Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140820
"Diễn đàn Kinh tế"
Trong đại loạn, hãy về với dân...
Khi kiểm điểm tình hình toàn cầu, người ta cảm thấy một sự ái ngại
chung, dẫn đến nỗi lo ngại cho người dân ở từng khu vực. Sáu năm sau vụ
khủng hoảng tài chính bùng nổ từ Hoa Kỳ vào Tháng Chín năm 2008, Diễn
đàn Kinh tế sẽ lần lượt nói về sự ái ngại này qua phần phân tích khá bi
quan của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin quý vị theo dõi cách
Vũ Hoàng đặt vấn đề như sau.
Nhiều rủi ro lớn
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, khởi đi từ Hoa
Kỳ vào Tháng Chín năm 2008 với sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman
Brothers, kinh tế Hoa Kỳ đã có vẻ khả quan hơn, và tương đối khả quan
nhất trong khối công nghiệp hóa. Nhưng nước Mỹ ngày nay cũng là nơi mà
ông nói rằng mỗi tuần lại có một vụ khủng hoảng, đôi khi vì lý do bất
ngờ như động loạn đang xảy ra tại thị trấn Ferguson của bang Missouri.
Trong khi đó, tình hình của các quốc gia khác lại chẳng khá hơn,
như tại Trung Quốc, Nhật Bản và nhất là Âu Châu khi kinh tế và an ninh
đang gặp nhiều bài toán lớn với vụ khủng hoảng ở Ukraine, suy trầm tại
Đức hoặc giao tranh trên Dải Gaza. Trong khung cảnh đó, thưa ông, có mấy
ai còn quan tâm đến những rủi ro ở tại Đông hải hoặc khoản nợ xấu ở tại
Việt Nam?
Chúng tôi xin đề nghị ông rà soát lại tình hình toàn cầu và rút tỉa ra vài kết luận về tương lai.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là qua một bài, ta khó tổng kết về
tình hình toàn cầu, nhưng vẫn có thể nhìn ra vài chuyển động lớn sau
đây. Trước hết là một cảm giác ái ngại toàn cầu khi ta đứng ở ngoài nhìn
vào hoàn cảnh từng nước. Sau đó là nỗi lo ngại khi ta bước vào bên
trong từng khu vực để thấy ra nhiều rủi ro lớn.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ khởi sự từ Hoa Kỳ, quốc gia giàu mạnh
nhất và cho đến nay vẫn là nơi đem lại niềm tin về kinh tế hay an ninh
cho nhiều xứ khác.
Các nước Liên Âu chẳng thể làm gì nên cứ trông cậy vào một quốc gia có khả năng nhưng hết muốn can thiệp, đó là Hoa Kỳ. Vì thế, quả thật là ái ngại dẫn tới lo ngại. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ Hoa Kỳ đang ở giữa một chu
kỳ khủng hoảng chính trị, ban đầu thì tưởng là do kinh tế vì vụ sụp đổ
tài chính ông vừa nhắc tới, sau đó là nạn suy trầm kinh tế trong các năm
2008-2009. Khủng hoảng chính trị xảy ra tại Hoa Kỳ là vì lãnh đạo và
người dân còn phân vân về các giải pháp kinh tế xã hội bên trong mà tình
hình bên ngoài lại đòi hỏi một sự can thiệp tích cực hơn của nước Mỹ,
khi đa số người dân lại không muốn như vậy.
- Vì thế, khi cả thế giới mong chờ một sự nhập cuộc dứt khoát hơn của
nước Mỹ để giải quyết nhiều vụ khủng hoảng, từ Âu Châu qua Trung Đông
tới Đông Á, dân Mỹ lại tranh luận về nhiều vấn đề nội bộ và có thái độ
hay hành động khá cực đoan. Vì vậy tôi mới nói rằng Hoa Kỳ là nơi mỗi
tuần lại có một cuộc khủng hoảng trong khi tình hình kinh tế lại có vẻ
sáng sủa nhất.
Vũ Hoàng: Kế đó, thưa ông, là tình hình Âu Châu với khối
Euro chưa ra khỏi khủng hoảng mà nền kinh tế mạnh nhất khu vực là nước
Đức lại có triệu chứng suy yếu với sản lượng bị giảm trong quý hai vừa
qua. Thưa ông, ta có thể kết luận gì về các nước Âu Châu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ ông nói ra rất đúng một chi tiết đáng ngại mà người ta tưởng là rất nhỏ là việc kinh tế Đức bị suy giảm 0,2%.
- Trước hết, vụ khủng hoảng của khối Euro vẫn chưa dứt và khó khăn
chung cho các nước đã thành trạng thái bình thường trong sáu năm liền.
Trong vụ khủng hoảng đó, các nước đều mong là nền kinh tế vững mạnh nhất
của Đức sẽ cứu được toàn khối, sự thật lại không được như vậy.
- Trong cả khối Liên hiệp Âu châu gồm 28 nước, phân nửa dân số lại
thuộc về bốn quốc gia tương đối giàu nhất là Anh, Đức, Pháp. Ý. Ngày
nay, cả bốn quốc gia đó đều có mức tăng trưởng quá thấp là khoảng 1,25%
một năm, mà đấy là con số bình quân nhờ kinh tế của nước Anh. Không kể
nước Anh thì kinh tế của ba nước kia không tăng trưởng mà còn giảm, với
thất nghiệp trung bình là 8,5%. Mà nước Anh lại là quốc gia đang phân
vân do dự về việc có còn nên ở trong khối Liên Âu nữa hay chăng.
- Nhìn ra khỏi bốn nước lớn đó, thì 15 trong 28 thành viên Liên Âu đang
bị thất nghiệp trên 10%, có những nước bị thất nghiệp tới 24-25%. Khi
kinh tế đình đọng suy trầm và thất nghiệp cao đến mức đó, khả năng tiêu
thụ và trả nợ của người dân tất nhiên bị thu hẹp nên khoản nợ xấu thật
ra chiếm một tỷ lệ rất cao. Tức là nạn ngân hàng mất nợ vì doanh nghiệp
vỡ nợ sẽ còn xảy ra với mức độ nguy ngập chỉ thua Trung Quốc!
Vũ Hoàng: Trong khi đó, thưa ông. Liên Âu lại lâm vào nhiều cuộc khủng hoảng khác tại vùng biên vực như Ukraine và Trung Đông.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi hiểu ra nỗi lo mà ông nhắc đến. Vụ
khủng hoảng tại Ukraine đòi hỏi một đối sách chung của các nước Âu Châu
trước sức ép và trách nhiệm của Liên bang Nga. Nhưng đối sách ấy cũng có
hậu quả, thí dụ như thiệt hại kinh tế khi có biện pháp cấm vận để trừng
phạt Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Tôi cho rằng trong vòng
hai năm tới, kinh tế Nga sẽ bị khủng hoảng trầm trọng, nhưng các nước
Liên Âu thì chưa ra khỏi khủng hoảng từ sáu năm nay và trong nội bộ thì
từng nước lại có cái nhìn khác biệt về cách xử lý với nước Nga. Sự thiếu
thống nhất này vì quyền lợi kinh tế sẽ chỉ gây thêm khó khăn về an
ninh.
- Ra khỏi Âu Châu mà nhìn xuống miền Nam thì giao tranh trên Dải Gaza
và vụ khủng hoảng tại Iraq, Syria hay sự bất ổn nói chung kéo dài từ Bắc
Phi tới Trung Đông sẽ là những thách đố cho an ninh Âu Châu. Vậy mà các
nước Liên Âu chẳng thể làm gì nên cứ trông cậy vào một quốc gia có khả
năng nhưng hết muốn can thiệp, đó là Hoa Kỳ. Vì thế, quả thật là ái ngại
dẫn tới lo ngại.
Hoàn cảnh của Việt Nam
Vũ Hoàng: Tiến theo hướng mặt trời mọc thì dường như tình
hình kinh tế Nhật Bản cũng chưa khá hơn trong khi kinh tế Trung Quốc thì
trôi dần vào giông bão như diễn đàn này đã từng nói. Thưa ông, ta có
thể rút tỉa những kết luận gì từ khu vực Á Châu đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đề nghị là ta cùng nhìn vào ba nền
kinh tế lớn của khu vực này là Trung Quốc, Nhật Bản và cả Ấn Độ là một
xứ đông dân chỉ thua Trung Quốc.
Khi thấy toàn cầu đều xoay vần trong những biến động lớn, có lẽ Việt Nam phải trở về thực tế ngàn đời là trông cậy vào người dân của mình. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Kinh tế Trung Quốc phải trải qua một tiến trình cải cách để chuyển
hướng mà lãnh đạo đã thấy từ 12 năm trước nhưng không thể sừa được. Sau
hai năm lên cầm quyền từ Đại hội 18, lãnh đạo mới muốn đẩy mạnh hơn việc
chuyển hướng đó mà vẫn cứ phải lao vào hướng cũ.
- Việc chiến dịch giải trừ tham nhũng lên tới cấp lãnh đạo chính trị và
quân sự còn cho thấy cái chứng tật truyền thống của Trung Hoa là chuyện
tranh giành quyền lực giữa trung ương với các thế lực kinh tế chính trị
địa phương. Vi thế, khủng hoảng tại Trung Quốc sẽ không thu hẹp trong
lĩnh vực kinh tế mà còn có thể đe dọa sự tồn tại hay ít ra là thống nhất
của một đảng độc quyền.
- Bước qua Ấn Độ thì ta cũng thấy yêu cầu tương tự là cải cách kinh tế
và chỉnh đốn chính trị để phần nào giải trừ nạn tham nhũng bên trong bộ
máy hành chính. Nhờ chế độ dân chủ, yêu cầu đó đã giúp xứ này có một
chính quyền mới, và tương đối có thế mạnh để tiến hành cải cách. Trong
nỗi ái ngại chung như mình vừa nói thì thật ra tình hình Ấn Độ lại có vẻ
khá nhất, với hậu quả tương đối tích cực hơn cho các nước đối tác hay
các lân bang trong vùng, kể cả Miến Điện.
- Sau cùng ta nói tới Nhật Bản. Cũng chính yêu cầu cải cách như tại
Trung Quốc và Ấn Độ và nhờ thể chế dân chủ, Nhật Bản có hệ thống lãnh
đạo mới với Thủ tướng Shinzo Abe. Ông ta đang tiến hành cải cách theo ba
hướng mà người ta gọi là ba mũi tên. Việc cải cách hệ thống tài chính
công quyền với biện pháp tăng thuế vừa qua có gây hậu quả suy trầm nhỏ
với đà sản xuất sút giảm trong tháng trước. Nếu nhìn vào ngắn hạn thì
mình có thể bi quan, nhưng biết đâu là dân Nhật đang chấp nhận một liều
thuốc đắng để ra khỏi sự trì trệ của hơn hai chục năm qua?
Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần tổng kết và chú ý đến hoàn cảnh của Việt Nam. Ông nhận định thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng Việt Nam nói chung đang quan tâm đến tình hình an ninh Đông hải, đây là nỗi lo chính đáng.
- Nhưng tại Đông Á, Trung Quốc hung hăng nhất thì cũng có các vấn đề
nghiêm trọng và nguy hiểm nhất ở bên trong mà lại làm nhiều nước lo ngại
nhất. Chưa giải quyết được bài toán sinh tử trong nội bộ, lãnh đạo Bắc
Kinh lại gây phản ứng phòng thủ chung của nhiều quốc gia, từ khối Đông
Nam Á tới Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ. Đấy là bối cảnh chung cho Việt
Nam và cho thấy một sự thật bất ngờ là Việt Nam không đơn độc. Tuy
nhiên, người Việt Nam sẽ sai lầm lớn nếu ôm ấp giấc mơ đang được nói tới
là "Thoát Trung - Hướng Mỹ".
Vũ Hoàng: Ông vẫn có thói quen gây sốc với những phát biểu có vẻ nghịch lý ngượng ngạo! Xin đề nghị ông giải thích cho nhận xét đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về ngôn từ. Chỉ có Trung Quốc
mới nghĩ hay tự xưng là quốc gia "trung tâm thiên hạ". Ta không nên dùng
chữ "Trung" của họ mà dùng chữ Hoa đã quen thuộc và chính xác hơn, như
Hoa kiều, Tân hoa xã hay "Hoa quân nhập Việt" thởi 1945. Dùng khái niệm của Trung
Quốc thì làm sao "thoát Trung" ngay từ trong tiềm thức và tâm lý?
- Thứ hai, Việt Nam dại dột hướng về Trung Hoa từ 90 năm nay, khi người
Cộng sản theo Hồ Chí Minh coi Trung Quốc là hậu phương kể từ năm 1924
rồi gặt thành quả 1954 và ngày nay bị Trung Quốc uy hiếp. Chúng ta cần
giải ảo và nhìn ra trách nhiệm và sự sai lầm cũ.
- Thứ ba là chuyện "hướng Mỹ". Kinh nghiệm của 60 năm qua, nhất là của
sáu năm vừa rồi, phải cho thấy Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam hay nhiều
xứ khác trước hết là vì quyền lợi của nước Mỹ và khi quyền lợi bất đồng
thì họ sẵn sàng thay đổi chính sách sau một kỳ bầu cử. Hoa Kỳ nói đến
việc chuyển trục về Đông Á mà hiện đang loay hoay chưa biết giải quyết
các bài toán bên trong theo hướng nào trong khi vẫn không muốn Trung
Quốc bị nội loạn. Họ sẽ không thay mặt người Việt làm nhiệm vụ be bờ
ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc trong khi chính người Việt còn
thiếu sự nhất trí với nhau, và lãnh đạo ở Hà Nội lại sợ người dân hơn là
sợ Trung Quốc!
- Vì vậy, trở lại chuyện thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, người
Việt phải trở về đầu nguồn, từ sự xuất hiện và bành trướng của chủ nghĩa
Cộng sản tại Việt Nam. Sự bành trướng đó cũng là sự bành trướng của
Trung Quốc. Sau đó là yêu cầu cải cách kinh tế và chính trị Việt Nam để
ra khỏi mẫu mực, khuôn khổ mà cũng là ách nô lệ của Trung Quốc.
- Với nền kinh tế tôi gọi là "Bắc thuộc" hiện nay của Việt Nam, Bắc
Kinh chẳng mất một viên đạn cũng có thể biến xứ này thành một quận huyện
hay một bãi rác để hủy thải phế vật của họ.
- Khi thấy toàn cầu đều xoay vần trong những biến động lớn, có lẽ Việt
Nam phải trở về thực tế ngàn đời là trông cậy vào người dân của mình.
Nguyên tắc dân chủ có thể phát triển được tiềm lực đó và trước hết, giới
hạn được những sai lầm của lãnh đạo.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc tổng kết này.
Trở lại chuyện ngôn từ, và ngôn từ thôi, của khẩu hiệu "Thoát Trung, Hướng Mỹ", anh em thử nghĩ lại xem.
Trả lờiXóaTại sao không dùng "Thoát Tầu, Hướng Mỹ". "Tầu" là chữ nôm na thông tục về Trung Hoa hay Trung Quốc, cũng như chữ "Mỹ" về Hoa Kỳ. Mà còn cho thấy xuất xứ... thuyền nhân của khách trú nay đòi làm chủ!
Từ "Thoát" (bộ "nhục") còn có một cách đọc khác là "Đoái", có nghĩa là... thư thái, thong thả. Coi chừng có người dùng âm này mà hiểu thì nguy to.
NXN