Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 160608
Anh Quốc giữa Liên Âu và Hoa Kỳ
* Một người phát truyền đơn vận động Brexit tại Glasgow - Ảnh của Washington Post *
Sau
bài dẫn nhập kỳ trước, kỳ này, Hồ Sơ Người-Việt xin tìm hiểu tiếp về cuộc trưng
cầu dân ý ngày 23 tới đây, để dân chúng Anh Quốc quyết định là “Đi” hay “Ở”, có
ra khỏi Liên hiệp Âu châu không…
Một chuyện khá bất thường tuần qua
là trả lời phỏng vấn của báo chí, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ là bà
Janet Yellen nói đến cuộc trưng cầu dân ý tại Anh khi nêu ý kiến về những ảnh
hưởng cho kinh tế toàn cầu mà định chế của bà phải cân nhắc trong quyết định về
lãi suất vào kỳ họp tháng này (hay cuối tháng tới). Chuyện ấy bất thường vì ít
khi viên chức phụ trách về chánh sách tiền tệ và tín dụng Hoa Kỳ đề cập tới
chính trị, mà lại là chính trị của một quốc gia khác. Không cho biết quan điểm về
việc nên hay không, bà Yellen chỉ nói rằng nếu Anh Quốc ra khỏi Liên Âu (kịch
bản Brexit) thì kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng.
Điều ấy càng cho thấy tầm quan trọng
của cuộc trưng cầu dân ý.
Quan
Điểm “Đi” Và “Ở”
Chúng ta cần tổng hợp lại những khác
biệt quan điểm trong cuộc trưng cầu dân ý.
Anh Quốc là thành viên của Liên Âu,
bây giờ từ bên trong lại có người chủ trương là nên ly khai, quan điểm ấy thách
đố hiện trạng và có thể dẫn đến một trật tự khác. Họ dựa trên những lý do nào? Sau
đây là tóm lược lập luận của hai phe, trước hết là của phe ly khai, đòi “Đi”:
Một: Cơ chế Liên Âu đang mất khả
năng vận hành, sự lệch lạc ấy gây thiệt hại cho nước Anh. Hai: Nếu ly khai, Anh
Quốc không là một quốc gia đơn độc, Thụy Sĩ là thí dụ, ở giữa lục địa Âu châu
(Âu Lục) mà nằm ngoài Liên Âu và giữ được ảnh hưởng tài chánh của mình. Ba: Vả
lại, Anh Quốc vẫn còn một đối tác chiến lược là Hoa Kỳ, siêu cường về an ninh
và kinh tế, và có thể khai thác ưu thế đó. Bốn: Không nên sợ là việc ra đi sẽ cắt
đứt quan hệ kinh tế với Âu Châu vì các quốc gia Âu Lục vẫn giao dịch với Anh
Quốc và việc giao thương ấy sẽ tiếp tục. Năm: Ngược lại, khi nhường cho cơ chế Liên
Âu một số thẩm quyền quyết định, thật ra Anh Quốc lại thu hẹp chủ quyền của
mình và vi phạm quyền làm chủ của người dân. Sáu: Và sau cùng, mục tiêu về an
ninh và kinh tế của Anh có nhiều khác biệt với các nước Âu Lục.
Trước năm sáu lập luận ấy, có thể tóm
lược như sau các điểm phản bác của những người chủ trương ở lại:
Một: Đành rằng cơ chế Liên Âu đang mất
khả năng vận hành và kinh tế bị khủng hoảng, nhưng lịch sử cho thấy hai hậu quả
của tình trạng ấy: chủ nghĩa quốc gia và chiến tranh. Dù ra khỏi Liên Âu, nước
Anh vẫn không tránh khỏi mối nguy này. Hai: Vì an ninh quốc gia, thì việc ở lại
và duy trì vai trò trọng yếu bên trong cơ chế Liên Âu vẫn là chiến lược có lợi
hơn. Ba: Bảo rằng dù đi hay ở thì nước Anh vẫn giữ quan hệ kinh tế với Âu Châu
là điều không đúng: quan hệ ấy đã được định chế hóa, tức là có cơ sở pháp lý chi
tiết, chứ quan hệ với Hoa Kỳ thì chưa. Nếu ly khai, Anh Quốc sẽ phải thương
thuyết lại từng chi tiết của sự hợp tác với Âu Châu và ban hành cả trăm luật lệ
mới sau một giai đoạn tê liệt và bất định rất tai hại. Bốn: Trong khi đó, nước
Anh vẫn có thể giữ ưu thế bang giao với Hoa Kỳ và nhờ đó còn giúp Liên Âu cải
sửa và củng cố khả năng vận hành. Năm: Nói về chủ quyền thì khi hội nhập với Âu
Châu hay hợp tác với Hoa Kỳ, Anh Quốc vẫn mặc nhiên thu hẹp một phần thẩm quyền
của mình, đấy là thực tế của mọi giao kèo hợp tác. Sáu: Sau cùng, Anh Quốc sẽ
đi vào vùng vô định và chưa biết rõ hậu quả nếu tách khỏi Liên Âu sau gần 25
năm hội nhập.
Bảy: Khi đó, nếu các thành viên khác của Anh Quốc, như xứ Scotland hay Bắc Ái Nhĩ Lan Northern Ireland
cũng đòi ly khai thì còn gì là Vương quốc Anh thống nhất, còn gì là United Kingdom?
Những lập luận trái ngược ấy cho
thấy tầm quan trọng của cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Bây giờ, chúng ta đi sâu hơn
vào chi tiết địa dư và lịch sử.
Anh
Quốc Giữa Sức Hút Âu-Mỹ
Đầu tiên thì người ta cần nhìn lại Anh
Quốc trên toàn cảnh:
Nước Anh là quần đảo nằm giữa Bắc Hải
North Sea và Eo biển Anh English Channel, cách lục địa Âu châu chỉ có ba chục
cây số. Vị trí địa dư ấy khiến Anh Quốc đã từng bị đe dọa từ miền Bắc, từ dân
Viking và các nước Bắc Âu. Đối diện tại phía Nam, ở bên kia Eo biển là cường
quốc đã từng có mâu thuẫn và xung đột trong nhiều thế kỷ, là nước Pháp. Nhìn từ
vị trí của mình, dân Anh còn thấy một cường quốc khác, đã thành hình sau khi
thống nhất vào cuối Thế kỷ 19, là nước Đức, thủ phạm của hai trận Thế chiến mà
nước Anh không tránh được.
So với các nước Âu Lục thì Anh Quốc
có sự cách ngỡ nhờ một eo biển, nhưng không tuyệt đối và vẫn có thể bị tấn
công.
Là đảo quốc, nước Anh cần phát triển
mạng lưới giao thương và thực tế đã xây dựng được một Đế quốc toàn cầu, “nơi
mặt trời không bao giờ lặn”, nhờ một lực lượng hải quân hùng mạnh có thể bảo vệ
hải đảo của mình lẫn các quyền lợi ở rất xa. Qua nhiều thế kỷ, Đế quốc ấy đã có
khả năng tự vệ và lại còn chi phối được cả lục địa Âu châu.
Nhưng hai trận Thế chiến trong Thế
kỷ 20 đã thay đổi tất cả, vì Hoa Kỳ.
Qua thật thì Anh Quốc không bị xứ
nào chiếm đóng, nhưng lãnh thổ đã bị tấn công. Và sức mạnh kinh tế thì suy sụp
dần từ vùng ngoại vi về tới trung ương. Đế quốc này phải nương vào Hoa Kỳ về cả
tài chánh lẫn quân sự. Trong Thế chiến II, qua Chương trình Tô Tá (Lend-Lease
Program) của Hoa Kỳ, Anh phải vay chiến cụ và tiếp liệu của Mỹ để tự vệ và trả nợ
bằng cách trao cho Hoa Kỳ quyền sử dụng các căn cứ quân sự của mình trên toàn
cầu. Đế quốc này mất sức mạnh quân sự và sau khi thắng trận năm 1945 vẫn còn lệ
thuộc vào Hoa Kỳ về tài chánh.
Tâm lý thất thế của một Đế quốc đã
từng chi phối toàn cầu, từ Âu sang Á, là một thực tế.
Đã vậy, thời Chiến tranh lạnh, Minh
ước Bắc Đại Tây Dương NATO ra đời đã củng cố vai trò quân sự của Hoa Kỳ trong
việc bảo vệ nước Anh. Và 60 năm trước, trong vụ khủng hoảng Kênh đào Suez của
Ai Cập vào năm 1956, chính Hoa Kỳ lại gây áp lực với Anh, Pháp và Israel để
chấm dứt việc ba xứ này phong tỏa kênh đào. Anh Quốc phải triệt thoái khỏi Ai
Cập và thu hẹp mọi ảnh hưởng tại phía Đông của Kênh đào Suez. Từ đó, Đế quốc
tàn tạ này không thể làm bất cứ điều gì trên thế giới mà thiếu sự đồng ý của Hoa
Kỳ.
Nhiều người Mỹ đã quên thực tế mới:
Anh Quốc là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng giữ thế yếu, lãnh thổ có nhiều căn cứ
quân sự và binh lính Mỹ, đã sát cánh với Hoa Kỳ trong mọi cuộc viễn chinh hay
can thiệp quốc tế. Hơn một phần ba ngạch số đầu tư của Anh ra hải ngoại là trút
vào Mỹ và đầu tư của Hoa Kỳ vào nước Anh cũng có tỷ lệ tương tự, là 35%.
Vì vậy, quan hệ Anh-Mỹ trở thành một
ưu tiên chiến lược cho lãnh đạo tại London, trong khi Anh Quốc hết khả năng chi
phối tình hình Âu-Lục như xưa.
Nước Anh không sáng lập cơ chế Âu
Châu thống nhất, từ Thị trường chung ngày xưa đến Liên Âu ngày nay và chỉ miễn
cưỡng gia nhập Thị trường chung Âu châu European Economic Community từ năm
1973. Mọi tính toán của lãnh đạo Anh Quốc đều có hai mặt Đông-Tây: với Âu Châu
và với Hoa Kỳ.
Kết cuộc thì quan hệ của Anh Quốc
với Hoa Kỳ mới chi phối hai quan điểm Đi và Ở, nhưng dư luận Mỹ lại chẳng mấy
quan tâm mặc dù từ Tổng thống Barack Obama tới Thống đốc Janet Yellen đều trực
tiếp nhắc nhở. Qua kỳ tới, Hồ Sơ Người-Việt sẽ đào sâu hơn những lợi hại trong
mối tương quan của Anh Quốc với Liên Âu. Xin quý độc giả chịu khó theo dõi….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét