Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 151003
Võ Phiến: "Tàn Y Ngôn
Ngữ Mang Tận Cuối Trời"
* Võ Phiến cầm lại bút ở hải ngoại - cho đến cuối đời *
Kính thưa hương linh nhà văn Võ Phiến,
Kính thưa quý vị,
Lời đầu tiên ở đây, chúng tôi xin dâng lên bà Võ Phiến cùng tang
quyến, là lời thành kính phân ưu. Cả thế gian này có chụm lại cũng khó làm nguôi
được nỗi mất mát của một người thân. Huống hồ, người thân đó là Võ Phiến.
Hôm nay đây, bằng hữu và bạn đọc gần xa - có lớp người thuộc
thế hệ con em của Võ Phiến mà vẫn được ông ân cần trìu mến gọi là “văn hữu” –
không thể tề tựu đông đủ như ý chí của từng người. Vì vậy, chúng tôi được mạn
phép tang gia bước lên đây làm “đại diện”, một phần đại diện rất nhỏ bé khiêm
nhường của những trân quý kính trọng lớn lao từ mọi nơi.
Cho nên, lời đầu tiên là một lời cáo lỗi nếu hôm nay chúng tôi không
làm tròn nhiệm vụ nói về Võ Phiến.
Chúng ta đều đã có cách gọi với sự tôn vinh dành cho người vừa
ra đi mà vẫn còn mãi với chúng ta và với hậu thế. Như Võ Phiến là cây cổ thụ. Võ Phiến
là ngôi sao sáng của nền văn học Việt Nam. Võ Phiến là nhà văn của thế kỷ 20. Nếu
cũng muốn so sánh, có lẽ ta nên nghĩ đến rặng Trường Sơn với rừng núi bạt ngàn,
suối reo thác đổ và hang vực chập trùng.
Nhìn theo một cách nào đó, Võ Phiến có thể là cột sống của nền
văn học của miền Nam trong 21 năm, rồi tiếp tục duy trì và hồi sinh nền văn học
ấy của chúng ta ở hải ngoại. Nói đến văn học Việt Nam từ hạ bán thế kỷ 20 cho đến
thập niên đầu của thế kỷ 21 là phải nhắc và nhớ đến Võ Phiến.
Là người có cái may được thưởng ngoạn văn tài của ông, chúng
tôi phân vân khi nhắc đến các thể loại trong văn nghiệp đồ sộ của Võ Phiến.
Võ Phiến là nhà văn, viết tùy bút, truyện dài, truyện ngắn
và truyện thật ngắn. Ông là nhà nhơ có ý tưởng siêu hình, đôi khi ngộ nghĩnh mà
luôn luôn thâm trầm như chúng ta có thể được thấy ở lời Tạ Từ ông viết sẵn từ mùa Thu năm 1998 trong bài “Đến” và là phong thư cảm tạ của tang quyến hôm nay.
Ông là tay phê bình mà cũng là nhà
biên khảo đã để lại cho chúng ta nhiều công trình quý giá về văn học khi nước
nhà gặp cảnh đốt sách sau năm 1975. Võ Phiến còn là cây bút nghị luận chính trị
với sự sáng suốt thông tuệ về chế độ cộng sản mà nhiều nhà bình luận ngày nay
còn phải đọc lại để học ra, ít nhất là nhìn từ kinh nghiệm của bản thân chúng tôi.
Bản thân chúng tôi - cái tôi vốn dĩ đáng ghét - khi viết
bình luận thì cũng học được cách dùng chữ rát tinh quái và lối chấm câu đặc sắc của Võ Phiến. Được
ông để mắt và ban cho lời khen thì mình bỗng thấy thông thái hơn một tí. Rồi sướng
cả tháng và đem Võ Phiến ra đọc lại!
Thưa quý vị,
Đi vào rặng Trường Sơn bạt ngàn ấy, khi tìm hiểu về Võ Phiến,
chúng tôi được chính ông chỉ ra một cách xếp loại. Trong một bài tùy bút có tựa đề là
“Thẫn Thờ”, xuất hiện vào đầu năm
2006 tại Quận Cam này, Võ Phiến khơi khơi giải thích một cách cực kỳ đơn giản -
một sự đơn giản tích tụ từ kinh nghiệm sống thiết tha và cậm cụi viết của người đã bát tuần - rằng:
“Viết, đại khái có cái
sáng tác, cái suy tưởng. Sáng tác – như thơ, truyện, tùy bút – thuộc về một
phía. Còn suy tưởng, tra cứu, biên khảo, thuộc về phía khác. Một bên là nghệ
thuật, một bên là học thuật; nên tách ra mà nói.”
Nhờ Võ Phiến, chúng ta có
một cách xếp loại Võ Phiến: Về nghệ thuật lẫn học thuật, Võ Phiến là một đỉnh
cao của chữ nghĩa Việt Nam.
Mà ông lại rất tỉnh táo biết rằng với nhiều người thưởng ngoạn,
chuyện sáng tác chỉ là đồ chơi! Đây cũng là chữ của Võ Phiến khi đầu đã bạc: “Những cái mình miệt mài bấy lâu, khi đầu bạc
nhìn lại, là đồ chơi cả”. Vậy mà ông vẫn miệt mài, và còn dạy rằng “Thực ra, không phải cái chơi nào cũng giống
cái chơi nào”. Có mấy ai miệt mài và cười cợt với văn chương như Võ Phiến
không?
Tôi thiển nghĩ một cách nông cạn rằng một tác phẩm lớn là
tác phẩm ta đọc lại vẫn thấy hay, và với thời gian thì càng đọc càng thấy hay
theo trình độ hiểu biết và bầm giập của chính mình. Các tác phẩm của Võ Phiến về
học thuật lẫn nghệ thuật đều như vậy cả. Tưởng nhớ ông, chúng ta nên đọc lại, với
lòng tri ân.
Nếu muốn làm dáng văn chương là điều Võ Phiến rất ghét, ở nơi đây, chúng ta có thể mượn
chữ cổ nhân mà nói “Xếp Tàn Y Ngôn Ngữ
Mang Đi Tận Cuối Trời”. Chữ của cổ nhân đây không là từ câu đối “đập cổ
kính xưa” với “xếp tàn y lại”, mà chính là của Võ Phiến trong một bài xuất hiện
đúng 10 năm trước, Tháng 10 năm 2005. Bây giờ, Võ Phiến không mang tàn y ngôn ngữ đi tận cuối
trời. Ông để lại trọn vẹn cho chúng ta.
Kính thưa quý vị,
Tháng Giêng năm 1998, bên huyệt của nhà văn Mai Thảo, ở ngoài kia, cách
chúng ta chưa đầy trăm thước, Võ Phiến ngợi ca người bạn văn của mình, rằng ra
tới hải ngoại, Mai Thảo tiếp tục làm cái công việc mà xã hội dư thừa vật chất này cho là
vô vị, đó là duy trì văn học Việt Nam. Nhờ vậy - Võ Phiến nhấn mạnh - mà chúng ta
trở thành người văn minh hơn.
Chúng ta trở thành người văn minh hơn cũng là nhờ Võ Phiến.
Vì vậy, làm sao không tiếc thương được vì nền văn học của mình vừa gặp
một cái tang lớn.
Kính thưa anh Võ Phiến, anh đã có một cuộc sống phong phú và
ý nghĩa và để lại cho đời một di sản lớn lao. Xin kính cẩn cảm tạ anh và xin
cùng nguyện cầu cho anh sớm đến cõi thường hằng.
Còn Tàn y ngôn ngữ mà anh để lại, chúng tôi xin trân trọng
nhận lấy, như những gấm vóc của Việt Nam.
____
Phát biểu tại tang lễ
nhà văn Võ Phiến, ngày ba Tháng 10 năm 2015 tại Quận Cam California.
Hành trang nhà văn Võ Phiến gói ghém mang đi xa mấy mươi năm trước chỉ là "tàn y ngôn ngữ" - mớ chữ Việt còm, đến một góc bên kia bán cầu, nơi mà nhà văn bi quan về tương lai của tiếng mẹ đẻ. Nhưng ông đã âm thầm vun vén, nhen nhóm giữ đượm tiếng nước Nam. Công sức thật đáng trân trọng. Xin thắp nén nhang tri ân và thương tiếc Ông.
Trả lờiXóa