Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt 151021
Hai
Trăm Năm Sau, Anh Quỳ Lạy Tầu
* Tập vào quốc yến bên Nữ hoàng Anh *
Từ hôm Thứ Ba 20, lãnh tụ Tập Cận Bình là quốc khách của nước
Anh. Với dân Trung Quốc, qua bốn ngày thăm thú và yến tiệc linh đình, ông rửa
nhục hai thế kỷ trước cho tổ quốc, rồi gặt hái nhiều thành quả kinh tế chính trị.
Nhìn từ bên này, nhiều người gọi chuyến thăm viếng là mối nhục cho nước Anh. Rất
đáng chú ý, nguyên cố vấn về chiến lược và bạn thân của đương kim Thủ tướng
David Cameron cùng Tổng trưởng Tài chánh George Osborne, Giáo sư Steve Hilton
đang dạy tại Đại học Stanford thì coi đây là một sai lầm của Chính quyền Anh.
Trong một bài xã luận hôm Thứ Bảy 17 trên tờ Guardian, ông Steve Hilton hài tội
cộng sản Trung Quốc, phân tích lợi hại và viết thẳng rằng khấu đầu trước bọn độc
tài Bắc Kinh là sai lầm về đạo đức và phi lý về kinh tế!
Hồ Sơ Người-Việt sẽ thăm thú chuyện lý thú này!
Hai Trăm Năm Trước
Cuối thế kỷ 18, Đế quốc Anh vừa khởi sự cuộc Cách mạng Kỹ
nghệ, tìm cách giao thương với bốn phương sau khi chinh phục Ấn Độ, lập nhiều
thương điếm từ vùng biển Caribbe tới Trung Đông.
Năm 1793, giữa những tao loạn tại Âu Châu từ cuộc Cách mạng
Pháp, Đại sứ George Macartney gõ cửa Bắc Kinh với nhiều quà cáp để xin mở rộng giao
thương. Hoàng đế Càn Long hoan hỉ nhận quà như một hình thức triều cống của bọn
Hồng mao ở phương xa, nhưng lắc đầu nguầy nguậy. Phái bộ Macartney chối từ việc
qùy gối khấu đầu trước Thanh triều và mang nhục rồi ra về tay trắng. Vì nhà Đại
Thanh khi ấy còn ngồi trên đỉnh, nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt nên chưa thấy
ra sự lụn bại của mình.
Bước qua thế kỷ 19, hai chiều hướng trái ngược cứ tiếp tục vận
hành.
Nước Anh ngày càng hùng mạnh thấy khó chịu với nhà Đại Thanh
ù lỳ trì trệ. Trung Quốc có nhiều thương phẩm thơm tho, cả những cánh trà pha
nước mà dân Anh đã khóai và nghiện, nhưng lại coi rẻ các sản phẩm tiêu dùng như
áo quần dệt sợi của Anh, chỉ nhận thanh toán bằng bạc. Dự trữ bạc của Anh vì vậy
hao hụt, nhưng người Anh cũng thấy dân Tầu lại ghiền một sản phẩm còn thơm hơn
trà. Đó là thuốc phiện!
Họ phát minh ra cái… tam giác vàng: trồng thuốc phiện bên Ấn,
chở qua Tầu đổi chác rồi đem trà về nước, với mối lợi là đồng bạc trắng phau. Dù
có dốt, Thanh triều chẳng phải là ngu, họ thấy kho bạc hao hụt dần trong khi
dân ghiền thì nằm bẹp như gián.
Đấy là lúc Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) Lâm
Tắc Từ được Hoàng đế Đạo Quang chuẩn tấu đề nghị, bổ vào chức Khâm sai Đại thần
để thi hành chánh sách “cấm phiện”. Họ Lâm là một đại thần tài kiêm văn võ, đầu
năm 1839 ban lệnh cấm hút thuốc phiện, tịch thu nha phiến và còn đốt kho thuốc
phiện trong các thương điếm Anh. Ông cẩn thận gửi thư lên Nữ hoàng Victoria của
Anh để phân bày phải trái về đạo lý và công yết lá thư tại khắp nơi ở Quảng
Châu.
Chẳng biết tấu thư có lọt mắt Nữ hoàng hay không, nhưng Lâm
Tắc Từ được Đế quốc Anh hồi đáp bằng pháo hạm và Hải quân của nhà Đại Thanh đại
bại. Vì thế mới có “Hòa ước Nam Kinh” năm 1842: Đế quốc Anh nhận lấy thương cảng
thơm phức là Hương Cảng, họ gọi là Hong Kong, và được rộng quyền giao thương.
Tức là nửa thế kỷ sau khi Đại sứ Macartney thất bại, Đế quốc
Anh đã toại nguyện và Trung Quốc mang nhục. Nhưng chưa hết!
Tứ Bề Thọ Địch
Trăm năm sau đó, sự lớn mạnh của Đế quốc Anh là trào lưu tất
yếu nhưng chưa mạnh bằng sự lụn bại của Đế quốc Trung Hoa.
Trong khi Anh quốc mở rộng đế chế khắp nơi, kể cả trên lục địa
Phi Châu, thì Trung Quốc bạc nhược nhìn các cường quốc Âu Châu khác bước vào gõ
cửa, và đòi chia phần tô giới.
Nhục hơn thế, nước Nhật ở bên kia Hoàng hải đã sớm tỉnh thức
khi bị pháo hạm Mỹ của Đề đốc Matthew Perry gõ cửa vào năm 1853. Họ mở cửa đón
nhận học thuật của Tây phương và canh tân đất nước dưới triều đại mới của Minh
Trị Thiên hoàng kể từ năm 1868. Nhật giải quyết bài toán cũ-mới bằng một trận nội
chiến ngắn ngủi năm Mậu Thìn và bước theo con dường Duy Tân.
Vài chục năm sau, Nhật trở thành cường quốc, và còn dữ dội
hơn các nước Âu Châu trong trận chiến 1894-1895 khiến nhà Đại Thanh không thể
ngóc đầu dậy. Đến năm 1911 thì đi vào tan rã. Năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc ra đời
trên một xứ sở lụn bại tanh bành. Trung Quốc phải học Nhật Bản và bị Nhật cho
nhiều bài học thấm đến xương tủy: bị Nhật tấn công và chiếm đóng.
Bên trời Âu, Đế quốc Anh lại gặp sự thách đố của một cường
quốc mới nổi là nước Đức. Chiến tranh bùng nổ thành Đại chiến Âu Châu, rồi Thế
chiến 1914-1918, với sự tham gia của Hoa Kỳ và các nước Âu Châu. Đấy là lúc
Trung Quốc nhập cuộc bên phe Đồng Minh chống Đức, với hy vọng sẽ được chia phần
sau này. Nhưng mà công cốc.
Khi nước Đức bại trận và bị các nước Đồng Minh xẻ thịt với
Hiệp ước Versailles ngày 28 Tháng Sáu năm 1919 thì phái bộ Trung Hoa Dân Quốc
có mặt trong hội nghị chia phần. Nhưng sức nặng lại nghiêng về một cường quốc Đồng
Minh khác là nước Nhật. Tỉnh Sơn Đông do Đức chiếm đóng không hồi quy cố quốc
mà được trao cho Nhật! Sĩ phu và thanh niên trí thức Tầu mới nổi điên về sự bạc
nhược của Chính quyền Dân Quốc. Cuộc Vận động Ngũ Tứ (ngày bốn Tháng Năm) bùng
nổ, chuyển mục tiêu từ chống Hiệp ước Versaiiles sang mục tiêu chống Chính quyền
Dân Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Hoa xuất hiện từ đấy, Tháng Bảy năm
1921, nhưng chưa ai kịp thấy vì năm 1931, Trung Quốc lại bị Nhật Bản xâm lăng.
Trung Quốc tứ bề thọ địch, bên trong còn bị nội loạn.
Thế Chiến Hai Và Di Sản
Khi Thế chiến II bùng nổ vào năm 1939, một lần nữa Đế quốc
Anh và Đế quốc già lão Trung Hoa lại đứng cùng chiến tuyến, lần này là để chống
cái trục Đức-Nhật.
Lần này, Trung Quốc cũng lại ở vào phe chiến thắng nhờ quân
lực Hoa Kỳ. Phái bộ của Dân Quốc có mặt trong những dàn xếp quốc tế của thời Hậu
chiến, như Liên hiệp quốc hay kiến trúc tài chánh toàn cầu tại Hội nghị Bretton
Wood. Nhưng bên trong lãnh thổ thì cuộc chiến Quốc cộng manh nha từ 1937 đã đi
vào ngã ngũ khi phe Dân Quốc bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Năm 1949 thì Mao Trạch Đông thắng
tại Hoa lục, Dân Quốc lưu vong qua Đài Loan và bức màn sắt của Cộng sản đã khép
xuống trong 30 năm kinh hoàng, từ 1949 đến 1979. Cho tới khi Đặng Tiểu Bình nắm
lại quyền bính và tiến hành chánh sách mở cửa.
Đấy là một ấn bản mới, với màu sắc Trung Hoa Cộng sản, của
công cuộc Duy Tân thời Minh Trị Thiên hoàng 90 năm về trước. Sau đó, Trung Hoa
Dân Quốc bị Hoa Kỳ đạp ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để nhường ghế cho
Trung Hoa Cộng Sản. Bên trong, họ Đặng ngồi vào tay lái của Mao để dẫn quốc gia
qua hướng khác.
Như mọi nước đi sau trong cuộc cách mạng công nghiệp, Trung
Quốc không mất hai thế kỷ như Đế quốc Anh mà chỉ mất hai thập niên. Đến năm
1997 thì đòi lại được Hong Kong rồi Macao và trong khi Đế quốc Anh mắc bệnh lão
hóa và suy sụp dần thì Đế quốc Trung Hoa tái xuất hiện dưới lá cờ đỏ, trở thành
cường quốc có sản lượng kinh tế đứng hạng nhì thế giới. Hai Đế quốc cừu thù vừa
thay bậc đổi ngôi. Tuần này cả Hoàng gia già trẻ, từ Nữ hoàng đến Hoàng tử lẫn
chính phủ Anh đang trải thảm đỏ đón mừng Tập Cận Bình để xin chút cháo là hợp đồng
đầu tư trị giá 30 tỷ Anh kim!
Nhưng vì sao mà một đại trí thức là chiến lược gia Steve
Hilton, hiện là giáo sư và doanh gia tại Mỹ, lại đả kích quyết định của Chính
quyền Cameron? Chỉ vì hai Đế quốc chuyển dịch theo hai hướng trái ngược.
Khác với nhà Đại Thanh từ giữa thế kỷ 19, sau Thế chiến II, Đế quốc Anh ý thức
được sự suy sụp của mình từ năm 1957 - khi phải triệt thoái khỏi miền Đông Kênh đào Suewz - và mở cửa làm ăn theo
hướng khác. Văn minh, hiếu hòa và tôn trọng quy củ của thế giới để phần nào gìn
giữ được ưu thế của London như một trung tâm tài chánh lớn của thế giới. Còn lại,
quyền lợi kinh tế là cái gì đó có thể thương thuyết được. Theo kiểu con buôn
không xài súng.
Đế quốc Trung Cộng thì khác. Trò bá đạo truyền thống được cải
tạo và trở thành quốc đạo. Bên trong, lãnh đạo vẫn coi dân như cỏ rác, dân quyền
hay dân quyền là dép rách. Bên ngoài thì học nghề con buôn bằng mua chuộc – kể
cả tách nước Anh ra khỏi quỹ đạo Hoa Kỳ, và áp dụng chính sách ngoại giao bằng
pháo hạm của các nước vào thế kỷ 19. Trung Quốc đưa nguyên thế kỷ 19 vào thế kỷ
21, trở thành một mối nguy cho các nước.
Nhờ vậy, ngày nay phái bộ Trung Quốc được nước Anh đối xử tử
tế hơn phái bộ Anh của Macartney. Vinh hiển có thừa. Nhưng Di Sản từ Thế chiến
II có thể là Thế chiến III!
___
Kết luận ở đây là gì?
Đế quốc Anh đã để lại
nhiều tai họa cho các dân tộc khác trong và sau thời thống trị của mình. Nếu
ngày nay, họ có mang nhục cầm bát xin ăn cũng chẳng ai thương.
****
Mạch dẫn vào "Bên Kia Màn Khói" tuần này:
https://www.youtube.com/watch?v=tfrgPefR6z4&feature=share
Bài tổng kết lịch sử của bác Nghĩa rất hay. Chỉ góp ý bác sửa lại đôi chỗ chính tả trong bài để tránh gây hiểu nhầm nơi độc giả: "Anh ý thức được sự suy sụp của mình từ năm 1957" chứ ko phải 1907..9
Trả lờiXóaXin cám ơn lời nhắc về lỗi typo. Đã sửa lại trên bài của Hùng Tâm.
XóaThưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaCó lẽ hơi lạc đề một chút, cháu xin hỏi về mối quan hệ Nhật-Hàn. Theo cháu biết có một tỉ lệ quá bán người Hàn Quốc cho rằng người Nhật xin lỗi về những tội của họ trong chiến tranh thế giới thứ hai không đủ "thành khẩn, chân thành". Trong khi cháu tìm đọc hàng chục lời xin lỗi chính thức từ thủ tướng đến những nhà ngoại giao lẫn số tiền họ bồi thường thì cháu thấy rất chân thành. Cháu hơi khó hiểu là tại sao họ-người Hàn quan niệm như vậy? Dường như có vẻ khá cực đoan? Như người Pháp từng gây tội biết bao ở xứ Việt nhưng chúng ta ngày nay cũng nhìn họ khá tích cực.
Cháu rất mong bác giải đáp giúp.
Em không lạc đề đâu, vì sẽ có lúc mình nói đến chuyện này, sau khi trình bày rõ về Tầu, Nhật và Đài Loan.... Chúc em cùng gia đình vui mạnh.
XóaTHDQ chiếm đảo VN từ 1946, đến giờ cháu mới biết. Chân thành cảm ơn bác Nghĩa đã giải ảo
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa