Thứ Bảy, tháng 6 18, 2016

Tập Tầm Vông Tay Không Tay Có



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 160618


Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực để cứu vãn kinh tế - mà không xong.

* Con nhện Chu Vĩnh Khang và lưới nhện bị sa lưới *


Tuần qua, có hai chuyện tưởng như không liên hệ gì lại khiến thiên hạ chú ý đến Trung Quốc.

Đầu tiên là sau ba năm làm việc với giới hữu trách Bắc Kinh để giải quyết mối quan ngại về các thị trường cổ phiếu Thượng Hải và Thẩm Quyến, hôm 14, hệ thống MSCI đã từ chối đưa cổ phiếu Trung Quốc vào danh mục chỉ số chứng khoán của các thị trường đang lên.

Về bối cảnh thì dưới tên gọi nguyên thủy là Morgan Stanley Capital International, MSCI có chức năng định giá các chỉ số chứng khoán toàn cầu gọi là global stock indexes, là loại thông tin khách quan hướng dẫn giới đầu tư tài chánh. Cổ phiếu của Trung Quốc thuộc loại yết giá bằng ngoại tệ, không bằng đồng tiền của xứ này, đã nằm trong danh mục Emerging Market Index của MSCI với tỷ trọng là 26%. Từ ba năm nay, Bắc Kinh muốn đưa cổ phiếu loại A-Share, yết giá bằng đồng Nguyên, vào danh mục của MSCI. Tổ chức này nghiên cứu tiến độ cải cách theo chiều hướng tự do và minh bạch hơn để từng bước đưa loại cổ phiếu ấy của Trung Quốc vào danh sách cổ phiếu có thể được giao dịch trên các sàn quốc tế. Hai năm qua, MSCI thấy việc cải cách thị trường của Trung Quốc thiếu tiến triển và từ năm ngoái thì làm việc thêm với Bắc Kinh để cùng cải thiện quy cách làm ăn. Sau cùng thì họ từ chối, và hẹn là sẽ xét lại vào năm Tháng Sáu năm tới.

Nghĩa là nhịp độ cải cách của Bắc Kinh còn quá chậm nên chưa thể đưa cổ phiếu nội địa vào hệ thống giao dịch quốc tế để huy động vốn của giới đầu tư. Chi tiết chuyên môn ấy cho thấy nền kinh tế có sản lượng thứ nhì trên thế giới chưa có khả năng sánh vai các nước đang phát triển và thị trường nội địa vẫn còn quy cách làm ăn hạn chế vì nhà nước duy trì việc kiểm soát tư bản và vẫn can thiệp vào thị trường.

Đâm ra vừa muốn huy động tư bản vừa ngăn nạn tẩu tán tư bản, Bắc Kinh hụt mất cả hai. Một ngày sau là hôm 15, tỷ giá đồng Nguyên so với Mỹ kim đã tuột đến mức thấp nhất kể từ 2011.

Chuyện thứ hai đáng chú ý là hôm 15, Bắc Kinh loan tin rằng bà vợ và con trai của Chu Vĩnh Khang, là Giả Hiểu Hiệp và Chu Bân, bị lãnh án tù về tội tham nhũng. Mẹ bị tù chín năm, con bị tù 18 năm. Hai ngày sau, đến lượt một người cháu lãnh 12 tấm lịch sẽ bóc trong tù về tội biển thủ.

Cho tới Đại hội khóa 17 vào cuối năm 2012, Chu Vĩnh Khang là nhân vật thần thế của đảng Cộng sản Trung Hoa. Ông ngồi trong Thường vụ Bộ Chính trị, làm Trưởng ban Chính Pháp Trung ương, phụ trách về an ninh, tình báo và tòa án, chỉ đạo cả hai bộ Công an và Quốc an, sau khi đã điều khiển các tập đoàn dầu khí nhà nước. Thế rồi do lệnh của Tập Cận Bình, ông bị điều tra, tống giam và Tháng Sáu năm ngoái thì lãnh án tù chung thân vì nhiều tội, từ tham ô đến tiết lộ bí mật của nhà nước. Chưa kể tới Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai và hai viên tướng cao cấp nhất là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, một trong chín lãnh tụ tối thượng của đảng đã bị hạ bệ và ngày nay gia tộc gần xa đều vào tù, chuyện khá hy hữu.

Chu Vĩnh Khang là con cọp dữ nhất trong mẻ lưới chống tham nhũng được gọi là “đả hổ đập ruồi” của Tập Cận Bình.

Chiến dịch đã kéo dài lan rộng và trở thành một vụ thanh trừng chính trị rộng lớn hơn là thanh lọc các đảng viên bị biến chất vì tham nhũng. Dưới chế độ độc tài và bưng bít thông tin thì tham nhũng trở thành thuộc tính, là hiện tượng không thể diệt trừ hay ngăn chặn được. Nhưng họ Tập vẫn ra lệnh tiến hành khiến bộ máy hành chánh công quyền bị tê liệt trong khi ông lặng lẽ tập trung quyền lực cho cá nhân, từ an ninh đến quốc phòng lẫn kinh tế.

Thật ra, hai biến cố MSCI và Chu Vĩnh Khang cho thấy một nét chung về kinh tế Trung Quốc, từ nay xin gọi là Trung Cộng.

***


Nếu có thể vẽ hai đường tuyến là đà gia tăng của chiến dịch diệt trừ tham nhũng và sự sa sút của đồng Nguyên, ta thấy ra một mối liên hệ: tình trạng kinh tế quá bấp bênh của Trung Cộng.

Đồng Nguyên bị mất giá ngay trong thị trường nội địa là vì hai lý do: kinh tế suy trầm và hệ thống tài chánh suy nhược. Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực ngay trong lãnh vực quản lý kinh tế, xưa nay thuộc thẩm quyền của Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Chánh phủ.

Tham vọng của ông là vừa kích thích kinh tế, vừa quốc tế hóa vai trò của đồng nội tệ và trong một chừng mực nhất định thì cho giảm giá đồng Nguyên để tìm lợi thế xuất cảng nhờ bán hàng rẻ hơn. Nhưng dù họ Tập có múa may cách mấy, ông vẫn không vượt qua được hai trở ngại. Thứ nhất là kinh tế toàn cầu vẫn èo uột – và năm nay còn có thể bị suy trầm nữa sau đợt Tổng suy trầm 2008-2009. Vì vậy, mức tiêu thụ hàng xuất cảng của Trung Cộng không tăng mạnh, và xứ nào càng lệ thuộc vào xuất cảng là càng điêu đứng. Xuất cảng của Trung Cộng chiếm tỷ lệ quá cao của Tổng sản lượng, là 36%, so với 14% của Mỹ và 16% của Nhật.

Lý do thứ hai là hàng chế biến của Trung Cộng đang có chiều hướng lên giá vì sức ép về lương bổng gia tăng và vì lạm phát trong khi nhiều xứ khác cũng đã có sản phẩm tương tự để cạnh tranh. Hai trở ngại ấy lại có tác dụng cộng hưởng: hạ giá đồng bạc thì nhất thời dễ xuất cảng hơn nhưng lại nhập cảng với giá cao hơn và gây rủi ro lạm phát. Biện pháp kích thích trong ngắn hạn lại gây khó khăn cho dài hạn chứ không hề có chuyện lấy ngắn nuôi dài.

Tức là kinh tế Trung Cộng đang mất ưu thế cạnh tranh đã có từ ba thập niên, lại đang đi vào chu kỳ suy giảm như mọi nền kinh tế đang phát triển khác sau giai đoạn khởi phát.

Khốn nỗi, trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đoản kỳ với trường kỳ, đảng và nhà nước chẳng thể làm bất cứ gì mà không gây hậu quả chính trị. Tập trung quyền lực cũng có nghĩa là tập trung trách nhiệm. Và thị trường không còn tin tưởng gì vào khả năng quản lý của chế độ. Kết quả? MSCI lắc đầu, đồng Nguyên mất giá và vàng lên giá!

Giữa thế kỷ 19, Đế quốc Anh nã pháo vào Trung Quốc để đòi nhà Mãn Thanh mở cửa thị trường và khởi đầu cho trăm năm nhục nhã của nước Tầu, nhưng cũng là trăm năm buôn bán với thế giới bên ngoài. Trăm năm sau đó, Mao Trach Đông thống nhất Trung Hoa dưới chế độ bế quan tỏa cảng, chẳng khác gì Thanh triều, và Mao Hoàng đế cào bằng tất cả trong sự ổn định chính trị của một bãi tha ma khiến kinh tế lụn bại. Khác với các Hoàng đế triều Thanh từ Đạo Quang trở đi, là những ông vua bất lực trước sự tung hoành và tưng bừng làm ăn của các lãnh tụ địa phương, Mao Trạch Đông là Hoàng đế toàn quyền, kể cả trên đầu của các đồng chí.

Giữa hai ngả hợp tan, Mao chọn ngả “hợp”, nhưng làm kinh tế lụn bại. Đặng Tiểu Bình lên lãnh đạo thì chọn con đường “trung đạo” mà vẫn vô đạo về kinh tế. Tức là, áp dụng kinh tế thị trường có chọn lọc để củng cố vai trò của tư bản nhà nước và tay chân là đảng viên cán bộ. Việc mở ra kinh tế thị trường có đưa tới tăng trưởng, nhưng là tăng trưởng thiếu phẩm chất. Và khi hết đà tăng trưởng thì hậu quả của tình trạng thiếu phẩm chất đang phát tác: môi sinh bụ hủy hoại, xã hội bị động loạn vì nạn bất công, và cường hào ác bá tiếp tục tung hoành dưới sự bảo vệ của đảng.

Tập Cận Bình muốn chấp dứt tệ nạn ác bá này ở bên trong, nhưng ở bên ngoài thì số cầu lại không tăng.

Muốn tránh tình trạng lầm than thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình khuyến khích người dân làm giàu mà cơ chế chính trị của Trung Cộng lại giúp đảng viên cán bộ làm giàu nhanh hơn, qua tham nhũng. Chu Vĩnh Khang là điển hình của kẻ tập trung đặc quyền chính trị và đặc lợi kinh tế cho thân tộc. Khi thanh trừng họ Chu và thân nhân, Tập Cận Bình muốn mọi đảng viên cán bộ phải hiểu ra một thay đổi lớn: dùng quyền lực để thu thập tiền tài là điều không thể chấp nhận được.
Nhưng thông điệp cách mạng ấy lại xuất phát với hiện tượng quyền lực tập trung cũng chẳng sai khiến được thị trường, hay các tổ chức quốc tế góp phần vào sự vận hành của thị trường. Và không thể vực dậy một nền kinh tế sa sút.

Đâm ra, hai tay hai gậy, Tập Cận Bình có thể đánh cọp chứ không thể đẩy cỗ xe kinh tế ra khỏi vũng lầy. 

----

Sau khi viết bài này thì có tin từ tờ Epoch Time rằng Giang Trạch Dân cũng vừa bị câu lưu và nằm trong nhà tù của Quân khu Bắc Kinh. Chưa thể kiểm chứng nhưng cũng chẳng ngạc nhiên.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét