Thứ Năm, tháng 6 30, 2016

Sau Brexit – Một Trật Tự Khác



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 160629


Anh Quốc vừa cho Liên Âu một bài học, đấy mới chỉ là khởi đầu….    

* Liên Âu thiếu nước... cờ *



Sau khi Vương quốc Anh thống nhất UK quyết định ra khỏi Liên hiệp Âu châu – giải pháp Brexit mà nhiều người cho là bất ngờ chỉ vì họ đoán sai kết quả trưng cầu dân ý hôm 23 - tình hình Anh Quốc sẽ ra sao và Liên Âu phải tự cải cách như thế nào?  Ngay từ đầu Tháng Sáu, Hồ Sơ Người-Việt dành ba kỳ liên tiếp trình bày bối cảnh của chuyện này từ nhiều giác độ khác biệt. Đã đến lúc chúng ta có thể tiến thêm một bước mà nhìn vào tương lai.

Đấu Trí Giữa Anh Quốc Và Âu Lục

Do vị trí địa dư là một hải đảo đối diện với các quốc gia thuộc khu vực bán đảo phía Tây của Đại lục Âu-Á, mà ta có thể gọi là Âu-Lục (Continental Europe) Anh Quốc đã có một chủ trương khá đặc biệt. Là vừa muốn giữ nền độc lập của mình, vừa muốn can thiệp vào Âu-Lục để khỏi bị đe dọa hay uy hiếp, lại vừa củng cố quan hệ riêng với Hoa Kỳ ở bên kia Đại Tây Dương. Chủ trương đa diện ấy càng được đẩy mạnh khi Đế quốc Anh tàn lụi và mất dần ảnh hưởng kể từ sau Thế chiến II.

Vì vậy, việc nước Anh ngần ngại khi gia nhập hệ thống Âu châu thống nhất rồi cũng là quốc gia đầu tiên ly khai khỏi hệ thống không là điều đáng ngạc nhiên.

Khi 72% thành phần cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý và 52% những người bỏ phiếu lại ủng hộ việc ly khai, ta không thể nói rằng đây là một kết quả khít khao. Khi 40% cử tri của thủ đô London cũng muốn ly khai thì ta cũng thấy rằng việc ở lại không có sức thuyết phục cao như các chính khách hay bình luận gia mong đợi. Khi hai chính đảng lớn là Bảo Thủ và Lao Động cùng bị vỡ đôi trên lằn ranh Đi/Ở thì đây hết là dị biệt lập trường tả hữu cổ điển mà là cái gì đó sâu xa hơn nhiều.

Sau cùng, người ta cứ đề cao nguyên tắc dân chủ, đến khi người dân thể hiện quyền làm chủ mà đòi quốc gia phải đi theo hướng khác thì cũng chẳng thể nói rằng người dân mắc tội thất học, thiếu hiểu biết hoặc ngả theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc có mùi phát xít. Mấy ngày qua, dư luận Anh, Âu và toàn cầu cứ tranh cãi về chuyện ấy một cách vô ích.

Bây giờ, các chính đảng truyền thống của Anh phải tìm giải pháp nội bộ để thực hiện ý nguyện của đa số và khủng hoảng sẽ bùng nổ trong từng đảng cho tới khi nước Anh có lãnh đạo chính thức nêu vấn đề với Liên Âu về thể thức tiến hành việc ly khai.

Phía Liên Âu muốn Anh khởi sự việc này càng sớm càng hay, phía Anh Quốc, Chính quyền của Thủ tướng David Cameron chưa có khả năng đó.

Ông Cameron có thể tính sai khi quyết định tổ chức trưng cầu dân ý và gặp kết quả ngược với dự kiến, nhưng ông can đảm nhận trách nhiệm ở việc đi và ở của mình. Ông sẽ ra đi, mà vẫn ở lại cho tới khi đảng Bảo Thủ có lãnh đạo mới, với hy vọng là trong hạn kỳ vài tháng nữa. Nếu ông từ chức ngay vào ngày 24 thì tình hình còn khó khăn hơn nữa. Trong hạn kỳ đó, có thể là tới Tháng 10, đảng Lao Động cũng phải vượt qua được khủng hoảng nội bộ mà có đường lối và nhân sự tham gia quyết định lịch sử vào giai đoạn nguy ngập này.

Bên kia, các nước Âu-Lục cũng nhức đầu trong trận đấu trí vì không chỉ đối phó với Anh Quốc trong một vụ ly dị tốn kém mà còn phải canh chừng các thành viên còn lại cũng có thể nhân chuyện Brexit mà tính khác. Mà ngần ấy quốc gia hay lãnh tụ đều bị chi phối bởi phản ứng của thị trường. Hai ngày tuột giá đã gây thiệt hại khoảng hai ngàn tỷ đô la chỉ vì nhiều nhà đầu tư nhận thức sai mà đánh cá ngược với kết quả bất ngờ. Những biến chuyển sắp tới cũng khiến các ngân hàng trung ương và nội các từng nước bị lay động. Vụ khủng hoảng ngân hàng tại Ý đang xảy ra cũng tác động vào trận đấu trí của các chính khách.

Nhìn vào toàn cảnh thì các nước sau đây có thể bị chấn động tài chánh: Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Malta, Cyprus và Ireland. Khó khăn kinh tế thì đe dọa Ireland, Thụy Điển, Hòa Lan, Bỉ và cả nước Đức. Trong khi đó, trào lưu nghi ngờ hoặc chống Âu Châu sẽ tăng tại Pháp, Ba Lan, Hung, Áo, Ý, Hy Lạp và cả Đan Mạch. Tổng kết lại, Liên Âu không ở trong thế mạnh để bắt ép Anh Quốc như người ta lầm tưởng.

Trước khi nói đến thế lực kinh tế đối chiếu giữa Anh Quốc và Liên Âu, thì phải nhắc đến cơ sở pháp lý và thậm chí tà ý của Liên Âu. Cũng là một cách giải thích phản ứng của dân Anh.


Cơ Sở Pháp Lý và Gian Ý Chính Trị


Có hai chi tiết đáng chú ý được thấy rõ qua vụ tranh luận vừa qua. Thứ nhất là gian ý của Liên Âu mà nhiều người Anh đã nhìn ra dù truyền thông dòng chính lại chẳng đề cập tới.

Đấy là cơ sở pháp lý của quyền hạn lãnh đạo Âu Châu. Họ đã có Hiệp ước Roma năm 1958 về khuôn khổ hội nhập các thành viên, rồi Hiêp ước Maastrich năm 1993 để lập ra Liên Âu. Họ chuẩn bị đúc kết hai văn kiện này thành bản Hiến pháp Âu châu, với việc soạn thảo được trao cho nguyên Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing. Không ngờ là năm 2005, Pháp và Hòa Lan tổ chức trưng cầu dân ý về bản hiến pháp này với kết quả là đa số bác bỏ!

Lãnh đạo Âu châu không từ bỏ giấc mơ thống nhất bằng mọi giá nên mới tung ra một văn kiện thứ tư là Thỏa ước Lisbon năm 2007. Đây là văn kiện bên trong có quy định về thủ tục ly khai ở Điều 50. Tức là ngay từ đầu, Liên Âu muốn vượt qua lòng dân của từng nước mà vẽ ra luật chơi chung cho mọi nước. Nhớ lại thi nếu người dân Anh có đòi ra đi thì tội cũng chẳng nặng hơn dân Pháp hay dân Hòa Lan vào năm 2005 khi bác bỏ Hiến pháp.

Thứ hai, ngay sau khi biết kết quả trưng cầu dân ý, Ngoại trưởng của sáu nước sáng lập đã ra tối hậu thư cho Thủ tướng Cameron, rằng nếu Anh Quốc đã quyết định đi thì hãy đi cho sớm.

Sáu nước đó là Pháp, Đức, Ý, Hòa Lan, Bỉ và Luxembourg. Khi đọc tin, ít ai nêu vấn đề là tại sao đại diện của sáu quốc gia này lại có quyền lên tiếng thay cho cả Liên Âu? Các nước còn lại, 21 thành viên kia, chỉ là khán giả? Chi tiết ấy không qua mặt được các nước Ba Lan, Hung, Tiệp… Họ càng thông cảm với lập trường của Anh Quốc dù vẫn muốn Anh ở lại. Chính thái độ của sáu nước cột trụ càng gây phản ứng nghi ngờ của các thành viên còn lại và một ảnh hưởng của vụ Brexit được phơi bày ra ánh sáng – mà cho tới ngày Thứ Ba 28, chửa thấy truyền thông dòng chính nói tới.

Chỉ vì qua ngày Thứ Bảy 25, sáu đại diện Liên Âu đã tháo chạy trong bản thông cáo chung được phổ biến qua nhiều ngôn ngữ cho thế gian cùng biết. Họ thú nhận “rằng có sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên trong tham vọng hội nhập Âu châu nên Liên Âu sẽ tập trung nỗ lực vào những thách thức mà cả tập thể cùng có thể giải quyết và để từng quốc gia hay cấp địa phương giải quyết các nhiệm vụ còn lại.”

Diễn ra bạch văn cho dễ hiểu, sáu cột trụ của Âu Châu vừa chính thức công nhận là chánh sách của Liên Âu không thỏa mãn mọi thành viên. Vì vậy, từ nay họ tìm cách thỏa mãn mọi người, dù điều ấy có nghĩa là thủ đô Bruxelles bớt thẩm quyền kiểm soát về chính trị và chú trọng tới tự do thương mại trong một thị trường kinh tế chung. Vụ nổi giận chính trị của dân Anh đã cứu vãn chủ quyền nhiều nước khác mà các bình luận gia đầy quán tính vẫn chưa hiểu nên cứ buồn về việc Anh Quốc rũ áo.

Sau cùng, Hồ Sơ Người-Việt đề cập tới sức nặng kinh tế của các nước trong cuộc, vì đấy mới là cơ sở suy luận về một trật tự kinh tế khác.


Sức Nặng Kinh Tế


Trong nội tình Anh Quốc, hai chính đảng lớn và đảng United Kingdom Independence Party – chủ trương Brexit - phải ra khỏi cơn khủng hoảng và dàn xếp một giải pháp “đại đoàn kết” để có đủ đa số cầm quyền cho tương lai sau những tổn thất kinh tế và chính trị vừa qua. Liên Âu cũng thế, sẽ phải đối phó với thực tế trước mắt và ngăn được một vụ đổ dàn là khi nhiều nước cũng theo Anh Quốc ra đi.

Kịch bản lạc quan của tương lai là một thế hợp tác mới, dựa trên “tương quan lực lượng” về kinh tế.

Trước hết, nếu tính theo Tổng sản lượng GDP, căn cứ trên danh mục của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho năm 2015, thì sức nặng kinh tế của các nước có thể được tóm lược như sau: 1/ Hoa Kỳ là 17 ngàn 900 tỷ Mỹ kim (Liên Âu gồm 28 nước chỉ được 17 ngàn tỷ); 2/ Trung Quốc là gần 11 ngàn tỷ; 3/ Nhật Bản có bốn ngàn mốt; 4/ Đức có ba ngàn ba; 5/ Anh Quốc là hai ngàn tám; 6/ Pháp là hai ngàn tư…. Đây là ta chưa nói đến khả năng sáng tạo hay sức cạnh tranh hoặc năng suất kinh tế thật là lợi tức đồng niên tính theo đầu người của từng nước.

Anh có nền kinh tế đứng hàng thứ năm thế giới và trong khối Âu Châu thì chỉ thua kinh tế Đức. Nhưng khác với nước Đức quá lệ thuộc vào xuất cảng, Anh Quốc còn có ưu thế khác: là đầu cầu rót vốn đầu tư của các nước, nhất là Hoa Kỳ, vào Liên Âu nay đang lui về vai trò của một khu vực tự do thương mại.

Nói về tự do thương mại thì Hoa Kỳ đang có Hiệp định NAFTA với Canada và Mexico, hai nước có sản lượng kinh tế đứng hạng thứ 10 và thứ 15. Ba quốc gia này sản xuất ra tổng cộng 20 ngàn 600 tỷ Mỹ kim một năm, so với 17 ngàn tỷ của Liên Âu thì cao hơn 21%. Ra khỏi Liên Âu, nếu Anh Quốc gia nhập Hiệp ước NAFTA được cải tên thành… Xuyên Đại Tây Dương - chuyện không khó – thì sản lượng của bốn nước sẽ là 23 ngàn 400 tỷ, so với Liên Âu không còn Anh Quốc (14 ngàn 200 tỷ) thì nhiều hơn chín ngàn 200 tỷ đô la. Hơn gấp rưỡi!

Nếu Liên Âu chỉ là một câu lạc bộ làm ăn về kinh tế chứ hết tham vọng áp đặt một trật tự chính trị cho các thành viên, với quy chế về cư trú hay hạn ngạch tiếp nhận di dân hoặc tiêu chuẩn về chi thu ngân sách - mà chẳng xứ nào tôn trọng - thì Anh Quốc cũng có thể gia nhập một câu lạc bộ tương tự ở bên kia Đại Tây Dương, với Hoa Kỳ, Canada và Mexico. Thoải mái hơn nhiều! Mà sẵn đà phát triển, tại sao không mời thêm Úc, Tân Tây Lan cùng nói Anh ngữ, hay với vài nước Bắc Âu xưa nay vẫn gắn bó với Anh và Mỹ hơn là với các nước Âu-Lục?

----

Kết luận ở đây là gì?

Trong khi người ta nguyền rủa hay ca tụng chuyện Brexit, một trật tự kinh tế khác có thể ra đời.

Còn lại, Liên Âu nhỏ và nghèo hơn vẫn có thể tồn tại với những tham vọng thực tế và thuần nhất hơn.
 
Nếu không, Liên Âu sẽ có loạn, là kịch bản không lạc quan. Vụ phi trường Istanbul vừa bị khủng bố tấn công là một nhắc nhở.   


Thứ Tư, tháng 6 29, 2016

Vì sao Anh Quốc ra đi?

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160629
"Diễn đàn Kinh tế"

Chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang tái xuất hiện dưới lá cờ dân chủ...  


000_CJ8JZ-622.jpg
* Những người không ủng hộ việc Anh rời EU biểu tình ở Trafalgar Square, London hôm 28/06/2016. JUSTIN TALLIS / AFP * 



Quyết định ra khỏi Liên hiệp Âu châu của Vương Quốc Anh Thống Nhất đã gây chấn động cho các thị trường trên thế giới trong mấy ngày liền. Vì sao nên nỗi và tình hình rồi đây sẽ ra sao là những câu hỏi được Diễn đàn Kinh tế nêu ra trong chương trình đặc biệt này….

Từ Great Britain đến England?

 

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, việc Vương Quốc Anh Thống Nhất, hay United Kingdom, rút khỏi Liên hiệp Âu châu sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 Tháng Sáu là biến cố được so sánh với một vụ động đất và làm các thị trường tài chính trên thế giới tuột giá mạnh trong mấy ngày liền mà chưa ai đoán ra hậu quả sẽ là gì cho Âu Châu và cho thế giới. Vì vậy, kỳ này, mục Diễn đàn Kinh tế có một chương trình đặc biệt là phân tích biến cố quá bất ngờ và hy hữu đó. Nguyên Lam xin nêu câu hỏi là tại sao và rồi đây hậu quả sẽ là những gì?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là hồ sơ này cực kỳ rắc rối, nhưng việc người ta ngạc nhiên mới là điều ngạc nhiên. Còn hậu quả sẽ là một chuỗi thay đổi dài khiến Liên hiệp Âu châu không thể còn như xưa.

Sở dĩ tôi cần xác định tập thể này là gì vì nay mai mình có khi nghe thấy việc xứ Scotland ly khai khỏi Liên hiệp Anh để rồi Great Britain có thể chỉ còn là England với lá cờ trắng và chữ thập đỏ! Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Tôi xin bắt đầu bằng bối cảnh, để nói về “Vương quốc Thống nhất của Liên hiệp Anh và Bắc Ireland” chúng ta đã cứ nói cho gọn mà sai là Anh Quốc và duy trì mãi sự sai lầm ấy do cách dịch sai của Hoa ngữ. Đấy là một khu vực quần đảo phía Bắc Âu Châu dối diện với lục địa Âu Châu và quy tụ bốn nước là 1/ Anh hay England, 2/ Wales, 3/ Scotland và thứ tư là Bắc Ireland. Ba nước đầu tiếp giáp với nhau trên một hòn đảo lớn được gọi là Great Britan hay Liên hiệp Anh. Còn xứ Bắc Ireland hay Bắc Ái Nhĩ Lan nằm ở mạn Bắc của hòn đảo kế cận, giáp ranh với Cộng hòa Ireland. Trong các giải thể thao quốc tế, chúng ta có cơ hội thấy bốn đội dưới bốn lá cờ khác nhau cho nên nếu chú ý thì hiểu ra sự khác biệt của bốn nước này. Sở dĩ tôi cần xác định tập thể này vì nay mai mình có khi nghe thấy việc xứ Scotland ly khai khỏi Liên hiệp Anh để rồi Great Britain có thể chỉ còn là England với lá cờ trắng và chữ thập đỏ!


Nguyên Lam: Chúng ta sẽ khởi đầu từ nguyên nhân. Thưa ông, vì sao ông nói việc thiên hạ ngạc nhiên mới đáng ngạc nhiên? Phải chăng, người ta hiểu lầm các nguyên nhân sâu xa mà đánh giá sai tình hình và nay mới bị bất ngờ khi người dân xứ này bỏ phiếu đòi ly khai?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi e là truyền thông chúng ta cũng có phần trách nhiệm khi làm cho nhiều người không hiểu sự thể mà cứ tưởng dân Anh ly khai là vì lý do kinh tế. Sai lầm ấy bắt nguồn từ truyền thông Anh và lan ra khối Tây phương rồi cứ được thiên hạ phiên dịch lại. Dân Anh đòi ly khai vì động lực chính trị chứ không vì lý do kinh tế. Sở dĩ như vậy vì tám năm nay, kinh tế Liên Âu của 28 nước thành viên chưa ra khỏi khó khăn kéo dài, khởi đi từ năm 2008, rồi thêm vụ khủng hoảng trong khối Euro gồm có 18 nước kể từ năm 2010 và bị khủng hoảng di dân từ năm 2014. Các nước miền Nam của Liên Âu, kể từ Pháp trở xuống trôi vào chế độ bao cấp, mắc nợ nhiều, bị thất nghiệp cao mà cơ chế lãnh đạo chẳng cải sửa được thì vấn đề nằm trong cơ chế chính trị Âu Châu chứ không tại kinh té Anh Quốc.

- Lý do chính trị là tinh thần duy ý chí của lãnh đạo Liên Âu, khi dự án thống nhất Âu Châu bắt đầu từ Thỏa ước Roma năm 1958 và Hiệp ước Maastrich năm 1993 hợp nhất thành bản Hiến pháp cho cả khối Âu Châu lại bị dân Pháp rồi Hòa Lan bác bỏ trong hai cuộc trưng cầu dân ý năm 2005. Khi ấy, lãnh đạo Liên Âu mới bày ra giải pháp thay thế là Hiệp định Lisbon năm 2007 để quy định thẩm quyền của cơ chế siêu quốc gia đối chiếu với thẩm quyền của từng quốc gia thành viên. Người dân của nhiều nước không mấy hài lòng với việc chia quyền ấy nhưng mà dư luận nói chung lại không hiểu.


Nguyên Lam: Một cách đơn giản cho thính giả của chúng ta hiểu ra sự tình quá phức tạp này thì phải chăng các quốc gia thành viên trong tập thể Liên Âu ủy nhiệm cho một cơ chế siêu quốc gia cái quyền quyết định về một số vấn đề? Nếu cơ chế đó không giải quyết việc chung một cách thỏa đáng về kinh tế, xã hội hay cả an ninh như chuyện di dân, thì các thành viên có thể đòi xét lại và thậm chí rút khỏi tập thể sau khi trưng cầu ý kiến của người dân. Thưa ông, có phải vì vậy mà những người đòi ly khai đã nói đến việc thể hiện quyền dân chủ của họ? Nhưng tại sao người ta lại bị bất ngờ khi gần 52% dân Anh đòi ra khỏi Liên Âu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta bị bất ngờ vì thăm dò sai tâm lý người dân và đoán trật, lại còn khinh thường ý kiến của thành phần đối lập và quá tin vào cách giải trình của thành phần ưu tú trong xã hội là giới có tiền đầu tư, có quyền lãnh đạo chính trị và có sự hiểu biết để hướng dẫn dư luận. Thành phần đối lập bị họ coi thường như một thiểu số cổ hủ già nua, ít học, có tinh thần dân tộc hẹp hòi, thậm chí có tư tưởng phát xít, mà không hiểu lợi thế của hội nhập hay toàn cầu hóa, trong khi đó chính họ lại không thấy ra tư tưởng phát xít của lãnh đạo Bắc Kinh chỉ vì muốn làm ăn với Trung Quốc.


000_CK0OT-400.jpg
Thủ tướng Anh David Cameron tại Brussels, Bỉ hôm 28/06/2016. PHILIPPE HUGUEN / AFP.


- Thành phần ưu tú quá tin vào lối diễn giải sự việc của họ mà không thấy rằng các đảng phái chính trị truyền thống ở nhiều nước bị mất niềm tin của quần chúng – là điều diễn đàn này đã nhiều lần trình bày. Họ không thấy giới lãnh đạo cơ chế Liên Âu ở thủ đô Bruxelles ít quan tâm đến thực tế của quần chúng bình dân ở bên trong từng nước hội viên. Còn giới có tiền lại ít chung đụng với đời sống thật vì sinh hoạt trong môi trường thượng lưu ở trên cùng và giao tiếp với những người thuộc cùng thành phần ở các xứ khác. Một thí dụ là hồ sơ di dân.

- Về dân số học, vì thuộc loại có mức sinh đẻ cao nhất Âu Châu, nước Anh không cần đón nhận di dân như nhiều xứ ở bên trong lục địa bị thiếu lực lượng lao động. Sống trên một hải đảo cách biệt, họ cũng không đồng ý với quyền tự do lưu thông và di trú của Hiệp ước Schengen. Khi Liên Âu chủ trương tiếp nhận di dân, có vẻ phải đạo về luân lý mà thực ra là do động lực kinh tế, lại còn đòi phân phối hạn ngạch cho xứ khác thì dân Anh lo sợ mất bản sắc và cho là Liên Âu xâm phạm chủ quyền của họ. Giới thượng lưu ở trên ít khi tiếp xúc với lớp người di dân từ xứ khác vào sống trên lãnh thổ nên chẳng hiểu ra sự ngại ngần của người dân. Họ hiểu lầm xã hội thâm sâu ở dưới nên mới bị bất ngờ và nay gây ra khủng hoảng cho cả hệ thống.


Mỹ vẫn là hậu phương của Anh?

 

Nguyên Lam: Bước qua phần hai, thưa ông hậu quả sẽ là những gì? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ gặp nhiều năm bất định cùng đà tan rã của hệ thống Âu Châu thành hình từ 70 năm qua. Trước hết, áp dụng Điều 50 của Hiệp định Lisbon về việc ly khai, chuyện đàm phán lại quan hệ giữa Anh và Liên Âu sẽ kéo dài nhiều năm và Anh Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chính kinh tế Liên Âu mới bị khốn đốn và rơi vào suy thoái.

- Khối Liên Âu cần đầu tư và xuất khẩu, với nền kinh tế chỉ thua nước Đức, Anh Quốc là cửa ngõ đầu tư quốc tế vào Âu Châu đang có quá nhiều tai ách không giải quyết nổi, kể cả vụ khủng hoảng ngân hàng sắp tới tại Ý sau nạn khủng hoảng tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Trong giai đoạn khó khăn ấy, nhiều nước khác cũng có thể thấy sự bất lực của cơ chế Liên Âu mà đòi ly khai khiến lãnh đạo Âu Châu lâm thế kẹt. Làm khó Anh Quốc thì bị thiệt về đầu tư mà nhượng bộ thì lại làm các nước khác cũng có đòi hỏi tương tự.

Anh Quốc hết quy chế đầu tư tự do vào Liên Âu thì trung tâm tài chính City của họ tại London có thể mất ảnh hưởng, nhưng chưa chắc trung tâm Frankfurt của Đức, hay Paris, sẽ thay được vị trí này mà có khi giải pháp sẽ là New York. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Một yếu tố đáng kể khác là Anh Quốc đầu tư nhiều nhất là vào thị trường Mỹ mà cũng nhận đầu tư nước ngoài nhiều nhất là từ Hoa Kỳ nên chính họ là đầu cầu của tư bản và kỹ thuật của Mỹ trút vào lục địa Âu Châu. Sau khi ly khai, Anh Quốc hết quy chế đầu tư tự do vào Liên Âu thì trung tâm tài chính City của họ tại London có thể mất ảnh hưởng, nhưng chưa chắc trung tâm Frankfurt của Đức, hay Paris, sẽ thay thế được vị trí này mà có khi giải pháp sẽ là New York. Và sau cùng, phần thất lợi sẽ nghiêng về Liên Âu vì Anh Quốc vẫn còn hậu phương là Mỹ.


Nguyên Lam: Nhìn rộng ra khung cảnh toàn cầu, thưa ông tình hình sẽ ra sao trong thời gian tới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sự thể còn quá mới để ta có thể đoán trước được mọi sự, nhưng kinh tế toàn cầu có ba vùng đất trũng là Nhật Bản, Trung Quốc và Liên Âu, đều là đầu máy kinh tế cho thế giới mà chìm trong nợ. Việc Anh Quốc ly khai có thể khiến kinh tế Anh, khối Euro rồi toàn cõi Liên Âu bị suy trầm kinh tế từ cuối năm nay. Khi đó, sinh hoạt kinh tế trì trệ của thế giới sẽ bị Tổng suy trầm, tương tự như năm 2008-2009. Dù tương đối khá nhất, kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục nên có thể cũng bị suy trầm. Nếu bốn đầu máy có sản lượng cao nhất là Liên Âu, Mỹ, Tầu và Nhật đều bị suy sụp thì các nền kinh tế đang lên sẽ sa sút, thị trường xuất khẩu bị co cụm, trong số này có cả Việt Nam. Đấy là chuyển động mạnh và sẽ là trào lưu đáng ngại trong nhiều năm.

 - Trước mắt thì khủng hoảng chính trị trong quan hệ giữa Anh Quốc với Liên Âu và trong nội bộ từng quốc gia Âu Châu, trước tiên là trong chính trường Anh, sẽ còn gây biến động tài chính cho các thị trường, với hậu quả là Mỹ kim và vàng lên giá vì là nơi tồn trữ tài sản an toàn hơn cả. Việc Bắc Kinh vừa hạ giá đồng bạc có thể là chỉ dấu tiên báo những khó khăn dồn dập đó. Từ năm ngoái, lãnh đạo Bắc Kinh tưởng là sẽ dùng Anh Quốc làm bàn đạp để bành trướng ảnh hưởng của đồng Nguyên vào luồng giao dịch Âu Châu trong ước mơ đưa đồng bạc vào vị trí ngoại tệ có thế lực, bây giờ họ mới giật mình và thất vọng. Vì vậy, vụ Anh Quốc ly khai không là vấn đề riêng của Anh Quốc hay của Âu Châu bên trời Tây!


Nguyên Lam: Có lẽ từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ theo dõi thêm tình hình, nhưng xin ông tạm đưa ra một tổng kết về biến cố lạ lùng và quá phức tạp này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin có bốn ý kiến thô thiển sau đây.

- Thứ nhất, sau nhiều thế kỷ xung đột và ba cuộc chiến giữa hai cường quốc Pháp-Đức vào các năm 1870, 1914 và 1939 làm thế giới gặp hai trận Thế chiến tàn khốc của Thế kỷ 20 nên các nước Âu Châu cố xây dựng cơ chế hợp tác hòa bình cho sự thịnh vượng chung. Tuy nhiên, họ chỉ hợp tác được về kinh tế mà chưa tiến tới thể chế liên bang Âu Châu nên chẳng thống nhất về chính trị. Sự bất lực quá lâu về kinh tế của cơ chế chung khiến yếu tố chính trị gây ra phân rã và trật tự Âu châu thiết lập từ sau Thế chiến II đang chấm dứt, sau đó là gì thì chưa ai biết.

- Thứ hai, người ta quá lạc quan về hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa mà ít thấy trong tiến trình ấy có nhiều thành phần bị thiệt thòi và có cảm tưởng như bị bỏ rơi ở đằng sau. Đợi mãi mà chưa thấy số phận được cải tiến, thành phần này bắt đầu có phản ứng chống hội nhập.

- Thứ ba, họ thể hiện phản ứng một cách chính đáng, là đòi lại quyền quyết định cho quốc gia theo nguyên tắc dân chủ, chứ không ủy quyền cho cơ chế nào khác. Vì vậy, chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang tái xuất hiện dưới lá cờ dân chủ mà giới lãnh đạo ở trên, tại Anh Quốc và nhiều nơi khác, lại không thấy ra. Chính là sự khác biệt về nhận thức đó mới là hiện tượng đáng ngại.

- Cuối cùng, sau khi tiến trước để có 500 năm thống trị thế giới từ 1492 đến 1991, Âu Châu đang đi vào thời lụn bại. Nhưng nguy hại nhất là lụn bại bên cạnh cuộc khủng hoảng của nền văn minh Hồi giáo với hiện tượng khủng bố của trào lưu Hồi giáo cực đoan. Sự tan rã của trật tự Âu Châu là một cám dỗ lớn cho phong trào khủng bố.


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xim cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.


Thứ Ba, tháng 6 28, 2016

Brexit và Hậu Quả

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt Ngày 160627

"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Nhảy ra khỏi cháo nóng – và rơi xuống lò than 

* Ủng hộ hay theo Âu Châu - Khảo sát của YouGov *

* Kết quả trưng cầu dân ý hôm 23: khác hẳn! *


Hơn bốn năm qua, mục “Kinh tế cũng là Chính trị” đã nhiều lần nói về vụ khủng hoảng của khối tiền tệ Euro nằm trong sự phân rã chậm rãi mà khó tránh của Liên hiệp Âu châu. Vì vậy, biến cố “Brexit” tuần qua không thể là chuyện lạ. Bất ngờ ở đây là vì sao người ta lại ngạc nhiên, và tại sao các thị trường tài chánh lại bàng hoàng rớt giá và mất cả ngàn tỷ đô la?

Đâm ra, sự ngạc nhiên ấy mới là điều đáng ngạc nhiên! Tại sao vậy?

Từ nhiều năm rồi, Liên Âu trôi vào giai đoạn đình trệ kinh tế, với tốc độ tăng trưởng ngày một thấp hơn. Chiều hướng ấy thật ra khởi sự từ 1970, với đà tăng trưởng sản xuất của cả Âu Châu cứ giảm dần, từ 3,2% một năm xuống 2,5 rồi 2,2 và chỉ còn 1,2% một năm khi thế giới bước vào Thế kỷ 21. Tình hình trở thành nguy kịch hơn sau vụ khủng hỏang tài chánh năm 2008, nhưng người ta cứ cho là tại nước Mỹ mà không thấy ra những yếu kém tương tự tại Âu Châu trong các thị trường gia cư và ngân hàng. Trong khu vực Liên Âu có 28 nước và khối Euro có 18 thành viên, tình trạng khủng hoảng kinh tế đặc biệt nổi bật tại các quốc gia ở miền Nam, từ Pháp trở xuống, với số thất nghiệp thường xuyên mấp mé 10%.

Hệ thống Liên Âu không thể vận hành hoàn hảo. Vậy mà một số người cho rằng về dài thì cũng sẽ giải quyết được bài toán ấy và còn nói rằng Vương quốc Anh Thống nhất United Kingdom có thể là góp phần là giải pháp nên cũng có lợi. Họ là những ai? Là những người chủ trương việc Anh Quốc vẫn nên ở trong Liên Âu.

Dẫn đầu trường phái lạc quan đó là các thành phần có tiền, có quyền, và có tiếng. Có tiền là giới đầu tư tài chánh; có quyền là các chính khách; và có tiếng là truyền thông thuộc dòng chính, những người thừa chữ nghĩa và lý luận để hướng dẫn dư luận.

Giới đầu tư thì đầy khả năng kiếm tiền, dù thị trường lên hay xuống giá, khi kinh tế suy trầm hay tăng trưởng. Họ chỉ e ngại một điều là sự bất trắc khó lường. Vì vậy, có thể là từ trong tiềm thức họ đã thiên về giải pháp lạc quan là duy trì hiện trạng, là Anh Quốc không đi. Và họ tự củng cố niềm tin ấy qua việc tiếp xúc hay vận động các thành phần có quyền và có tiếng.

Vì vậy, nhận định chung của giới ưu tú này đã có sự thiên lệch – mà họ không biết.

Sở dĩ không biết vì khi kiểm chứng với các cơ quan thăm dò ý kiến thì ai cũng thấy trào lưu “Ở” vẫn chiếm đa số nếu so với trào lưu “Đi” (Remain vẫn đông hơn Brexit).

Có một lý do khác giải thích hiện tượng này. Các ccơ quan khảo sát đều dùng phương trình khoa học tinh vi để xác định dân số mẫu và tiến hành việc thăm dò chủ yếu qua điện thoại với mã số địa phương là cách định vị đối tượng. Nhưng thế giới đã đổi thay, điện thoại cố định ở nhà là sản phẩm bị điện thoại di động thay thế trên thị trường. Dân nghèo và cao niên còn dùng điện thoại cố định, chứ giới trẻ, thành phần có học và có tiền thì dùng điện thoại thông minh, dù giữ mã số địa phương thì người chủ đã bay bổng làm việc ở nơi khác. Vì vậy kết quả khảo sát bị sai lệch. Chưa kể là nhiều cơ quan thăm dò ý kiến lại thực hiện việc thăm dò cho các thân chủ, là giới có tiền, có quyền hay có tiếng.

Một thí dụ kiểm nghiệm tại “hiện trường” Anh Quốc vào đêm 23 rạng 24 là dự báo tỷ lệ Đi/Ở là 48/52 ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa. Nhưng kết quả sau đó là hoàn toàn trái ngược! Kết quả ấy cũng khác hẳn nhiều cuộc thăm dò về tâm lý chống hay thuận với Âu Châu tại từng địa phương trong Vương quốc Anh Thống nhất.

Nói vắn tắt thì những người lạc quan không kịp thấy nhiều đổi thay sâu xa và cứ nghĩ như nhau, rằng ngày mai trời lại sáng. Chưa kể là họ còn có thói khinh thường đối lập.

Với họ, thành phần đòi rũ áo ra đi chẳng biết gì về sự tinh vi của trung tâm tài chánh City, chỉ có tinh thần dân tộc bảo thủ, già nua, hoặc thất thế vì không theo kịp sự tiến hóa của nhân loại. Các lãnh tụ chủ trương ra đi như Nigel Farage của đảng UK Independence Party hay cựu Đô trưởng Boris Johnson của đảng Bảo Thủ Anh cũng cực đoan dị hợm chẳng khác gì nhân vật Donald Trump của Hoa Kỳ!

Hiện tượng ấy không là đặc thù của Anh Quốc mà là một sự phổ biến.

Thành phần ưu tú của một thế giới toàn cầu hóa, là doanh gia, chính khách, trí thức hay bình luận gia quốc tế không thèm để ý rằng thế giới ở dưới chân họ đã có sự chuyển dịch đáng ngại. Thành phần bình dân và giới trung lưu đang thất thế từ nhiều năm nay có cái nhìn khác về tương lai và muốn thay đổi bằng lá phiếu. Họ không tin vào đẳng cấp ngồi trên và đòi một trật tự khác. Giới ưu tú thì cho rằng mình thừa sức vượt qua làn sóng bất mãn này mà không ngờ là bị quét vào bờ.

Còn trật tự mới là gì thì chưa ai biết!

Vấn đề không chỉ là kỷ cương ngân sách, biện pháp giảm chi để trả nợ, hoặc chánh sách kinh tế tự do hay thiên tả. Liên Âu mất tám năm tranh luận về các giải pháp ấy mà chẳng hiệu quả. Vấn đề không chỉ là quyền quyết định của các quốc gia khi tung tiền chuộc nợ cho ngân hàng, có quyền bội chi ngân sách quá một tỷ lệ nào đó, hay phân phối hạn ngạch tiếp nhận di dân, v.v… Vấn đề không là tình trạng mặc nhiên xé rào của nhiều thành viên, như Pháp, Ba Lan hay Hung, mà chẳng chịu hậu quả.

Vấn đề cũng chẳng thu hẹp vào sự đối lập của 52% dân Anh với các công chức nặc danh mà có đầy quyền hạn tại thủ đô Bruxelles của Liên Âu hay quyền tự quyết của người Anh trước các hồ sơ an ninh hay kinh tế. Nhìn từ Hoa Kỳ, vấn đề cũng không chỉ là phản ứng bực bội của dân Anh sau khi Tổng thống Barack Obama qua tận London để răn đe rằng nếu Anh Quốc ra khỏi Liên Âu thì sẽ nối đuôi đứng ở cuối hàng để xin làm ăn với nước Mỹ! Chẳng những Obama can thiệp vào cuộc tranh luận nội bộ của Anh mà còn lời hăm dọa, không chỉ xếp hàng mà còn đứng ở dưới đuôi. Ông là tiêu biểu cho thành phần ưu tú.

Vấn đề thuộc về lãnh vực chính trị hơn kinh tế, là trong các xã hội dân chủ, phân nửa dân số lại không biết và chẳng thèm đối thoại với phân nửa kia. Và những kẻ quyền thế nhất lại thiếu trí tưởng tượng để tìm ra sự thật ở ngoài vòng quen biết cố hữu của họ. Vì vậy, họ cứ tưởng rằng hiện trạng có thể tiếp tục, cho tới khi hiện trạng chấm dứt với biến cố Brexit.

Sau khi Ngoại trưởng của sáu quốc gia sáng lập Âu Châu thống nhất là Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg, lên giọng răn đe Anh Quốc hôm Thứ Sáu, rằng nếu đã muốn đi thì hãy đi cho sớm, hôm Thứ Bảy 25 họ phải xuống giọng xề trong bản thông cáo chung.

Rằng Liên Âu công nhận nhiều cấp tham vọng khác biệt của các thành viên trong tiến trình hội nhập Âu Châu, sẽ tập trung nỗ lực giải quyết những thách đố này bằng đáp án chung, để lại cho các cấp quốc gia và địa phương thẩm quyền giải quyết những vấn đề kia. Tức là sau khi dân Anh rũ áo, giới lãnh đạo trôi vào khủng hoảng, nhiều nước khác thì vùng vằng do dự, Liên Âu đang lui về tư thế của một câu lạc bộ kinh tế. Nói văn hoa là một khu vực tự do thương mại hơn là một tập thể thống nhất về chính trị.

Sau 70 năm có tham vọng hội nhập thành một Liên bang Âu châu, Liên hiệp Âu châu vừa tuột xích và đang tìm một trật tự khiêm nhường hơn mà chẳng thỏa mãn một ai. Thực tế trước mắt thì ác ôn hơn vậy vì thị trường và chính trường cứ chao đảo như chảo rang. Các đại gia đầu tư mất tiền, các chính đảng truyền thống bị đảo chánh hợp pháp ngay trước mắt thiên hạ.

Nhiều người muốn nhảy ra khỏi cái chảo nóng, và có khi rơi xuống lửa. Đó là thời sự của mấy ngày tới, trong khi thế giới Hồi giáo hực lửa và nhiều nơi khác tự bảo nhau, rằng đừng học theo phương thức hội nhập trong hòa bình của Âu Châu!.... Bắc Kinh vừa mất đầu cầu London để chinh phục thị trường Liên Âu nhưng lại được một lợi thế tuyên truyền: đừng theo Tây phương mà dại.

Dễ sợ biết mấy.


Thứ Bảy, tháng 6 25, 2016

Từ Mắt Bão Nhìn Ra



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 160624

Brexit và Địa Chấn Âu Châu đã bắt đầu….















* Sáu Ngoại trưởng của các nước sáng lập Liên Âu ra tối hậu thư cho Anh Quốc: đã đòi đi thì hãy đi cho sớm!" *



Cho đến mấy ngày và vài giờ cuối, hầu hết các nhà đầu tư tài chánh, giới bình luận chính trị và cả dân cá độ đều đoán trật kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23 tại Anh Quốc.

Ít ai ngờ là có tới 72% cử tri tham gia việc bỏ phiếu - kỷ lục chưa từng thấy kể từ năm 1992. Sau vài giờ đếm phiếu vào lúc nửa đêm, mọi người chưng hửng với kết quả: đa số gần 52% quyết định ra khỏi Liên hiệp Âu châu. Hôm sau, khi thị trường tài chánh mở cửa, các sàn giao dịch đều xanh mặt đỏ sàn….

Chúng ta vừa chứng kiến một cơn động đất địa dư chính trị tại Âu Châu, với hậu quả toàn cầu.

Vì sao giới có tiền, có quyền và có học lại đoán trật là một đề tài hấp dẫn về tâm lý xã  hội học - nhưng thật ra vô vị. Những gì xảy ra sau này mới là chuyện đáng chú ý vì một trật tự xây dựng từ 70 năm nay đang từ từ sụp đổ trước mắt chúng ta. Như trong một khúc phim quay chậm về một trận động đất hay sóng thần…. Mà đây không là phim ảnh giải trí.

Từ trong mắt bão là Liên hiệp Âu châu mà nhìn ra, đây là những rủi ro bất trắc sẽ tiếp tục gieo thêm sóng gió cho khu vực này.

Rủi ro tài chánh sẽ đe dọa tám nước: Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Luxembourg cho tới Cyprus và Malta tại Địa Trung Hải. Xa xôi quá! Rủi ro kinh tế mới đáng sợ hơn, cho hàng loạt quốc gia khác, từ Thụy Điển tới Đức, Hòa Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Ireland về tới…. Hoa Kỳ sau khi dìm Anh Quốc vào nạn suy trầm. Chưa đáng sợ! Bất trắc chính trị tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mới có thể lan rộng thành một làn sóng chống Âu Châu - hoặc phát huy chủ nghĩa dân tộc – tại Pháp, Ba Lan, Đan Mạch, Hòa Lan, Hung, Áo, Ý, Hy Lạp….

Chỉ mới điểm danh như vậy, ai cũng có thể thấy rằng Liên Âu đang bị khủng hoảng, khi một người tình rũ áo ra đi.

Người ta sở dĩ có thể dự đoán sai về nguyên nhân và hậu quả chỉ vì quá chú ý đến khía cạnh kinh tế, là chủ điểm lợi và hại do hai phe “Đi” hay “Ở” trình bày cho cử tri Anh Quốc.

Quả thật rằng chuyện “được/mất” của quyết định Đi/Ở có yếu tố quan trọng về kinh tế nhưng chưa ai có thể ước tính được rõ ràng vì đây là trường hợp chưa có tiền lệ sau khi Anh Quốc gia nhập Âu Châu 43 năm về trước. Cho nên, mọi chuyện đều chỉ là dự đoán, với ít nhiều ẩn ý chính trị là dọa hay dụ. Chưa ai có thể kiểm chứng được lẽ đúng sai của những dự đoán kinh tế ấy thì đã thấy kinh tế không là tất cả. Cử tri Anh Quốc không bỏ phiếu bằng tấm chi phiếu.

Họ quan tâm đến điều khác mà giới kinh tế tài chánh lại không nhìn ra.

Thứ nhất, họ không tin vào thiểu số có tiền, có chữ hay có quyền. Các chính khách có thế giả của hai đảng lớn tại Anh Quốc – hay tại Hoa Kỳ và nhiều xứ khác của Âu Châu qua tới… Trung Quốc – đều bị họ nghi ngờ. Giới có tiền hay các nhà bình luận có chữ nghĩa cũng chẳng khá hơn sau khi chứng tỏ tài năng từ vụ khủng hoảng tài chánh 2008 và kinh tế 2010. Bọn có tiền chỉ là chủ nợ đáng ghét, kẻ có chữ thì cũng chỉ luận giải từ tháp ngà để bảo vệ trật tự cũ.

Việc cử tri Anh Quốc đòi rũ áo ra đi phản ảnh sự bất mãn đó mà nhiều người chưa thấy rằng đấy là phản ứng hay lây. Nó sẽ lan qua Pháp, Ý, Hy Lạp, Ba Lan, và nhiều xứ khác.

Thứ hai, nhiều người đang trở lại câu hỏi căn bản về quyền dân, chù quyền hay dân chủ, những khái niệm tưởng như là đã trở thành giá trị truyền thống của Tây phương mà bị lãng quên. Sau ba cuộc chiến lớn – 1870, 1914, 1939 - các nước Âu Châu đều muốn sống chung hòa bình bằng cách hy sinh một số quyền hạn quốc gia cho một cơ chế siêu quốc gia. Rằng người Âu Châu sẽ có căn cước mới, khả dĩ thay thế bản sắc Anh, Pháp, Ý, Đức, v.v… Thẻ thông hành hay đồng bạc là một biểu hiện dễ thấy nhất của tinh thần hợp quần gây sức mạnh.

Khốn nỗi Liên Âu, hay khối Euro, hoặc năm Chủ tịch Âu Châu và một vạn công chức quốc tế tại thủ đô Bruxelles của Âu Châu, không làm nên việc! Khủng hoảng Euro, khủng hoảng di dân và khủng bố là những nhắc nhở khiến dân hải đảo Anh Quốc rằng họ hy sinh quyền lợi quốc gia cho một thực thể quốc tế chẳng có thực lực, ngoài cái tài củng cố một hệ thống kinh tế bao cấp do chính họ phải tài trợ một phần.

Họ lui về chủ nghĩa quốc gia, dưới lá cờ dân chủ, và đòi lại quyền quyết định về tương lai. Giới có học gọi họ là bọn quốc gia dân tộc cực đoan, nhuốm mùi phát xít, và họ bèn trả lời bằng lá phiếu dân chủ. Hệ thống siêu quốc gia trở thành những thằng ngọng đứng xem chuông!

Sau Anh Quốc, người dân của các quốc gia văn minh và tử tế như Ý, Pháp, Thụy Điển, Bỉ, Ba Lan hay cả Đức đều tự hỏi: có nên tổ chức trưng cầu dân ý hay chăng? Trào lưu nghi ngờ Âu Châu đang thắng thế và có khi thiên hạ lại bị bất ngờ nữa!

Sau đó mới là số phận, hay tương lai của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO là cây cầu bắc qua hai đại lục Âu-Mỹ. Bài toán cho Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ….