Thứ Sáu, tháng 11 21, 2014

Vén Bức Màn Bên Kia



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 141120

Thông tin, tuyên truyền và hai góc trái phải của bộ não người Nga  


* Vladimir Putin hấp tấp rời Thượng đỉnh G-20 để ra về sớm *



Sau Thượng đỉnh vừa qua của nhóm G-20 (gồm 20 quốc gia có nền kinh tế giàu mạnh nhất địa cầu), thế giới tưởng như văn minh của chúng ta đã tiếp nhận loại thông tin sau đây: Tại thành phố Brisbane của nước Úc là quốc gia đăng cai tổ chức Thượng đỉnh vào hai ngày 15 và 16, các lãnh tụ Tây phương có thái độ lãnh đạm và gay gắt đả kích Tổng thống Vladimir Putin về vụ xâm lấn Ukraine đến nỗi ông Putin phải rời hội nghị trước lễ bế mạc.

Nếu lọc được tin này qua hàng loạt tin tức và bình luận của từng quốc gia – nào chuyện nội tình nước Úc của Thủ tướng Tony Abbot, những phê phán của dư luận về Tổng thống Barack Obama sau cuộc bầu cử tại Mỹ, hoặc phản ứng của thị trường về chánh sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, v.v.... – ta có thể kết luận rằng ông Putin vừa bị một gáo nước lạnh, và rằng các nước dân chủ Tây phương vừa thắng một keo.

Và đấy là kết luận sai!

Hãy nói về bối cảnh của sự việc đã.

Ngày năm Tháng Chín vừa qua, các nước liên hệ đến vụ khủng hoảng Ukraine đã đạt một số thoả thuận ngưng bắn tại miền Đông xứ Ukraine do Putin đề nghị với Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine tại thủ đô Minsk của xứ Belarus, trước sự chứng giám của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu (Organization for Security and Cooperation in Europe), Liên hiệp Âu châu và Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO, v.v....

Putin coi thỏa thuận Minsk này là "nguyên trạng" và đòi các nước tôn trọng. Nhưng ngay sau đó, ông lại vi phạm và tiếp tục yểm trợ võ khí, kỹ thuật và cả nhân sự cho các nhóm tự xưng là ly khai mà thực chất là thân Nga, hay đúng hơn, tay sai của Nga. Họ không che giấu ý định thôn tính một số thành phố có tính chất chiến lược ở miền Đông Ukraine, kể cả Mariupol, một hải cảng sẽ nối liền miền Đông với bán đảo Crimea và là đường tiếp vận của Nga.

Lãnh đạo và kinh tế của Ukraine bị dồn vào thế kẹt nhưng NATO bất động, Liên Âu bất lực, Hoa Kỳ lửng lơ vì Obama lo chuyện bên trong, còn Thủ tướng Đức thì cố làm con thoi hòa giải giữa Kyiv và Moscow. Trong hoàn cảnh ấy, nguyên thủ các nước lần lượt gặp nhau tại Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, rồi Hội nghị khối ASEAN tại Miến Điện và Thượng đỉnh G-2- tại Úc.

Đấy là khi chiến hạm Nga xuất hiện ngoài khơi nước Úc sau khi tiềm thủy đĩnh Nga bị Thụy Điển phát giác ở biển Bắc, sau khi một tầu ngầm nguyên tử Nga thao dượt gần Đan Mạch giữa một hội nghị về an ninh tại Bắc Âu. Và khi oanh tạc cơ của Putin bỗng lảng vảng trong vùng Vịnh Mexico, sát nách Hoa Kỳ!

Những hành vi khiêu khích ấy xảy ra khi Hoa Kỳ và Âu Châu đã tăng mức độ trừng phạt kinh tế. Vì thế, chẳng nên ngạc nhiên khi Thủ tướng Canada là Stephen Harper gọi Putin là phường lưu manh và nói láo. Và Putin bỏ về sớm, để lại cho các lãnh tụ Tây phương một thành quả biểu kiến. Nếu cho rằng đấy là một thắng lợi của các nước dân chủ Tây phương chống lại một lãnh tụ độc tài nhiều tham vọng thì người ta lầm to.

Đấy là thắng lợi vô dụng trên một con dốc nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhờ theo dõi được tin bên Tầu, hay Miến Điện, hay Úc, Âu, Mỹ, Nhật, v.v... ta thử bước qua bên kia bức màn, xem truyền thông Nga loan tin tức ra sao về Putin và những hành động điên rồ này? Chúng ta mới là những người điên khi tưởng dân Nga cũng nghĩ như mình về Vladimir Putin!

Hình ảnh của Putin qua ống kính văn minh là một lãnh tụ phong phanh mặc áo banh ngực và có vẻ... hỗn như gấu cũng vì quá khứ là nhân viên KGB đáng ghét. Truyền thông Nga đưa ra hình ảnh và nhiều ấn tượng khác.

Putin là tay hùng biện ngang tầm Ronald Reagan hay F. D. Roosevelt của Mỹ, hoặc de Gaulle của Pháp, trong cách ăn nói bình dị thiết thực. Ông thường xuất hiện dưới ống kính truyền hình của Nga như một lãnh tụ quan tâm đến đời sống người dân khi mạt sát các Bộ trưởng là chẳng lo cho dân nghèo. Putin chỉ có một mục tiêu là sự giàu mạnh của nước Nga và sự thịnh vượng của dân Nga. Gần 15 năm sau khi lên cầm quyền rồi lãnh đạo, Putin đã làm đời sống của dân Nga có vẻ khá giả hơn. Chẳng những vậy, ông còn làm thế giới phải nể trọng nước Nga như dưới thời Xô viết.

Vì thế, hậu thuẫn chính trị cho Putin cứ ngất ngưởng trên đỉnh và ông ta sẽ lại tái đắc cử vào năm 2018 này để sẽ là người lãnh đạo nước Nga trong 24 năm liên tục!

Còn chuyện Ukraine? Đấy cũng là một công lao khác của Vladimir Putin. 

Quốc gia này xưa kia thuộc về Liên bang Xô viết, chẳng khác gì bán đảo Crimea vừa được Putin giải phóng và thu hồi về cho Đất Mẹ sau một cuộc trưng cầu dân ý. Bước kế tiếp sẽ là giải phóng Ukraine. Với dân Nga thì đấy là chuyện cực kỳ chính đáng, tức là có chính nghĩa.

Vì sao vậy?

Vì họ được biết rằng đất Ukraine ngày nay đang nằm trong tay một bọn phát xít. Lực lượng Phát xít mới này là hậu thân của bọn Banderovsi xưa kia đã can tội giết dân Nga và người Do Thái trong Đệ nhị Thế chiến. Ngày nay chúng vừa cướp chính quyền tại Kiev (người Nga không gọi thủ đô của Ukraine là Kyiv theo tiếng Ukraine), với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Chứng cớ ư?

Hình ảnh Nghị sĩ John McCain biểu tình tại quảng trường Maidan hoặc lời phát biểu của Phó Tổng thống Joe Biden được truyền hình Nga đưa ra dồn dập. Thêm một con số chắc nịch: giới ngoại giao Mỹ xác nhận đã chi ra năm tỷ đô la cho Ukraine!

Sự thật là thế nào? Sau khi kế nhiệm Boris Yeltsin, Putin lặng lẽ xóa bỏ chế độ tự do báo chí - mới chỉ xuất hiện từ năm 1992 rồi bị bóp nghẹt. Từ đó truyền thông Nga trở thành công cụ tuyên truyền theo một phương châm là nói đi nói lại những lời dối trá thì đấy sẽ là sự thật.

Chứ sự thật kia lại khác.

Chính trường Ukraine quả là có một đảng cực hữu được truyền thông Tây phương gọi là Neo-Nazi. Nhưng đảng này không được nổi 5% số phiếu nên chẳng có đại biểu trong Quốc hội! Còn số năm kia? Năm tỷ đô la Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine quả là sự thật do một Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ nói ra. "Từ khi Ukraine giành lại độc lập vào năm 1991, nước Mỹ đã đầu tư hơn năm tỷ đô la để giúp dân Ukraine". Dân Nga chỉ được xem thấy một giây của sự thật ấy trong một bài diễn văn dài tám phút rưỡi của nhà ngoại giao Mỹ, nên chẳng biết rằng đấy là năm tỷ viện trợ trải dài từ 1991 đến nay. Qua gần 24 năm, chứ không phải là 24 tháng hay 24 ngày qua ngả tài trợ mờ ám của CIA!

Còn nhiều con số khác nữa chứ!

Đa số dân Nga ngày nay tin rằng cuộc sống của họ có cải tiến kể từ khi Putin lên cầm quyền (làm Thủ tướng từ 1999) rồi lãnh đạo (từ năm 2000). Họ chỉ không nhớ là từ đó giá dầu đã tăng từ 14 đồng lên hơn trăm đồng một thùng, mà chẳng do công lao của Putin. Họ càng không biết rằng cái "được" về kinh tế đã che giấu nhiều cái "mất" khác. Giá dầu tăng làm tăng đồng rúp và gây đắt đỏ khiến các món hàng khác của Nga khó cạnh tranh - trừ Vodka và võ khí! Và dầu thô đã hút tư bản từ các ngành khác, khiến kinh tế Nga thực tế bị rỗng ruột và lệ thuộc nhiều hơn vào năng lượng.

Ngày nay, khi giá dầu đang và còn giảm, dân Nga sẽ được giải thích là vì tội ác của Tây phương! Họ càng oán ghét các nước Âu-Mỹ, nhất là Hoa Kỳ, và sẽ siết chặt hàng ngũ đằng sau Putin.

Sống trong các chế độ văn minh, nhiều khi ta thấy bực mình khi truyền thông có vẻ thiên vị với cánh tả - hay đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ. Chưa thấm vào đâu so với Nga.

Truyền thông Nga gõ mạnh vào bên phải của não bộ người dân để tác động vào cảm quan hơn là lý trí nằm bên trái. Mãi rồi dân Nga đã tự tạo lấy một cái lọc tâm lý để chặn hết mọi thứ thông tin nằm ngoài "dòng chính", do Putin và ban tham mưu khơi ra và be bờ rất kín. Ngưởi dân Trung Quốc và Việt Nam thật ra cũng chẳng khác dân Nga, nạn nhân của một kế hoạch tẩy não tinh vi.

Khi nhắc đến chuyện Putin, nên thấy rằng chúng ta đang trôi xuống con dốc chiến tranh lạnh. Mà hình như lại không biết.

2 nhận xét:

  1. Cháu chỉ sợ nhất là nếu có chiến tranh lạnh, thì chiến trạnh lạnh giữa Mỹ với Nga-Tàu lại là chiến tranh nóng cho xứ khác, như VN. Theo bác có khả năng này không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. May quá, tương lai không được định sẵn nên ta chưa biết được, và... còn có thể hành động để tránh những sai lầm của quá khứ - nếu biết rằng đó là sai lầm.

      Sai lầm không nên tái diễn là sẽ khiến Việt Nam trở thành địa bàn của chiến tranh nóng. Với những người lãnh đạo hiện nay thì thật khó tránh, khi nước Tầu có loạn.




      Xóa