Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160803
"Hồ Sơ Người-Việt"
Hillary Clinton Gặp May Nhờ Donald Trump
* Hoa hướng dương héo, trời ơi! *
Hồ Sơ Người-Việt thường trình bày các dữ kiện sâu
xa về bối cảnh mà truyền thông của nền văn minh tức thời, mọi thứ đều
“instant”, lại gạt một bên vì quá rắc rối, khiến nhiều khi chúng ta chẳng hiểu tại
sao mà một biến cố nào đó xảy ra. Vì cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ có quá
nhiều bất ngờ từ hơn 400 ngày trước và sẽ kết thúc trong 90 ngày nữa, mục này
phá lệ mà nói về bầu cử. Cũng vì thời lượng có hạn và kinh tế là mối quan tâm
ưu tiên của cử tri nên kỳ này chỉ nói về kinh tế hơn là xã hội hay an ninh,
ngoại giao. Và tập trung vào hiện tượng Donald Trump ở phần kết luận.
Tám Năm Là
Quá Đủ
Sau khi hai chính đảng lớn của Hoa Kỳ hoàn tất
Đại hội, cục diện tổng tuyển cử đã rõ nét: dân Mỹ muốn thay đổi nên Cộng Hòa có
lợi thế tự nhiên sau tám năm lãnh đạo của Dân Chủ tại Tòa Bạch Ốc. Nhưng khi
ấy, ứng cử viên Dân Chủ ra tranh cử Tổng thống lâm vào thế kẹt.
Được Tổng thống Barack Obama hậu thuẫn và dùng
phương tiện công cộng lẫn giờ giấc của lãnh đạo Hành Pháp đi tranh cử cho mình,
Hillary Clinton phải đạt hai mục tiêu trái ngược: vừa bào vệ thành quả của
Chính quyền Obama sau hai nhiệm kỳ, vừa thông báo một tương lai còn huy hoàng
sáng lạn hơn.
Nếu quả thật là mọi sự đã quá tốt đẹp thì Hillary
Clinton chỉ làm tiếp nhiệm kỳ ba cho Obama. Nhưng nếu nhấn mạnh đến những gì sẽ
thực hiện sau này, bà phải gián tiếp phê phán di sản Obama. Từ đầu năm nay, một
chính khách lão luyện đã tóm lược sự kiện ấy: “Hàng triệu, hàng triệu, hàng
triệu, hàng triệu người Mỹ (bốn lần cả thảy!) nhìn vào hình ảnh tốt đẹp về Hoa
Kỳ (do ông Obama vẽ ra) mà lại không thấy mình trong đó.”
Người phát biểu sự ai oán này chính là nguyên
Tổng thống Bill Clinton, của đảng Dân Chủ!
Vì vậy, theo lẽ thường thì đảng Cộng Hòa tràn trề
hy vọng, và với 25 năm đầy tỳ vết của một kẻ có nhiều tham vọng hơn lương
thiện, Hillary coi như bơi ngược dòng. Huống hồ, khi đảng Dân Chủ họp Đại hội
Toàn quốc để tấn phong Hillary sau cả chục bài diễn văn cổ võ, kể cả của Barack
Obama, tình hình kinh tế có những chỉ dấu cho thấy tám năm Dân Chủ là quá đủ.
Những
Quầng Mây Đen
Thuộc về bối cảnh hơi chuyên môn mà mà đa số
truyền thông bỏ qua vì coi là tin nhỏ hoặc vì theo sẵn khuynh hướng thiên tả là
vài chuyện sau đây:
Tuần qua, cơ quan BankruptcyData.com chuyên kiểm
tra hiện tượng phá sản cho biết số doanh nghiệp Mỹ phá sản đã tăng 9% từ Quý 1
sang Quý 2 (từ tam cá nguyệt đầu năm sang tam cá nguyệt thứ nhì), và tăng 23%
trong sáu tháng đầu năm nay. Tính theo cùng kỳ so với năm 2015 thì tăng đến
25%. Hàng ngày, nhiều doanh nghiệp bị phá sản nhưng cũng có cơ sở mới được
thành lập và đấy là đặc tính năng động của xã hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên khi số
doanh nghiệp sụp đổ lại tăng mạnh thì phản ứng dây chuyền sẽ tai hại. Khách nợ
mà phá sản thì chủ nợ mất vốn và nhân công mất việc. Trên cùng là nhà nước mất
thuế.
Nói về thuế, các doanh nghiệp mà trả thuế thì mới
được coi là có thế giá và đáng được chủ nợ tín nhiệm khi cho vay. Nguồn thu về
thuế khóa còn là bài toán cho ngân sách quốc gia. Nếu thuế thu bị hụt thì đấy
là chỉ dấu sa sút kinh doanh, cuối chân trời là sa sút kinh tế. Tuần qua, Bộ
Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết bội chi của ngân sách liên bang tăng 27% so với cùng
kỳ năm ngoái, cụ thể là thâm hụt ngân sách quốc gia đã vượt 400 tỷ Mỹ kim.
Nguyên do của sự khiếm hụt đột ngột ấy là trong sáu tháng đầu năm, loại thuế
doanh nghiệp bị giảm mất 11%.
Hàng ngày, người ta cứ theo dõi tin tức trên thị
trường chứng khoán vì đấy là dữ kiện tổng hợp và phần nào tiên báo về tình hình
kinh doanh. Vào mấy ngày đầu mỗi quý, tin tức ấy có giá trị đặc biệt vì các cơ
sở cho biết doanh lợi của ba tháng trước. Tin tuần qua từ thị trường Wall
Street là mức doanh lợi trong Quý 2 lại giảm thêm 3,7%: “lại giảm thêm” vì đã
giảm từ trước. Đây là sáu quý liền mà lợi nhuận của doanh nhiệp Mỹ đã sụt, tức
là liên tục trong 18 tháng. Theo giới phân tách tài chánh của thị trường Mỹ,
kết quả kinh doanh của Quý 3 sẽ là -0,1%. Giảm nữa.
Giới kinh tế thường phân biệt hai hiện tượng sa
sút là “suy trầm” (recession) và “suy
thoái” (depression). Suy trầm là khi đà
tăng trưởng kinh tế giảm trong hai quý liền, là điều ta chỉ biết sớm nhất là vào
quý thứ ba, hay tháng thứ bảy, thứ tám. Suy thoái là tình trạng thê thảm mà mơ
hồ hơn, là khi nạn suy trầm lan rộng qua nhiều khu vực sản xuất, và sản lượng
không tăng dù chậm hơn mà còn giảm. Tổng thống Ronald Reagan thâm thúy giải
thích hay hơn các kinh tế gia: “suy trầm là khi hàng xóm bị thất nghiệp, suy
thoái là khi mình mất việc!” Sát sườn.
Tức là khi đảng Dân Chủ gióng trống mở cờ trong
Đại hội thì nhiều vầng mây đen đã ló dạng - mà mấy ai để ý? Hôm Thứ Sáu 29, là
một ngày sau khi Đại hội Dân Chủ kết thúc, Bộ Thương Mại Mỹ công bố thống kê về
kinh tế, và đảng Dân Chủ cứ phớt lờ. Vì khó nói quá.
Bảy Năm Bò
Gầy
Sinh hoạt kinh tế thường có giai đoạn thăng/trầm lên
xuống như theo chu kỳ nhưng ít ai đoán trước được một cách chính xác. Giới kinh
tế mỉa mai khả năng tiên báo tầm bậy của họ: “đoán ra 10 lần suy trầm trong
chín lần qua!” Nhiều người còn thấy ẩn dụ về bảy năm bò gầy trong Thánh Kinh là
một mô tả về nạn suy trầm hay suy thoái….
Về kỹ thuật thống kê thì giới hữu trách phải khảo
sát tình hình đã qua bằng nhiều số liệu chọn lọc sau khi thử nghiệm tính chất
trung thực và tiêu biểu của từng loại dữ kiện. Khảo sát rồi, họ còn điều chỉnh khi
có thêm dữ kiện để mô tả tình hình cho chính xác hơn.
Sau khi nhắc lại bối cảnh chuyên môn thì ta nói
đến tình hình sản xuất kinh tế trong Quý 2 do Bộ Thương Mại vừa thông báo: Sản
lượng kinh tế Mỹ chỉ tăng 1,2% mà thôi.
Cùng lúc, Bộ cũng điều chỉnh và hạ thấp số tăng
trưởng của Quý 1 đã báo ba tháng trước: chỉ có 0,8%. Giới chính trị mà muốn lừa
thì cũng dễ: Quý 1 tăng 0,8%, Quý 2 tăng 1,2%, tức là khá hơn. Thật ra, giới
kinh tế dự báo mức tăng trưởng cho Quý 2 là 2,6%, nào ngờ chỉ có 1,2%, chưa
được phân nửa. Cho nên, nếu quan tâm đến nền dân chủ và muốn đánh giá thành
tích kinh tế của lãnh đạo, người ta cần nhìn sâu xa hơn một chút về kinh tế, dù
có khô khan hay u ám.
Số liệu kinh tế của Bộ Thương Mại còn cho biết thêm
nhiều sự thật: Từ năm 1949 là khi có thống kê về tăng trưởng cho từng quý. Hoa
Kỳ bị 11 đợt suy trầm rồi lại thịnh đạt, theo hướng khi thăng khi trầm, nhưng
chưa khi nào thời “thịnh đạt” lại èo uột như lần vừa qua.
Kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007
tới Tháng Bảy năm 2009, ở giữa là vụ khủng hoảng tài chánh vào Tháng Chín năm
2008. Sau đó là bẩy năm hồi phục yếu ớt và tăng trưởng tệ hại nhất trong các đợt
thăng trầm kể từ 1949. Hồi phục yếu ớt vì một năm chỉ tăng có 2,1%. Lần trước, kinh
tế cũng suy trầm từ Tháng Ba tới Tháng 11 năm 2001 và bị nhồi vào vụ khủng bố
9-11. Nhưng sau đó đã tăng trưởng được khoảng 2,5% cho tới 2007. Đấy là hai lần
duy nhất mà sự hồi phục không đạt nổi mức trung bình của chín lần trước, là 3%
một năm.
Hồ Sơ Người-Việt khỏi nói thêm về các giai đoạn
tăng trưởng dài ngắn giữa hai đợt suy trầm, nhưng sau lượng thì xin nói về phẩm:
nếu dân cao niên mà có trí nhớ thì họ hiểu ra sự thể hơn giới trẻ ngày nay.
Đó là sau nạn suy trầm 2007-2009, dưới hai nhiệm
kỳ Obama là qua 28 quý, nếu Hoa Kỳ đạt được mức tăng trưởng trung bình của 10
lần trước, thì sản lượng kinh tế Mỹ ngày nay giàu hơn được hai ngàn hai trăm tỷ
đô la. Nói cho sát sườn, thì mỗi hộ gia đình đã có thêm 17 ngàn bạc!
Một tổng thống không gây ra nạn suy trầm mà cũng
chẳng tạo ra phép lạ kinh tế như các chính đảng cứ tuyên truyền. Lý do là thị
trường quốc tế lẫn quốc hội, Quốc hội và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ mới
có ảnh hưởng mạnh. Nhưng vì Obama lên sân khấu tự khen về thành tích không có
thì người dân cần biết ra sự thật.
Sự thật ấy là trong 28 quý vàng son của Obama,
nhiều người Mỹ lại nghèo hơn trước. Mức bần cùng (poverty rate) đã từ 14,3% dân số vào năm 2009 tăng lên 14,8%. Nói
sát sườn thì có ba triệu mốt người trôi vào cùng khốn. Đấy là từ thống kê của
Cục Dân Số Hoa Kỳ US Census Bureau do Bộ Thương Mại là chủ quản. Cũng từ US
Census thì có 40% dân số thấy lợi tức tăng, nhưng 60% lại nghèo hơn trước. Nhóm
ngũ phân 20% ở dưới cùng thì nghèo thêm 8,4%.
Còn theo Bộ Nông Nghiệp thì từ Tháng Bảy 2009 đến
Tháng Tư (con số mới nhất), có thêm tám triệu bảy dân Mỹ phải nhận phiếu thực
phẩm Food Stamps. Thống kê của Bộ Lao Động cho biết thêm là dù số thất nghiệp
trong 28 quý vàng son này có bớt được bảy triệu thì số người chẳng khai thất
nghiệp mà cũng nản chí khỏi tìm việc nữa đã lên tới 14 triệu. Họ bỏ cuộc chơi.
Thành phần mà Tổng thống Clinton gọi là “thấy
không có mặt trong hình ảnh tốt đẹp do Obama vẽ ra” chẳng đọc thống kê hay Hồ
Sơ Người-Việt thì cũng biết chuyện ấy. Họ biết sát sườn hơn các chính khách hay
bình luận gia nông cạn. Trong số nông cạn này có ứng cử viên Donald Trump của
đảng Cộng Hòa.
Suốt tuần qua, nhân vật này chẳng đề cập tới các
nan đề thiết thực của cuộc sống người dân, cụ thể phê phán thành tích Obama
hoặc chương trình của Hillary mà chỉ mạt sát bất cứ ai xúc phạm cái ngã của
mình, kể cả đảng viên Cộng Hòa hay gia đình di dân có tinh thần ái quốc với con
trai là một Đại úy đã hy sinh ngoài chiến trường. Từ đó, Donald Trump mở ra
triển vọng thất cử mặc dù 64% dân Mỹ cho rằng Hillary là người chẳng đáng tin…
----
Kết luận ở
đây là gì?
Cuộc tranh
cử của Hillary Clinton là cuộc trưng cầu dân ý về Donald Trump. Hillary phải
thất cử vì hai thành tích không hề có là kinh tế Obama hoặc đạo đức Hillary. Vì
vậy, hy vọng thắng cử duy nhất là khai thác tật khật khùng của Trump. Quả nhiên
ông Trump phô diễn thành tích tự sát chính trị.
Cộng Hòa
đáng thất cử vì chẳng thấy ra sự bất thường của xã hội và của đảng. Hillary gặp
may nhờ sự bất tài, từ trên chí dưới, của đảng Cộng Hòa.
Dân Mỹ càng
kém may khi phải chọn Hillary hay Trump!
Rất dễ nhận thấy là truyền thông ra sức nói tốt về Clinton, giảm thiểu các rắc rối cho bà, nhưng ráo riết "chọt" cho Trump phát khùng, nói xấu ổng bất kỳ chi tiết nào có thể khai thác được. Đã vậy mà ổng lại "khờ, khùng, khủng" quá, mắc bẫy hoài. Nhưng không lo, dân Mỹ kỳ lắm, thấy việc bất bằng vậy thì đâm ra động lòng... thương, quay ra ủng hộ! Vui đáo để.
Trả lờiXóaĐảng Cộng Hoà phải cảm ơn Trump chứ còn gây rắc rối cái nỗi gì nưã. Có một "tên phản động" từ trên trời rớt xuống giúp "đảng ta" thắng cử lại không phải tốn kém gì cả, có tiếng thơm không vụ lợi trong tranh cử, không thích lắm sao? Poorshope thích Trump.