Thứ Ba, tháng 9 22, 2015

Ngân Hàng Trung Ương Mỹ Gieo Hoang Mang


Gia tăng rủi ro khi giữ lãi suất quá thấp quá lâu  



Gia tăng rủi ro khi lãi suất Mỹ thấp kỷ lục
* Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen tại cuộc họp báo ngày 17/09/2015. REUTERS/Jonathan Ernst * 
 
 
Việc Ngân hàng Trung ương Mỹ giữ nguyên lãi suất chỉ đạo ở mức gần như số không tiếp tục gây tranh cãi. Đâu là động cơ khiến Fed ghìm lãi suất ở mức thấp kỷ lục? Thái độ chần chờ đó là cơ may hay là mầm mống rủi ro đối với các nền kinh tế đang trỗi dậy? Tại sao Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ liên tục băn khoăn trước những khó khăn kinh tế của Trung Quốc?


Mổ sẻ quyết định của Cục Dự trữ Liên bang không điều chỉnh lãi suất chỉ đạo, không siết chặt chính sách tiền tệ, từ California chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, ngạc nhiên khi thấy bà Janet Yellen trong cuộc họp báo hôm 17/09/2015 liên tục nhắc đến những khó khăn của Trung Quốc và của nhiều quốc gia khác trên thế giới: Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ không có chức năng bảo đảm ổn định kinh tế, tài chính cho toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng tài chính năm 2008 với những chỉ số khả quan: tỷ lệ thất nghiệp hiện đã rơi xuống còn 5,1 % tức là xuống mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây; Hoa Kỳ không phải đối mặt với lạm phát, nhờ giá năng lượng và nguyên, nhiên liệu giảm mạnh; tỷ lệ tăng trưởng được dự báo dao động trên dưới 2,5 %. Mọi người chờ đợi Ngân hàng Trung ương Mỹ siết lại chính sách tiền tệ sau gần 8 năm ghìm lãi suất chỉ đạo ở gần như là 0 %.

Tất cả những tính toán đó đã bị Fed xua tan sau hai ngày họp 16 và 17/09/2015 của Hội đồng tiền tệ FOMC. Trái với thông lệ, việc Mỹ không tăng lãi suất không được các thị trường tài chính đón nhận như một tin vui. Trong phiên giao dịch ngày 18/09/15, chỉ giá trên hầu hết các sàn chứng khoán chính quốc tế đã giảm mạnh. Quyết định giữ nguyên hiện trạng của chính sách tiền tệ, với lãi suất thấp ở mức sàn – 0 đến 0,25 % - của Ngân hàng Trung ương Mỹ gây lo ngại: những tín hiệu đáng lo ngại phát đi từ Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai toàn cầu, được Thống đốc Yellen nêu lên là nguyên nhân hay cái cớ để Fed hoãn tăng lãi suất?

Nếu Trung Quốc là nguyên nhân của vấn đề, thì đây là lần đầu tiên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra một quyết định ngoài chức năng của mình, do Fed theo đuổi hai mục tiêu: Ổn định giá cả và tăng trưởng, lao động trên nội địa của Hoa Kỳ. Còn nếu như Trung Quốc chỉ là cái cớ hoãn binh của Hội đồng tiền tệ FOMC thì phải chăng các giới chức tài chính Mỹ không thực sự an tâm về sự phục hồi của chính kinh tế Hoa Kỳ?


Trả lời đài RFI, trước hết chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích thêm về bốn yếu tố giải thích cho thái độ thụ động vừa qua của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Qua quyết định không tăng lãi suất ngắn hạn, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã một lúc chứng minh ít ra bốn chuyện: 

- Thứ nhất, chính sách hạ lãi suất đến sàn từ 81 tháng qua, rồi ào ạt bơm tiền qua ba đợt liền thật ra chẳng mấy công hiệu. Kinh tế Mỹ có mức hồi phục chậm nhất sau nạn suy trầm đã manh nha từ cuối năm 2007. Nếu thất nghiệp có giảm - tháng qua chỉ còn 5,1% - thì lợi tức đa số người dân vẫn chưa trở về mức cũ. Nói cách khác, Ngân hàng Trung ương Mỹ cho rằng Hoa Kỳ chưa trở về trạng thái bình thường để có thể tăng lãi suất ra khỏi tình trạng quá bất thường là mấp mé ở số không.

- Thứ hai, sau hai ngày họp 16 và 17/09/201 của Hội đồng Tiền tệ FOMC, cơ chế hữu trách về lãi suất ngắn hạn của Ngân hàng Trung ương Mỹ, bản tuyên bố chính thức cho thấy định chế này mù mờ về tương lai, cụ thể là thiếu khả năng dự báo về mức lạm phát như một tiêu chuẩn quyết định là tăng 2%. Vì không tiên đoán được tương lai, dù có những chuyên gia và mô thức kinh tế tân kỳ nhất, Ngân hàng Trung ương Mỹ mới trì hoãn quyết định về lãi suất - ít ra là thêm sáu tuần nữa, cho đến kỳ họp tới của Hội đồng Tiền tệ vào hai ngày 27 và 28/10/2015. Chính sự phân vân ấy mới khiến thị trường chứng khoán tuột dốc vì các doanh nghiệp e rằng cơ quan có trách nhiệm về chính sách tiền tệ và tín dụng lại không nắm vững tình hình hoặc dự phóng rằng tình hình còn có thể tệ hơn nữa.

- Thứ ba, bản thân tôi còn thấy một mối nguy khác là định chế lãnh đạo hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ lại hốt hoảng về sự hốt hoảng của thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng qua. Đây là điều bất thường vì khác với Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Mỹ không có chức năng hay nhiệm vụ can thiệp vào thị trường chứng khoán. Khi duy trì lãi suất ở số không quá lâu, định chế này còn mặc nhiên điều phối dòng tư bản vào thị trường cổ phiếu, khiến cổ phiếu tăng giá một cách bất thường rồi khi thấy thị trường này hốt hoảng sụt giá thì lại không dám tái lập trạng thái bình thường là nâng lãi suất, dù chỉ ở mức thấp là có 25 điểm, hay 0,25%.

- Nghiêm trọng hơn thế là nửa tiếng sau bản thông cáo, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang, bà Janet Yellen có cuộc họp báo. Trong một giờ, bà sáu lần nhắc đến Trung Quốc và 10 lần nói tới kinh tế toàn cầu, trong đó cũng có kinh tế Trung Quốc. Khác với kỳ họp trước vào tháng 7/2015, lần này Ngân hàng Trung ương căn cứ trên sự bất trắc của kinh tế toàn cầu mà quyết định về chính sách tiền tệ của Mỹ. Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ không có nhiệm vụ duy trì lãi suất ở số không để cấp cứu kinh tế toàn cầu. Quyết định ấy không chỉ gây tranh luận trong giới kinh tế mà còn đào sâu dị biệt quan điểm ngay trong thành phần 12 người lãnh đạo Hội đồng Dự trữ Liên bang.

RFI: Dù sao tình hình kinh tế Trung Quốc cũng đáng quan ngại vì Trung Quốc là nền kinh tế thứ nhì của thế giới và sự sa sút của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong nhóm gọi là “đang phát triển” và gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế Hoa Kỳ? Trung Quốc là cái cớ hay nguyên nhân để Mỹ không tăng lãi suất?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lý do hay lý cớ thì chưa rõ, nhưng kinh tế Trung Quốc không sa sút từ Tháng Sáu và Bảy sau vụ sụt giá cổ phiếu rồi vụ phá giá đồng nhân dân tệ vào Tháng Tám. Kinh tế Trung Quốc sa sút từ năm 2010 mà Ngân hàng Trung ương Mỹ đáng lẽ phải biết. Thứ nữa, nạn suy trầm ấy làm nguyên nhiên vật liệu hay thương phẩm sụt giá từ bốn năm nay chứ có là điều gì mới xảy ra đâu ?

- Quả thật là hai bạn hàng lớn nhất của kinh tế Hoa Kỳ là Canada và Trung Quốc đang bị suy trầm, nhưng tác dụng vào kinh tế Hoa Kỳ không lớn như người ta nghĩ vì nước Mỹ ít lệ thuộc vào xuất nhập cảng. Trái lại, quyết định không nâng lãi suất khiến đồng đô la Mỹ không tăng mà sụt và gây khó cho Ngân hàng Trung ương Âu Châu vì làm đồng euro lên giá và hàng Âu Châu khó xuất cảng. Đấy là lý do khiến thị trường Âu Châu sụt giá vào ngày 18/09/2015.

- Tôi không tin vào “thuyết âm mưu” hay “conspiracy theory” nhưng e là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vừa có một cử chỉ đẹp với Bắc Kinh khi duy trì lãi suất ở số không vì mặc nhiên giảm sức ép cho kinh tế và cho đồng tiền của Trung Quốc. Hãy tưởng tượng ra sự hốt hoảng của Bắc Kinh nếu lãi suất tăng sẽ làm Mỹ kim càng lên giá và kéo theo đồng bạc Trung Quốc. Khi ấy, họ lại phải phá giá nữa trong khi tư bản càng tháo chạy ra khỏi thị trường Trung Quốc.

- Ngân hàng Trung ương Mỹ không có chức năng ngoại giao và các thành viên trong Hội đồng Tiền tệ FOMC đều hiểu rằng họ có nhiệm vụ quan tâm đến kinh tế Hoa Kỳ, đến thị trường nội địa, chứ không phải là cấp cứu kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, khi phải điều trần trước các ủy ban ngân hàng và tiền tệ của Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng thể nào Chủ tịch Janet Yellen cũng sẽ bị vặn hỏi về quyết định này.

RFI: Thế còn tác động của việc không tăng lãi suất đối với nền kinh tế Mỹ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, khi giữ lãi suất ở số không và nếu thông báo là “chúng tôi chưa tăng lãi suất kỳ này, nhưng sẵn sàng nếu tình hình kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu khả quan hơn” thì ai cũng có thể hiểu được và tin tưởng. Nhưng khi lòng vòng nói đến tình trạng bất định của kinh tế Hoa Kỳ và bất trắc của kinh tế toàn cầu thì Ngân hàng Trung ương Mỹ gây thêm hoang mang, điều ấy càng dẫn tới biến động trên thị trường trong thời gian tới.

- Một số chuyên gia về động thái của Ngân hàng Trung ương Mỹ còn đoán rằng lãi suất sẽ không tăng trong kỳ họp Tháng 10 rồi Tháng 12 mà phải đợi năm tới. 2015 cũng là năm có tranh cử Tổng thống với nhiều yếu tố chính trị sẽ chi phối giới lãnh đạo định chế này. Ta không quên rằng đa số của giới lãnh đạo này là giáo sư kinh tế, theo xu hướng thiên tả của trường phái Keynesien và có ít kinh nghiệm về ngân hàng.

- Nói về tác động của việc duy trì lãi suất ở số không một cách bất thường và quá lâu như vậy thì chúng ta nên nhớ rằng biện pháp giả tạo này làm lệch cán cung cầu và lãi suất hay giá vay tiền hết là một chỉ dấu xác thực và đáng tin về cung cầu. Đi vào chi tiết thì giới tiết kiệm và thành phần cao niên sống nhờ hưu liễm bị thiệt vì phân lời quá thấp. Giới trẻ thì quên hẳn khái niệm tiết kiệm vì thấy chẳng có lợi.

- Lãi suất thấp khiến các ngân hàng ghim một khối dự trữ cao hơn mức pháp định tối thiểu và lại cho nhà nước vay hơn là tài trợ đầu tư nên khó giúp kinh tế hồi phục. Lãi suất thấp cũng thổi lên bong bóng trên thị trường cổ phiếu, làm giàu cho giới đầu tư có tiền ở chóp bu mà chẳng giúp gì các cơ sở nhỏ và vừa hoặc thuộc loại tân lập ở dưới. Nói vắn tắt thì lãi suất bằng số không đã và sẽ còn gây lệch lạc cho thị trường và nếu kinh tế năm tới mà bị suy trầm thì Ngân hàng Trung ương chẳng thể hạ lãi suất xuống số âm để kích thích sản xuất.

RFI: Hậu quả cho kinh tế thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chẳng riêng gì Hoa Kỳ mà nhiều quốc gia cũng đã hạ lãi suất đến sàn kể từ năm 2008. Hậu quả bất lường của chính sách ấy là tiền nhiều và rẻ khiến các nước lại vay mượn nhiều hơn. Theo Viện Nghiên cứu McKinsey thì tổng số nợ trên thế giới đã tăng 40% kể từ năm 2007 và nay lên tới 200 ngàn tỷ đô la. Mà lãi suất không thể nằm mãi ở số không như vậy nên sẽ phải tăng và chi phí trả nợ cũng vậy. Khi ấy, núi nợ sẽ sụp và bên trong các khoản nợ xấu tích lũy từ mấy năm nay sẽ dẫn đến nạn suy thoái chứ không phải là suy trầm kinh tế.

- Những gì đã xảy ra cho Hy Lạp thật chưa thấm vào đâu so với trận động đất tài chánh sắp tới, tại Trung Quốc lẫn nhiều quốc gia đang phát triển khác. Trong khi chờ đợi cái “ngày tính sổ” ấy, người ta có thể thở phào khi Ngân hàng Trung ương Mỹ chưa nâng lãi suất, nhưng được bao lâu?

- Kết luận ở đây, ít ra là cho các nước đang phát triển như Việt Nam, là người ta nên chú ý đến việc cải sửa cơ chế để thu hút đầu tư trực tiếp của ngoại quốc vào các dự án lâu dài, hơn là tính ăn xổi nhờ sai biệt lãi suất là đầu tư vào thị trường tài chánh vì loại đầu tư ấy trút vào rất nhanh mà rút ra cũng lẹ nên rất dễ gây khủng hoảng.

4 nhận xét:

  1. Đến hôm nay thì em sẽ phải nói rằng Nguyễn Xuân Nghĩa là thầy của em. Em xin cảm ơn thầy trong thời gian qua. Nghe thầy bình luận trên Người Việt TV, Bên Kia Màn khói... Thật sự từ 1 người không biết gì về kinh tế chính trị học cũng như những gì mà thầy đã bình luận trên các chương trình, Không biết nói gì hơn. Là cảm ơn thầy đã dạy em rất nhiều. Mong thầy luôn luôn có sức khỏe tốt chào thầy.
    Người học trò từ Việt Nam

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em.

      Hãy theo dõi chuyện Volkswagen gian lận và vụ khủng hoảng Âu Châu sau đó. Thế giới này ly kỳ thật!

      Xóa
  2. Thầy Nguyễn Xuân Nghĩa rất uyên bác, một tài năng của VN. Tôi là một TS về kỹ thuật Xây Dựng ở VN, không biết gì về kinh tế, nhưng nhờ đọc Blog Thầy, tôi hiểu nhiều thêm về kinh tế và chính trị thế giới. Mong Thầy liên tục viết bài khai sáng cho người VN chúng ta. Cảm ơn Thầy rất nhiều. Tôi tất mến mộ Thầy.

    Trả lờiXóa
  3. Thầy Nguyễn Xuân Nghĩa rất uyên bác, một tài năng của VN. Tôi là một TS về kỹ thuật Xây Dựng ở VN, không biết gì về kinh tế, nhưng nhờ đọc Blog Thầy, tôi hiểu nhiều thêm về kinh tế và chính trị thế giới. Mong Thầy liên tục viết bài khai sáng cho người VN chúng ta. Cảm ơn Thầy rất nhiều. Tôi tất mến mộ Thầy.

    Trả lờiXóa