Thứ Ba, tháng 8 23, 2016

Trò Chơi Thế Vận



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160822
"Kinh Tế cũng là Chính Trị"



Một trò giải trí tốn kém cho Brazil mà có lời cho thiên hạ….

 * Rio, sáu tháng trước khi tiếp khách * 


Thế Vận Hội 2016 tại Rio de Janeiro đã kết thúc hôm 21 và xứ Brazil thở ra nhẹ nhõm.

Sau gần 10 năm chuẩn bị, tốn 12 tỷ đô la cho một sinh hoạt thể thao quốc tế qua 16 ngày thi đấu giữa 11 ngàn lực sĩ từ 207 phái đoàn, mà không có tai nạn đáng kể, Cộng hòa Liên bang Ba Tây, República Federativa do Brasil theo tiếng Bồ Đào Nha, bắt đầu thu dọn chiến trường và tính sổ lời lỗ. Nhiều phần thì lỗ hơn lời, nhưng được tiếng là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên được tổ chức Thế Vận Hội.

Khi ấy chúng ta mới thấm thía cái tên gọi, Olympic Games hay Jeux Olympiques, Trò chơi Thế vận, trò chơi tốn tiền.... Như trong mọi bài kế toán kinh tế, ai bị tốn và ai hưởng?  

***

Chúng ta không còn biết nhiều về Thế Vận Hội thời cổ, được Đế quốc Hy Lạp tổ chức bốn năm một lần từ năm 776 trước Công nguyên tới 393 sau Công nguyên, cho đến khi Đế quốc tan rã và sinh hoạt thể thao nhằm vinh danh vị Chúa tể của các Thần linh là Zeus (hay Jupiter, theo tiếng La Mã) bị một Hoàng đế La Mã hủy bỏ cũng vì lý do tôn giáo. Tức là chính trị.

Mục tiêu nguyên thủy của Thế vận là tôn giáo và văn hóa, qua việc thi đấu của các lực sĩ đến từ nhiều nước hay tỉnh thành khác nhau trong Đế quốc. Khi ấy, từ mất ngàn năm trước, các nước đua tài trong hòa bình. Nếu có chiến tranh thì phải tạm dẹp chuyện binh đao. Ngẫm lại, thời ấy, Đế quốc Hy Lạp và các nơi tổ chức thật ra vẫn còn nghèo và các vận động viên thường trần truồng tranh đua thể lực qua bốn năm bộ môn trong bụi mù và cát bẩn. Đời sau còn lõm bõm nhớ đến những thành tích ấy là qua thi ca hay truyện kể: kẻ chiến thắng được tôn vinh với vòng nguyệt quế và đứng gần ngang tầm thần linh của dân gian.

Ngày nay, họ là diễn viên, thường bị lãng quên trong các vòng loại nếu không giật huy chương ở vòng chung kết. Đây là loại huy chương vô giá trên thị trường vì có bán cũng chẳng ai mua. Huy chương vàng phải có tối thiểu sáu gram vàng, còn 92.5% là bạc, có là bao so với nhiều năm mồ hôi và công sức của các lực sĩ?

Thế Vận Hội hiện đại được Nam tước Pháp Pierre de Coubertin hồi phục từ năm 1896 tại thủ đô Athens của xứ Hy Lạp, khi chủ nghĩa quốc gia đang thắng thế. Và sinh hoạt thể thao này trở thành biểu tượng thi đua của các quốc gia, thi đua một cách hòa bình. Tinh thần hòa bình là nét chính nên được nhiều nước hưởng ứng, nhưng các lực sĩ hết vị trí thần linh mà chỉ còn là thần tượng nếu đoạt giải vô địch, và thường thì họ là thành viên vô danh của một đoàn một đội, của một quốc gia.

Yếu tố quan trọng là quốc gia.

Trừ các đội tranh tài, không mấy ai biết tới mồ hôi và nước mắt của lực sĩ. Nếu họ bị thua thì đấy là thảm kịch của bản thân. Khi đoạt giải thì đấy là thành tích của quốc gia. Họ đứng trên đài nghe trỗi lên quốc thiều và xúc động dâng nước mắt cho tổ quốc. Khi tính sổ thì thiên hạ quên tên người mà chỉ đếm gọn số huy chương vàng, bạc và đồng, biểu tượng thành công của quốc gia mà các nước bị thua thì không thể sánh được.

Như thường lệ, trong Thế Vận Hội thứ XXXI, đoàn Hoa Kỳ dẫn đầu với 121 huy chương chói lọi, gồm 46 vàng, 37 bạc và 38 đồng. Năm nay, Trung Quốc hậm hực vì bị Anh Quốc qua mặt với 27 huy chương vàng, đành hẹn phục thù trong Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 tại Nam Hàn. May ra! Trong trò chơi ấy, ta ít thấy ra hiện tượng “quốc hữu hóa thể thao”.

Quốc gia hưng vong, lực sĩ hữu trách. Đã đành rằng thua thì bị đời quên, mà nếu có được thì đấy là công lao của tổ quốc dân tộc.

Chẳng ai minh chứng chuyện đó dõng dạc bằng Hitler với Thế Vận Hội Berlin 1936 sau khi Đệ tam Quốc xã kết thúc nền Cộng hòa Weimar. Thông điệp của Hitler: nước Đức đã quật khởi sau khi thất trận trong Thế chiến I. Khi tay võ sĩ quyền Anh của Đức là Max Schmeling cho Joe Louis của Hoa Kỳ đo ván, trùm thông tin tuyên truyền Đức quốc xã là Joseph Goebbels hạ bút: “Chiến thắng của Schmeling không chỉ là thể thao. Nó cho thấy uy tín của sắc tộc Đức”.

Cũng vì thế giá chủng tộc ấy mà Hitler giận dữ rời sân vận động khi lực sĩ điền kinh của Mỹ là Jesse Owen đoạt bốn huy chương vàng! Huyền thoại dân Aryan da trắng ưu việt của Hitler bị một lực sĩ da đen quăng xuống đất, dù ở nhà thì Jesse Owen vẫn còn bị kỳ thị. Chiến thắng của Jesse Owen là chiến thắng của nước Mỹ!

Và xấc như Mỹ, đoàn Hoa Kỳ không khi nào tôn trọng truyền thống các nước là “tiền chủ hậu khách: nghiêng quốc kỳ khi diễn hành qua lá cờ của quốc gia tổ chức. Cờ Mỹ không bao giờ ngả trước một lá cờ ngoại quốc! Hóa ra Donald Trump chẳng phát minh ra cái gì mới…

Khác với Thế Vận Hội thời cổ, khi quốc hữu hóa thể thao, các nước đều muốn choàng lá cờ chiến thắng của lực sĩ lên đôi vai tổ quốc, mà chẳng ngờ là lại bị một ông thần khác giật mất!

Khoa học kỹ thuật hiện đại đã thay thế ca nhân Hy Lạp thời xưa để lập tức đưa sinh hoạt thế vận tới mọi nhà và giữ mãi những hình ảnh tiêu biểu nhất trong tâm trí của chúng ta. Tiêu biểu nhất mà thôi vì hơi đâu mà tường thuật ngần ấy trận mở màn ở nhiều đấu trường xa lắc trong cùng thời điểm? Vị thần linh khoa học đã lọc sẵn cho ta chi tiết đáng nhớ về từng kỷ lục thế giới hay thế vận của các bộ môn, về những kỳ đoạt giải trước đây. Và nếu trọng tài chưa tin vào con mắt trần của mình thì có thể kiểm chứng lại đường banh bằng con mắt thần của camera! Đỡ phần cãi cọ vì có thiên lý nhãn của ông thần.

Nhưng, ông thần khoa học ấy thật ra vẫn phục vụ một vị thần linh khác. Thần thương mại.

Thế vận hội quốc tế cần nhà bảo trợ là các doanh nghiệp. Khi cả tỷ người theo dõi sinh hoạt thể thao của mấy trăm quốc gia thì người ta còn phải có hệ thống truyền thông. Đây là cơ hội kiếm tiền cho nhà thầu truyền hình. Họ mua quyền phát hình và thu tiền quảng cáo từ các doanh nghiệp. Năm nay, hệ thống NBC của Mỹ bị chê nặng, vì chiếu lệch giờ và xé vụn các trận đấu để xen vào quá nhiều quảng cáo. Đâm ra khi xứ Brazil tốn 12 tỷ cho Thế vận hội Rio thì nhiều người ở rất xa, từ doanh gia tới truyền hình lặng lẽ kiếm tiền trên lưng các lực sĩ. Cũng là năm sáu tỷ chứ không ít.

Bây giờ đến chuyện lời lỗ vì đây là mục “Kinh Tế cũng là Chính Trị”…

Khi xin đăng cai tổ chức Thế Vận Hội Rio với Ủy ban Thế vận Quốc tế từ năm 2008, Chính quyền Brazil của các Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva rồi Dilma Rousseff đều mơ ước hào quang thế vận sẽ tỏa sáng trên quê hương và đảng cầm quyền. Họ tin rằng việc chỉnh trang thành phố và dãn dân - tám vạn người chứ không ít - để giải phóng mặt bằng cho việc tổ chức thế vận tại nhiều địa điểm khác là một kế hoạch đầu tư cho dài hạn.

Sau Thế Vận Hội Rio, thể nào người dân Brazil cũng hưởng lợi nhờ các công trình “hoành tráng” này. Một hào quang bằng vàng thật! Sự thật thì Brazil chưa lên tới trình độ cường quốc, như Nhật Bản năm 1956 với Thế Vận Hội Đông Kinh hoặc Nam Hàn đã đạt năm 1988 với Thế Vận Hội Hán Thành. Hạ tầng cơ sở xứ Ba Tây còn lạc hậu, môi sinh bị ô nhiễm mà hạ tầng luật pháp còn tệ hơn vậy vì lãnh đạo quen thói xì phé với câu châm ngôn “ba Tây đi tiền”.

Nạn tham nhũng khiến Lula da Silva bị điều tra và Dilma Rousseff bị ngưng chức. Thay mặt Brazil khai mạc Thế Vận là Phó Tổng thống Michel Temmer. Cả ba đều là lãnh tụ của một đảng xưng danh là đấu tranh cho dân nghèo, đảng Lao động hay Công nhân Brazil, Partido dos Trabalhadores. Những hứa hẹn tái sử dụng hạ tầng thế vận cho công dân sau này sẽ chỉ là hứa hẹn và 12 tỷ công lao có thể trôi vào cái lỗ đen!

Đáng lẽ từ năm 2008, họ nên học Thế Vận Hạn Bắc Kinh.

Năm đó là bước lật của Trung Quốc khi lên tới đỉnh Quang Diện Trung Hoa, rồi ngày nay tụt mãi chưa tới đáy. Công trình Điểu Sào, vận động trường Bird Nest có hình tổ chim, tốn mất hơn 400 triệu đô la được thiết kế cho chín vạn khán giả và sau Thế vận thì tự trù để đội banh túc cầu thao diễn. Vì chỉ có một vạn khán giả là nhiều, đội banh bèn bỏ chạy, nhường sân chơi cho du khách tham quan nghệ thuật hiện đại của tổ quốc. Nhưng du khách vắng vẻ không chi đủ cho biểu tượng huy hoàng của đảng. Kinh phí bảo trì ngày nay là 11 triệu đô la một năm cho một công trình tráng lệ đang thành công cốc.

Những trường hợp lãng phí như vậy xảy ra cho nhiều quốc gia tổ chức, kể cả Vương Quốc Anh sau Thế Vận Hội London năm 2012, chưa nói tới Hy Lạp và Thế Vận Hội Athens năm 2004 hay Làng Thế Vận của Hitler 80 năm về trước. Nơi đó ngày nay là Chùa Bà Đanh. Nôm na là thấy lỗ vẫn tham. Nghĩa lý gì đâu một buổi chiều. Làm sao cắt nghĩa được tình yêu… nước.

Thi nhân bèn cười buồn. Phải có danh gì với núi sông!.... 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét