Thứ Bảy, tháng 9 10, 2016

Tạm Quên TPP và Tạm Biệt TTIP



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 160903
"Kinh Tế cũng là Chính Trị"

Khi Âu Châu cũng chối từ hiệp ước đối tác với Hoa Kỳ…   

* Chẳng những TPP bị khựng, TTIP với Âu Châu cũng văng! *


Chính trường Hoa Kỳ làm nhiều người thất vọng, và nhiều người mừng vui, khi từ chối phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Nhưng hãy quên TPP đi, vì từ bên kia Đại Tây Dương, các nước Âu Châu cũng đẩy Hiệp ước Đối tác TTIP qua một bên. Rồi đâm đầu xuống nước….

Quá chú ý tới cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, người ta cho là “hiệu ứng Donald Trump” và sự giảo hoạt của Hillary Clinton dẫn tới việc gác bỏ Hiệp ước TPP hoặc xét lại Hiệp ước Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA đã áp dụng từ 1994. Thật ra, hai nhân vật đó chỉ là bọt bèo trên làn sóng đáy đáng ngại, là phản ứng chống tự do mậu dịch và hội nhập kinh tế.

Từ Âu Châu, một hiện tượng tương tự cũng nổi lên với vụ Vương Quốc Anh đòi ra khỏi Liên hiệp Âu châu. Tuần qua, chiều hướng ấy tiếp tục với vụ TTIP mà ít ai để ý.

Số là hôm 28, Tổng trưởng Kinh tế Đức là Sigmar Gabriel cho biết việc thương thuyết Hiệp ước TTIP giữa Hoa Kỳ và Liên Âu “coi như thất bại”. Hai ngày sau, Tổng trưởng Ngoại thương Pháp là Matthias Fekl xác nhận điều ấy, rằng Pháp sẽ kêu gọi chấm dứt đàm phán. Biến cố đó ít được truyền thông Hoa Kỳ chú ý và tùy quan điểm chính trị, người ta chỉ quy trách tội phá hoại tinh thần tự do mậu dịch cho phe kia hay đảng này của nước Mỹ. Người ta không thấy rằng phản ứng chống hội nhập và toàn cầu hóa đang trở thành hiện tượng toàn cầu, nổi bật nhất là ở hai bờ Đại Tây Dương. Bên kia Thái Bình Dương, Thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu cũng chẳng đảo ngược nổi tình hình, chưa nói gì đến những toan tính lý tài của Bắc Kinh.

Chỉ vì “kinh tế cũng là chính trị”…

Về bối cảnh, hai khối kinh tế Âu-Mỹ gồm hơn 800 triệu dân, với tổng sản lượng vượt 35 ngàn tỷ đô la một năm, bằng 47% toàn cầu, đã khởi sự thương thuyết hiệp ước tự do mậu dịch và đầu tư TTIP từ năm 2003. Mục tiêu của nỗ lực rộng lớn này là thắt chặt quan hệ chính trị giữa đôi bên và sau năm 2008 họ còn có tham vọng nhờ TTIP mà kéo Âu Châu ra khỏi vụ khủng hoảng vì nợ nần. Nếu thành công, Hiệp ước sẽ nâng trình độ hội nhập kinh tế giữa hai khối và thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa trên một mức độ cao hơn, trong khi ấy cũng giàng quyền lợi của Hoa Kỳ vào sự thịnh suy của Âu Châu.

Nhưng khác với Hiệp ước TPP giữa 12 nước trên vành cung Thái Bình Dương, bên trong có vai trò và trách nhiệm của Hoa Kỳ, Hiệp ước TTIP lại dựa trên sự thống nhất chưa thể có và ngày càng tan loãng của Liên Âu: vụ khủng hoảng của khối Euro và phản ứng chống hội nhập và hoài nghi Âu Châu bên trong từng nước khiến giới lãnh đạo Âu Châu nhìn theo nhiều hướng chính trị khác nhau. Vì các chính đảng truyền thống đều bị tấn công rất nặng từ cả hai cánh tả và hữu, lãnh đạo của họ không thể không lo ngại, cho nên bắt đầu xuống giọng. Cụ thể là trả lại cho Quốc hội từng nước cái quyền quyết định về những hồ sơ trước đây được ủy thác cho cơ chế siêu quốc gia tại thủ phủ Bruxelles của Liên Âu.

Họ không thể không xuống giọng vì năm tới, hai nước cột trụ Âu Châu là Đức và Pháp sẽ có bầu cử. Quốc gia thứ ba là Ý cũng có thể gặp thách đố tương tự nếu kết quả trưng cầu dân ý vào Tháng 10 hay Tháng 11 này khiến Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức.

Bên trong cả ba quốc gia, trào lưu chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang trên đà thắng thế. Phe chống tự do mậu dịch tại Đức gồm nhiều tổ chức phi chính phủ và đảng quốc gia Alternative for Germany (Giải pháp khác cho nước Đức) vừa kêu gọi biểu tình ngày 17 này để chống cả Hiệp ước TTIP lẫn Thỏa ước Hợp tác Toàn diện CETA giữa Liên Âu với Canada (Comprehensive Economic and Trade Agreement). Tại Pháp, thuộc xu hướng cực hữu, đảng Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen gọi TTIP là “trái bom hạch tâm” cho kinh tế Pháp và phất cờ ái quốc chống Âu Châu. Nàng Marine Le Pen còn yêu cầu Tổng thống François Hollande từ chối thương thuyết với Mỹ. Tại Ý Đại Lợi, Phong trào Năm Sao (Movimento 5 Stelle hay M5S) cũng kịch liệt chống toàn cầu hóa, đả kích Liên Âu và các hiệp ước tự do mậu dịch. Nếu trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, Thủ tướng Patteo Renzi mà thất bại, kết quả tổng tuyển cử sau đó tại Ý sẽ là tai họa cho cả Âu Châu.

Việc người dân Vương Quốc Anh đòi ra khỏi Liên Âu khiến lãnh đạo các chính đảng truyền thống không thể coi thường ý dân, khi mà nhân danh chủ quyến quốc gia và quyền lợi dân tộc, trào lưu chống toàn cầu hóa và quốc tế hóa lại lan rộng ở nhiều nơi.   

Tương tự như với Hiệp ước TPP, nguyên nhân chống đối có thể là vì giới lãnh đạo các nước cứ kín đáo đàm phán và cam kết nhiều điều quá chuyên môn khó hiểu hoặc mờ ám và gây thiệt hại cho quyền lợi của người dân bên trong từng nước. Với TTIP, người ta còn tìm ra một thủ phạm là nước Mỹ. Lý luận ăn khách là qua Hiệp ước TTIP, Hoa Kỳ có lợi hơn Liên Âu! Vì vậy, đại diện Đức và Pháp đều chiều lòng dân mà đòi ngưng đàm phán TTIP! Huống hồ, nước Mỹ còn có một cái bung xung dễ bắn và đáng ghét là Donald Trump.

Nhưng kinh tế không chỉ là chính trị, mà còn là cái gì khác nữa….

Khi Donald Trump than phiền các nước Âu Châu không đóng góp phần của mình vào Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO, ông chỉ ồn ào nói lên quan điểm kín đáo của nhiều giới chức quốc phòng Hoa Kỳ, từ các Tổng trưởng Robert Gates tới Leon Panetta.

Vì vậy, có lẽ muốn trả lời nước Mỹ, hôm 23 tháng trước, lãnh tụ ba nước Âu Châu là Đức Pháp Ý đã rất huê dạng - lần đầu tiên chữ “hoàng tráng” lại có vẻ thích hợp! - họp thượng đỉnh trên hàng không mẫu hạm Giuseppe Garibaldi của Ý để bày tỏ quyết tâm của mình về an ninh. Nhưng mục tiêu chính trị là để bàn về cách đối phó với hậu quả của vụ Brexit. Và mục tiêu kinh tế là ngầm cho nước Ý xé rào và tăng chi để khỏi gặp kết quả trưng cầu dân ý bất lợi, tương tự như một vụ Brexit nữa mà nguy ngập hơn. Người ta đã có chữ cho biến cố đó: Italexit.

Tuy nhiên, khi lãnh tụ các nước Âu Châu nạt Mỹ và đòi gạt Hiệp ước TTIP qua một bên, ra cái điều ta không nhượng bộ Hoa Kỳ, họ lại tự gieo họa.

Trong khối Liên Âu, các nước Đông Âu ở gần tầm đạn của Liên bang Nga lại cần tới lá chắn NATO trong tay Hoa Kỳ. Về kinh tế, họ cũng cần Hiệp ước TTIP để gia tăng buôn bán với thị trường Mỹ. Khi xẵng giọng với Hoa Kỳ vì TTIP, các trụ cột Âu Châu là ba nước Tây Âu càng khiến các quốc gia Đông Âu, như Ba Lan, Tiệp, Hung, Slovakia và Romania, thấy ra nhu cầu thương thuyết riêng với Hoa Kỳ một thỏa ước hợp tác khác. Y như Vương Quốc Anh sau khi ra khỏi Liên Âu, từng nhóm quốc gia Âu Châu sẽ tìm hiệp ước song phương với Hoa Kỳ.

Vì vậy, khi các Tổng trưởng Ngoại thương của Đức và Pháp nói rằng việc đàm phán TTIP đã thất bại trong thực tế, chính là Liên Âu mới thất bại trong nỗ lực kết hợp và hội nhập Âu Châu vào một khối.

Và như mọi khi, người đi trên mây vẫn là Tổng thống Barack Obama.

Ông không ngờ di sản TPP của ông lại gặp sự chống đối lưỡng đảng ở nhà. Ông còn dại dột nhảy vào cuộc tranh luận về đi hay ở của dân Anh khi đến tận nơi hăm dọa rằng nước Anh là sẽ đợi ở cuối hàng nếu ra khỏi Liên Âu. Tại cuộc họp báo hôm mùng bốn bên Thủ tướng Anh là Theresa May ở Hàng Châu, Obama cũng lội ngược dòng, khi phát biểu rằng ưu tiên của Hoa Kỳ là TTIP! Tức là ưu tiên hơn một thỏa ước Anh Mỹ. Theresa May tê tái trước lời phát biểu đó, còn bà Thủ tướng Đức là Angela Merkel thì đang tất cả chuyện khác.

“Múa đôi” là phải hai người, chàng ơi! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét