Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 160730
Những bất ngờ đầu tiên mà chẳng
là sau cùng….
* Xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng - chợ phiên bầu cử vòng sơ bộ ! *
Sau 10 ngày đinh tai nhức óc vì đại
hội của hai đảng lớn của Hoa Kỳ, dân Mỹ được dạm mua hai món đồ dán cùng một
nhãn, là “Tương Lai Nước Mỹ”. Nói theo ngạn ngữ quen thuộc, “Địa Ngục được trải
đá hoa của Thiện Chí”, thiện chí của hai ứng cử viên Donald Trump bên Cộng Hòa
và Hillary Clinton bên Dân Chủ là những gì chúng ta nên xét lại. Rồi bỏ qua!
Dưới cùng một nhãn, nước Mỹ qua sự mô tả của hai ứng cử viên, của các diễn
giả lẫn “dàn vỗ” - là các đại biểu đầy nhiệt tình đứng hò hét trên sàn – có hai
trạng thái tương phản.
Một đằng là nước Mỹ xuống dốc, bất an và bị đe dọa từ an ninh đến kinh tế
nên phải cần tới bàn tay cứu độ của người duy nhất biết giải quyết, là tỷ phú
Donald Trump. Đúng là chữ duy nhất phất phơ. Đằng kia là nước Mỹ thái hòa, hòa
hợp trong thanh bình, nhờ thành tích lãnh đạo của Hành pháp Dân Chủ và sẽ còn huy
hoàng hơn nếu bầu cho chính khách Hillary Clinton. Sự thật lại chẳng như vậy vì
cả hai người đều nói láo. Giới bình luận có thiên kiến cũng chẳng khá hơn. Mà
cũng chẳng sao.
Chúng ta sẽ hiểu vì sao sau khi nhìn lại những chuyện bất ngờ.
Sau hơn 400 ngày lâm chiến, cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay có đầy
bất ngờ. Nhưng bất ngờ hơn cả là cả hai Đại hội đều hoàn thành mỹ mãn, có lục đục
mà khỏi bị nội chiến trên sàn nhẩy của từng đảng. Sau khi Hillary Clinton thoát
tội gian dối, một cách bất ngờ sau hai chục năm gian dối, Nghị sĩ Bernie
Sanders, gã hippy già với cuộc cách mạng dang dở, bèn đầu hàng giai cấp và
khuyên giải các đồng chí son trẻ nhằm bảo vệ lá cờ thống nhất của đảng. Trước
đó, các bậc đạo cao đức trọng bên Cộng Hòa, từ ông Bush Cha, Bush Con và Bush
Em tới Mitt Romney hay John Kasich, cũng muốn làm một cuộc đảo chánh để đảng khỏi
tấn phong một kẻ khật khùng là Donald Trump, mà không thành. Chuyện bất ngờ là
sự thất bại thê thảm của các bậc trưởng thượng trong đảng Cộng Hòa, rồi sự hậm
hực của một tá ứng cử viên bị rớt đài mà không chịu nuốt cay.
Thật ra, chúng ta cần nhìn lại nền dân chủ Hoa Kỳ và sinh hoạt tiêu biểu
là cuộc tranh cử tổng thống để nếu khỏi vỗ tay thì cũng yên tâm cho nước Mỹ!
***
Trong mọi cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ, ta đều thấy hiện tượng “chính tà
phân minh”.
Ứng cử viên nào cũng tự cho ta là có chính nghĩa và nếu cứ tri mà bầu
cho đối thủ thì sẽ đi vào con đường tà đạo làm quốc dân khốn khổ. Từ cách phân
ranh trắng đen hay xanh đỏ ấy, ta được nghe hai bên mô tả cùng một sự thể dưới
hai ánh sáng trái ngược. Chỉ thiếu điều là kẻ gian hay cường quốc thâm hiểm nào
đó – nhiều lắm, Nga Tầu, Iran – gài người vào trong hàng ngũ đối phương để phá
hoại nước Mỹ. Quần chúng đầy nhiệt tình ở dưới hoàn toàn tin tưởng vào sự diễn
giải ấy và gây ra không khí nội chiến đằng mồm.
Sau đó, ngày 20 Tháng Giêng năm tới, thì... huề cả làng khi Tổng thống
tân cử tuyên thệ nhậm chức và nước Mỹ mở ra một trang sử mới, trắng bóc vì có đầy
bất ngờ khác.
Nếu có trí nhớ, ai cũng có thể nhắc tới Đại hội đảng Dân Chủ năm 1968 tại
Chicago. Năm đó, Hoa Kỳ còn lầm than hơn những gì được Donald Trump diễn giải
ngày nay. Cuộc chiến tại Việt Nam bị vụ Mậu Thân đẩy vào thất bại khiến Lyndon
B. Johnson không ra tái tranh cử, và lẽ chiến hòa trở thành đề tài tranh luận,
được có vài tháng. Vì ứng cư viên sáng giá nhất là Robert Kennedy bị ám sát sau
khi thắng vòng sơ bộ tại California. Sau đó tới lượt lãnh tụ đấu tranh cho dân
quyền của người da đen là Mục sư Martin Luther King Jr. Đại hội đảng khai mạc với
cảnh đấu đá đầy đường. Hậu quả bất ngờ là Richard Nixon thắng cử. Bất ngờ hơn nữa
là ông đại thắng năm 1972 rồi phải từ chức vì một chuyện bất ngờ không kém là vụ
Watergate do tội bao che cho đàn em làm bậy rồi tìm cách lấp liếm.
Khi ấy rồi, trong sáu năm từ 1968 tới 1974 – hay vụ thảm bại tại Việt
Nam năm 1975 - ai cũng có thể nói rằng nước Mỹ hết thời và nền dân chủ Hoa Kỳ
đi vào tận thế. Sáu năm sau, một vị cứu tinh xuất hiện là Ronald Reagan. Bất ngờ
đấy chứ?
Trước khi Phó Tổng thống Johnson bất ngờ nhậm chức Tổng thống vào Tháng
11 năm 1963, Nghị sĩ John Kennedy thuộc đảng Dân Chủ ra tranh cử Tổng thống vào
năm 1960. Đấy là “lần đầu tiên”, một chữ rất đắt mà vô nghĩa của báo chí, một
chính khách Công giáo ra tranh cái chức đại biểu cao nhất của nước Mỹ. Khi ấy,
có người đã sợ ông là “lá bài của Vatican”, hoặc con rối của Đức Giáo hoàng. Cũng
hoảng tiều như chuyện Obama là người Hồi giáo hay Hillary là con hát của tài
phiệt Wall Street!
Bất ngờ là cuộc tranh cử năm 1960 là lần đầu có sự tường thuật rộng rãi
của truyền hình và dung nhan ứng cử viên có góp phần cho Kennedy 43 tuổi thắng
cử sát nút, (0,17% số phiếu cử tri, 113 ngàn phiếu) trước vẻ già nua của Nixon,
47 tuổi. Khi tranh cử, Kennedy cũng hứa hẹn nhiều điều mà gặp bất ngờ hơn nữa,
từ chuyện Cuba đến Việt Nam và vụ ám sát tại Dallas…. Khi ấy, ai chẳng tin rằng
Hoa Kỳ đến thời suy vong? Y như ngày nay vậy, sau khi đã có một tổng thống lai
da đen đầu tiên, rồi có một phụ nữ đầu tiên thụ ủy liên danh của một chính đảng
lớn. Toàn những biến cố đầu tiên!
Biến cố đầu tiên chính là vị Tổng thống đầu tiên của đảng Cộng Hòa,
Abraham Lincoln.
Khi tranh cử năm 1860, ông chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ. Chuyện bất ngờ
là điều ấy dẫn tới cuộc Nội chiến năm 1861 khiến 3% dân số thiệt mạng, kể cả
620 ngàn binh lính, khi Hoa Kỳ chỉ có hơn ba chục triệu dân. Và Lincoln là tổng
thống đầu tiên bị ám sát khi còn tại chức, vào ngáy Tứ Sáu Tuần Thánh năm 1865,
chỉ vài tuần trước ngày đại thắng. Khi đó, vào quãng 1860-1865, có ai tin rằng
Hoa Kỳ sẽ trở thành cường quốc số một thế giới không?
Vì sao, sau những “biến cố đầu tiên’ chúng ta cứ hay gặp chuyện bất ngờ
như vậy về nền dân chủ Hoa Kỳ? Một phần là vì nước Mỹ quá trẻ nên mắc bệnh quên
trí nhớ.
***
Nếu có trí nhớ, họ phải thấy bậc trưởng thượng cao quý nhất, các quốc phụ,
cũng đầy nhiệt tình khi ra tranh cử. Hai Tổng thống thứ nhì và thứ ba là John
Adams và Thomas Jefferson gán nhiều thậm từ thô tục cho đối thủ chính trị. Sau
đó nửa thế kỷ, Tổng thống đầu tiên của đảng Dân Chủ là Andrew Jackson, cũng ném
bùn vào đối phương là John Quincy Adams, con trai của John Adams và là Tổng thống
thứ sáu của Hoa Kỳ. Thời đó, Andrew Jackson có thể là chiến tướng lừng danh nhưng
đầy tì vết và phát biểu linh tinh chẳng kém gì Donald Trump thời nay! Nói
chung, đời tư hay đào địch gì thì cũng bị rọi đèn và văng miểng.
Hoa Kỳ là quốc gia có dĩ vãng rất mỏng, vì vậy dân chúng mới hay quên
trí nhớ, rằng lãnh tụ của họ cũng thích chơi bùn… Nhưng nước Mỹ lại có tương
lai bất tận vì được xây dựng từ một niềm xác tín là chính người dân sẽ thực hiện
tương lai đó. Trên con đường chinh phục tương lai họ phải bước qua một vũng lầy
là chính trị.
Hiến pháp Mỹ giải quyết nhu cầu bùn lầy nước đọng ấy theo kiểu không giống
ai: cố tình thu hẹp vai trò của chính quyền, trong tinh thần là chính quyền
càng yếu thì quyền dân càng được phát triển. Vì vậy, quyền lực Tổng thống bị hạn
chế bởi Quốc hội, cũng do dân bầu lên, bởi Tối cao Pháp viện độc lập và các Thống
đốc Tiểu bang. Từ 1913, ảnh hưởng kinh tế của Tổng thống còn bị thu hẹp vì một
định chế độc lập khác là Ngân hàng Trung ương. Trong cuộc tranh cử Tổng thống
chẳng hạn, các ứng cử viên tha hồ phát biểu mà chẳng làm thị trường nhúc nhích
bằng một cái nháy mắt của Thống đốc Ngân hàng Trung ương.
Nói cho phũ phàng, bài diễn văn của Hillary Clinton không được thị trường
theo dõi bằng quyết định của Ngân hàng Trung ương… Nhật Bản, ở bên kia biển
Thái Bình.
Bảo rằng Tổng thống Hoa Kỳ không mạnh bằng các lãnh tụ như Vladimir
Putin, Tập Cận Bình hay Recep Tayyip Erdogan thì ai cũng có thể hiểu. Nhưng người
cầm đầu Hành pháp của Mỹ cũng chẳng có nhiều quyền hạn hơn một Thủ tướng của Đại
nghị chế như Đức, Anh và Nhật.
Đã thế, bốn năm một lần, dân Mỹ còn đi bỏ phiếu cho Tổng thống khi cùng
đề cử tất cả các Dân biểu Hạ viện, một phần ba Nghị sĩ Thượng viện và nhiều Thống
đốc Tiểu bang cùng các chức vụ dân cử tại địa phương. Vì vậy, vào một năm tổng
tuyển cử như năm nay, ứng cử viên Tổng thống không thể độc diễn trên sân khấu
chính trị nên thường nói thách với một chương trình hành động hấp dẫn của mình
và gán cho đối thủ trong đảng rồi trên toàn quốc nhiều nhược điểm hay ác ý xấu
xa. Chỉ có thiểu số thuộc phe mình thì tin vào cách diễn giải được thuyền thông
thổi lên để bán quảng cáo.
Còn lại thì ai cũng có thể kết luận rằng đấy chỉ là đòn chính trị khi
các đảng cứ đề cử toàn loại phần tử côn đồ như The Donald hay ác ôn như
Hillary!
Sự thật kia là các chương trình hành động đều nhắm vào mục tiêu đắc cử
mà thôi.
Khi thắng cử, Tổng thống Mỹ mới nhìn ra sự thật: nó chẳng giống những gì
họ mô tả mà lại còn bị nhiều kỳ đà cản mũi trong Quốc hội. Rồi gặp nhiều bất ngờ
khác trên thế giới khiến cho anh hùng rất ít khi tạo thời thế mà chính thời thế
mới tạo ra anh hùng. Chính là những bất ngờ trên thế giới mới khiến một chính
khách giỏi mà thành tổng thống dở. Giữa nhiều trường hợp khác, Lyndon B. Johnson
và bất ngờ tại Việt Nam hay George W. Bush và vụ khủng bố 9-11 là hai thí dụ nổi
bật.
Một thể chế chính trị khiến người ra ứng cử bị gán cho đủ tội xấu xa mà
sau cùng vẫn có thể bắt tay đối thủ rồi hát quốc ca vào ngày nhậm chức thì
không vui sao được? Cho nên, xin đừng vì vũng lầy chính trị vào mùa bầu cử mà vội
hát câu ai điếu cho nền dân chủ Mỹ!
-------
Bài này viết từ ngày 28, gửi Việt Báo ngày 29 đăng ngày 30 mà vì rong chơi nên quên đưa lên Dainamax! Hư quá
Không hiều sao Poorshope lại có niềm tin rằng Trump sẽ thực hiện được lời hứa như TT Reagan "Make America Great Again"
Trả lờiXóaXem Youtube những trích đoạn về Trump từ 30 năm qua, thì thấy Trump tuy có biểu hiện là một ứng cử viên không chuyên nghiệp chính trị nhưng là người đã từng ủ mộng lớn chờ ngày thực hiện, chứ không phải người ngẫu hứng tuỳ tiện. Lành thay cho Hoa Kỳ.
Đại hội cuả Đảng Cộng Hoà kỳ này rầm rộ những lời lẽ hùng hồn, dứt khoát, chân chất từ cả hai ông chính lẫn phó. Ông phó có giọng nói rất hay và cách nói rất "chính khách".
Bên Đảng Dân Chủ thì như muôn thuở, ngôn từ hoa mỹ, ôn hoà, xa rời thực tế.
Nhà văn gốc Ấn Độ lên tiếng chê bai Trump:
Xóahttp://www.newyorker.com/magazine/2016/08/01/how-rousseau-predicted-trump
Gán ghép, đánh đồng, lấy râu ông nọ cắm vào cằm ông kia... "hay" đến nỗi Poorshope đâm nghi ngờ mấy ông nhà văn Mỹ yêu nước... ngoài.
Câu dưới đây của Bác Nghĩa thật tuyệt vời!
Trả lờiXóa>>>Hoa Kỳ là quốc gia có dĩ vãng rất mỏng, vì vậy dân chúng mới hay quên trí nhớ, rằng lãnh tụ của họ cũng thích chơi bùn… Nhưng nước Mỹ lại có tương lai bất tận vì được xây dựng từ một niềm xác tín là chính người dân sẽ thực hiện tương lai đó. Trên con đường chinh phục tương lai họ phải bước qua một vũng lầy là chính trị. <<<