Thứ Ba, tháng 5 05, 2015

Những Mối Lợi Của Tự Do Thương Mại



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150504
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
 
Một phúc trình “giải ảo” từ Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ   

* Phù hiệu của Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ *



Thứ Sáu mùng một vừa qua, Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Tổng thống Hoa Kỳ có một phúc trình với nội dung đáng chú ý: vừa hỗ trợ vừa sửa lưng ông Barack Obama về hồ sơ thương mại. Nhờ đó, may ra nước Mỹ giành lại thế chủ động trong cuộc tranh đua với Trung Quốc.


Hãy nói về bối cảnh. Hoa Kỳ hiện đang thương thuyết hai hiệp ước quan trọng về kinh tế với các quốc gia thuộc hai đại dương tiếp cận với lãnh thổ. Một đàng là Hiệp ước Đối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) với 11 quốc gia trên vành cung Thái bình dương từ Tây bán cầu qua Đông Á, là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bên kia là Hiệp ước Đối tác Xuyên Đại tây dương về Thương mại và Đầu tư (Trans-Atlantic Trade and Investment Partnership, T-TIP) với 28 nước của Liên hiệp Âu châu bên kia Đại tây dương.

Trong hai hiệp ước, T-TIP có trọng lượng hơn về kinh tế vì bao gồm phân nửa sản lượng toàn cầu. Nhưng Hoa Kỳ vốn có sẵn quan hệ thương mại và đầu tư khá tự do với nhiều nước trong khối nên việc thương thuyết chỉ đẩy mạnh thêm việc hợp tác cho toàn diện. Ngược lại, TPP lại quan trọng cao hơn về chính trị vì quy tụ các nước có sản lượng kinh tế là 37% sản lượng toàn cầu nhưng có Nhật Bản mà không có Trung Quốc.

Muốn hoàn thành, Hoa Kỳ cần đạo luật tái tục mỗi năm năm cho phép Hành pháp thương thuyết theo thủ tục nhanh gọn (gọi là “fast track” trong đạo luật Trade Promotion Authority, TPA). Đạo luật bị đảng Dân Chủ gạt qua một bên từ năm 2012. Tháng trước, nhờ sự đề xướng của phe Cộng Hòa và sự hưởng ứng của vài dân biểu nghị sĩ Dân Chủ, hai ủy ban hữu trách tại Thượng và Hạ viện vừa đệ nạp lại một dự luật TPA mới để xin hai viện thông qua.

Trở ngại xảy ra là sự chống đối từ đảng Dân Chủ và các thế lực xã hội và chính trị xưa nay vẫn hỗ trợ đảng Dân Chủ và có khuynh hướng chống tự do thương mại (tự do mậu dịch và đầu tư).

Khi còn ra tranh cử Tổng thống, Obama cũng thuộc khuynh hướng ấy và đòi rà soát để điều chỉnh một hiệp ước tương tự là Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), được Tổng thống Bill Clinton ban hành từ năm 1994 với nhiều lá phiếu Cộng Hòa hơn Dân Chủ. Năm 2008, Tổng thống George W. Bush ủng hộ sáng kiến của bốn nước sáng lập mạng lưới đối tác ban đầu của hệ thống TPP, nhưng khi nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng thống Obama ngần ngại mất gần một năm, đình hoãn kỳ họp đầu năm đó, trước khi ủng hộ. Sau 20 kỳ họp giữa các nước, hiệp ước TPP có hy vọng hoàn thành năm nay, nếu đa số trong Quốc hội Mỹ biểu quyết đạo luật TPA. Đó là bối cảnh chính trị.

Trong tình hình hiện tại, điều khó là tranh thủ được 218 phiếu tại Hạ viện, nơi mà phe Cộng Hòa có 244 ghế và Dân Chủ có 188 ghế, đa số là chống TPP. Cả hai phe chống (chủ yếu là Dân Chủ) và thuận (chủ yếu Cộng Hòa và ông Obama) đang tranh luận và thuyết phục lẫn nhau.

Giữa bối cảnh ấy, phúc trình hơn 50 trang của Hội đồng Cố vấn Kinh tế CEA, gồm các kinh tế gia

được Tổng thống chọn lựa để cho ý kiến về chánh sách kinh tế có lợi nhất, mới có tầm quan trọng.


***

Bản phúc trình khá chuyên môn này kiểm điểm lại kết quả hợp tác và hội nhập kinh tế từ nhiều thập niên để đưa ra lập luận ủng hộ nguyên tắc tự do và bác bỏ lý luận của phe chống, kể cả vài lý luận quen thuộc của ông Obama khi chưa ráo riết ủng hộ TPP. Chuyện ấy khiến ta tự hỏi, vì sao các chính khách Dân Chủ như Clinton hay Obama lại hưởng ứng việc hội nhập kinh tế mà nhiều người trong đảng lại chống? Phải chăng vì ở vào vai trò lãnh đạo Hành pháp, họ phải lấy quyết định vì quyền lợi quốc gia hơn là vì lý do cục bộ?

Về nội dung, các kết luận của Hội đồng CEA gồm có mươi điểm sau đây.

Hoa Kỳ chỉ có 5% dân số toàn cầu và giao dịch với 95% còn lại, nơi mà hàng rào quan thuế và các hạn chế ngoài thuế suất trung bình hiện nay là 6,8%, vẫn là sự cản trở. Nếu giải tỏa được trở ngại ấy, Hoa Kỳ sẽ có lợi. Huống hồ là trong cùng ngành sản xuất, doanh nghiệp nào của Mỹ mà hướng về xuất cảng (cho 95% dân số kia) thì hưởng lợi tức cao hơn. Với thành phần trung lưu, đối tượng ông Obama muốn nâng đỡ, việc được mua hàng nhập cảng rẻ hơn cũng là mối lợi, nhờ đó dư lợi tức để tiêu vào việc khác. Đấy là ba lợi thế khá căn bản và dễ hiểu, nếu người ta muốn hiểu.

Đi vào chi tiết kỹ thuật hơn với khá nhiều số liệu, khi mở cửa cạnh tranh – như mua vật liệu và bán thành phẩm cho xứ khác, năng suất của doanh nghiệp và sản lượng kinh tế cũng tăng: xứ nào cũng khai thác ưu thế tương đối của mình để sản xuất ra mặt hàng có lợi nhất. Tự do thương mại cũng nâng tiêu chuẩn lao động và lợi tức của xứ khác, cho nên họ sẽ mua thêm hàng của Mỹ.

Và ngược với lý luận của trào lưu chống toàn cầu hóa hay bảo vệ môi sinh, tự do thương mại không gây thêm ô nhiễm mà còn cải tiến dị biệt lợi tức nam/nữ (phụ nữ có lương cao hơn), giải trừ nạn kỳ thị thiểu số, kỳ thị di dân và nâng tiêu chuẩn về nhân quyền. Đây là phát giác ly kỳ nhất của Hội đồng CEA, vì thiên về xã hội và chính trị.

Sau cùng, Mỹ có tiềm lực cao về canh nông và dịch vụ. Nếu mở rộng việc hợp tác với các nước thì sẽ khai thác được tiềm năng đáng kể, cụ thể là tăng sản lượng kinh tế nhờ xuất cảng nông sản và có thể thu về 800 tỷ nhờ xuất cảng dịch vụ.

Chi tiết lý thú hơn cả là Hội đồng CEA bác bỏ lý luận của cánh tả, rằng các hiệp định thương mại tự do thường làm doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài để kiếm lợi nhờ nhân công rẻ, làm công nhân Mỹ mất việc. Đây là lập luận sai lầm của những người đã chống hiệp định NAFTA, kể cả Obama. Hiện tượng “mất việc ra ngoài” vì quyết định “outsourcing” của doanh nghiệp Mỹ không xảy ra.

Ngược lại, và ta trở về hồ sơ Trung Quốc, chính là các hiệp định tự do mậu dịch do Bắc Kinh ký kết với các nước mới gây vấn đề cho Hoa Kỳ.

Các hiệp định ấy cho xứ khác lợi thế gia nhập thị trường Trung Quốc với tiêu chuẩn thấp hơn về lao động và môi sinh nên sẽ thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các xứ đó để kiếm lời. Các hiệp định tự do thương mại của Hoa Kỳ đặt tiêu chuẩn cao hơn nên cải thiện môi trường kinh doanh sản xuất trên toàn cầu, giúp doanh nghiệp Mỹ bán hàng qua nhiều hơn qua xứ khác mà khỏi cần đầu tư trực tiếp ra ngoài. Tức là không làm công nhân Mỹ bị mất việc.

Diễn lại theo bạch văn thì trò làm ăn theo kiểu Trung Quốc mới là vấn đề cho nước Mỹ và cho thế giới.


***


Vì kinh tế cũng là chính trị, những khúc mắc chuyên môn về kinh tế thường lọt khỏi tầm nhìn của quần chúng, và để các chính khách bẻ queo sự thật cho mục tiêu chính trị của họ.

Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Obama không là chuyên gia kinh tế thuộc cánh hữu, bảo thủ và ác ôn, cố duy trì những lý luận phản động. Nói rộng hơn, giới kinh tế gia có thể có khác biệt về lý luận nhưng vẫn dựa trên cơ sở khách quan về khoa học nên sự dị biệt ấy không khiến họ coi nhau là kẻ thù và gán cho người kia nhiều ý đồ mờ ám. Giới chính trị - nhất là các nghiệp đoàn Mỹ - không bị ràng buộc vào thực tế như vậy nên tha hồ tung ra lập luận mị dân để lừa phỉnh quần chúng ngây dại của mình.

Và tạo điều kiện cho Bắc Kinh lừa phỉnh thiên hạ.


2 nhận xét:

  1. Thưa chú Xuân Nghĩa!

    Theo cháu hiểu, một trong những lý do chính để một doanh nghiệp đầu tư ra bên ngoài tìm kiếm lợi nhuận là nhân công giá rẻ hơn so với nước của sở tại. Và như chú đã bình luận: "Chi tiết lý thú hơn cả là Hội đồng CEA bác bỏ lý luận của cánh tả, rằng các hiệp định thương mại tự do thường làm doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài để kiếm lợi nhờ nhân công rẻ, làm công nhân Mỹ mất việc. Đây là lập luận sai lầm của những người đã chống hiệp định NAFTA, kể cả Obama. Hiện tượng “mất việc ra ngoài” vì quyết định “outsourcing” của doanh nghiệp Mỹ không xảy ra.

    Vậy không đúng sao chú? Và ví sao outsourcing của doanh nghiệp Mỹ không xảy ra? Chú có thể giải thich thêm được không?

    Cháu cảm ơn chú nhiều!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đại đa số đầu tư ra nước ngoài của Hoa Kỳ là tại các nước công nghiệp hóa, nơi có thị trường tiêu thụ cao, không phải là tại nước nghèo có nhân công lãnh lương thấp. Em tìm hiểu thêm thì sẽ thấy lý luận bảo hộ mậu dịch và chống lại việc đầu tư ra nước ngoài là lạc hậu.

      Xóa