Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt ngày 160829
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên
Ngoài"
Bài toán trong biên vực Mỹ-Mễ
* Lá cờ Hiệp chủng quốc Mễ-Mỹ *
Bài viết này xin khởi
đầu bằng chữ và nghĩa.
Chúng ta có hiện tượng di dân, người dân nơi này di chuyển qua nơi khác
sinh sống. Nơi đi và nơi đến thường được phân biệt bằng một ranh giới. Người đi
có thể gọi là xuất cư, xuất ngoại để cư trú ở ngoài. Người đến thì gọi là nhập
cư. Nếu là ranh giới của quốc gia thì có luật pháp quy định quyền xuất nhập ấy.
Khi nhập cư trái phép thì đấy là di dân trái phép, di dân lậu, v.v…. Những hiện
tượng, cấp trung học thì cũng có thể biết được.
Bây giờ, xin nói qua chữ và nghĩa của Hoa Kỳ - và xin được các luật sư về
di trú góp ý đệ dịch!
Trước đây, ta có chữ “illegal alien” để nói về người nước ngoài nhập cư
bất hợp pháp. Sau đó có từ mơ hồ hơn, “unlawful immigrant”, là nhập cư không hợp
pháp hay không hợp lệ. Rồi đến chữ “undocumented immigrant”, người nhập cư
không giấy tờ, và “immigrant” là dân nhập cư, cuối cùng là “migrant”, di dân.
Nói đến “migrant” thì khỏi nhắc đến xuất cư hay nhập cư, emigrant hay
immigrant.
Ngôn ngữ sở dĩ biến chuyển cũng do lòng người. Nhưng bày ra loại chữ có hướng
dời cột mốc từ luật pháp sang xã hội, từ phi pháp tới cái gì đó trung hòa và vô
tội, là sáng kiến cũa các chính trị gia.
Nhìn từ bên ngoài thì Hoa Kỳ là quốc gia rộng lớn và đa diện như một thế
giới biệt lập. Người Mỹ lạc quan thường
tin rằng sắc dân nào trên thế giới cũng muốn được làm dân Mỹ. Họ không
sai lắm khi nhớ tới bản thân hay gia đình, là con cháu của di dân đến từ nước
khác và vài thế hệ sau là không cần nhìn về phía sau nữa. Vì vậy, họ không hiểu
được tâm lý người Nhật. Sống trên một quần đảo rời rạc, nhỏ hẹp và thiếu tài
nguyên mà đầy thiên tai chứ không vuông vức phì phiêu như đất Hoa Kỳ, người Nhật
cho rằng phải anh hùng lắm thì mới là dân Nhật. Hùng khí đó phản ảnh thực tế bi
quan mà đáng kính của nước Nhật, khi mật
độ dân số của Nhật cao gấp 10 của Mỹ. Đấy là chưa tính đến diện tích bát ngát của
tiểu bang Alaska.
Cũng vì sống trong một thế giới biệt lập được thiên nhiên ưu đãi, dân Mỹ
chẳng hiểu vì sao dân Anh, lại rất cẩn thận với di dân. Với lãnh thổ quá hẹp trên
một hải đảo có mật độ dân số cao gấp bảy nước Mỹ, nước Anh không có miền Viễn
Tây để khai hoang.
Chuyện mơ hồ vu vơ đó dẫn ta vào cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ, với vấn đề di
dân đang gây nhức khối cho mọi người, khi ứng cử viên Cộng Hòa là Donald Trump
đòi dựng bức tường phân ranh với xứ Mexico. Người thiếu am hiểu – đông lắm –
thì cho rằng ông có tinh thần kỳ thị di dân. Thật ra, Donald Trump chỉ là cái
loa - hơi rè và lâu lâu mất điện - đang khuếch âm cảm nghĩ của nhiều người trên
thế giới.
Âu Châu là nơi mà nhiều người phản đối tinh thần vô cương của Hiệp ước
Schengen cho phép các quốc gia thành viên được tự do vận chuyển về di trú. Họ chống
lại việc xóa bỏ biên cương vì kinh tế và xã hội, an ninh và văn hóa khi làn
sóng di dân từ Đông qua Tây rồi từ Nam lên Bắc đang gây nhiều vấn đề cho họ,
trong đó có nguy cơ khủng bố lẫn hiện tượng pha loãng bản sắc văn hóa. Một
trong các lý do khiến Vương quốc Anh đã quyết định rút khỏi Liên Âu cũng chính
là hiện tượng di dân. Nhìn rất xa - mà gần – người dân Việt Nam cũng quan tâm đến
nguy cơ di dân đến từ phương Bắc. Nhưng không được quyền nói.
Dân Mễ Tây Cơ thì quan tâm đến hai biên vực. Làm sao mở Bắc để vào Mỹ mà
đóng Nam để di dân Nam Mỹ khỏi vào lãnh thổ của họ? Người Mỹ lạc quan và rộng
lượng gọi chung di dân từ miền Nam lên là Latinos, và chỉ nghĩ đến xứ Mexico mà
không hiểu là khối Latino này cũng có nhiều khác biệt, thậm chí kỳ thị. Dân Cuba,
Honduras, El Salvador, hay Costa Rica chưa chắc đã vui nếu “bị” gọi là dân Mễ.
Khi nói đến hiện tượng chữ và nghĩa của các chính khách Hoa Kỳ nhằm xóa
dần lằn ranh pháp luật để tiến tới một thế giới vô cương cho một lý tưởng đại đồng,
thì ta nên nghĩ xa hơn một tí!
Ngoại trưởng John Kerry chưa là tỷ phú - nhờ lấy góa phụ của một tỷ phú,
ông mới là triệu phú có sáu bảy trăm triệu thôi - nhưng như nhiều bậc quyền thế,
ông cũng ngợi ca thế giới vô cương. Điều ấy vẫn chẳng ngăn ông dời du thuyền dài
25 thước của mình từ cảng Boston Harbor quả tiêu bang nhà qua thả neo bên Rhode
Island để đỡ nửa triệu tiền thuế.
Không đến nỗi láu cá xóa ranh như vậy, một tỷ phú thần tượng của giới trẻ,
là Mark Zuckerberg cũng ngợi ca việc tháo gỡ rào cản Nam-Bắc của Hoa Kỳ và xả dần
việc kiểm soát di dân. Nhưng lặng lẽ bỏ ra 30 triệu mua đứt và phá hủy bốn biệt
thự quanh tư thất – nghe khiêm nhường hơn tư dinh, lại chữ và nghĩa! – để có một
không gian riêng tây vây quanh nơi mình ở tại Palo Alto thuộc miền Bắc
California. Di dân gốc Latino mà hút cần sa dưới chân tường thì chắc là sẽ được
an ninh mặc đồng phục mời ra nơi khác! Có khi cảnh sát sở tại còn bị rầy la.
Vì vậy, khi kẻ có quyền hay có tiền mà nói đến xã hội đại đồng và thế giới
vô cương thì ta nên trừ hao trừ bì. Ra khỏi chu kỳ tranh cử và nhìn trong dài hạn
thì ta nghĩ sao về hiện tượng di dân vượt Nam tuyến vào đất Mỹ?
Từ tiền kiếp, Hoa Kỳ là quốc gia của di dân và sau này vẫn cần di dân vì
lãnh thổ thật ra có thể nuôi sống đến hai tỷ dân nếu cũng chịu khó phố phường
chật hẹp người đông đúc như dân Anh.
Từ tiền kiếp vì người Mỹ bản xứ có thể là di dân đến từ Châu Á, sau đó,
thời lập quốc là di dân đến từ Châu Âu, sau đấy mới là từ các nơi xa xôi khác.
Qua nhiều đời, mỗi đợt lại có thể gặp xung đột, mâu thuẫn rồi mới có hòa đồng.
Xung đột như việc chiếm đóng và đồng hóa người bản địa bị gọi lầm là Da Đỏ, mâu
thuẫn như dân gốc Anh nhìn dân gốc Scot-Irish là giang hồ tứ chiếng. Sau khi
hòa đồng, họ nhìn dân Đông Âu hay Nam Âu cũng với ác cảm tương tự.
Nhưng nếu Hoa Kỳ có thể đồng hóa nhiều dị biệt sắc tộc hay tôn giáo, như
dân Nga hay Ukraine theo Do Thái giáo, với dân Ấn theo Ấn giáo và dân Pakistan
theo Hồi giáo, hoặc dân Ý theo Công giáo, v.v… thì tại sao lại tỏ vẻ e ngại với
dân Mễ?
Chỉ vì một lý do đơn giản là địa dư, và một lý do phức tạp hơn, là lịch
sử.
Khi nhập cư, mọi sắc dân khác đều không còn đường về vì quê hương đã nghìn
trùng xa cách và họ bị phân tán ra nhiều nơi. Dân Mễ thì chỉ cần vượt sông Rio
Grande, và khi đi thì nhiều người vẫn hẹn ngày về. Đó là địa dư. Về lịch sử thì
gần hai trăm năm trước, nước Mỹ còn là nhược tiểu, Mexico mới là đại cường thuộc
Đế quốc Tây Ban Nha của Âu Châu. Với người Mễ không quên lịch sử thì lãnh thổ
miền Nam của nước Mỹ, từ Texas qua California, đã từng là lãnh thổ của họ trước
cuộc Cách mạng Texas (năm 1835-1836) và Chiến tranh Mỹ-Mễ (1846-1848). Nhưng lại
“bị Mỹ cưỡng đoạt” là một cách giải thích không đúng hẳn, mà thông cảm được nếu
nhìn theo tâm lý dân tộc…. Khi biểu tình tại Mỹ để đòi bảo vệ di dân nhập lậu
mà họ phất cờ Mễ là để phát huy chính nghĩa đó.
Cho nên, vì cả lý do địa dư lẫn lịch sử, nhiều người Mễ thoải mái sống
trong vùng biên vực Mỹ-Mễ với hai quê hương. Kinh tế là Mỹ nhưng văn hóa là Mễ.
Chính trị làm nốt phần vụ còn lại là củng cố vùng biên vực Mỹ-Mễ tại miền
Tây-Nam, là thành trì mới của đảng Dân Chủ.
Sống trong thế giới biệt lập của Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ không hiểu được tính
chất sinh tử trong biên vực của các quốc gia hay dân tộc khác. Vùng
Alsace-Lorraine tại biên vực Pháp-Đức đổi chủ nhiều lần sau chiến tranh. Hai
khu vực tự trị Abkhazia và Nam Osettia của Cộng hòa Georgia, hoặc bán đảo
Crimea của Ukraine cũng là các vùng biên vực vừa bị Liên bang Nga thanh toán, gọi
là “hồi quy cố quốc” cho dân Nga…. Và họ càng không hiểu Thế chiến II bùng nổ chì vì các nước không chấp
nhận việc Hitler dời cột mốc biên giới để thôn tính những vùng biên vực mà Đức quốc
xã cho là của mình.
Vì vậy, ra khỏi không khí khích động của tranh cử, Hoa Kỳ vẫn phải có
ngày tỉnh táo thảo luận và xét lại ba bài toán chính sau đây.
Thứ nhất, phải có chánh sách di dân hợp pháp rộng mở cho các sắn dân đến
từ mọi khơi. Thứ hai, có chánh sách di dân cho người Mễ định cư tại nhiều nơi
trong lãnh thổ, y như các sắc dân khác, chứ không tập trung vào vùng biên vực.
Thứ ba, có chánh sách di dân cho người Mễ định cư trong vùng biên vực do Hoa Kỳ
đã chiếm của Mễ trong thế kỷ 18. Bài toán thứ nhất thỏa mãn được yêu cầu trường
kỳ của Hoa Kỳ. Bài toán thứ hai có thể tránh được mâu thuẫn và thậm chí chiến
tranh với xứ Mexico sau này.
Bài toán thứ ba thì thỏa mãn được nhu cầu hốt phiếu của đảng Dân Chủ….
Còn người Mỹ gốc Mễ? Không giải quyết được bài toán biên vực của Việt Nam với
Trung Quốc, có lẽ ta nên ăn ké người Mỹ gốc Mễ vậy. Cũng là thiểu số cố đùm bọc
nhau!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét