Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt Ngày 160614
"Kinh Tế Cũng Là Chính
Trị"
Vì sao các chính khách thường đổi
ý về tự do thương mại sau khi đắc cử?
* Vượt qua chướng ngại, cả triệu tầu buôn cho cả tỷ người tiêu thụ vì vài ngàn tài phiệt? *
Trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ năm nay, cả hai ứng cử viên của
hai chính đảng lớn là Hillary Clinton bên Dân Chủ và Donald Trump bên Cộng Hòa
đều có lập trường mập mờ về ngoại thương.
Là Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama (2009-2015),
Hillary triệt để vận động Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, coi đây
là khuôn vàng thước ngọc về tự do mậu dịch cho sự thịnh vượng của các nước.
Nhưng sau khi 12 thành viên hoàn tất việc đàm phán vào cuối năm ngoái thì từ
Tháng Hai năm nay, bà đổi ý, chống lại nhiều chi tiết của Hiệp ước. Chúng ta
nên tin vào một thực tế là chẳng nên tin các chính trị gia, nhất là trong mùa bầu
cử, vì vậy lập trường chống đối hay ủng hộ nguyên tắc tự do ngoại thương của chính
khách Hillary cũng chỉ là thủ thuật tranh cử. Vả lại, khi là Đệ nhất Phu nhân,
bà cũng hỗ trợ việc Tổng thống Bill Clinton hoàn tất Hiệp ước Tự do Thương mại
Bắc Mỹ NAFTA năm 1994 với Canada và Mexico.
Chưa từng hoạt động chính trị, Donald Trump là trường hợp chính trị bất
thường năm nay của nước Mỹ và gây bất ngờ cho mọi người. Riêng về lãnh vực ngoại
thương, ông kịch liệt đả kích TPP – “một thỏa thuận kinh hãi” – là chỉ có lợi
cho Trung Quốc (dù xứ này không là thành viên), nghi ngờ Tổ chức Thương mại Thế
giới WTO và đòi tăng thuế nhập nội trên hàng hóa của Tầu, Mễ, Ấn, để bảo vệ
doanh nghiệp và công nhân Mỹ. Trong bài diễn văn hồi Tháng Tư về chánh sách đối
ngoại được soạn thảo thay vì ứng khẩu, ông luận về việc ngã giá từ kinh nghiệm
của mình trên doanh trường. Một nhân vật đã trở thành tỷ phú hiển nhiên là biết
trả giá để đạt mục tiêu của mình. Nếu ông đắc cử, thì ngoại giao cũng chỉ là việc
trả giá.
Bây giờ, ta lùi lại một chút để đi vào cốt lõi của vấn đề: kinh tế cũng
là chính trị, ngoại thương cũng thế. Xin hãy khởi sự từ 24 năm trước hay 240
năm trước.
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1992, tự do ngoại thương và NAFTA là
đề tài nóng. Một tỷ phú cũng bất thường như Donald Trump là Ross Perot phản bác
Hiệp ước này vì cướp mất việc làm của dân Mỹ - và gây ra “tiếng hút vĩ đại” ở
miền Nam là xứ Mexico. Ông đề cao chế độ bảo hộ mậu dịch và hút phiếu của Tổng
thống George H. Bush bên Cộng Hòa khiến Thống đốc Bill Clinton thắng cử - và ban
hành NAFTA với lá phiếu Cộng Hòa trong Quốc hội.
Bốn năm sau, cũng từ đảng Cộng Hòa lại xuất hiện nhà bình luận và bỉnh
bút Patrick Buchanan với lời than về sự lụn bại của nước Mỹ dưới tay các đối
tác kinh tế Nhật Bản, Mexico. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc, chủ trương tự cô lập
và chế độ bảo hộ mậu dịch của ông huy động được một đám nhiệt tình xưng danh “Lữ
Đoàn Buchanan” và chỉ thắng được ở New Hampshire.
Phía Dân Chủ cũng chẳng thiếu người nhìn vào ngoại thương với nhãn quan
đấu tranh.
Trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2004, Nghị sĩ (nay là Ngoại trưởng)
John Kerry kết tội các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Ấn Độ là phản quốc, là
“Benedict Arnold”. Qua năm 2008, cả hai ứng cử viên Barack Obama và Hillary
Clinton đều muốn cử tri đánh giá mình là những tay vô địch bảo vệ quyền lợi
công nhân Mỹ nên đòi xét lại Hiệp ước NAFTA và nhiều thỏa thuận khác của Tổ chức
WTO. Khẩu hiệu “Mậu dịch Công bằng” Fair
Trade trở thành ăn khách hơn Mậu dịch Tự do, Free Trade. Không kém tài, năm đó Nghị sĩ John Edwards cũng tái nhập
cuộc và đả kích hiện tượng có hai nước Mỹ, giàu và nghèo chỉ vì ngoại thương.
Người ta thấy rằng khi tranh cử, chính khách nào cũng xin đội dân lên đầu
để hất chế độ tự do thương mại xuống rãnh. Rồi khi đắc cử thì cúi xuống nhặt
lên và đánh bóng. Điển hình chính là Tổng thống Obama, người đã chống NAFTA từ
đầu và nay đang vận động Quốc hội sớm thông qua Hiệp ước TPP, như một di sản của
ông, còn vĩ đại hơn NAFTA.
Vì sao họ lại có lập trường đảo điên như vậy?
Một cách lạnh lùng, ta có thể nghĩ đám đông đầy chân tình mà thiếu hiểu
biết thường bị những kẻ thừa hiểu biết mà thiếu chân tình dẫn vào đường tối,
nơi mà các chính khách này là ngọn hải đăng. Mà việc dẫn dụ thật ra chẳng khó
vì chân lý của ngoại thương mới là điều khó hiểu!
Từ Adam Smith vào năm 1776, với tác phẩm lý luận The Wealth of Nations (Sự Giàu Có của các Quốc Gia) người ta đã có
240 năm chứng nghiệm rằng quy tắc tự do mua bán phá vỡ chánh sách ngăn sông cấm
chợ và mở rộng thị trường khiến giới sản xuất có thể chuyên biệt hóa ưu thế cạnh
tranh và tạo ra nhiều của cải hơn trước để rồi cuối cùng thì mọi người đều có lợi.
Nhưng đấy là chân lý trừu tượng, chứ thực tế quốc tế lại khác hẳn.
Thực tế thì người ta đòi xứ khác tháo gỡ hàng rào giao dịch và đi vào việc
trả giá, hay đàm phán, căn cứ trên tiến độ tháo gỡ đó bên phe địch. Tự do giao
dịch biến thái thành quan hệ ta và địch. Suy ra từ quan hệ được/thua ấy, người
bình thường tin rằng xứ nào xuất cảng nhiều hơn nhập cảng và đạt xuất siêu thì
coi như thắng trận. Doanh trường trở thành đấu trường và bạn hàng chỉ là kẻ cướp
nên ta phải có nhà nước canh chừng bằng hiệp ước.
Sự thật chính trị ấy sai bét về kinh tế. Sau đây là một vài thí dụ.
Quan hệ ngoại thương không là quan hệ ngoại giao giửa hai thực thể là
hai nước. Trong việc mua bán, nhập và xuất cảng, ta có hàng tỷ nghiệp vụ thường
nhật giữa các cá nhân trong vị trí sản xuất hay tiêu thụ, người nào cũng muốn
tìm ra mối lợi cho mình. Khi ấy, “quốc tịch” của món hàng hay dịch vụ hết còn ý
nghĩa vì là kết quả của một chu trình hợp tác tinh vi – nên khó hiểu. Trong số
hàng nhập vào Hoa Kỳ, có tới 40% hay 50% là phần đóng góp của doanh nghiệp Mỹ ở
đâu đó bên Ấn Độ, Trung Quốc hay Singapore, Mexico….
Các chính khách than phiền rằng Hoa Kỳ bị nhập siêu liên tục từ 41 năm
qua, coi như thua nặng, cho nên cần họ bảo vệ. Kế toán quốc gia cho biết nhiều
sự thật rắc rối khác:
Thiếu hụt thương mại (mua nhiều hơn bán) là mặt trái của thặng dư tư bản
(nhập tư bản nhiều hơn xuất). Hoa Kỳ nhận được tư bản đầu tư vào thị trường Mỹ
với ngạch số tương đương với thiếu hụt thương mại. Tiền Mỹ mua hàng ngoại không
mất ở ngoài mà lại trở về Mỹ. Nếu nhập siêu gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cho
nông gia hay công nhân Hoa Kỳ thì điều ấy phải thể hiện trong Tổng sản lượng
GDP sa sút của 41 năm qua. Chuyện này không hề có. Chẳng phải vì nhập cảng nhiều
và xuất cảng ít mà nước Mỹ nghèo đi và bị xứ khác bóc lột – hay “hãm hiếp”, nói
theo ngôn ngữ của Trump.
Lý do của nghịch lý ấy là người ta dễ thấy “cái mất” tập trung vào một
việc, như xưởng máy tại Mỹ chạy qua Mễ, mà khó thấy “cái được” bàng bạc vô hình
thể hiện ở nhiều nơi khác. Nhà tiêu thụ Mỹ mua hàng rẻ hơn nên mua được nhiều
món hàng hơn. Và trong tổng số tiêu thụ vĩ đại của nước Mỹ, chỉ có chừng 12% là
nhập cảng. Khi nhà tiêu thụ có tiển mua thêm hàng thì nhiều phần sẽ là hàng Mỹ.
Chính là khả năng sản xuất và tiêu thụ quá cao này mới cho nước Mỹ cái
thế ngoại giao với các nước: rằng nên hợp tác với Hoa Kỳ về nhiều lãnh vực
khác, thì sẽ dễ bán hàng vào Mỹ.
Sau cùng, một lý luận hấp dẫn về chính trị mà phản kinh tế là tự do ngoại
thương chỉ làm giàu cho thiểu số tài phiệt của các tập đoàn doanh nghiệp liên
quốc gia. Đấy là chủ nghĩa Mác-Lenin hiện đại hóa, ngụy trang thành chủ nghĩa
thương dân để trở lại chuyện ngăn sông cấm chợ.
Chế độ bảo hộ chủ yếu bảo vệ giới sản xuất hơn là nhà tiêu thụ và tạo uy
thế cho đại doanh nghiệp trên giới tiểu thương. Phí tổn của việc bảo hộ ít gây
thiệt hại cho công ty lớn, mà là gánh nặng cho giới lao động khi họ phải mua
hàng đắt hơn. Tài phiệt giàu có thì ít xài đồ Made in China hay in Malaysia
trong Wal Mart. Các bà mẹ độc thân, hay thiểu số da màu mới tìm các món hạ đẳng
ấy trong cõi bình dân. Nếu thuế suất nhập nội của áo quần, giày dép hay thực phẩm
được giảm từ mức 18%, 14% hay 10% hiện nay nhờ Hiệp ước TPP thì giới tiêu thụ
bình dân sẽ dễ thở hơn.
Kết luận ở đây là khi tranh cử, ai cũng cần lừa phỉnh cử tri bằng lập luận
ái quốc thương dân, theo tầm nhìn của thường dân. Nhưng khi đắc cử vào vị trí của
Tổng thống, người lãnh đạo mới thấy ra nhiều khía cạnh bao quát của quyền lợi
quốc gia và đảo ngược lập trường mà ủng hộ tự do thương mại. Sau Obama thì
Hillary Clinton hay Donald Trump cũng vậy mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét