Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160624
"Diễn đàn Kinh tế"
Trong cuộc tranh cử Tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ, nguyên tắc tự
do mậu dịch bị các ứng cử viên cùng đả kích và tinh thần hoài nghi lợi
ích của việc giao dịch tự do giữa các quốc gia khiến Quốc hội Mỹ chưa
phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP. Vì sao
lại như vậy?
Khai thác nỗi lo của người dân trong năm bầu cử
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin kính chào
chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Trong một tháng nữa, Quốc hội của
Việt Nam sẽ thảo luận về bản Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình
Dương TPP mà 12 quốc gia đã hoàn tất từ Tháng 10 năm ngoái và ký kết vào
Tháng Hai vừa qua. Người ta chờ đợi là trong kỳ họp vào Tháng Bảy này,
Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn văn kiện quan trọng đó vì Việt Nam là
quốc gia được coi là có lợi nhất khi hội nhập kinh tế vào luồng trao đổi
tự do giữa 12 nước trên vành cung Thái Bình Dương. Ngược lại, Hoa Kỳ là
quốc gia đã đề xướng hiệp định này từ năm 2009 thì chưa có chiều hướng
thông qua văn kiện đó vì sự phản đối của một số dư luận, tiêu biểu nhất
là lập trường của hai ứng cử viên dẫn đầu hai đảng lớn trong cuộc bầu cử
tổng thống năm nay. Thưa ông, tại sao quốc gia vẫn thường cổ võ cho
tinh thần tự do mậu dịch là Hoa Kỳ lại có sự ngần ngại đó?
Trước sự chuyển động ấy của kinh tế và xã hội, một số chính trị gia đã chẳng giải thích được sự thật về tự do ngoại thương mà lại khai thác nỗi lo của người dân trong một năm bầu cử. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ có thể chế cộng hòa, là nơi mà dân
chúng bỏ phiếu chọn người đại biểu để giải quyết công vụ của quốc gia.
Năm nay, Hoa Kỳ có tổng tuyển cử để người dân bầu ra Tổng thống, Phó
Tổng thống, tất cả 435 dân biểu của Hạ viện, 34 nghị sĩ Thượng viện và
11 ghế Thống đốc các tiểu bang cùng nhiều chức vụ dân cử tại các địa
phương. Trong một năm tranh cử, ý kiến của cử tri được các ứng cử viên
đặc biệt quan tâm và riêng về lĩnh vực thương mại thì nhiều người Mỹ
không thấy ra mối lợi của tự do mậu dịch nên các ứng cử viên còn ngần
ngại và Quốc hội khóa 114 được bầu lên từ kỳ trước chưa muốn đưa Hiệp
định TPP ra thảo luận để phê chuẩn. Có hai lý do giải thích hiện tượng
khá bất thường ấy.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho hai lý
do đó vì nhiều người chưa hiểu vì sao Tổng thống Barack Obama đã vận
động rất mạnh việc thông qua bản Hiệp định mà Quốc hội vẫn chưa có quyết
định đưa ra thảo luận.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lý do ngắn hạn là kinh tế Hoa Kỳ chưa hoàn
toàn phục hồi sau vụ Tổng suy trầm năm 2008-2009 khiến nhiều người mất
việc và lương bổng không tăng. Dù tỷ lệ thất nghiệp chính thức đã giảm,
số người thật sự tham gia thị trường lao động vẫn quá thấp nên họ không
mấy tin tưởng vào tương lai trước mắt. Lý do dài hạn hơn là đà tiến hóa
quá nhanh của khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ tin học với rất nhiều
ngành đã được tự động hóa, khiến khu vực chế biến chiếm một tỷ trọng
nhỏ hơn của cả hệ thống sản xuất và nhiều thành phần lao động không kịp
đáp ứng nên càng ít tin tưởng vào tương lai.
- Trước sự chuyển động ấy của kinh tế và xã hội, một số chính trị gia
đã chẳng giải thích được sự thật về tự do ngoại thương mà lại khai thác
nỗi lo của người dân trong một năm bầu cử. Theo cuộc khảo sát ý kiến của
viện Gallup vào Tháng Hai năm nay thì chỉ có 34% dân Mỹ là chống tự do
mậu dịch so với 58% là số người ủng hộ. Nhưng thiểu số này có thành phần
đầy nhiệt tình và tích cực nhất nên họ gây ra ấn tượng sai là đa số dân
Mỹ chống tự do mậu dịch.
- Nhìn trong trường kỳ thì ta chẳng nên ngạc nhiên về hiện tượng ấy.
Khi còn là Nghị sĩ, ông Barack Obama cũng bỏ phiếu chống Hiệp ước Tự do
Thương mại Trung Mỹ và đòi xét lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ,
gọi tắt là NAFTA, được Chính quyền Bill Clinton bên đảng Dân Chủ thương
thuyết và ban hành năm 1994 với hậu thuẫn của đảng Cộng Hòa trong Quốc
hội. Khi lên lãnh đạo và hiểu ra quyền lợi thực tế của tự do mậu dịch,
ông Obama mới ủng hộ và thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định TPP kể từ năm
2009 và nay đang gặp trở ngại từ đảng Dân Chủ của ông trong Quốc hội.
Chi tiết ấy còn cho thấy một điều nữa, là Tổng thống Hoa Kỳ không có
toàn quyền quyết định, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và đối nội. Đấy
mới là một ưu thế của nền cộng hòa Hoa Kỳ, chứ không phải là Tổng thống
muốn làm gì cũng được.
Nguyên Lam: Như vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho sự lợi hại của tự do thương mại, nhìn từ quan điểm của quyền lợi quốc gia.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sức mạnh của nền dân chủ tùy vào dân trí và
trong lĩnh vực kinh tế thì tùy thuộc vào sự hiểu biết của người dân về
các khía cạnh quá chuyên môn rắc rối. Trong cuộc bầu cử năm nay tại Hoa
Kỳ, người dân tỏ vẻ nghi ngờ các chính trị gia chuyên nghiệp và một
thiểu số tích cực nhất thì khai thác nỗi bất mãn hay sự lo âu này mà gây
ra ấn tượng sai về giá trị của tự do thương mại mà nước Mỹ vẫn cổ võ từ
gần trăm năm qua trên thế giới.
- Thứ nhất, từ 240 năm nay, thế giới đã dần dần ra khỏi nhận thức lạc
hậu rằng chế độ bảo hộ mậu dịch hay chính sách ngăn sông cấm chợ là cách
bảo vệ quyền lợi quốc gia có giá trị nhất. Chính sách ấy chỉ làm quốc
gia nghèo thêm và mất dần khả năng cạnh tranh như chúng ta đã chứng
nghiệm tại Trung Quốc hay Việt Nam trước thời cải cách hay đổi mới.
Trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước, không hề có hiện tượng
được/thua, hoặc “hơn bù kém”, theo ý đấu tranh là nước này mà có lợi
thì nước kia bị thiệt. Khi mở rộng việc buôn bán tự do thì xứ nào cũng
có thể tìm ra ưu thế cạnh tranh có lợi nhất và thị trường càng mở rộng
thì nhà tiêu thụ hay sản xuất càng có thêm cơ hội làm giàu.
Chung cuộc thì ai cũng có lợi
Nguyên Lam: Nhưng ông giải thích thế nào về sự kiện kinh tế
Hoa Kỳ bị nhập siêu, tức là mua nhiều hơn bán, và bị quá lâu, quá nhiều
nên người ta mới cho rằng nước Mỹ bị thiệt vì tự do mậu dịch?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thực tế kinh tế còn có một ý nghĩa này mà
chúng ta nên hiểu ra: trong quan hệ ngoại thương giữa các nước, không hề
có chuyện nước này làm ăn với nước kia theo lối tranh giành quyền lợi
quốc gia với tinh thần được/thua. Đấy là kết quả kinh doanh hàng ngày
hàng giờ của cả triệu người, trong vai trò của nhà sản xuất và người
tiêu thụ. Kết quả kinh doanh ấy khiến người ta sản xuất ra nhiều món
hàng rẻ hơn và giới tiêu thụ mua được nhiều hơn và chung cuộc thì ai
cũng có lợi.
Nếu mà mỗi khi bị nhập siêu là làm kinh tế bị nghèo đi thì trong mấy chục năm qua làm sao kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng? Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Riêng về lĩnh vực nhạy cảm và gây ấn tượng sai là Hoa Kỳ bị nhập siêu
kinh niên - hình như chỉ được xuất siêu là xuất khẩu nhiều hơn nhập
khẩu là vào năm 1981 - sự thật nó hoàn toàn khác. Kết quả của việc mua
bán được tổng hợp vào cán cân thanh toán hay vãng lai và số nhập siêu
hay thất thâu về thương mại có nghĩa là Hoa Kỳ được nhập siêu về tư bản,
tức là nhận tiền từ nước ngoài vào với ngạch số tương đương. Nếu mà mỗi
khi bị nhập siêu là làm kinh tế bị nghèo đi thì trong mấy chục năm qua
làm sao kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng?
Nguyên Lam: Ông vừa trình bày một sự kiện hơi khó hiểu cho
nhiều độc giả của chúng ta, đó là Hoa Kỳ bị nhập siêu về thương mại, là
nhập nhiều hơn xuất khẩu, nhưng đấy cũng là được nhập siêu về tư bản với
ngạch số tương đương. Thưa ông, sự thể ấy là thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một khái niệm về kế toán quốc gia
quả thật là hơi khó hiểu. Cán cân thương mại là kết số của việc mua bán
hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân qua một thời hạn nhất
định. Nhìn theo giác độ kế toán quốc gia thì đấy cũng là kết số của tiết
kiệm và đầu tư nội địa. Hoa Kỳ có nền kinh tế mang hai đặc tính là tiết
kiệm ít, tiêu thụ nhiều và cán cân thương mại bị thiếu hụt vì mua nhiều
hơn bán cũng có nghĩa là được thặng dư về tư bản là nhận tư bản vào
nhiều hơn. Đấy là hai mặt của một đồng tiền mà người ta chỉ nhìn thấy
một mặt và than rằng Mỹ thua sút vì mua nhiều hơn bán. Còn một chi tiết
đáng kể hơn nữa là kinh tế Mỹ chỉ lệ thuộc vào xuất khẩu có chừng 14%,
so với 16% của Nhật và nhất là 36% của Trung Quốc, nên không bị hiệu ứng
điêu đứng khi các nước khác tiết giảm số tiêu thụ, như trường hợp khá
nguy kịch hiện nay của Trung Quốc.
Nguyên Lam: Nói về Trung Quốc, nhiều người cho rằng vì kinh
tế Hoa Kỳ bị nhập siêu nên mới cần Trung Quốc mua Công khố phiếu của
Mỹ, tức là cho Mỹ vay tiền để tiêu xài và nếu Bắc Kinh không mua Công
khố phiếu Mỹ nữa thì Hoa Kỳ sẽ bị điêu đứng. Thưa ông, sự thật thì như
thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta cứ cho là trong quan hệ thương mại
Mỹ-Hoa, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nước Mỹ ở vào thế bất lợi và dân Mỹ
bị mất việc vì dân Tầu lĩnh lương rẻ hơn. Từ đó, Trung Quốc mới là chủ
nợ của nước Mỹ nên có thể chi phối chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đấy
là một ấn tượng sai về kinh tế lẫn chính trị.
- Quả thật là giới chuyên gia kinh tế có tính ra, rằng việc nhập khẩu
hàng từ Trung Quốc làm khu vực chế biến hàng tiêu dùng của Mỹ mất gần
một triệu việc làm trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến cao điểm là
2007, nhưng người ta quên hẳn tính năng động của kinh tế Hoa Kỳ khi một
tháng có chừng một triệu bảy trăm nghìn công nhân mất việc và tìm ra
nhiều việc khác. Chuyện thứ hai là số nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Hoa
Kỳ có tăng, từ 1% Tổng sản lượng vào năm 2000 lên tới 2,6% vào năm 2011,
rồi từ đấy hết tăng. Chuyện thứ ba là qua gần 10 năm, Trung Quốc tưởng
chiếm lợi thế nhờ giữ tỷ giá đồng bạc thấp để bán hàng cho rẻ và thu về
ngoại tệ làm dự trữ mà thật ra lại gây thiệt hại cho người dân và nay
đang cần chuyển hướng. Khối dự trữ ấy có tăng từ 300 tỷ Mỹ kim vào năm
2000 lên tới gần bốn nghìn tỷ nhưng ngày nay đang giảm. Nếu nhìn trên
toàn cảnh thì Trung Quốc chỉ thay thế Nhật Bản trong tiến trình sản xuất
và giao thương nên đạt xuất siêu với Hoa Kỳ và gây lo ngại như nhiều
người Mỹ đã lo ngại và mở ra phong trào bài bác nước Nhật cách nay ba
chục năm. Giờ đây, chẳng ai nói đến việc Nhật Bản đã đầu tư và là chủ nợ
của nước Mỹ nữa mà chỉ e ngại sự suy sụp kéo dài của kinh tế Nhật. Kinh
tế Trung Quốc cũng đang bước vào giai đoạn suy sụp đó.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế còn ý nghĩa thật của việc Bắc Kinh tung tiền mua Công khố phiếu của Mỹ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việc Trung Quốc mua Công khố phiếu của Mỹ
không hề có nghĩa là họ làm chủ nước Mỹ vì Nhật Bản cũng mua hơn ngàn
tỷ, chỉ sau Trung Quốc thôi, mà cả hai đều chỉ làm chủ một khoản nợ rất
nhỏ trong tổng số nợ của Hoa Kỳ. Nếu có nơi đầu tư an toàn và có lợi hơn
thì Bắc Kinh đã chẳng đẩy tiền qua Mỹ, nhiều giới chức Bắc Kinh còn
than phiền từ mấy năm trước, rằng dù ghét Mỹ lắm họ vẫn cứ phải đầu tư
vào thị trường Hoa Kỳ! Vả lại từ đầu năm nay, họ đã bán Công khố phiếu
Mỹ mà chẳng gây hậu quả tai hại như nhiều người đã cảnh báo trong khi
ấy, chính Bắc Kinh mới đang lo sợ nạn thất thoát tư bản và năm qua khối
dự trữ ngoại tệ đã mất khoảng 800 tỷ đô la. Tôi cho rằng Hoa Kỳ nên cảnh
cáo Bắc Kinh về chế độ ngoại hối giả tạo để bán hàng cho rẻ hơn, nhưng
ảnh hưởng vào ngoại thương của Mỹ thật ra cũng rất giới hạn. Sau cùng,
qua cơn sốt chính trị của năm tranh cử, nếu Hoa Kỳ phê chuẩn Hiệp định
TPP thì đấy mới là cách chuyển trục thực tế và có lợi nhất về Đông Á
trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về bài phân tích này.
Cảm ơn tác giả trả lời,
Trả lờiXóatuổi cũng cao mà đầu cũng sáng lòa như xưa .
...!...
Vậy là người dân Anh đã chọn Brexit với kết quả là nền kinh tế của cả Anh và EU đều bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
Trả lờiXóaChâu Âu gặp khá nhiều khủng hoảng từ nạn di dân, các vụ khủng bố rồi tình hình nợ công Hy Lạp, bây giờ là Brexit. Châu Âu đã không còn là chính mình, họ dần đánh mất đi sức ảnh hưởng đối với thế giới. Nhật Bản thì ngày càng suy yếu về kinh tế vì nợ công cao, suy thoái kéo dài đến hai thập kỷ. Dự là tương lai bàn cờ chỉ còn lại những tay chơi là Mỹ, Hoa, Nga và Ấn.