Thứ Bảy, tháng 9 10, 2016

Chính Trị cũng chỉ là Kinh Tế

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA ngày 160907
"Diễn đàn Kinh tế"
 
Kinh tế chính trị học nhập môn, nhức đầu mà cần thiết!  
 
 
000_FU975.jpg
* Một phòng bỏ phiếu ở Neustrelitz Mecklenburg, Đức Quốc hôm 3/9/2016. Bernd Wüstneck / dpa / AFP * 

Trào lưu chống di dân

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào tái ngộ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, giữa bao tranh luận về chính sách di dân của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ ngã ngũ đúng hai tháng nữa thì việc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của Thủ tướng Đức Angela Merkel bị tuột xuống hạng ba trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật mùng bốn tại địa hạt của bà Merkel khiến người ta càng chú ý đến hồ sơ di dân của các đảng phái cầm quyền. Thưa ông, phải chăng, trào lưu chống di dân đang có vẻ thắng thế tại Âu Châu và cả Hoa Kỳ này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là cùng lúc, chúng ta cần làm sáng tỏ ba bốn vấn đề. Quả thật là từ nạn Tổng suy trầm năm 2008, tình hình kinh tế trở thành khó khăn hơn cho nhiều quốc gia Âu-Mỹ. Nhồi vào đó là vụ khủng hoảng vì di dân từ Trung Đông và nạn khủng bố trong gần hai năm qua càng khiến người dân của nhiều nước e ngại kẻ nhập cư xa lạ. Cho nên tại các nước như Hung, Pháp, Serbia và nay là Đức, ta thấy nổi lên phong trào chống di dân, chống tự do thương mại và chống cả hiện tượng toàn cầu hóa. Tại quốc gia hình thành từ di dân là Hoa Kỳ cũng vậy. Các chính đảng truyền thống đã từng lãnh đạo khối Tây phương đều bị lúng túng trước những trào lưu mới mà nếu gọi đó là kỳ thị cũng chưa chắc đã là đúng.


Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta khởi đi từ Hoa Kỳ và từ phản ứng chống di dân, rồi sẽ tìm hiểu thêm về ba bốn vấn đề mà ông vừa nhắc tới.

Khi kinh tế khó khăn thì thành phần bần cùng ở dưới bị thiệt nhất và có vẻ nhạy cảm với lớp di dân mới. Nhưng giới ưu tú đã thành công lại quên chặng đường hội nhập gian nan của chính họ và của gia đình khi mới đặt chân lên nước Mỹ vài chục năm trước rồi gọi đó là kỳ thị. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, qua 240 năm lập quốc, nước Mỹ này đã có nhiều đợt di dân khác nhau và đợt sau thường bị đợt trước nghi ngờ. Người gốc Anh nhập cư trước thì coi dân Scotch-Irish tới sau là phiêu lưu tứ chiếng. Kế đó, người gốc Tây Âu đã hội nhập với nhau thành dân Mỹ nói tiếng Anh thì thấy di dân từ Đông Âu hay Nam Âu là quá nghèo, quá bạo hoặc như người Do Thái là quá gian tham, v.v… Khi tới đây từ 40 năm trước, người Việt cũng có cảm giác là bị nghi ngờ kỳ thị, dù vẫn được nhiều người Mỹ khác tận tình giúp đỡ.

- Sự thật thì di dân tới sau thường nghèo hơn và mang theo sắc thái khác lạ. Chừng vài ba phần trăm có khi can tội phạm pháp trên đất nhập cư nên thiên hạ cứ chú ý tới họ mà quên đại đa số đã phấn đấu thành công. Họ phấn đấu để tiếp nhận những giá trị mới và dần dần hội nhập vào dòng chính của xã hội, với con cái thành đạt, nói Anh ngữ ngoài đời dù vẫn dùng tiếng Mẹ Đẻ trong nhà. Khi kinh tế khó khăn thì thành phần bần cùng ở dưới bị thiệt nhất và có vẻ nhạy cảm với lớp di dân mới. Nhưng giới ưu tú đã thành công lại quên chặng đường hội nhập gian nan của chính họ và của gia đình khi mới đặt chân lên nước Mỹ vài chục năm trước rồi gọi đó là kỳ thị.


Nguyên Lam: Nếu mình nhìn từ giác độ xã hội và trong trường kỳ thì quả thật là thế hệ tới sau phải chen chân vào đất mới, rồi mọi người đều thấy cuộc sống có cải thiện và sắc thái văn hóa của mình còn làm xã hội này thêm đa dạng phong phú. Nhưng thưa ông, nếu nhìn từ giác độ chính trị thì tại sao lại có chính sách rộng rãi tiếp nhận di dân và chính sách hạn chế hay sàng lọc di dân?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đi vào cốt lõi của vấn đề khi nhìn vào hiện tượng tôi xin gọi là “phần bánh” chia cho tầng lớp hậu thuẫn của lãnh đạo. Tại Âu Châu, Hoa Kỳ hay nhiều xứ khác, ta có ba tầng chính sách di dân tùy theo thực tế về nhân khẩu, hoàn cảnh kinh tế và tùy theo tính toán chính trị. Thứ nhất là chính sách dễ dàng đón nhận di dân vì đấy là lực lượng sản xuất bổ xung cho quốc gia tiếp cư khi họ lao động, đóng thuế rồi con cái thành công sau khi là công dân. Thứ hai là chính sách chỉ nhận lao động nước ngoài mà không cho gia nhập quốc tịch, hay nhập tịch. Thứ ba mới là chính sách từ chối di dân. Trong cả ba trường hợp, tính toán chính trị của giới lãnh đạo là gì? Là xem di dân có đóng góp gì cho quyền lực của họ không?

- Nếu di dân trở thành công dân và dồn phiếu cho họ thì đấy là đóng góp. Nếu di dân không bầu cho họ lại dồn phiếu cho đối lập thì đấy là gánh nặng. Khi kinh tế sa sút, ngân sách bội chi thì giới chính trị không đợi sự thành đạt của thế hệ con cháu di dân mà nhìn ngay vào bài toán trước mắt. Bài toán đó là họ có thể thất cử. Các nước Âu-Mỹ đang bị bài toán ấy, chưa kể là trong tầng lớp di dân vẫn có nhiều người từ chối hội nhập, ghét văn hóa bản địa và tối thiểu là ngôn ngữ cũng không thèm sử dụng. Nạn khủng bố Hồi giáo cực đoan càng gây phản ứng e ngại và dẫn tới chính sách sàng lọc di dân vì lý do an ninh. Các chính đảng truyền thống, từ trung tả tới trung hữu, đều mất tín nhiệm vì sự nghi ngại của nhiều thành phần. Kẻ thành đạt sinh sống ở nơi an toàn không hiểu ra nỗi e ngại đó ở dưới mà gọi là kỳ thị thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề.

 

“Đóng góp” và “gánh nặng”


Nguyên Lam: Ông vừa nói đến hai khái niệm trái ngược là “đóng góp” và “gánh nặng”, nhìn từ giác độ chính trị của nhà cầm quyền hay của giới lãnh đạo. Nguyên Lam xin đề nghị ông khai triển hiện tượng chính trị đó, nhưng nhìn từ lĩnh vực kinh tế.   

000_Mvd6360193.jpg
Tổng Thống Mỹ Barack Obama và Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị G20 ở Mexico, ảnh minh họa chụp tháng 6 năm 2012.''

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên thấy rằng không cá nhân nào có thể lãnh đạo một mình. Lãnh tụ nào, dù là Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Vladimir Putin hay Barack Obama hoặc hai chuẩn lãnh tụ là các ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump tại Hoa Kỳ, đều phải cần quần chúng. Quần chúng này có thể là người bỏ phiếu, là cử tri đông đảo của một xứ dân chủ, hay đảng viên của một chế độ độc tài đảng trị. Nhưng đấy là quần chúng biểu hiện mà chưa hẳn là có thực quyền. Bên trong khối quần chúng này, một thành phần mới có ảnh hưởng hơn cả, các Trung ương Ủy viên trong đảng độc quyền hay thành phần nòng cốt có quyền lợi gắn bó với lãnh tụ. Lãnh tụ cần họ và họ cần lãnh tụ để bảo vệ quyền lợi của mình. Ở trên, chỉ có vài phần trăm gọi là nòng cốt mới thật sự có quyền. Trên cùng là Thường vụ Bộ Chính trị hay các đại gia của doanh trường và chính trường trong một xứ dân chủ.

- Tính toán chính trị của thiểu số trên thượng tầng là phải cầm quyền và muốn như vậy, phải củng cố quyền lợi cho thành phần nòng cốt của họ ở chung quanh. Nhiều khi các chính sách kinh tế gọi là “ích quốc lợi dân” về hình thức chỉ là sự vun vén quyền lợi hay chia phần bánh cho thành phần cối lõi của mình. Trong một xứ độc tài thì đấy là các nhóm lợi ích, trong một xứ dân chủ, chính sách ấy có khi chỉ đem lợi ích cho thành phần này hay địa phương kia, tùy hoàn cảnh xã hội và chính trị vì vậy mới gây ra ấn tượng là bất ổn hay bất công.


Nguyên Lam: Khán thính giả của chúng ta có thể giật mình khi thấy như ông muốn đánh đồng cả hai chế độ độc tài và dân chủ khi cho rằng giới lãnh đạo hay các lãnh tụ của họ đều tính toán như nhau. Ông giải thích thế nào về hiện tượng đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là thực tế của kinh tế và chính trị nó khác cái nhìn lạc quan thánh thiện của chúng ta và nếu hiểu được thực tế đó thì mình mới tránh được nạn lạm quyền, tham nhũng hay độc tài. Lãnh đạo một phong trào lý tưởng mà không có tiền gây dựng cơ sở, đào tạo cảm tình viên hay cán bộ và quảng bá chủ trương thì chẳng thể có quần chúng. Có quần chúng rồi, khi đấu tranh hay tranh cử, lãnh tụ cũng còn cần một bộ phận cốt lõi giúp mình thành công, và nhất là sau khi thành công là nắm quyền thì bộ phận cốt lõi này lại không bước qua bên kia. Vì vậy, hệ thống chính trị nào cũng phải tìm ra sự ràng buộc, mà sự ràng buộc thực tế nhất vẫn là kinh tế. Khả năng diễn giải thực tế phũ phàng thành chủ trương thánh thiện là trách nhiệm của bộ phận cốt lõi này, và dân trí càng cao thì tình trạng ngoa ngụy nhập nhằng đó càng khó. Vì vậy, và đây mới là chuyện chính mà chúng ta cần chú ý: các lãnh tụ độc tài và chuyên quyền có thể tồn tại lâu hơn giới lãnh đạo dân chủ vì một nước dân chủ vẫn thường xuyên có bầu cử.

Hệ thống chính trị nào cũng phải tìm ra sự ràng buộc, mà sự ràng buộc thực tế nhất vẫn là kinh tế. Nguyễn-Xuân Nghĩa


Nguyên Lam: Ông nói tới bầu cử thì ta hãy lấy trường hợp của một số quốc gia có bản chất độc tài dưới hình thức dân chủ, họ cũng có bầu cử vậy. Trường hợp của Việt Nam là một thí dụ. Ông giải thích thế nào về hiện tượng đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi rất cám ơn câu hỏi này vì nó giúp ta thấy ra sự thật. Không một ai lầm lẫn về bản chất của loại bầu cử mà ai cũng biết trước kết quả, kể cả lãnh tụ độc tài, vì là đảng cử cho dân bầu. Nhưng mục tiêu của bầu cử không nhằm đưa lên một tầng lớp lãnh đạo mới. Đấy là hệ thống lãnh đạo cũ, sẽ nhân danh kết quả gọi là bầu cử mà sàng lọc lại thành phần cốt lõi và chia chác lại những quyền lợi và ràng buộc để củng cố vị trí của lãnh đạo.

- Sau cùng, từ chuyện di dân là vấn đề nóng trong nhiều năm mà nhìn vào viễn ảnh mấy chục năm hay cả trăm năm thì ta thấy ra vài ba sự thật sau đây. Con người ta có thể nói điểu thiện mà vẫn làm việc ác. Chế độ dân chủ có khả năng ngăn ngừa được cái ác đó vì mở rộng cơ sở tham gia cho quần chúng đông đảo hơn, đó là thành phần cử tri. Dù thành phần quần chúng biểu hiện này thiếu thực quyền thì họ vẫn trực tiếp chi phối được thành phần có ảnh hưởng ở trên. Thí dụ dễ thấy và nóng bỏng chính là phản ứng nghi ngờ di dân của quần chúng lầm than đông đảo ở dưới. Bước kế tiếp, chế độ dân chủ cũng đặt ra quy luật bầu cử và nhiệm kỳ lãnh đạo khiến cho thành phần ta gọi là có ảnh hưởng phải thường xuyên tính toán lại, vài ba năm là lại có thể đổi ý, nếu không thì lãnh tụ sẽ thất cử!

- Trên cùng, qua từng đợt bầu cử và thay đổi chính sách, thành phần gọi là cốt lõi cũng thấy có đổi thay vì quyền lợi mà hết gắn bó với lãnh tụ ở trên. Những chuyển dịch ấy lại được truyền thông báo chí theo dõi và tường thuật, không nhất thiết là hợp ý lãnh tụ ở trên cùng. Nhờ vậy mà việc ban phát quyền lợi kinh tế không thu hẹp vào một thiểu số mà mở rộng hơn cho quần chúng ở dưới. Đấy mới là lý do vì sao nền dân chủ chưa hoàn hảo và đầy tỳ vết vẫn là hệ thống chính trị ít tệ nhất và nhờ đó tìm ra giải pháp kinh tế tốt đẹp hơn cho đa số.


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.  


1 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa,
    Cháu xin phép thẳng thắn, nếu có gì mạo phạm xin bác bỏ qua.
    Theo góc nhìn của cháu, nên dùng cụm từ "chống ý thức hệ toàn trị Hồi giáo" phản ánh đúng thực tế hơn thay vì "chống nhập cư" hay "chống di dân".
    Nếu người nhập cư (hợp pháp hay bất hợp pháp hay tị nạn...) với đa số là người không theo Hồi giáo thì chưa chắc Tây phương phản ứng mạnh như vậy. Phản ứng là có với những người khác biệt văn hóa với mình, nhưng về Hồi giáo lại khác, theo quan điểm của không ít người (kể cả cháu) nó là một ý thức hệ toàn trị, đe dọa thế giới còn hơn cả cộng sản và phát xít. Và phản ứng đó càng mạnh khi truyền thông phương Tây, giới chính trị gia đang bênh vực Hồi giáo, thậm chí cấm tự do ngôn luận khi nói sự thật về xã hội lẫn ý thức hệ Hồi giáo (bằng cách ghép tội kì thị, phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ thù ghét, bài Hồi giáo....).
    Các trang mạng xã hội (từ Facebook hay Twitter), thậm chí Youtube của Google, liên tục xóa bài chỉ trích Hồi giáo trong khi thông tin các chính trị gia tham nhũng tiền của các anh Vùng Vịnh ngày càng lộ ra càng nhiều.
    Các phản ứng kinh tế là có, nhưng cách giết chết tự do ngôn luận và bênh vực một cách thái quá với ý thức hệ Hồi giáo (thậm chí có những thế lực chi tiền cho các đại học lớn là Oxford "nghiên cứu" bào chữa cho ý thức hệ toàn trị này), kết hợp với khủng bố, với lối sống chẳng giống ai (như buôn bán phụ nữ như nô lệ ngay trên đường phố London hay thực hiện cắt âm vật bé gái, tảo hôn...) được người dân biết được qua phương tiện không chính thống (mạng xã hội trước khi bị chính quyền "thủ tiêu") càng khiến người dân bất mãn và bất cần. Họ coi rẻ đám chính trị gia là một lũ bán nước. Và cháu nghĩ đó là một trong những nguyên nhân cốt lõi của chủ nghĩa quốc gia dân tộc như là một phản ứng ngược của sự bất mãn đến tột cùng.
    Cháu cũng là một người bảo vệ lý tượng tự do kinh tế trong khu vực Liên Âu nhưng đứng trước vấn đề Hồi giáo cháu xin chọn giải pháp an ninh trước và cháu hiểu tại sao một số người lại có suy nghĩ lui về bảo vệ biên giới, chống ý thức hệ toàn trị Hồi giáo và không cho người Hồi giáo nhập cư.
    Cháu xin chia sẻ một số hiểu biết của cháu. Cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa