Thứ Ba, tháng 10 13, 2015

Lại Một Trận Ấp Bắc



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 151012
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Những phân vân bất định của một Tổng thống siêu cuồng


 * Thằng bé chạy trong rừng. Và bầy thú biết đánh hơi - Hý họa của Michael Ramirez - IBD *



Giới chuyên gia quân sự trong trận chiến Việt Nam (của Hoa Kỳ) thì biết lả đã có hai trận Ấp Bắc.

Trận đầu, các đơn vị Hoa Kỳ đại bại vì sự dàn dựng của người Mỹ trong cuộc, để lấy tiếng, nên bị tràn ngập và than khóc. Rút kinh nghiệm đó, và tương kế tựu kế, trận thứ nhì là một chiến thắng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Một người trong cuộc của trận này ngay vẫn còn với chúng ta là Trung tướng Nguyễn Bảo Trị. 

Nhưng “Ấp Bắc II” lại bị sử gia Hoa Kỳ lãng quên trong nhiều điều đã bị lãng quên - hoặc xuyên tạc.

Không là chuyên gia quân sự, người viết vẫn nhớ đến điều ấy qua dịp trao đổi ý kiến hay thông tin với nhiều sử gia và học giả Hoa Kỳ, một số không nhỏ là cựu chiến binh Mỹ tại Viêt Nam. Càng nhớ thấm thía trong mục “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” tuần này vì nhiều người không bị bệnh “quên trí nhớ” nên nhắc lại vụ đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày một Tháng 11 năm 1963. Biến cố đầu nguồn của sự thất bại.

Mà hình như lịch sử lại tái diễn với việc Chính quyền Barack Obama “chuyển trục”. Chưa phải chuyển trục về Đông Á như đã hứa hẹn từ bốn năm trước, mà “chuyển trục khỏi Trung Đông”. Và nhường vũng lầy Hồi giáo cho lãnh tụ Vladimir Putin của Liên bang Nga.

Thât ra, “nhường vũng lầy” chỉ là mỹ từ của Obama để che giấu sự thất bại trong chiến lược Trung Đông. Với nhiều nhà bình luận xưa nay vẫn có thiện cảm với Obama thì đây là một thất bại ngoại giao lớn nhất của nước Mỹ sau thảm kịch Việt Nam!

Sau nhiều năm đổ lỗi, người ta hết nói về sai lầm của Tổng thống Georges W. Bush trên chiến trường Iraq. Lý do là mọi người lãnh đạo đều nhận lãnh di sản của vị tiền nhiệm. Như Lyndon B. Johnson nhận lại canh bạc của John F. Kennedy và gây thêm thất bại khiến Richard M. Nixon phải thu dọn chiến trường và “tháo chạy trong danh dự”. Hoặc ông Bush con bị giáng đòn khủng bố đã manh nha từ thời Bill Clinton, v.v...

Khi tranh cử Tổng thống, mọi ứng cử viên đều biết nghe ngóng dư luận mà đề nghị món ăn khách nhất, để xàng xê - lang ba vi bộ - qua vòng sơ bộ và được Đại hội đảng đề nghị là thụ ủy, thay mặt đảng ra tranh cử trên toàn quốc. "Lang ba vi bộ" là đi từ tả qua hữu hay từ hữu qua tả tùy triết lý chính trị của đảng hầu chinh phục được thành phần trung dung ở giữa thì mới chiếm được đa số phiếu. Chuyện lật lọng khi xuống giọng xàng xê là lẽ thường tình.

Nhưng khi đắc cử và chuẩn bị nhậm chức, Tổng thống tân cử mới đi vào thực tế và tham khảo các hồ sơ phức tạp trong từng lãnh vực để giải quyết. Khi ấy, Chính quyền tân nhậm mới thấy là thực tế không giống những gì họ nghĩ khi tranh cử, và chương trình hành động đã đưa họ vào Phủ Tổng thống thường là chuyện lỗi thời. 

Kinh tế, xã hội, chính trị và cả bang giao quốc tế đặt ra nhiều bài toán bất ngờ.

Với kinh nghiệm rất mỏng của một người đi phát triển cộng đồng và làm Nghị sĩ chưa kịp học bài đã vội ra tranh cử, nhưng với khả năng hùng biện rất cao, cậu bé quàng khăn đỏ Barack Obama đã đắc cử Tổng thống giữa - nhờ - cơn biến động tài chánh và nạn Tổng suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009. Nhưng khác với mọi vị tiền nhiệm, Obama lại là người mắc bệnh tự mê và tin rằng tài hùng biện thiên phú của mình có thể dẫn Hoa Kỳ qua hướng mới.

Nhìn từ bên ngoài, Obama gần với nhân vật Donald Trump bên đảng Cộng Hòa mà không biết. Hoặc ngược lại, The Donald hay Con Donald, đã học được phép quyến rũ của Obama trong vòng sơ bộ hiện nay với lối phát biểu vi vút!

Nhờ tài hùng biện – và sự sùng tín ngây dại của truyền thông dòng chính mà thật ra thiên tả – quả nhiên Tổng thống Obama đã dẫn Hoa Kỳ qua hướng khác. Và mỗi khi gặp khó khăn lại đổ lỗi cho vị tiền nhiệm, điều không có ở Tổng thống Clinton, vốn dĩ cũng rất hùng biện nhưng thực tiễn hơn. 

Obama càng tin vào sứ mạng của mình khi nhiều người còn sánh ông với Thượng đế.

Cái hướng do Obama vạch ra có mùi… Bush khi Thống đốc Texas ra tranh cử Tổng thống năm 2000: Hoa Kỳ nên khiêm cung với thiên hạ và đừng áp đặt giá trị tinh thần của mình lên xứ khác.

Nhưng Obama đi xa hơn, dùng lý luận đơn giản của trí thức cực tả và thuộc Thế giới Thứ ba, mà bảo rằng Hoa Kỳ có tội và là tai họa cho thế giới. Hoa Kỳ chỉ là một trong nhiều cường quốc của địa cầu chứ không nên có tham vọng lãnh đạo thế giới. Obama trở thành “người vái tứ phương” – xin dùng chữ của Doãn Quốc Sĩ – qua các bài diễn văn tại Cairo hay Ankara, và tự đấm ngực xưng tội để triệt thoái khỏi thiên hạ sự. Ưu tiên của Obama là cải tạo nước Mỹ. Như Hà Nội năm xưa, ông cải tạo thật và gây ra những xáo trộn chưa từng thấy từ nhiều thập niên. Mục “Kinh Tế Cũng Là Chính Trị” sẽ có dịp phân tách chuyện cải tạo này – vào năm tới, khi đánh giá di sản Obama.

Nhưng địa cầu không xoay vần theo “Thế giới quan Obama”.

Khi Tổng thống Mỹ triệt thoái để khỏi dính vào thiên hạ sự thì Hoa Kỳ tất nhiên để lại nhiều khoảng trống. Tài hùng biện của Obama là trình bày sự thể như “một trật tự mới”. Trật tự đó là một hỗn loạn lớn khiến các đồng minh truyền thống của nước Mỹ đều ngẩn ngơ và suy tính lại về quyền lợi và an ninh của mình. Từ Saudi Arabia đến Israel, Jordan, Egypt hay Turkey, v.v… các nước Hồi giáo đang ráo riết tái phối trí quan hệ an ninh, quân sự và ngoại giao để khỏi lãnh đạn.

Trật tự đó cũng là giao tranh và xung đột gia tăng khi Iran được Obama kết ước qua chiến lược được các luật gia của ông trình bày như Sắc lệnh Hành pháp để vượt rào cản cùa Quốc hội. Và trật tự đó tạo ra một khoảng trống cho Liên bang Nga có thể trở lại Trung Đông, dựng ra thế liên kết giữa chế độ Bashar al-Assad của Syria tại Damascus với Chính quyền Iraq, Iran và cả các chiến binh võ trang của tổ chức Hezbollah do Iran yểm trợ tại Lebanon. Có tầm nhìn chiến lược và biết rõ nhược điểm của Obama, Putin còn mời Bắc Kinh vào vùng Địa Trung Hải và đặt Minh ước NATO vào thế bị động.

Trong khung cảnh đó, chẳng riêng gì Putin mà Tập Cận Bình của Bắc Kinh đã chụp lấy cơ hội mới.
Việc thổi cát xây đảo như thành lũy quân sự trong Trường Sa đang có tranh chấp với các nước cứ được Bắc Kinh thoải mái tiến hành trước những cảnh báo suông của Obama. Nếu giới chức quốc phòng Hoa Kỳ có bắn tiếng rằng chiến hạm Mỹ sẽ đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo này vẫn chỉ là bắn tiếng.

“Mồm miệng đỡ chân tay” là điểm chói lọi của chủ thuyết Obama. Nếu có muốn triệt hạ ảnh hưởng Hoa Kỳ thì cũng chẳng lãnh tụ nào trên thế giới có thể làm hơn được Tổng thống Mỹ ngày nay. Lý do có thể là ý thức hệ - triết lý chính trị Obama. Lý do cũng có thể là sự mệt mỏi của dân Mỹ với những trách nhiệm quá lớn và tốn kém.

Nhưng còn một lý do thực tế khác. 

Trước mọi hồ sơ lớn, từ cải tạo bên trong tới chiến lược đối ngoại, luật gia Barack Obama chỉ tin vào dàn luật sư cố vấn của mình. Đa số đều có biệt tài cân nhắc rủi ro để tìm giải pháp ít rủi ro nhất cho sự nghiệp Obama. Còn rủi ro cho nước Mỹ hay nước khác là chuyện thiên hạ sau này.

Vì vậy, lịch sử lại tái diễn. Việc trận “Ấp Bắc II” bị chìm trong hỗn loạn do Hoa Kỳ gây ra tại Việt Nam ngày xưa chỉ là quá khứ phai mờ. Chuyện nên nhớ là tương lai đang chờ đợi vị Tổng thống sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng năn 2017. 

Lúc đó, Obama lại bận chuyện khác: sự hấp dẫn của ghế Tổng thư ký Liên hiệp quốc. Sau khi là Nghị sĩ không thành tích, ông là Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ, được Giải Nobel dù chưa làm gì cho hòa bình thế giới. Với ưu điểm ấy trong “Đệ tam Thế giới”, lại rất được việc cho các chế độ hung đồ, trong cơn siêu cuồng, Obama có thể nghĩ đến việc dinh tê về New York, thành người Mỹ đầu tiên cầm đầu định chế quốc tế này.

Cho nên, lịch sử có thể ghi lại rằng Obama để lại một đống rác cho Obama Tổng thư ký Liên hiêp quốc thu dọn! Cũng bằng thuật hùng biện?

Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ…..

3 nhận xét:

  1. The gioi co 3 dinh che quan trong: Ngan Hang The Gioi ( World Bank), Quy Tien Te Quoc Te (IMF) va Lien Hiep Quoc (UN).

    Hoa Ky kiem soat World Bank, Au Chau dieu hanh IMF va A Chau ( & Phi Chau?) se la tong thu ky cua UN.

    Du co tai hung bien, Obama se khong bao gio tro thanh tong thu ky cua UN trong tuong lai. :-)

    Trả lờiXóa
  2. Bich Uyen oi,

    Làm Tổng thư ký LHQ, không nhất thiết phải là người Á Châu mà thường là từ các nước "Đệ tam Thế giới" (Javer Perez de Cuellar là người Peru, Boutros Boustros-Ghali là người Ai Cập, Kofi Anan là người Phi Châu), mặc nhiên phải được Hội đồng Bảo an đồng ý và đa số phiếu của các nước thành viên. Nhưng không ai cấm Obama tơ tưởng và thực tế đang chuẩn bị chuyện đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cam on bac da "sua sai", co le vi nhung nguoi tong thu ky UN ma B/U duoc biet : Kofi Anan va Ban Ki Moon la nguoi Phi va A Chau nen moi nghi la chuc vu nay duoc phan chia cho "De tam the gioi".

      Chuc bac nhieu suc khoe.

      Xóa