Chủ Nhật, tháng 9 11, 2016

NHƯ PHONG, NGỌN GIÓ KHÔNG BAO GIỜ TẮT



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Diễn Đàn Thế Kỷ, ngày Chủ Nhật, 11 tháng 9 năm 2016 

Tưởng nhớ Như Phong Lê Văn Tiến  

 * Như Phong Lê Văn Tiến trước bức sơn mài của Nguyễn Gia Trí, năm 1990 *


Nguyễn-Xuân Nghĩa là một chuyên gia đa đoan, từ mấy chục năm nay đã bình luận về địa dư, lịch sử, kinh tế, chính trị và văn học nghệ thuật trên báo chí Việt ngữ và cho các đài phát thanh quốc tế như RFA, RFI. Ông viết bài này với nỗi ngậm ngùi trong cái cười chua chát khi người bạn vong niên Như Phong Lê Văn Tiến vừa qua đời ngày 18 Tháng 12 năm 2001.




Những người thương tiếc Như Phong Lê Văn Tiến quả là rất nhiều trong xã hội Việt Nam. Hơn cả chúng ta, chính Như Phong cũng không hề muốn có ngày hôm nay. Ông chối từ định mệnh cho tới những giây phút cuối và nhiều khi bình thản đẩy Tử thần ra cửa, trong nỗi xúc động và tuyệt vọng của bằng hữu gần xa. Ông không bao giờ tuyệt vọng và tin ông ra đi, đối với chúng ta, cũng bi thảm như cảnh “sao rơi Ngũ Trượng Nguyên” vậy.

Khi nhắc tới nơi đây tiểu sử của nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, chúng ta mới chỉ có thể nhắc tới phần nổi, và rất sôi nổi, của một đời người có đầy khía cạnh đặc biệt. Còn biết bao nhiêu khía cạnh khác mà từng người, mỗi bằng hữu của ông, lại giữ một mảnh như một di vật quý báu.

Nói về nghề làm báo, ai đó cứ cho là cái nghiệp, Như Phong cho là cái thú, một niềm đam mê từ thuở đôi mươi, từ năm 1943, cho tới những ngày cuối vẫn cứ là nguyên vẹn. Sau này, nếu có nói tới báo chí của một khoảnh khắc tự do ở tại miền Nam, người ta sẽ phải nhắc tới tờ Tự Do, mà ông làm tổng thư ký từ năm 1954 đến 1963. Cùng với những Tam Lang, Mặc Thu, Mặc Ðỗ, Vũ Khắc Khoan, Ðinh Hùng... Như Phong đã thổi vào làng báo miền Nam một không khí mới lạ đầy lạc quan của những người từ miền Bắc di cư vào Nam, để mở ra một thời đại mới, có chủ quyền, tự do và tư tưởng trên một vùng đất tự do. Cùng với Tchya Ðái Ðức Tuấn, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hà Thượng Nhân Phạm Xuân Ninh, Ðỗ Thúc Vịnh, Như Phong Lê Văn Tiến đã tạo ra một phong thái làm báo đầy trí tuệ và nhiệt tình.

Nhưng, những dằn xóc của thời sự và cả sự thiếu tự tin của chính quyền Ngô Ðình Diệm khi đó đã khiến tờ Tự Do bị chia đôi thành hai giai đoạn đánh dấu bởi nhiều tháng bị đình bản. Và kể từ đó, nghề làm báo của Như Phong đã chuyển dần sang hướng khác, bản thân ông đi dần vào một sinh hoạt khác. Tờ Tự Do được tục bản năm 1957 lại bị đóng cửa năm 1963 và Như Phong lãnh mấy tháng tù cho tới khi chính quyền Ngô Ðình Ðiệm bị lật đổ và ra khỏi tù vào tháng 11 năm 1963, Như Phong Lê Văn Tiến trở thành một khuôn mặt chính trị. Một khuôn mặt chính trị chứ không phải là một chính khách. Ông đáng quý ở chỗ đó.

Như Phong Lê Văn Tiến là con người “bán văn bán võ”; văn của ông là nghề báo, võ của ông là hoạt động chính trị. Và có lẽ, nơi ông hiện tượng này xuất phát khá sớm khi khởi nghiệp làm phóng viên cho tờ Ngày Nay từ năm 1945 và làm việc với những nhân vật đã thành huyền thoại và lịch sử như Hoàng Ðạo, Khái Hưng hay Nguyễn Tường Bách. Vào những năm đó và mãi tới sau này, làm báo là một nghề trí thức, mà là trí thức là mắc phải nghiệp chính trị. Hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước khiến cho bất cứ ai có một chút hiểu biết và mối quan tâm về xứ sở là đều lăn lưng vào chính trị, hoặc nói theo quan niệm của Như Phong, vào cách mạng.

Từ năm 1963 cho đến về sau, Như Phong luôn luôn gắn bó với tinh thần cách mạng đó, và có mặt trong hầu hết mọi biến động chính trị của miền Nam. Ông trở thành một huyền thoại ẩn hiện quanh một số nhà lãnh đạo quân đội, một quân sư, một “king maker”, một người đẹp trai, lịch lãm ôm bản lãnh chọc trời khuấy nước chỉ bằng ngòi bút và lời nghị luận sắc bén. Nền Ðệ nhị Cộng hòa từ 1967 đến 1975 đã ít nhiều cùm chân con hổ dữ đó, nhưng gió không bao giờ ngừng thổi, Như Phong Lê Văn Tiến không bao giờ ngồi yên, kể cả lúc ông ngồi yên. Ông có một trí nhớ phi thường, một khả năng trù hoạch sách lược kết tinh bao kinh nghiệm đa diện, nên trở thành cuốn từ điển sống về thời đấu tranh Quốc-Cộng cho bất cứ ai muốn làm thay đổi bộ mặt của xã hội.

Cảnh tù tội dưới chế độ Cộng sản sau 1975 - 12 năm trong tù - cũng chẳng giam được ngọn gió Như Phong. Trí tuệ ông luôn luôn năng động dưới nụ cười hóm hỉnh, và một mẩu báo Nhân Dân của Cộng sản vào tay ông cũng trở thành võ khí, ở trong tù. Ông đọc hết, xuyên qua mặt chữ để hình dung ra những chuyển động và mục nát của xã hội bên ngoài, rồi từ đó suy đoán ra tình hình thời sự và kết luận về cách xử thế, không phải cho ông, mà cho mọi người. Trong tù, Như Phong vẫn là một nhà hoạt động chính trị với hoài bão cách mạng thừa hưởng từ thời Tự Lực Văn Ðoàn. Vô phúc cho những đảng viên cán bộ nghe danh tiếng ông mà tìm tới: họ sẽ được ông dạy cho cách làm cho đảng của họ thêm điêu đứng, tư tưởng thêm hoang mang, hành động thêm rối loạn. Nói nôm nalà ông xúi họ làm loạn đảng!

Như Phong Lê Văn Tiến là người được đông đảo bằng hữu Việt Nam và ngoại quốc quan tâm nhất. Họ đã can thiệp liên tục để ông không bị tiêu diệt và còn có ngày ra tới bên ngoài. Ðịnh cư tại Hoa Kỳ từ năm 1994, Như Phong Lê Văn Tiến tiếp tục truyền thống cũ: tìm hiểu, phân tách, trù hoạch sách lược và tìm người thực hiện. Ông đi rất nhiều, từ nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ qua tới bên Pháp, thu thập rất nhiều phát hiện mới về lịch sử cũ, để tổng hợp trong bộ não sắc bén như một máy điện tử cao cấp. Và ông theo dõi tình hình Việt Nam rất sát, để biết ai là ai, làm những gì thì khiến cho họ hành động. Nghĩ là làm, với sự kín đáo và khéo léo của một bậc quân sư. Người cố vấn hay nhất là người làm thay đổi tư duy và hành động của kẻ khác mà đương sự không biết; Như Phong thuộc vào thành phần đó.

Nơi ông, những ai tới gần đều thấy toát ra một ưu tư không bao giờ dứt: Việt Nam. Ngay cả trong nỗi đam mê nối tiếp từ thời Khói Sóng cho đến gần đây, là dựng lại kịch bản lẫn phân cảnh cho một bộ phim về lịch sử cận đại, chúng ta vẫn thấy nổi lên con người bán văn bán võ của Như Phong: có chất nghệ sĩ tài hoa, với sự sục sôi hành động của người chí sĩ chưa muốn nghỉ. Mà ông vẫn dung dị nói cười, giao thiệp với mọi lớp người trong tinh thần cởi mở, anh em. Ông là gạch nối của rất nhiều thế hệ, từ trên 80 đến dưới tuổi 30, và với ai, ông cũng là một người ân cần chí thiết.

Từ nhiều tháng nay, bằng hữu của ông đều biết ông lâm trọng bệnh, và biết là ông không muốn biết, không muốn nói, không muốn sống với cảm giác chờ đợi. Nếu có khả năng, Như Phong đã có thể khuyên Tử thần đi chỗ khác chơi, vì ông bận lập kế hoạch làm việc cho mình trong nhiều năm tháng sắp tới. Hiểu như vậy, mọi người càng thấy thương thấy quý cái ý chí phi thường của ông. Như Phong chối từ cái định mệnh đó cho đến lúc cuối.

Giờ đây, khi sao đã rơi trên Ngũ Trượng Nguyên vào lúc Khổng Minh thở hắt qua đời, chúng ta vẫn thấy vần vũ trên trời luồng gió Như Phong chưa chịu tắt. Vì vậy mà mọi người ở gần xa mới thấy chính tâm chưa an, lòng chưa lặng được. Ðã biết Như Phong Lê Văn Tiến rồi, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy an nhiên, cho tới khi tình hình xứ sở có được đôi chút hy vọng khả quan hơn.

Chúng tôi, ở nơi đây, đều là những người trẻ hơn ông, nhưng thấy như vừa mất một người bạn trẻ nhất trong bọn. Vô cùng thương tiếc, ông ơi! 

NGUYỄN XUÂN NGHĨA Ngày 18, tháng 12, 2001

(Trích sách Tưởng Niệm Như Phong sắp xuất bản)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét