Thứ Bảy, tháng 6 25, 2016

Từ Mắt Bão Nhìn Ra



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 160624

Brexit và Địa Chấn Âu Châu đã bắt đầu….















* Sáu Ngoại trưởng của các nước sáng lập Liên Âu ra tối hậu thư cho Anh Quốc: đã đòi đi thì hãy đi cho sớm!" *



Cho đến mấy ngày và vài giờ cuối, hầu hết các nhà đầu tư tài chánh, giới bình luận chính trị và cả dân cá độ đều đoán trật kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23 tại Anh Quốc.

Ít ai ngờ là có tới 72% cử tri tham gia việc bỏ phiếu - kỷ lục chưa từng thấy kể từ năm 1992. Sau vài giờ đếm phiếu vào lúc nửa đêm, mọi người chưng hửng với kết quả: đa số gần 52% quyết định ra khỏi Liên hiệp Âu châu. Hôm sau, khi thị trường tài chánh mở cửa, các sàn giao dịch đều xanh mặt đỏ sàn….

Chúng ta vừa chứng kiến một cơn động đất địa dư chính trị tại Âu Châu, với hậu quả toàn cầu.

Vì sao giới có tiền, có quyền và có học lại đoán trật là một đề tài hấp dẫn về tâm lý xã  hội học - nhưng thật ra vô vị. Những gì xảy ra sau này mới là chuyện đáng chú ý vì một trật tự xây dựng từ 70 năm nay đang từ từ sụp đổ trước mắt chúng ta. Như trong một khúc phim quay chậm về một trận động đất hay sóng thần…. Mà đây không là phim ảnh giải trí.

Từ trong mắt bão là Liên hiệp Âu châu mà nhìn ra, đây là những rủi ro bất trắc sẽ tiếp tục gieo thêm sóng gió cho khu vực này.

Rủi ro tài chánh sẽ đe dọa tám nước: Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Luxembourg cho tới Cyprus và Malta tại Địa Trung Hải. Xa xôi quá! Rủi ro kinh tế mới đáng sợ hơn, cho hàng loạt quốc gia khác, từ Thụy Điển tới Đức, Hòa Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Ireland về tới…. Hoa Kỳ sau khi dìm Anh Quốc vào nạn suy trầm. Chưa đáng sợ! Bất trắc chính trị tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mới có thể lan rộng thành một làn sóng chống Âu Châu - hoặc phát huy chủ nghĩa dân tộc – tại Pháp, Ba Lan, Đan Mạch, Hòa Lan, Hung, Áo, Ý, Hy Lạp….

Chỉ mới điểm danh như vậy, ai cũng có thể thấy rằng Liên Âu đang bị khủng hoảng, khi một người tình rũ áo ra đi.

Người ta sở dĩ có thể dự đoán sai về nguyên nhân và hậu quả chỉ vì quá chú ý đến khía cạnh kinh tế, là chủ điểm lợi và hại do hai phe “Đi” hay “Ở” trình bày cho cử tri Anh Quốc.

Quả thật rằng chuyện “được/mất” của quyết định Đi/Ở có yếu tố quan trọng về kinh tế nhưng chưa ai có thể ước tính được rõ ràng vì đây là trường hợp chưa có tiền lệ sau khi Anh Quốc gia nhập Âu Châu 43 năm về trước. Cho nên, mọi chuyện đều chỉ là dự đoán, với ít nhiều ẩn ý chính trị là dọa hay dụ. Chưa ai có thể kiểm chứng được lẽ đúng sai của những dự đoán kinh tế ấy thì đã thấy kinh tế không là tất cả. Cử tri Anh Quốc không bỏ phiếu bằng tấm chi phiếu.

Họ quan tâm đến điều khác mà giới kinh tế tài chánh lại không nhìn ra.

Thứ nhất, họ không tin vào thiểu số có tiền, có chữ hay có quyền. Các chính khách có thế giả của hai đảng lớn tại Anh Quốc – hay tại Hoa Kỳ và nhiều xứ khác của Âu Châu qua tới… Trung Quốc – đều bị họ nghi ngờ. Giới có tiền hay các nhà bình luận có chữ nghĩa cũng chẳng khá hơn sau khi chứng tỏ tài năng từ vụ khủng hoảng tài chánh 2008 và kinh tế 2010. Bọn có tiền chỉ là chủ nợ đáng ghét, kẻ có chữ thì cũng chỉ luận giải từ tháp ngà để bảo vệ trật tự cũ.

Việc cử tri Anh Quốc đòi rũ áo ra đi phản ảnh sự bất mãn đó mà nhiều người chưa thấy rằng đấy là phản ứng hay lây. Nó sẽ lan qua Pháp, Ý, Hy Lạp, Ba Lan, và nhiều xứ khác.

Thứ hai, nhiều người đang trở lại câu hỏi căn bản về quyền dân, chù quyền hay dân chủ, những khái niệm tưởng như là đã trở thành giá trị truyền thống của Tây phương mà bị lãng quên. Sau ba cuộc chiến lớn – 1870, 1914, 1939 - các nước Âu Châu đều muốn sống chung hòa bình bằng cách hy sinh một số quyền hạn quốc gia cho một cơ chế siêu quốc gia. Rằng người Âu Châu sẽ có căn cước mới, khả dĩ thay thế bản sắc Anh, Pháp, Ý, Đức, v.v… Thẻ thông hành hay đồng bạc là một biểu hiện dễ thấy nhất của tinh thần hợp quần gây sức mạnh.

Khốn nỗi Liên Âu, hay khối Euro, hoặc năm Chủ tịch Âu Châu và một vạn công chức quốc tế tại thủ đô Bruxelles của Âu Châu, không làm nên việc! Khủng hoảng Euro, khủng hoảng di dân và khủng bố là những nhắc nhở khiến dân hải đảo Anh Quốc rằng họ hy sinh quyền lợi quốc gia cho một thực thể quốc tế chẳng có thực lực, ngoài cái tài củng cố một hệ thống kinh tế bao cấp do chính họ phải tài trợ một phần.

Họ lui về chủ nghĩa quốc gia, dưới lá cờ dân chủ, và đòi lại quyền quyết định về tương lai. Giới có học gọi họ là bọn quốc gia dân tộc cực đoan, nhuốm mùi phát xít, và họ bèn trả lời bằng lá phiếu dân chủ. Hệ thống siêu quốc gia trở thành những thằng ngọng đứng xem chuông!

Sau Anh Quốc, người dân của các quốc gia văn minh và tử tế như Ý, Pháp, Thụy Điển, Bỉ, Ba Lan hay cả Đức đều tự hỏi: có nên tổ chức trưng cầu dân ý hay chăng? Trào lưu nghi ngờ Âu Châu đang thắng thế và có khi thiên hạ lại bị bất ngờ nữa!

Sau đó mới là số phận, hay tương lai của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO là cây cầu bắc qua hai đại lục Âu-Mỹ. Bài toán cho Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét