Thứ Hai, tháng 8 01, 2016

Toàn Cầu Hóa Dại?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt ngày 160801
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hai chính đảng lớn nhất cùng lắc đầu với toàn cầu hóa!  


 * Thế giới vô cương, toàn những thương hiệu! *



Đại hội của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã kết thúc tương đối mỹ mãn vì không có cảnh tương tàn giữa hội trường như nhiều người lo sợ. Đây là nhận xét lạc quan nhất.

Sau đây mới là những sự thật phũ phàng.

Quả thật là các ứng cử viên được đại biểu của đảng tấn phong đều dọa cử tri rằng nếu không bầu cho liên danh chúng tôi thì nước Mỹ sẽ nguy khốn, và ai bầu cho phía bên kia là thiếu hiểu biết. Nhưng đấy chỉ là chính trị lẽ thường của nhiệt tình dân chủ, bốn năm lại thấy chửi nhau một lần! Chuyện bất thường lần này là hai đảng lại chọn hai người đáng ghét nhất.

Điều ấy giải thích phản ứng “đảo phiếu cho bõ ghét”: dù chẳng ưa gì phụ nữ khét tiếng gian trá từ mấy chục năm qua, người ta vẫn nên dồn phiếu bên Dân Chủ thì mới tránh được Donald Trump khật khùng. Hoặc là nên bầu cho “The Donald” dễ ghét để “con ong chúa” Hillary còn đáng sợ hơn sẽ mất hy vọng trở lại làm tổ trong tòa Bạch Ốc! Phũ phàng.

Chuyện bất thường kia là trong nội bộ từng đảng và trên bình diện toàn quốc, hai chính khách thụ ủy liên danh đều ghét nhau ra mặt! Không phụ lòng các cảm tình viên, tỷ phú Donald Trump phát biểu sống sượng về mọi diễn giả bên đảng Dân Chủ, nhưng danh bất hư truyền, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thì tránh nói về thành tích không có, hoặc đáng nghi ngờ, của mình mà dành bài diễn văn để đả kích đối phương.

Mấy chi tiết ly kỳ ấy về cuộc tranh cử năm nay thì các bình luận gia đã bàn từ cả tuần rồi.

Nội dung bài viết kỳ này của mục “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” nói về điều ít ai chú ý mà nên lo ngại là cả hai đảng đều thống nhất ý kiến về cùng một chuyện: chống tự do mậu dịch. Nhìn sâu xa hơn vậy – sau khi liếc qua việc Anh Quốc đòi ra khỏi Liên hiệp Âu Châu – ta có thể thấy ra một mối nguy khác là trật tự kinh tế của thế giới đang rung chuyển.

Đảng Dân Chủ bị phân hóa nặng, vì vậy trong khi Hillary nhất thời lui về chủ trương bảo hộ mậu dịch để kiếm phiếu rồi sẽ đổi ý thì nhiều đảng viên quá thất vọng với kinh tế thị trường lại đòi lui về xã hội chủ nghĩa: Nghị sĩ Bernie Sanders đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng! Đảng Cộng Hòa thì chẳng bắt kịp phản ứng của quần chúng nên các ứng cử viên sáng giá nhất đều thất cử từ vòng sơ bộ, rồi nhiều người giận lẫy không thèm dự Đại hội. Họ không ngờ là cử tri bất mãn đến như vậy. Còn Donald Trump bắt mạch được tâm lý đó nên ôm trọn gói bằng thói mị dân gọi là “đại chúng”.

Nhìn từ bên ngoài thì sự thể còn có thể nguy kịch hơn.

Đó là cái kiềng ba chân đã tạo nên sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ đang lung lay. Ba cái chân đó là 1) tiến trình toàn cầu hóa; 2) chủ quyền của quốc gia, và 3) lý tưởng dân chủ của người dân bên trong từng quốc gia. Khốn nỗi, nếu muốn bước thì ba chân chỉ được nhấc có hai thôi. 

Muốn hiểu ra thì xin nhìn lại bối cảnh đã.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, nhiều người lạc quan nói đến sự cáo chung của lịch sử vừa báo hiệu một kỷ nguyên mới của toàn cầu: các nước đều ngả theo kinh tế thị trường và áp dụng nguyên tắc dân chủ cho thịnh vượng và hòa bình của nhân loại. Kết quả là “hiện tượng kinh tế nhất thể hóa”, khi các doanh nghiệp vượt khỏi biên cương chính trị của từng quốc gia mà hợp tác với nhau trong một chuỗi cung ứng mở rộng để sản xuất nhiều của cải hơn với giá rẻ hơn. Kết quả sau cùng là về dài thì mọi người đều có lợi. Đấy là lý luận phổ biến kể từ năm 1992, được thực tế kiểm chứng với sự tham gia tích cực của Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn và sự hình thành của Liên Âu năm 1994.

Thế rồi sự thật lại chẳng như vậy - mà còn hơn vậy.

Các quốc gia không chỉ hội nhập hệ thống sản xuất hàng chế biến làm nhiều ngành chế biến hay vận tải hàng hóa bị đảo lộn trong nước, mà còn tràn qua khu vực sản xuất dịch vụ, là mặt hàng vô hình đòi hỏi trình độ sản xuất tinh vi hơn. Độ gia tốc thúc đẩy hiện tượng đó là cuộc cách mạng tín học, nền kinh tế tri thức và tổ chức kinh doanh tân kỳ đã xóa biên cương quá lẹ và hội nhập quá nhanh khiến nhiều thành phần lao động dù ở xứ tiên tiến cũng theo không kịp.

Nhiều người thấy cái tương lai huy hoàng của toàn cầu hóa được phân phối không đều. Họ hụt hơi, muốn kiếm ra việc thì phải chịu lương thấp hơn, họ bất mãn vì mức sống bị tụt hậu trong khi thiểu số ưu tú trên doanh trường và chính trường vẫn cứ ngợi ca tự do mậu dịch và hội nhập kinh tế. Thành phần thua thiệt này kêu gọi nhau xóa bỏ trật tự hình thành từ 70 năm nay vì cho rằng toàn cầu hóa là sự bất công.

Họ kịch liệt đả kích sự toa rập giữa doanh giới với các chính khách nhà nghề. Họ chối bỏ giá trị của các hiệp ước tự do thương mại, họ đề cao chủ quyền của quốc gia như sức mạnh chống các thế lực mờ ám mà vô hình ở một cõi xa xôi nào đó. Dùng đòn bẩy dân chủ là quyền bỏ phiếu, họ chọn người lên tiếng. Vì vậy, Donald Trump được lòng nhiều người thất thế khi đề cao quyền lợi tối thượng của nước Mỹ. Bernie Sanders thì kêu gọi xây dựng xã hội chủ nghĩa với lập luận thật ra là chống tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường làm cho lãnh đạo của đảng Dân Chủ phải ngầm ra đòn triệt hạ ngay trước Đại hội đảng.

Và sau khi cổ võ tự do thương mại với tư cách Ngoại trưởng, Hillary Clinton không chặn nổi làn sóng chống đối nên cũng đảo ngược lập trường mà đòi xét lại Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP do Tổng thống Barack Obama thúc đẩy như một thành tích của mình. Điều ấy mới giải thích vì sao ban tranh cử của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ lại có sự nhất trí ngược ngạo: hai chính đảng lớn đang cùng chống toàn cầu hóa.

Căn cứ trên thói quen của chính trường Mỹ, chúng ta có thể lạc quan nghĩ rằng sau khi say đòn tranh cử, liên danh đắc cử sẽ lại tìm về chủ trương đã làm nên sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ.Đó là phát huy tự do thương mại và hội nhập kinh tế, với Hoa Kỳ vẫn giữ ưu thế hiển nhiên hơn nhiều quốc gia. Nhưng biết đâu chừng, lần này sự thể sẽ khác vì nước Mỹ đã tiến quá nhanh khiến dân Mỹ chóng mặt?

Câu hỏi kế tiếp là nếu sự tình quả thật ảm đạm như vậy thì những gì có thể xảy ra?

Giả thuyết lạc quan nhất là Hoa Kỳ vẫn lao tới và cố đạt hai mục tiêu là giữ được hai trong ba chân của cái kiềng, là tăng cường toàn cầu hóa, nhưng với sức mạnh của quy tắc dân chủ. Giả thuyết ấy có nghĩa là các nước tiến lên thể chế xin tạm gọi là liên bang toàn cầu. Đây là điều không tưởng vì Liên Âu mới chỉ mong tiến tới thể chế liên bang như Hoa Kỳ, có một chính quyền thống nhất mà vẫn tôn trọng quyền dân chủ của từng tiểu bang, nhưng chưa xong thì đã rã. Vương Quốc Anh vừa ra khỏi ảo tưởng đó. Còn dân Mỹ thì chẳng khi nào trao cho một cơ chế quốc tế cái quyền quyết định về cuộc sống của họ.

Giả thuyết thứ hai là Hoa Kỳ vẫn tiến tới toàn cầu hóa và tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng phần nào hy sinh nguyên tắc dân chủ khi yêu cầu người dân chấp nhận những quy định do chính quyền đã thỏa thuận với các nước khác. Hiệp ước TPP có cả ngàn quy định như vậy và bị nhiều người Mỹ đòi xét lại khiến các chính khách ra tranh cử chức vụ Dân biểu hay Nghị sĩ đều chột dạ. Hillary Clinton và Donald Trump không thể thuyết phục cử tri nuốt đắng và giả thuyết này có xác suất khá thấp.

Còn lại? Giả thuyết thứ ba dung hợp được hai yêu cầu là vừa bảo vệ được chủ quyền quốc gia vừa tôn trọng nguyên tắc dân chủ. Tức là trào lưu toàn cầu hóa bị đẩy lui và vì động lực quốc gia dân tộc, tranh chấp kinh tế dễ bùng nổ giữa các nước. Nếu đây là kịch bản xảy ra trong vài năm tới thì lịch sử sẽ ngợi ca giá trị tiên báo của cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ. Có cái gì đó rất hợp lý mà đáng sợ về nước Mỹ.

Kỳ sau, chúng ta nên nhìn lại chuyện đáng ngại này, từ giác độ “kinh tế cũng là chính trị”….


3 nhận xét:

  1. Nặc danh3/8/16 3:44 SA

    Cũng khổ, Hoa Kỳ không xúc tiến TPP và các hiệp định khác thì sợ bị Trung Quốc và các nước lớn khác "thâu tóm" hết các cốt lõi lợi ích, mà thực hiện việc tranh giành lợi thế thì dĩ nhiên có phần nào bất lợi cho người dân, các doanh nghiệp cuả Hoa Kỳ.

    Hiện nay Trump tỏ ra không ủng hộ TPP hay các hiệp định khác là sự chân thật cuả ổng, vì ổng đã nhìn thấy từ lâu những thua thiệt bất lợi mà người lao động và doanh nghiệp nhỏ cuả Mỹ đã chịu mất vào tay Trung Quốc hay các nước khác.
    Nhưng khi trở thành Tổng Thống, do sức ép cuả đối ngoại, không biết Trump có cách nào khác hơn không. Cũng hay, là ổng còn nói thêm, luôn ủng hộ tự do mậu dịch giao thương, nhưng deal với từng nước một để kiếm lợi cho dân và nước Mỹ, chứ không tự trói buộc vào một vòng chơi khổng lồ như TPP. Về vụ này, là một doanh nhân, Trump sẽ biết cách làm tốt hơn Clinton là cái chắc.Ổng cũng biết tỏng nền chính trị cuả Hoa Kỳ đang nghiêng ngả trước những thế lực tài chính có yếu tố nước ngoài... God bless Trump. God bless America.

    God bless America, land that I love
    Stand beside her and guide her
    Through the night with the light from above

    From the mountains to the prairies
    To the oceans white with foam
    God bless America, my home sweet home

    From the mountains to the prairies
    To the oceans white with foam
    God bless America, my home sweet home

    Trả lờiXóa
  2. Thưa bác Nghĩa,
    Chào bạn Poorshope,
    Về đoạn "Hiện nay Trump tỏ ra không ủng hộ TPP hay các hiệp định khác là sự chân thật cuả ổng, vì ổng đã nhìn thấy từ lâu những thua thiệt bất lợi mà người lao động và doanh nghiệp nhỏ cuả Mỹ đã chịu mất vào tay Trung Quốc hay các nước khác. "
    Tôi lại nghĩ khác bạn, thực chất Donald Trump đang mị dân kiếm phiếu (như bao chính khách cánh tả thuộc đảng Dân Chủ khác). Donald Trump đi ngược lại quan điểm truyền thống của đảng CH là tự do kinh tế (trong đó có chứa quan điểm tự do mậu dịch).
    Về chuyện tự do mậu dịch có hại cho người lao động hay khiến dân Mỹ mất việc, có lợi cho đại tập đoàn, bất lợi cho tiểu doanh thương thực chất là những huyền thoại (tức điều không thật nhưng cứ được lưu truyền theo ngôn ngữ của bác Nghĩa), bạn có thể xem tại đây:
    http://www.cato.org/blog/top-nine-myths-about-trade-promotion-authority-trans-pacific-partnership#myth8
    Hay tại đây:
    http://dainamaxtribune.blogspot.com/2015/05/nhung-moi-loi-cua-tu-do-thuong-mai.html
    Thân!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh3/8/16 3:31 CH

    Trump tuy thuộc về đảng Cộng Hoà, nhưng đã nhiều lần có quan điểm trái ngược với các ứng cử viên "truyền thống" khác, và đó chính là nét tự do ngôn luận cuả đảng Cộng Hoà, không cứ phải lúc nào cũng răm rắp một lời như những cái máy chứ? Trump cũng vẫn ủng hộ tự do mậu dịch kia mà? Nhưng tự do kinh tế, mậu dịch thì khác với những hiệp định khổng lồ nội dung chồng chéo có thể là tự xung đột. Và làm sao để có được sự tự do cho những con cá bé bên cạnh lũ cá mập, chúng cũng cần được thở và ăn, phải không? Sự thật là như vậy chứ còn "myth" cái gì nưã?

    Nếu trong cái thứ "tự do vô cương" - lời thầy Nghiã đấy nhé - mà một Tổng thống có thể nắm được kỷ cương và sưả đổi được phần nào sự thao túng cuả nó, thì không tốt sao? Nhưng vì Tổng thống Mỹ không có toàn quyền làm điều đó nên mới thua về tay các nhà tư bản độc quyền và các nhà nước toàn trị khác trên thế giới. Tôi không sợ Trump mị dân, tôi chỉ sợ Trump làm không nổi mà thôi. Cỗ máy ấy đã và sẽ thay đổi vĩnh viễn thế giới này, hay sau cơn "triều cường lịch sử" đầy mỏi mệt, con người sẽ quay trở về với nhịp sống chậm, "không gian nhỏ", hay LOL...?

    Tôi luôn ủng hộ TPP vì nghĩ đến người dân Việt Nam có thể hưởng được chút lợi ích nào đó trong việc đảm bảo các quyền cuả doanh nghiệp tư nhân và người lao động, nhưng coi bộ không có hy vọng gì. Ơ mà cũng thầy Nghiã đã nói, là "hết thuốc chữa". Bác sĩ gì đâu mà bó tay vội thế nhỉ ;-)

    Trả lờiXóa