào là cấp bách hơn? Trong chương trình kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho điều đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ chúng ta đang chứng kiến sự cáo chung của hiện tượng kinh tế chính trị cứ được hiểu sai như ưu thế của Trung Quốc, đó là "đồng thuận Bắc Kinh", theo đó tầng lớp lãnh đạo kín đáo tìm thỏa thuận chính trị bên trong mỗi khi lấy một quyết định quan trọng về kinh tế.

Chiến dịch bài trừ tham nhũng còn là một biểu hiện khác của việc Tập Cận Bình muốn giành lấy quyền quyết định về kinh tế từ nhân vật số hai là Tổng lý Quốc vụ viện, tức là TT Lý Khắc Cường. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Người ta lầm tưởng rằng lẽ đồng thuận sẽ đem lại ổn định chính trị chứ không đột ngột thay đổi như các chế độ dân chủ sau một cuộc bầu cử hay khủng hoảng. Bây giờ. lãnh đạo Bắc Kinh đang phải phá vỡ khuôn mẫu ấy để tiến hành việc cải cách kinh tế và chuyển hướng xã hội và họ sẽ mất cả chục năm cho việc chỉnh đảng khi bài toán kinh tế lại càng trở thành trầm trọng và cấp bách hơn. Đây là một mâu thuẫn lớn, và lãnh đạo Bắc Kinh đang thiếu một cái vốn quan trọng là thời gian.

Mặc Lâm: Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về câu kết luận vừa qua của ông về thời gian có hạn. Trước hết, ta trở lại chuyện tham nhũng. Vì sao Chủ tịch Tập Cận Bình ráo riết mở chiến dịch diệt trừ tham nhũng sau khi lên cầm quyền?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong nhiều chương trình trước đây, diễn đàn này của chúng ta có nói đến việc Chủ tịch Tập Cận Bình phải tập trung quyền lực trước khi có thể tiến hành cải cách. Việc diệt trừ tham nhũng là nỗ lực chỉnh đảng để tăng cường quyền hạn cho Tập Cận Bình trước khi có thể chuyển hướng. Cho đến nay, hơn 18 vạn đảng viên cán bộ thuộc mọi cấp bậc ở nhiều nơi đã bị điều tra về tham nhũng.

- Nổi tiếng nhất trong số nghi can như ông vừa nhắc tới là Tướng Từ Tài Hậu, sĩ quan duy nhất của quân đội được làm ủy viên Bộ Chính Trị trong hai khóa trước, và ông Chu Vĩnh Khang, cho đến năm 2012 là Trưởng ban Chính pháp Trung ương và là người nắm hai bộ Công an và Quốc an lẫn hệ thống toà án và tình báo.

- Trong việc điều tra một nhân vật thần thế như Chu Vĩnh Khang, lãnh đạo Bắc Kinh còn trở ngược về quá khứ khi họ Chu này làm Bí thư tỉnh Tứ Xuyên, trước đó là Chủ tịch tập đoàn dầu khí số một của Trung Quốc CNPC. Việc điều tra mở rộng và đào sâu này đã thanh trừng cả mạng lưới cấu kết của Chu Vĩnh Khang trong các lĩnh vực an ninh, năng lượng và chính trị tại một địa phương cực kỳ quan trọng về kinh tế là tỉnh Tứ Xuyên. Chính mạng lưới cấu kết ấy đã xây dựng và củng cố nhiều nhóm lợi ích và trở thành thế lực chống phá nỗ lực cải cách của trung ương.



000_Hkg8021089-305.jpgChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh minh họa chụp trước đây.
 

Mặc Lâm: Theo cách giải thích của ông như vậy thì có phải chiến dịch diệt trừ tham nhũng sẽ còn nhắm vào nhiều lĩnh vực khác nữa chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:- Tôi nghĩ rằng ta có thể phỏng đoán ra quy cách và quy trình chấn chỉnh nội bộ theo những hướng sau đây. Tập Cận Bình phá vỡ hệ thống quyền lực chính trị và đặc lợi kinh tế trong quân đội, trong bộ máy an ninh, trong các tập đoàn về năng lượng, và các đảng bộ địa phương thì mới có thể cải cách kinh tế và phần nào áp dụng được quy luật thị trường như đã thông báo trong Nghị quyết Ba của Ban chấp hành Trung ương vào Tháng 11 năm ngoái.

- Nếu tiếp tục quy trình ấy thì ông ta còn nhắm vào đảng bộ của thành phố Thượng Hải hay hệ thống ngân hàng, dù có thể va chạm với thế lực của các cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Tôi e rằng chiến dịch bài trừ tham nhũng còn là một biểu hiện khác của việc Tập Cận Bình muốn giành lấy quyền quyết định về kinh tế từ nhân vật số hai là Tổng lý Quốc vụ viện, tức là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Cùng với việc lập ra một Hội đồng An ninh Quốc gia do chính mình kiểm soát, Tập Cận Bình muốn một mình nắm lấy tai lái trước khi chuyển hướng về kinh tế xã hội.

 

Nhược điểm của mô thức TQ


Mặc Lâm: Phải chăng vì vậy mà ông cho là lãnh đạo Bắc Kinh dưới tay Tập Cận Bình sẽ còn mất cả chục năm mới hoàn tất được việc chỉnh đảng để xoay chiều? Thế thì trong khi đó, bài toán kinh tế sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên diễn đàn này, từ cả chục năm nay rồi, chúng ta vẫn nhấn mạnh cho thính giả ở trong nước biết rằng Trung Quốc chỉ áp dụng mô thức phát triển kinh tế của Đông Á chứ chẳng làm ra phép lạ gì. Và mô thức đó có nhiều giới hạn hiển nhiên nên đã và sẽ dẫn tới khủng hoảng. Các nước Đông Á kể từ Nhật Bản trở đi đều đã bị khủng hoảng nhưng vượt qua được nhờ có dân chủ nên chế độ không sụp đổ.

- Bắc Kinh áp dụng mô thức đó với màu sắc và kích thước Trung Quốc nên có thay đổi khả quan hơn so với tình hình 40 năm về trước, mà cũng tích lũy nhiều vấn đề nguy kịch hơn. Mô thức Trung Quốc lấy lực đẩy là đầu tư rất mạnh của khu vực công quyền và lấy sức kéo là sản xuất hàng hóa với giá rẻ và trị giá đóng góp thấp để xuất khẩu ra mọi nơi nên Trung Quốc được khen là công xưởng của toàn cầu.

Mặc Lâm: Thưa ông, dù sao thì việc áp dụng mô thức đó cũng đem lại nhiều thay đổi tốt đẹp hơn, thế nhược điểm của nó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới cứ ngợi ca thành tích đó, bây giờ mới thấy nhược điểm của mô thức là tiết kiệm của dân bị trưng thu vì lãi suất rẻ, là tiêu thụ nội địa bị ức chế, là sự lệ thuộc quá đáng vào xuất khẩu, chưa nói gì đến nạn môi sinh bị huy hoại và bất công xã hội. Lãnh đạo Bắc Kinh của thế hệ trước, như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thấy ra và nói tới điều ấy mà cải sửa không được vì những lực cản bên trong.

Chế độ độc tài của một xứ đông dân nhất địa cầu đã huy động tài nguyên và sức dân tới mức vĩ đại mà lại không biết phân phối tài nguyên ấy nên mới gây ra nguy cơ khủng hoảng. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Thế rồi nạn Tổng suy trầm bùng nổ vào năm 2008 còn khiến họ phải nhấn tới nhờ bơm ra một lượng tín dụng khổng lồ khiến kinh tế mắc nợ tới mức kỷ lục. Trong có năm năm, từ 2008 đến 2013, thì số nợ tăng gấp đôi, bằng Tổng sản lượng của toàn năm, bên trong có nhiều khoàn nợ xấu, khó đòi và sẽ mất, mà xấu tới mức nào, mất đến bao nhiêu thì chẳng ai tính ra.

- Hậu quả là nguy cơ khủng hoảng tài chính còn trầm trọng hơn những gì đã thấy tại Hoa Kỳ hay Âu Châu. Hệ thống ngân hàng, mạng lưới công ty đầu tư của các đảng bộ địa phương và doanh nghiệp phải vay lãi cắt cổ qua các ngân hàng chui đều sẽ bị chấn động. Trong khi đó, tiền nhiều và rẻ được bơm qua hệ thống ngân hàng của nhà nước cho tay chân của nhà nước đã gây ra nạn đầu cơ và bong bóng đầu tư về gia cư và địa ốc cùng với hiện tượng sản xuất dư dôi, tồn kho ế ẩm nằm chất đống.

- Kết luận thì chế độ độc tài của một xứ đông dân nhất địa cầu đã huy động tài nguyên và sức dân tới mức vĩ đại mà lại không biết phân phối tài nguyên ấy nên mới gây ra nguy cơ khủng hoảng cũng vĩ đại không kém!

Mặc Lâm: Bây giờ lãnh đạo Bắc Kinh tính chuyển hướng ra sau mà vẫn chưa làm được và phải mở chiến dịch diệt trừ tham nhũng để thanh trừng chính trị?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Qua chương trình cải cách gồm 15 phần và sáu chục biện pháp thì họ muốn chuyển trọng tâm hay tìm sức đẩy ở các khu vực công nghiệp có trị giá đóng góp cao hơn, và ở khả năng tiêu thụ dồi dào hơn của khu vực nội địa thay vì trông cậy vào xuất khẩu. Việc tái cân bằng lại cơ chế kinh tế phải phá vỡ đặc quyền của khu vực kinh tế nhà nước, phải tái phân lợi tức cho người dân qua tiến trình đô thị hóa để có một giai tầng trung lưu có sức mua cao hơn, phải cải sửa chế độ hộ khẩu, và áp dụng quy luật thị trường để phân phối tài nguyên một cách thoả đáng hơn...

- Ngần ấy yêu cầu - chưa nói gì đến việc giải trừ nạn ô nhiễm môi sinh và cải thiện điều kiện lao động, giáo dục đào tạo hay y tế - đều đe dọa cái thành quả trưng thu, tham nhũng và ăn cướp của các đảng viên cán bộ từ địa phương lên tới trung ương. Tập Cận Bình biết rằng nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, và diệt trừ tham nhũng sẽ phải vật cả cọp lớn lẫn vớt cá nhỏ. Nhưng sau nhiều thập niên cấu kết và nuôi dưỡng nhau trong hệ thống kinh tế chính trị đó, chính là đảng viên lại là lực cản trở việc cải cách.

Mặc Lâm: Như vậy phải chăng là công cuộc cải cách cực kỳ cấp bách của Trung Quốc lại dẫn tới việc thay đổi cái đảng đang cầm quyền? Tức là yêu cầu chuyển hướng về kinh tế xã hội lại đòi hỏi cải tổ chính trị?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ông đặt vấn đề rất đúng, lãnh đạo Bắc Kinh đang lo sợ cho sự tồn vong của đảng cầm quyền, tức là sự tồn vong của chế độ. Nếu không cải tổ về chính trị thì không thể giải quyết bài toán kinh tế, nhưng cải tổ không khéo thì gây ra sụp đổ. Họ có thể đang ngẫm lại bài học của Liên bang Xô viết thời Andropov và Gorbachev. Vì cải cách chính trị để vượt qua sự bất lực của đảng trước những nan đề kinh tế mà đảng bị sụp đổ và chế độ tan rã. Thành thử việc diệt trừ tham nhũng đầy ngoạn mục vừa qua mới chỉ là một phần của vấn đề mà thôi.

Mặc Lâm: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin phép được có vài lời riêng tư ở đây. Trong mấy tuần qua, gia đình chúng tôi có tang khi hiền nội của tôi là nghệ sĩ Quỳnh Giao qua đời. Vào dịp này, nhiều thính giả và độc giả có liên lạc gửi lời chia buồn, chúng tôi xin được chân thành đa tạ.


1 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa !

    Bác cho cháu hỏi có phải ông Tập Cận Bình hiện này đang bước theo con đường của Đặng Tiểu Bình trong việc khôi phục, phát triển vị thế của Trung Quốc không ạ ?

    Chính vì trở lực lớn nhất trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của kinh tế Trung Quốc chính là có một sự " đồng thuận " giữa các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và các đảng bộ địa phương nên ông Tập đang tìm cách tập trung mọi quyền lực của đất nước vào tay mình thông qua chiêu bài " đánh tham nhũng' để dễ dàng tự mình quyết định các biện pháp giải quyết kinh tế không cần thông qua một " sự đồng thuận" nào như ông Đặng Tiểu Bình đã từng làm.

    Cháu có cảm giác ông Tập đang muốn đưa Trung Quốc trở về thời kỳ của Mao , của Đặng khi quyền lực nhà nước tập trung vào một người, kiểu như chế độ phong kiến kiểu mới.

    Chúc bác nhiều sức khỏe !

    Trả lờiXóa