Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt Ngày 160815
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên
Ngoài"
Sự lựa chọn giữa hai khủng hoảng….
* Putin hạ bút kỷ niệm Thượng đỉnh G-20 - mà có ngồi cho hết nhiệm kỳ vào năm 2018 không? *
Tại Thượng đỉnh năm nay của nhóm
G-20 ở Hàng Châu, có hai lãnh tụ sẽ cùng tỏa sáng trước sân khấu quốc tế, đó là
Tập Cận Bình của Trung Quốc và Vladimir Putin của Liên bang Nga. Nhân vật thứ
ba cũng gây chú ý là Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn Tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ? Ông xuất hiện vài lần cuối trước một diễn
đàn quốc tế rồi chuẩn bị viết hồi ký sau hai nhiệm kỳ đầy sóng gió….
Nhóm G-20 thật ra không là một tổ chức thống nhất như Liên hiệp quốc hay
khối G-7 gồm bảy quốc gia dân chủ đã kỹ nghệ hóa và giàu mạnh nhất thế giới từ
sau Thế chiến II. Đấy chỉ là diễn đàn của 19 quốc gia có sản lượng kinh tế cao
nhất với sự tham dự của Liên hiệp Âu châu. Sáng kiến này xuất hiện từ năm 1999
và từ năm 2008 thì định chế hóa thành thượng đỉnh hàng năm giữa các nguyên thủ.
Với hai phần ba dân số thế giới, nhóm G-20 quy tụ các quốc gia có tổng sản lượng
kinh tế bằng 85% sản lượng toàn cầu. Theo thứ tự của quốc hiệu bằng Anh ngữ thì
đó là Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nam Dương,
Ý, Nhật, Nam Hàn, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ Turkey, Anh Quốc
và Hoa Kỳ.
So với Thượng đỉnh G-7 được định chế hóa thành kỳ họp hàng năm từ sau
1975 thì Thượng đỉnh G-20 đánh dấu sự chuyển dịch của “thiên hạ đại thế” hay “địa
chính, địa dư chính trị geopolitics kể
từ 2008 khi bảy nước công nghiệp hóa, là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp,
Canada, và Ý Đại Lợi, hết kiểm soát được sự vận hành của kinh tế toàn cầu vì chỉ
có tổng sản lượng bằng 46% của thế giới mà thôi. Họ phải nói chuyện với nhiều
quốc gia mới nổi về sau, như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Hàn, Liên bang Nga,
Mexico hay Turkey, v.v….
Nhìn cách khác, đấy là một trật tự kinh tế mới giữa 46% sản lượng toàn cầu
của khối G-7 và 85% của nhóm G-20. Nhưng kinh tế không là tất cả.
Có hai khái niệm cần chú ý ở đây là kinh tế và chính trị, hay thị trường
và dân chủ.
Nền kinh tế của các nước công nghiệp hóa Tây phương vận hành theo quy luật
tự do của thị trường, để thị trường quyết định về việc phân phối tài nguyên sao
cho có lợi nhất. Nền chính trị của các quốc gia này vận hành theo quy luật dân
chủ, là để lá phiếu người dân quyết định về việc phân phối quyền lực trên chính
trường. Từ năm 2008, biến cố kinh tế là vụ khủng hoảng tài chánh Lehman Bros. rồi
nạn Tổng suy trầm 2008-2009 và biến cố chính trị là sự xuất hiện của các nền
kinh tế mới nổi trong nhóm G-20, đã đảo lộn tất cả.
Ngày nay, ta đang thấy một thượng đỉnh lật ngược.
Trong ba chục năm chinh chiến liên miên của Việt Nam, từ 1945 đến 1975,
các nước dân chủ Tây phương coi dân chủ là chính, quyền dân là trọng, nên lá
phiếu người dân còn phần nào kiểm soát được chính trường và qua đó điều tiết được
thị trường, với kết quả tái thiết và tăng trưởng ngoạn mục. Nhưng từ đó, trong
ba chục năm liền, thị trường phát triển mạnh với nhiều sáng kiến độc đáo, dần dần
gỡ bỏ biên vực quốc gia và tiến tới trạng thái toàn cầu hóa mà ai cũng ngợi ca
như một phép lạ kinh tế cho tới năm 2008 thì bắt đầu bị khủng hoảng. Như mọi
khi kể từ Thế kỷ 19, người ta gọi đó là khủng hoảng của tư bản chủ nghĩa và
ngày tàn của các nước Tây phương hay của Hoa Kỳ.
Sự xuất hiện của các nền kinh tế đang lên, mới nổi, hay “tân hưng”, càng
có vẻ xác nhận trào lưu đó khi mà khối G-7 hết cầm chịch mà nhường chỗ cho một
tập thể đông đảo hơn, là nhóm G-20.
Đấy là khi Liên hiệp Âu châu lâm khủng hoảng với cao điểm là năm nay Anh
quốc vừa phát huy quyền dân mà rút khỏi Liên Âu. Bên cạnh là sự tái xuất hiện của
chủ nghĩa quốc gia dân tộc từ Âu Châu đến Hoa Kỳ, với chủ trương chống toàn cầu
hóa, đả phá hệ thống quyền lực siêu quốc gia, chống tự do thương mại mà lui về
chế độ bảo hộ mậu dịch. Hiện tượng Donald Trump và lập trường kinh tế đầy màu sắc
xã hội chủ nghĩa của đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ là những triệu chứng chung, không
là trường hợp bất thường của riêng nước Mỹ.
Nhìn từ bên ngoài, cử tri Hoa Kỳ ngao ngán trước sự lựa chọn một trong
hai con quỷ dữ, “lesser of the two devils”. Quá tập trung vào cuộc tranh cử hơi
kỳ lạ và đầy lố bịch năm nay nên người dân Mỹ không thấy rằng nhiều quốc gia
khác đã vừa trải qua một cuộc đảo chánh. Vì vậy Thượng đỉnh G-20 sẽ nhóm họp
vào đầu tháng tới tại Hàng Châu là một nhắc nhở… lành mạnh.
Tại Trung Quốc, còn hơn một năm nữa, đảng Cộng sản mới tái nhóm Đại hội
cho khóa 19 vào cuối năm tới, nhưng từ ba năm qua, Tập Cận Bình đã tiến hành
tranh trừng nội bộ và loại bỏ mọi đối thủ chính trị với chiêu bài chống tham
nhũng. Mới nhất và dữ dội nhất là việc lật đổ thế lực của “Đoàn phái”, mạng lưới
quyền lực của các đảng viên cao cấp đã sinh hoạt trong Đoàn Thanh niên Cộng sản,
đứng đầu là nhân vật số hai của chế độ, Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc
Cường.
Tại Liên bang Nga, sau cả năm cân nhắc, Tổng thống Vladimir Putin cũng vừa
“chỉnh đảng”. Ông loại bỏ hai nhân vật thân tín nhất là Đổng lý Văn phòng (báo
chí Mỹ dịch sai là Chánh văn phòng) Sergei Ivanov và Chủ tịch Igor Sechin của tập
đoàn năng lượng Rosneft, để tái cân bằng lại hệ thống quyền lực của mình và thẳng
tay đàn áp mọi tiếng nói của đối lập.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đảo chánh đêm 14 rạng 15 tháng trước là cơ hội cho
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan diệt trừ mọi khả năng chống đối trong quân đội,
bộ máy tư pháp, giáo dục và hành chánh. Và nhân danh chủ nghĩa quốc gia,
Erdogan kiểm soát báo chí, đả kích Hoa Kỳ, rồi bắt tay hòa giải với một đối thủ
cũ là Tổng thống Putin của Nga.
Cả ba lãnh tụ trên đều lấy những quyết định liều lĩnh và thô bạo tại
Đông Hải, tại Ukraine hay Syria, để phát huy sức mạnh quốc gia - và củng cố quyền
lực cá nhân – trước sự lúng túng của Hoa Kỳ đang lo sợ sẽ bị một người điên là
Donald Trump đảo chánh. Và cả ba quốc gia kể trên đều bị nhiều khó khăn kinh tế
chồng chất, nhưng lãnh đạo bất cần!
Thượng đỉnh G-20 là cơ hội cho họ Tập và Putin khẳng định thế lực trước
các lãnh tụ Tây phương như Tổng thống Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Đức
Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande hay Thủ tướng Anh Theresa
May…. Bên cạnh, Erdogan cũng xuất hiện với đầy uy quyền thế giá khiến Hoa Kỳ tự
hỏi rằng Turkey có còn là thành viên của Minh ước NATO hay chăng và có giúp gì
cho một giải pháp tại Sysia hay cho cuộc chiến chống lực lượng khủng bố ISIL?
Làm sao Hoa Kỳ hay Nhật Bản có thể nêu vấn đề về Đông Hải với Trung Quốc? Làm
sao Thủ tướng Merkel có thể nói chuyện với Putin về vụ Ukraine đang bị hâm nóng
hay với Erdogan về di dân từ Trung Đông tràn lên? Làm sao Tổng thống Hollande
có thể dàn xếp chuyện Brexit với Thủ tướng Anh khi ông sẽ thất cử năm tới?
Nhìn từ bên ngoài, cứ bốn năm một lần, Hoa Kỳ lại có một cuộc đảo chánh,
định kỳ, được gọi là bầu cử, để chọn người đại diện khác.
Khi tranh cử, ngần ấy ứng viên đều thuyết phục cử tri rằng đầu phiếu cho
đối phương là dẫn cộng đồng hay quốc gia vào khủng hoảng. Những kẻ đầy nhiệt
tình từ cả hai phe đều thực tin như vậy, với sự phụ họa của truyền thông báo
chí thuộc phe ta. Nhưng sau ngày bầu cử, phe thắng cuộc không thủ tiêu đối lập
mà lập tức tự chuẩn bị cho cuộc “đảo chánh” kỳ tới. Đấy là sự hỗn loạn đáng yêu
và không dễ sợ bằng sự ổn định đang thấy tại các quốc gia độc tài kia, khi quyền
dân lại biện minh cho bạo lực. Hỏi các nhà báo nơi đó thì biết!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét