Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 160916
Bốn đồng một ngày cho cả gia đình
là một thực tế bên dưới các con số mạ vàng….
* Cần cẩu và ao ốc ở trên, bên dưới vẫn là sự lầm than... *
Trong
Thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu vào tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết
là Trung Quốc đã đưa hơn 700 triệu người ra khỏi cảnh nghèo khó. Con số này
nghe được vì trong kho dữ liệu thống kê về Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới cũng đưa
ra con số 800 triệu. Nhằm nhò gì mức sai biệt có trăm triệu dân từ một biến cố
thuộc loại vĩ đại như vậy! Vì thế, mọi người đều có thể đồng ý, với sự khâm phục,
rằng từ quãng 1980 tới nay, trong có 36 năm mà một quốc gia đã giúp bảy tám
trăm triệu dân thoát khỏi cảnh khốn cùng.
Nhưng
coi vậy chuyện không phải vậy! Bài này sẽ nói về mấy lẽ “không phải” đó.
Cũng
là một cách giải ảo!
Lẽ
thứ nhất là định nghĩa về mức nghèo khốn hay bần cùng – xin nói trước là hơi rắc
rối, nhưng thà rắc rối còn hơn tối dạ tin nhảm. Mau mắn khởi sự khảo sát về
tình trạng nghèo khổ tại Trung Quốc từ năm 1981, một năm sau khi việc cải cách
của Đặng Tiểu Bình bắt đầu có kết quả, Ngân hàng Thế giới lấy chuẩn mức là lợi
tức tối thiểu một đô la chín (1,90) một ngày. Năm đó, khoảng 870 triệu thuộc
vào diện bần cùng (88,3% dân số). Với tiêu chuẩn quá thấp như vậy, tình trạng
giải phóng ra khỏi sự bần cùng thì cũng khó như… nhảy qua ngọn cỏ.
Nhưng
nếu định nghĩa bần cùng ở mức cao hơn chút đỉnh, là kiếm ra ba đồng mốt một
ngày (3,10 đô la) thì số người được coi là nghèo khó lại tăng mạnh: 980 triệu
người dân bò dưới lằn ranh. Đấy là tiêu chuẩn mới của định chế đã tự coi như có
đóng góp kỹ thuật và tài chánh cho sự thành công của Trung Quốc. Với cái thước
đo co giãn đó thì tính tới năm 2010 – năm mới nhất mà Ngân hàng Thế giới có số
liệu chính thức của Bắc Kinh - gần 150 triệu người vẫn thuộc diện bần cùng vì
không có hơn đồng chín một ngày. Và gần 360 triệu chưa có nổi ba đồng mốt.
Nếu
kết hợp thêm thống kê về nhân khẩu thì quả nhiên người ta có thể kết luận rằng
800 triệu người Tầu đã thoát khỏi tình trạng bần cùng, như Ngân hàng Thế giới
đánh giá. Nhưng sau đó họ sống ra sao? Và có được gần hai đồng hoặc hơn ba đồng
để sống một ngày thì cũng chưa vào tới thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Cho
nên, xin đừng vội gáy em ơi.
Lẽ
thứ hai nói hoài cũng chán là hãy nhìn vào tổng thể. Tính tới 2014, khi nước Mỹ
đang than là mức sống thành phần trung lưu sa sút, lợi tức đồng niên (hàng năm)
của một hộ gia đình Trung Quốc là khoảng hai vạn đồng Nguyên, tức là bằng 3000
đô la. Nhiều ít ra sao thì xin tính nhẩm: tám đô la 22 xu một ngày. Thế mà gọi
là giầu, hay là thoát khỏi nghèo túng!
Tổng
thể đã xam xám như vậy, đi về nông thôn thì mới thấy đen kịt: cư dân thành trị
của Trung Quốc kiếm được bốn ngàn rưởi đô la một năm, còn cư dân ở nông thôn
thì chỉ có ba ngàn vặt mũi bỏ mờm suốt năm. Người biết về kế toán hay làm tính
chia thì kết luận trong vài giây: cả một hộ tại thôn quê chỉ kiếm ra bốn đô la
một ngày. Nếu lấy đó làm tiêu chuẩn thì trời ơi, có chừng 380 triệu người Trung
Quốc vẫn là thôn dân và cả nhà chưa có quá bốn đồng sinh sống.
Khi
báo chí và giới kinh tế cứ nói Trung Quốc có sản lượng kinh tế hạng nhì thế giới
thì ta nên nhớ tới tiêu chuẩn bốn đồng và con số gần 400 triệu dân! Cho nên,
xin hãy trừ bì và có từ tâm nhìn xuống một chút. Mà chưa hết!
Chuyện
coi vậy mà không phải vậy cần kết hợp với địa dư của một xứ rộng như nước Mỹ
(diện tích khoảng 10 triệu cây số vuông).
Trên
đại thể, Trung Quốc có khu vực hướng ngoại là các tỉnh duyên hải tương đối trù
phú và khu vực bị khóa trong nội địa thì xưa nay vẫn nghèo xơ xác. Truyền thông
nông cạn của thế giới nhìn không quá vùng duyên hải nên nói nhiều đến mức sống
rất cao tại các trung tâm như Bắc Kinh Thượng Hải hay Thiên Tân Quảng Châu. Còn
lại, Quý Châu, Cam Túc, hay Thanh Hải Tây Tạng vẫn là những tỉnh mạt rệp. Hai
phần ba diện tích của Trung Quốc là những vùng trời hành như vậy, nơi mà “cư
dân thành thị” vẫn nghèo hơn trung bình toàn quốc, còn thôn dân thì chưa ra khỏi
thềm địa ngục.
Trung
Quốc có khoảng 400 triệu chưa có đủ bốn đồng một ngày cho cả gia đình. Những
người ra khỏi mức bần cùng thống kê mà chưa là tầng lớp trung lưu thì cũng khoảng
500 triệu. Gần một tỷ người đang chờ xin phần bánh hay bát cơm từ mấy chục năm
nay. Họ chưa thấy mà tuần qua chỉ biết rằng có 45 đại gia của Quốc hội vừa bị
khai trừ khỏi đảng vì tội tham nhũng, hoặc các sĩ quan tướng lãnh của Quân đội
Giải phóng thường di chuyển bằng máy bay trên ghế hạng nhất.
Khi
Tập Cận Bình khoe thành tích 700 triệu dân đã thoát cảnh nghèo, trong đầu ông lại
nghĩ đến tình trạng thiếu kiên nhẫn của đa số trước sự dậm dật của thiểu số
trong đảng. Thành thử, cái chuyện giàu nghèo của Trung Quốc chỉ là tương đối.
Và tối tối Tập Cận Bình không thể đọc phúc trình của Ngân hàng Thế giới làm thuốc
an thần! Năm xưa, Mao đã thắng là nhờ lũ người chân đất từ bên trong đi theo cuộc
Vạn lý Trường chinh để giải phóng các tỉnh bên ngoài. Ngày nay, thành phần đó
đang nhìn ra các tỉnh bên ngoài với sự bất mãn, uất hận và đã nhúc nhích tại Vũ
Hán….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét