Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 151008
Hoa Kỳ có thể lãnh đạo thế giới về kinh tế, nhưng bất định về chính trị
* Với cánh bảo thủ, các lãnh tụ Cộng Hòa trên đều là Dân Chủ ngụy danh Cộng Hòa! *
Chỉ ba ngày sau khi tin mừng về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái
bình dương TPP được thông báo mờ sáng mùng năm thì Quốc hội Hoa Kỳ đã lâm vào
khủng hoảng: đảng Cộng Hòa không thể tổ chức bầu bán nội bộ để tìm người lên
làm Chủ tịch Hạ viện thay Dân biểu John Boehner. Lý do là ứng viên sáng giá nhất
do ông Boehner đề nghị, là Dân biểu Kevin McCarthy – đương kim trưởng khối Đa số,
là nhân vật lãnh đạo hàng thứ hai sau Chủ tịch Hạ viện - bất ngờ tuyên bố rút
lui trưa Thứ Năm mùng tám: nội bộ đảng Cộng Hòa tại Hạ viện có cuộc nổi loạn của
hai ba nhóm dân biểu bảo thủ khiến ứng cử viên McCarthy khó hội đủ đa số là 218
phiếu trong Hạ viện có 435 Dân biểu.
Phe bảo thủ bất tín nhiệm nhân sự lãnh đạo cũ mà chưa đồng ý
về người thay thế vì cũng khó huy động được 218 phiếu cho nhân vật của mình. Việc
bầu lại Chủ tịch Hạ viện được đình hoãn và Chủ tịch Boehner tiếp tục cầm trịch
mà không điều động nổi phe Cộng Hòa, trước sự hài lòng của pha Dân Chủ.
Đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ viện không có lãnh đạo. Tại
Thượng viện cũng vậy vì Trưởng khối Đa số là Nghị sĩ Mitch McConnell cũng đang
bị khuynh hướng bảo thủ phản đối ở bên trong.
Sau khi 12 quốc gia đối tác mất hơn năm năm, qua hơn hai chục
kỳ họp, để đàm phán về chế độ giao dịch tự do với thuế suất tối thiểu và không
còn hạn ngạch, Hiệp ước TPP thành hình vào mờ sáng Thứ Hai mùng năm Tháng Chín.
Triển vọng TPP được đánh giá là lịch sử vì mở ra kỷ nguyên tự do mua bán và đầu
tư giữa gần 800 triệu dân của 12 nước trên Vành cung Thái bình dương, hiện sản
xuất khoảng 28 ngàn tỷ đô la, bằng 40% sản lượng toàn cầu.
Nhưng dù đã thành hình, Hiệp ước TPP còn phải được Quốc hội
từng nước phê chuẩn và các cơ quan chuyên môn của Hành pháp phải đề ra một số
luật lệ để thi hành cam kết với 11 đối tác kia.
Lãnh đạo kinh tế của toàn khu vực TPP này, Hoa Kỳ giữ vai chủ
chốt trong các cuộc đàm phán và Chính quyền Barack Obama đặt kỳ vọng vào TPP để
hoàn thành một di sản lịch sử còn lớn hơn NAFTA (Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc
Mỹ) của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993.
Năm 2008, Hoa Kỳ thời Tổng thống George W. Bush phát huy
sáng kiến tự do mậu dịch giữa bốn nước nhỏ là Singapore, New Zealand, Chile và
Brunei, nên mở ra một không gian tự do rộng lớn hơn với sự tham dự của nhiều nước
khác, kể cả Việt Nam. Đấy là nguyên ủy của TPP.
Khi đó, theo truyền thống của đảng Dân Chủ là chủ trương bảo
hộ mậu dịch và can thiệp vào thị trường, Nghị sĩ Obama vẫn còn chống tự do mậu
dịch và Hiệp ước NAFTA, được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1992 nhờ lá phiếu Cộng
Hòa. Khi đắc cử và nhậm chức vào năm 2009. Tổng thống Obama do dự và đình hoãn
sáng kiến TPP của vị tiền nhiệm, mất một năm học bài thì mới hiểu ra mối lợi của
TPP cho kinh tế và dân chúng Hoa Kỳ. Nó phù hợp với chủ trương khi đó của ông
là yểm trợ ngoại thương để tạo thêm hai triệu việc làm bằng cách nhân đôi ngạch
số xuất cảng trog năm năm. Vì vậy, Obama chỉ hậu thuẫn và đẩy mạnh việc thương
thuyết từ năm 2010.
Hơn năm năm sau dự án quy mô này mới thành hình.
Và bây giờ Tổng thống Hoa Kỳ phải vận động Quốc hội sớm phê
chuẩn. Chủ yếu là vận động phe Dân Chủ và nhờ vào hậu thuẫn của phe Cộng Hòa
xưa nay vẫn hưởng ứng tự do mậu dịch và mùa Hè vừa qua còn giúp Obama vượt qua
nhiều trận phục kích của các dân biểu nghị sĩ Dân Chủ.
Thể thức phê chuẩn hiệp định ngoại thương của Hoa Kỳ thuộc
loại nhiêu khê rắc rối nhất thế giới. Sau đây là những tóm lược:
Sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố là muốn Quốc hội thông qua Hiệp
ước, Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ (USTR) được ủy quyền thương thuyết theo thủ tục
nhanh gọn của đạo luật TPA phải công bố trong những ngày tới nội dung chi tiết
của Hiệp ước. Đây là một văn kiện lớn, gồm cả trăm vấn đề chi tiết được phân bố
trong 30 chương dày cộm. Rồi các Ủy ban tư vấn của Văn phòng Đại sứ Thương mại mới
thẩm định nội dung và đệ nạp Quốc hội cách đánh giá của mình.
Chông gai ở đây là trong 90 ngày tham khảo và thẩm định ấy Quốc
hội có thể châm chước hoặc nếu đòi điều chỉnh thì Hoa Kỳ phải thông báo những đòi
hỏi này cho 11 đối tác kia. Các nước có thể thông cảm hay không với những điều
chính ấy vì bên trong họ cũng có thể gặp các vấn đề tương tự.
Sau đó, căn cứ trên văn kiện mới, Hành pháp có 60 ngày để soạn
thảo danh mục các dự luật cần ban hành và Hội đồng Thương mại Quốc tế, một cơ
chế độc lập của Hoa Kỳ, có tối đa 105 ngày để phân tích hiệu ứng lợi và hại cho
kinh tế Mỹ khi hội nhập vào hệ thống TPP. Còn các ủy ban chuyên môn của Quốc hội
cũng phải trắc nghiệm ảnh hưởng và yêu cầu của việc áp dụng. Từ kết quả nghiên
cứu bàn cãi đó, Hạ viện có 60 ngày và Thượng viện có 30 ngày để phê chuẩn văn
kiện chính thức này.
Cứ theo lịch trình này thì qua đầu năm tới Quốc hội mới có
thể xứu xét được, nếu Quốc hội có lãnh đạo. Vì thế vụ khủng hoảng trong đảng Cộng
Hòa mới là một trở ngại bất ngờ trong cả trăm bước chông gai. Khi ấy, cả chục
cơ quan hữu trách khác – hoặc chuyên môn của USTR, hay độc lập như Hội đồng
Thương mại Quốc tế US International Trade Council, hoặc kỹ thuật của nhiều ủy
ban Quốc hội, sẽ mất nhiều tháng rà soát ảnh hưởng, sự lợi hại và điều kiện chấp
hành để đề nghị bổ túc.
Ngoài các khía cạnh luật phát và hiến chế, như soạn thảo các
dự luật cần thiết để áp dụng một hệ thống mới, người ta chờ đợi là nhiều dân biểu
nghị sĩ sẽ châm thêm vào Hiệp ước hàng loạt điều kiện bổ sung, nhằm bảo vệ quyền
lợi cục bộ của quản hạt hay tiểu bang của mình, để tái đắc cử.
Nếu lạc quan thì tiến trình nghiên cứu, tìm hiểu rồi vận động
để “cải thiện” Hiệp định sẽ mất ít ra ba tháng. Nhiều phần thì lâu hơn! Sau đấy,
Hoa Kỳ phải thông báo nội dung mới và dàn xếp hay tái thương thuyết với 11 đối
tác kia của khu vực Xuyên Thái bình dương trước khi có một văn kiện hoàn chỉnh
cho Quốc hội phê chuẩn để Tổng thống sớm ban hành.
Khốn nỗi, qua năm tới, Hoa Kỳ lại bầu Tổng thống, toàn bộ Hạ
viện và một phần ba Thượng viện. Và trong cuộc bầu cử, mọi người đều thi đua
xoi mói vào TPP để… kiếm phiếu!
Các ứng cử viên trong của tranh cử Tổng thống đều có ưu tiên
là đắc cử. Bên đảng Dân Chủ, họ sẽ ráo riết chống như Nghị sĩ Bernie Sanders
thuộc xu hướng xã hội chủ nghĩa cực tả. Hoặc sẽ trở cờ và chống như Hillary
Clinton theo xu hướng thời cơ chủ nghĩa: Bà đã ủng hộ TPP và vận động các nước
khi còn làm Ngoại trưởng, nay đảo ngược lập trường để tìm hậu thuẫn của cánh tả
và các nghiệp đoàn. Một người duy nhất sẽ ủng hộ là Phó Tổng thống Joe Biden, nếu
ông ta ra tranh cử để cứu đảng Dân Chủ và sự nghiệp Obama khi hậu thuẫn của
Hillary cứ tan dần vì tính gian manh truyền thống của bà.
Cả ba người đều thuộc loại già nua và lạc hậu nhất của chính
trường Hoa Kỳ.
Bên đảng Cộng Hòa thì tình hình còn bi thảm hơn vậy.
Theo truyền thống mới là bất tín nhiệm các chính khách lão
thành - dầy kinh nghiệm và tai tiếng - họ tìm các khuôn mặt mới. Rồi tiến hành “tiêu
thổ kháng chiến” bằng cách tự đốt nhà và say mê bắn vào chân nhau. Vì vậy, ba ứng
cử viên đang dẫn đầu vì “phi chính trị” nhất chẳng quan tâm đến TPP như Bác sĩ
Ben Carson, hoặc tỏ vẻ nghi ngờ và muốn cải thiện Hiệp ước như nữ doanh gia
Carly Fiorina. Hoặc hoàn toàn đả phá như doanh gia Donal Trump – Con Donald,
nói theo truyền thông Mỹ! Nhân vận này có những chủ trương cực tả về kinh tế và
cực hữu về an ninh và có phong cách cực hỗn khi tranh cử.
Cả chục ứng viên còn lại thì còn đang ngoi lên mặt nước nên
chẳng kịp ngó vào hay nói đến TPP.
Tất nhiên là các dân biểu nghị sĩ đang cần tái đắc cử thì sẽ
dùng TPP làm bàn đạp.
Hoặc đạp xuống đất như đa số Dân Chủ, hoặc châm thêm nhiều
điều kiện quá quắt để gây tranh luận trước khi cử tri đi bỏ phiếu vào ngày Thứ
Ba mùng tám Tháng 11 năm tới. Tức là Hiệp ước TPP phải đợi Quốc hội khóa 115 phê
chuẩn sau khi tuyên thệ ngày mùng ba Tháng Giêng năm 2017.
Và nếu được thông qua sau ngần ấy gian nan khổ ải thì sẽ do
Tổng thống thứ 45 ban hành sau ngày nhậm chức là 20 Tháng Giêng năm 2017: Kỷ
nguyên TPP chỉ xuất hiện năm 2017!
Hoa Kỳ có lợi lớn nhờ hiệp ước tự do mậu dịch như các chuyên
gia kinh tế trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Obama đã nghiên cứu và
kết luận từ lâu. Việt Nam cũng sẽ có lợi lớn nhờ Hiệp ước TPP, nếu chịu khó chấp
hành những cam kết của mình sau khi được phái bộ Hoa Kỳ đặc biệt nâng đỡ vào
lúc cuối của cuộc đàm phán vừa qua tại Atlanta. Trung Quốc thì gặp bất lợi lớn
nếu trật tự kinh tế mới thành hình theo luật chơi do Hoa Kỳ đặt ra. Đấy là mặt
tích cực của Hiệp ước TPP mà chúng ta sẽ còn cơ hội thẩm định khi nội dung các
cam kết được công bố trong mấy tuần tới.
Mặt tiêu cực là luật chơi chính trị Hoa Kỳ khiến người ta
nói đến sự tự sát của nền dân chủ Mỹ.
Về chuyện này, xin theo dõi chương trình Bên Kia Màn Khói mới nhất của Bích Trâm trên SaigonTV:
Trả lờiXóahttps://www.youtube.com/watch?v=1u9YuhtobCM
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCháu muốn hỏi về CEA, tức hội đồng cố vấn kinh tế cho tổng thống, dường như hội đồng này luôn đưa ra những thống kê hay lý luận có lợi cho lập trường mà tổng thống muốn ban hành. Ví dụ, cháu tìm thấy hồi ông Obama muốn nâng lương tối thiểu (một vấn đề đang tranh cãi thời ấy) thì hội đồng này cũng vận dụng cách nói của họ, lý do tại sao tăng lương, và cách nói này, theo cháu thấy khá dối trá, đầy tuyên truyền một chiều. Vậy cháu hỏi, họ đưa ra một phúc trình về tự do thương mại nói chung và TPP nói riêng, nó có thực sự đáng tin tuyệt đối hay không? Ví dụ bên phản đối họ cũng có những phúc trình của họ?
Xin cảm ơn bác.
"Kỷ nguyên TPP chỉ xuất hiện năm 2017!"
Trả lờiXóaWhoa... thầy Nghiã đoán như thần, TPP đã thông qua ngày hôm qua, một lần nưã lại "thông qua" mà không ai chịu ký kết ;-p. Thiên hạ không thấy có Chàng, nên thấy oải làm sao đó, ngay cả láng giềng Canada cũng lơ lơ. Hehe... ai cũng chê chàng "xấu ăn, ở ác", nhưng vắng Chàng là họ lại không zui, đời quá lạ. Poorshope thì đoán mò là ít lâu nữa thôi là Chàng sẽ tái xuất hiện để ký ký...
Trong thương mại toàn cầu thì TPP có vẻ như là một phân khúc, có khả năng gia tăng thành viên, chạy vòng vo như một con tàu, rồi chắc lại gắn vào thêm các toa mới khác, như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, etc. chứ chẳng dừng. Nhưng nó là một sáng kiến hay, vì nếu không có cái gì khởi hành thì Tàu Thống Nhất chỉ là mấy cái loa thôi sao?
Trường phái "bảo thủ" thật ra chỉ là bảo thủ ở một số vấn đề thuộc về lợi ích giưã các nhóm công nghiệp và mục đích nhằm cầm chắc là Hoa Kỳ không quá ham vui xuân mà quên nhiệm vụ với dân với nước, cho nên TT Trump phải hô vang suốt "American First" kẻo quên. Chứ mấy ổng cũng quá hiểu, nếu không tham gia vào mấy vụ này là thua thiệt, nên cứ co dũi mãi. Nhưng quả thật là phải cần nhiều tay chuyên vưà giỏi vưà yêu nước, chứ toàn đám hưởng phước và yêu nước... ngoài không thôi, thì người dân chỉ hưởng được cái xơ.
Chuyến đi thăm Đông Á và dự APEC, ASEAN cuả TT Trump có nhiều điều thật là vui và buồn cười quá chừng. Có lẽ chưa có một ông TT Mỹ nào vưà "cowboy", vưà thiệt thà, hồn nhiên như Trump ;-p
Trả lờiXóaBên kia, TT Abe thì vưà điềm đạm, vưà cẩn trọng, còn CT Tập thì "vung tay ký hợp đồng xả láng" làm mát mặt đối phương nhưng cũng "kiên định" không bao giờ nới lỏng các "cốt lỏi". Biết đối phương Trump chơi theo nước cờ - do thầy Nghiã chỉ "đường nào em cũng sáng" ;-p - nên anh Tập cũng vung cả hai tay, tay nào làm để hàm nhai, tay nào vẽ vời mơ mộng tương lai thì cứ... vẽ. Vẽ riêng hay vẽ chung, cứ để thời gian từ từ trả lời, ván cờ cứ xoành xoạch, sát nút. Nói chung cả ba anh đều giúp đỡ lẫn nhau để lấy được lòng quần chúng đã bầu - hoặc bị buộc phải bầu - các ảnh lên.
Thôi Poorshope dừng, đợi ngày mai xem thầy Nghiã giải ảo. Bình minh trên Thái Bình Dương. Thấy mấy ảnh rút quân về rồi chuyển trục, chuyển hệ gì đó, làm Poorshope lo muốn chết. God bless...
Thầy Nghiã bình luận về tinh thần quốc gia, dân tộc sáng nay, Poorshope rất thích. Toàn cầu có những vấn đề chung nên có sự hợp tác, phân chia khu vực, etc. thì cũng hợp lý thôi, nhưng nó cần phải có luật lệ quốc tế nghiêm túc đảm bảo chủ quyền và lợi ích cho những quốc gia nhỏ bé, chứ không thể nào xoá bỏ hết mọi biên giới và cá lớn nuốt cá bé được.
Trả lờiXóaNgày mai sẽ được nghe tiếp phải không ạ?