Kính Hòa & Nguyễn-Xuân Nghĩa - RFA Ngày 160928
Diễn đàn Kinh tế
Đấu vật trong bùn nhơ
* Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên của hai đảng chính
là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bên Dân Chủ và doanh gia Donald
Trump bên Cộng Hòa tối thứ hai 26/9. *
Cuộc tranh cử tổng thống năm nay
tại Hoa Kỳ có sắc thái hào hứng khác hẳn nhiều cuộc tranh cử trước. Tối Thứ Hai
26, giờ miền Đông, cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên của hai đảng
chính là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ và doanh gia Donald
Trump bên đảng Cộng Hòa đã thu hút một sự chú ý kỷ lục, không những của dư luận
Hoa Kỳ mà của thế giới lẫn của các thị trường tài chính quốc tế. Vì lý do khá bất
thường này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về cuộc tranh luận trong khung cảnh của
cuộc tranh cử năm nay.
Kính Hòa: Xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân
Nghĩa. Thưa ông, cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ năm nay có những nét đặc biệt
hiếm có, thậm chí còn mang ý nghĩa lịch sử vì đề cập tới nhiều vấn đề của nước
Mỹ lẫn của thế giới, với một phong cách hơi kỳ lạ. Tối Thứ Hai, cuộc tranh cử
còn đi vào bước ngoặt với cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Dân Chủ
và Cộng Hòa. Vì vậy, mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ đặc biệt đề cập tới cuộc
tranh cử và vụ tranh luận mà hiển nhiên là ông phải theo dõi. Chúng tôi xin ông
tóm lược về bối cảnh cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khách quan mà nói thì cuộc tranh cử Tổng thống
năm nay tại Hoa Kỳ tất nhiên là có tầm quan trọng đặc biệt vì ba lý do sau đây.
Thứ nhất, cử tri Hoa Kỳ phải chọn vị đại diện dân cử cao cấp nhất sau khi nước
Mỹ bị vụ khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm 2008 khiến kinh tế toàn cầu đều
bị ảnh hưởng. Cho đến nay, ảnh hưởng đó vẫn chưa dứt, ngay tại Hoa Kỳ lẫn nhiều
nơi khác, từ Tây Âu qua tới Đông Á. Thứ hai, Hoa Kỳ chưa ra khỏi một cuộc chiến
khởi sự từ Tháng 10 năm 2001 và tới nay, cuộc chiến còn lan từ Trung Đông qua
Trung Á, với hình thái mới là nạn khủng bố và cảm giác bất an ngay trong lòng
các nước dân chủ Tây phương. Thứ ba, các biến động quốc tế trên đại lục Âu-Á, từ
Tây Âu qua Liên bang Nga, Trung Đông tới Đông Á cho thấy trật tự thế giới hình
thành từ sau Thế chiến II, tức là từ 70 năm qua, đang có những thay đổi lớn nhưng
Hoa Kỳ vẫn phải giữ vai trò trọng yếu trong các thay đổi này. Giữa khung cảnh
có ba lĩnh vực quan trong đó, ai cũng muốn biết rằng người sẽ lãnh đạo nước Mỹ
có những chủ trương gì? Điều ấy mới giải thích vì sao thế giới theo dõi rất sát
cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ, trái với các cuộc tranh cử tại nhiều xứ khác.
Kính Hòa: Chúng tôi còn thấy rằng cuộc tranh cử Tổng thống
năm nay tại Hoa Kỳ lại mang sắc thái kỳ lạ, đôi khi kỳ cục, mà lại rất hào hứng.
Ông nghĩ sao về khía cạnh đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là về câu hỏi này, tôi thiển nghĩ chúng
ta nên nhìn ra năm ba chuyện. Thứ nhất, kinh tế và xã hội Hoa Kỳ lẫn thế giới
có nhiều thay đổi chậm rãi mà lớn lao, nay mới nổi lên bề mặt từ vụ Tổng suy trầm
2008-2009. Thứ hai, như tại nhiều xứ Tây phương khác, các đảng chính trị truyền
thống từng thay nhau cầm quyền qua mấy chục năm đều bị bất ngờ, thậm chí bị mất
tín nhiệm, và bây giờ mới lật đật ứng phó với thực tế mới. Trường hợp nổi bật
nhất là sự lúng túng của đảng Cộng Hòa khi nhiều ứng cử viên sáng giá của họ thất
bại trong vòng sơ bộ mở đầu từ cuối năm ngoái cho tới Tháng Tám vừa rồi.
- Thứ ba là sự xuất hiện của một nhân vật chưa từng hoạt động trong lĩnh
vực chính trị là tỷ phú Donald Trump. Ông ta có vẻ dị hợm với cách phát ngôn bất
nhất và thô tục, mà lại là người thấy ra tâm lý bi quan của một thành phần
không nhỏ của xã hội Mỹ, nhờ vậy mà ông loại được các đối thủ sáng giá trong đảng
Cộng Hòa và còn khiến nhiều bậc trưởng thượng trong đảng bất mãn mà xoay ra ủng
hộ ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Thứ tư, ngay trong đảng Dân Chủ, xu hướng
trung tả cố hữu lại có vẻ thất thế nên đảng này thiên về chủ trương cực tả
trong nhiều lĩnh vực, với ảnh hưởng không nhỏ của Nghị sĩ Bernie Sanders vào
chương trình hành động của ứng cử viên Hillary Clinton.
- Thứ năm, khoa học kỹ thuật về thông tin có nhiều thay đổi lớn trong
cách giao tiếp của mọi người nên từng chi tiết lý thú hay kỳ cục của cuộc tranh
cử đều được công khai hóa và tác động luôn vào cuộc tranh cử và vào nhận thức của
dư luận về cuộc tranh cử theo lối tôi xin gọi là “tức thời”. Ứng cử viên vừa
nói gì là ai cũng biết và kiểm chứng nên lập tức chi phối luôn cách ứng đối sau
đó của ứng cử viên và của đối thủ.
- Sau cùng, có một chi tiết mà thế giới bên ngoài ít biết là từ thời lập
quốc rồi, các chính khách và ban tranh cử Hoa Kỳ thường mạt sát nhau rất nặng rồi
sau bầu cử lại vui vẻ bắt tay nhau, chứ không đòi đảo chính hoặc thủ tiêu kẻ đối
lập! Vì vậy, tranh cử tại Hoa Kỳ có màu sắc của một cuộc đấu vật trong bùn nhơ
mà các xã hội khác thấy là kỳ cục. Năm nay thì mức kỳ cục có thể lên tới kỷ lục
như ta có thể thấy qua cuộc tranh luận tối Thứ Hai 26 vừa rồi mà tôi gọi là
“vùng oanh kích tự do”!
Kính Hòa: Khi theo dõi cuộc tranh luận thì ông cảm nghĩ
thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi đã phải theo dõi cuộc tranh luận, rồi
xem lại lần thứ nhì và tìm đọc cả chục hệ thống truyền thông báo chí khi họ tường
thuật và kiểm chứng từng lời phát biểu đốp chát của hai ứng cử viên. Điều ấy có
nghĩa là phải xem hai ứng viên chiêu dụ cử tri ra sao, có gì đúng có gì sai, rồi
xem cách suy diễn của truyền thông và giới bình luận là các thầy bàn, xem họ có
trung thực hay là cũng nhân đó mà tác động vào cảm quan nhận thức của dân chúng
vì thiên kiến riêng của họ. Nói nôm na thì ta xem đấu vật trong bùn rồi xem
khán giả luận bàn thế nào về trận đấu. Tôi không thấy khó chịu về bùn nhơ vì đấy
là một đặc tính văn hóa của tranh cử tại Hoa Kỳ, nhưng tôi tò mò tìm hiểu ảnh
hưởng của việc ném bùn đối với quần chúng và biết rằng mọi việc sẽ chỉ ngã ngũ
vào tối Thứ Ba mùng tám Tháng 11 này.
Kính Hòa: Nhưng chúng tôi vẫn tò mò muốn hiểu xem ông
đánh giá cuộc tranh luận này như thế nào? Nó có làm ông suy nghĩ và thay đổi
cách nhìn về cuộc tranh cử không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngay từ đầu, ông Trump được đa số đánh giá
là người ăn nói hàm hồ bất nhất nên thiếu hẳn phong độ của một Tổng thống. Vì vậy,
sau khi loại hết 16 đối thủ để thành ứng cử viên Cộng Hòa bước vào cuộc tranh
luận đầu tiên, mục đích yêu cầu của ông chỉ là bày tỏ tính chất đĩnh đạc của một
người xứng đáng được lãnh đạo. Theo tiêu chuẩn ấy thì ông không thất bại, nhưng
lại có vẻ lui về thế thủ, trong khi đối thủ là bà Clinton thì thắng điểm vì có dáng
nghiêm túc và chuyên môn hơn với sức khỏe tốt đẹp hơn. Tuy nhiên các ứng viên sẽ
còn tranh luận nữa và, đây là chuyện chính, mục đích yêu cầu khi tranh cử là thắng
cử, chứ khi thắng cử và lãnh đạo trong thực tế thì những hứa hẹn tranh cử đều
chỉ là hứa hẹn thôi.
- Tôi không mất thời giờ xem ông này bà kia hứa tăng thuế hay giảm thất
nghiệp được bao nhiêu vì thực tế sẽ khác hẳn, nhưng mình chú ý đến viễn kiến và
tầm nhìn của ứng cử viên trong khung cảnh quốc tế và kinh tế có quá nhiều thách
đố. Nói chung thì tôi hơi thất vọng về tầm nhìn của cả hai trước các vấn đề quá
mới của thế giới. Về kinh tế và quốc tế, bà Clinton vẫn có viễn kiến cổ điển
còn ông Trump thì có tầm nhìn bất định! Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng truyền
thông báo chí Hoa Kỳ đã nhặm lẹ thu thập dữ kiện để kiểm chứng và cho dư luận
thấy được một phần của sự thật qua từng con số hay từng lời phát biểu của hai ứng
cử viên. Đấy là một ưu điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ, họ không thần thánh hóa
lãnh đạo và cố gắng đi tìm sự thật với tốc độ rất nhanh.
Kính Hòa: Một cách cụ thể thì ông thấy gì từ viễn kiến của
hai đảng và của hai ứng cử viên về những thách đố đang chờ đợi Hoa Kỳ và thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như diễn đàn của chúng ta nhiều lần đề cập,
hiện tượng toàn cầu hóa đang thoái trào nên cả hai đảng đều lui về xu hướng bảo
hộ mậu dịch, đòi xét lại các hiệp ước thương mại đã ký kết hoặc đang thương
thuyết, như NAFTA tại Bắc Mỹ, TPP của Thái Bình Dương hay TTIP với Âu Châu, nên
sẽ gây vấn đề kinh tế cho thế giới khi lượng ngoại thương toàn cầu đều sút giảm.
Thứ hai, cũng về viễn kiến, cả hai ứng cử viên đều chỉ nhìn vào kinh tế mà
không thấy ra nhiều khía cạnh khác, kể cả an ninh và chính trị, trong luồng trao
đổi thương mại của nước Mỹ với các nước khác. Theo chiều hướng này, các quốc
gia cần xuất khẩu sẽ khốn đốn vì Hoa Kỳ cũng lại muốn tăng xuất khẩu và giảm nhập
khẩu, trong khi một phương thức sản xuất mới đang xuất hiện và sẽ càng đẩy lui
trào lưu toàn cầu hóa mà giới chính trị lại chưa biết.
Kính Hòa: Thưa ông, phương thức sản xuất mới mà ông vừa
nhắc tới là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ 60 năm nay, các nước tiên tiến nhất đều
thấy ra lợi thế của hợp tác quốc tế và quy luật thị trường nên phát huy chủ
trương tự do mậu dịch và mặc nhiên thúc đẩy hiện tượng toàn cầu hóa. Ngày nay,
nhiều người thấy ra mặt trái của toàn cầu hóa, đòi lui về chế độ bảo hộ mậu dịch,
đấy là bối cảnh chung có thể giải thích lập trường của hai ứng cử viên.
- Nhưng chìm sâu bên dưới, tiến bộ
vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nhất là tại Hoa Kỳ và trước hết tại Hoa Kỳ,
đang tạo ra một cuộc cách mạng mới về sản xuất. Lý do của sự tiến bộ này là Hoa
Kỳ có địa thế thuận lợi và chính sách cởi mở nên vừa có tư bản và kỹ thuật hơn
hẳn thiên hạ lại vừa thu hút được nhân tài của thế giới vào hệ thống giáo dục,
đào tạo và tổ chức sản xuất. Thật ra, dân Mỹ đang hốt hoảng lo sợ khiến giới
chính trị hứa hẹn lung tung trong khi nước Mỹ đã tiến vào một cuộc cách mạng khác.
- Về khoa học kỹ thuật, những phát minh và cải tiến rất nhanh trong cà
chục lãnh vực đã đảo lộn từ phương pháp sản xuất đến các thành phần hàng hóa và
dịch vụ: đó là công nghệ nano hay cực cực tiểu, là trí thông minh nhân tạo, kỹ
thuật sản xuất người máy tự động robots và xe hơi tự lái, là kỹ thuật biến đổi
gen với nhiều đột phá về y tế, sức khỏe và tuổi thọ, là kỹ thuật sản xuất từng
lớp mà người ta gọi là “3-D Printing”
và dịch sai thành ấn loát ba chiều, v.v….
Kính Hòa: Ông nhắc tới những điều có vẻ khoa học giả tưởng
mà thật ra người ta đã thấy có mặt trên thị trường và mỗi năm lại thấy một đổi
khác.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta thiếu chữ để diễn tả những phát
minh quá mới, như additive manufacturing,
advanced manufacuting hay nano-technology. Kết quả là cứ vài năm
nước Mỹ đã lại áp dụng một phương pháp sản xuất mới, cần ít nguyên nhiên vật liệu
và thải ra ít độc tố hơn, nhưng quan trọng nhất là có thể tự sản xuất lấy thay
vì đòi hỏi sự hợp tác của cả chục quốc gia trong một chuỗi cung ứng toàn cầu. Đấy
là hiện tượng tôi xin tạm gọi là “quốc gia hóa” hay “quốc thể hóa” trái với
toàn cầu hóa, và sẽ đảo lộn quan hệ kinh tế giữa các nước.
- Thế giới chỉ có vài quốc gia theo kịp đà tiến hóa đó trong một số lãnh
vực, như Nhật Bản, Đức hay Nam Hàn, nhưng trên tổng thể thì Hoa Kỳ dẫn đầu về mọi
lãnh vực và còn lãnh đạo rất lâu. Chúng ta cần một chương trình riêng để đào
sâu hiện tượng mới đó vì nó cho thấy đôi khi nền dân chủ và các chính trị gia Mỹ
có vẻ lố lăng kỳ cục nhưng nền dân chủ này còn mở ra nhiều chân trời mới mà các
chính khách chạy theo không kịp!
Kính Hòa: Ban Việt
ngữ đài Á Châu Tự Do và Kính Hòa xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân
Nghĩa về cuộc trao đổi hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét