Thứ Ba, tháng 11 22, 2016

Bầu Đi Rồi Bầu Lại?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người-Việt Ngày 161121
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Thể thức tuyển cử ít tệ nhất mà phù hợp nhất cho Hoa Kỳ  


 * Kết quả bầu cử Tổng thống 2016, theo từng quận *



Chúng ta quen nghe rằng Hoa Kỳ có nền dân chủ lâu đời nhất vì giành lại độc lập từ Đế quốc Anh vào năm 1776 rồi thành lập nền “cộng hòa liên bang” từ năm 1789. Khái niệm ấy ăn sâu vào tâm trí thiên hạ nên có người kinh ngạc là tại sao trong cuộc tranh cử vừa qua, ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân Chủ đã tạm chiếm phiếu cử tri tới hơn một triệu mà sau cùng ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng Hòa lại đắc cử Tổng thống.

Hình như là cái gì đó bất công, hay ít ra là khó hiểu, trong thể thức bầu cử người lãnh đạo Hành pháp nền Cộng hòa Liên bang Mỹ.

Chúng ta nên chịu khó tìm hiểu thể thức tuyển cử kỳ bí này của nền dân chủ Hoa Kỳ….


***


Nói vắn tắt, vào ngày bầu cử, cử tri không trực tiếp bầu lên Tổng thống mà bầu ra những người sẽ chọn lựa lãnh đạo Hành Pháp. Những người đó là “Đại cử tri”, hay cử tri đại diện, trong một tập thể gọi là Đại Cử Tri Đoàn, viết cho gọn là Cử Tri Đoàn, Electoral College. Khi bỏ phiếu, có người không biết rằng Hoa Kỳ dùng thể thức gián tiếp để đề cử vị đại diện dân cử cao cấp nhất của nền cộng hòa liên bang. Lý do là từ thời lập quốc, bậc khai sáng hay “Quốc phụ” đã chọn phương pháp gián tiếp ấy và ghi vào Hiến pháp. Tại sao vậy?

Thứ nhất, Hoa Kỳ không được thành lập như một nền Dân chủ mà là nền Cộng hòa.

Cộng hòa là hệ thống chính trị cho phép người dân để cử đại biểu để lo việc chung của tập thể cho mình. Bậc Quốc phụ không lập nền Dân chủ, là thể chế dựa trên quyền làm chủ của công dân, vì họ gạt ra ba thành phần công dân không có quyền đề cử giới đại diện sẽ cai trị mình, là dân nô lệ, phụ nữ, và ở nhiều tiểu bang, những người không có tài sản. Đấy là một nghịch lý?

Nghịch lý thời kiến quốc có nhiều lẽ hợp lý sau đây.

Giới đại biểu được cử tri bầu lên không nhất thiết nghe công luận mà tự ý quyết định về sự lợi hại của từng việc và được công luận phê phán bằng lá phiếu vào kỳ bầu cử sau, cứ sáu năm một lần nếu đại biểu là Nghị sĩ trong Thượng viện, và hai năm một lần nếu là Dân biểu Hạ viện. Trước đây, giới dân cử trong hệ thống lập pháp của tiểu bang mới chọn người làm Nghị sĩ, và giới dân cử này dĩ nhiên cũng do dân chọn trong các cuộc bầu cử định kỳ. 

Ta nên chú ý tới đặc tính gián tiếp đó: lòng người hay ý dân được thể hiện nhưng qua lớp trung gian, tựa như một cái lọc.

Vốn rất thực tiễn – lại chẳng mấy lạc quan về con người - bậc Quốc phụ sợ lòng dân hay nhiệt tình của quần chúng sẽ chi phối chánh sách quốc gia nên muốn có lớp trung gian để gạn lọc và dung hòa ý dân với quốc sách. Lớp người này, thuộc nam phái, biết suy xét và phải có tài sản để cân nhắc lợi hại trong công vụ vì hại là mất tiền, và vì có tài sản nên tương đối khó mua chuộc. Mấy ai mua chuộc được một tỷ phú… như Donald Trump!

Thứ nữa, người như vậy có thể không xem việc làm đại biểu là sự nghiệp, và dám lấy quyết định mà chẳng sợ bị thất cử. Họ chịu trách nhiệm với cử tri, nhưng không là con tin của cử tri mà nhất nhất theo ý dân để giải quyết công vụ. Nói cách khác, từ nguyên thủy, bậc Quốc phụ của Hoa Kỳ không tin vào nền dân chủ trực tiếp và thiên về giải pháp cộng hòa với cái lọc là giới đại biểu.

Từ triết lý chính trị đó của những người sáng lập, Hoa Kỳ mới có thể thức bầu cử Tổng thống với tầng lớp trung gian là Cử Tri Đoàn.

Lẽ hợp lý thứ hai của chuyện rắc rối này là Hoa Kỳ không theo thể chế Đại nghị (parliamentary system). Thể chế đó sát nhập Hành pháp và Lập pháp làm một, thực tế là giới Lập pháp trong Quốc hội mới cầm quyền và đảng đa số chọn người lãnh đạo Hành pháp. Bậc Quốc phụ muốn tách tiêng Hành pháp là Lập pháp để hai cơ chế này kiềm chế lẫn nhau.

Vì vậy, họ phải tìm ra một hệ thống khác. Và chúng ta đi vào chuyện rắc rối hơn nữa, xin quý độc giả kiên nhẫn.

Từ thời Lập quốc, bậc sáng lập ra nước Mỹ coi đảng phái chính trị là phe phái bè đảng! Việc Hoa Kỳ có hai chính đảng lớn và nhiều đảng nhỏ là chuyện về sau, chứ thời đó họ sợ ứng cử viên là con tin của nhiều đảng, mỗi đảng chỉ nhắm vào quyền lợi riêng mà gây ách tắc công vụ vì không ứng cử viên nào chiếm được đa số. Nỗi lo ngại đó không hẳn là phi lý và chẳng thể xảy ra nếu người ta theo dõi chính trường Âu Châu đời nay.

Khi gặp cảnh bế tắc ấy thì ai sẽ khai thông?

Họ lập ra một cơ chế có thẩm quyền thương thảo, dung hòa mâu thuẫn để đa số bầu lên một Tổng thống. Các đại biểu thuộc cơ chế này có thể đổi ý khi thương thảo để tìm giải pháp dung hòa và đề cử Tổng thống. Nếu vẫn bế tắc thì kết quả bầu cử mới thuộc thẩm quyền Hạ viện, là Lập pháp chọn người lãnh đạo Hành pháp, chuyện bất đắc dĩ và chỉ xảy ra có một lần vào năm 1824, nhưng chỉ một lần.

Cơ chế mà ta gọi là Cử Tri Đoàn được lập ra trong mục tiêu đó, để Tổng thống khỏi là con tin hay công cụ của Hạ viện.

***

Xin nhắc lại, thứ nhất, Hoa Kỳ được lập ra như nền Cộng hòa, không là nền Dân chủ, và còn tránh hiện tượng dân chủ trực tiếp nên mới phải giải quyết nhiều nhu cầu rắc rối khó hiểu.

Thứ hai, nền cộng hòa Hoa Kỳ là một thể chế liên bang, một tập hợp của nhiều “quốc gia” gọi là tiểu bang. Sau thời lập quốc gồm có 13 tiểu bang, nước Mỹ ngày nay có 50 tiểu bang và một khu vực hành chánh tự trị là Thủ đô Washington D.C.

Cộng hòa Liên bang Đức là tập thể của sắc dân Đức tại nhiều tiểu bang. “Cộng hòa Liên bang Hoa Kỳ” không có sắc dân mà chỉ có… nhiều đời di dân cùng chia sẻ một không gian sinh tồn tại Bắc Mỹ. Chữ “America” không là sắc dân mà hàm ý địa dư, công dân trên một khu vực địa dư. Khi dịch thành “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” ta nên chú ý tới đặc tính “hợp chủng” đó.

Đi vào thực tế thì nền Cộng hòa theo thể chế Liên bang này giải quyết việc chọn lựa Tổng thống ra sao? Câu trả lời là ta phải đi từ liên bang xuống tiểu bang.

Mỗi tiểu bang của nước Cộng hòa này đều có chính quyền, chính phủ và quốc hội, với Thống đốc lãnh đạo Hành pháp. Cơ chế riêng muốn sống chung và nhường một số quyền quyết định cho cơ chế chung là chính quyền liên bang, nhưng vẫn giữ nhiều thẩm quyền riêng. Các tiểu bang đều đồng ý là không tiểu bang nào bị gạt ra ngoài hoặc bị tiểu bang khác lấn lướt quyền lợi. Dù có đông dân hay ít tài nguyên, các tiểu bang lớn nhỏ giàu nghèo đều phải có quyền bình đẳng pháp lý.

Nhằm giải quyết nhu cầu đó, Hoa Kỳ có hai cơ chế đại biểu song hành. Một là Hạ viện với số Dân biểu phản ảnh dân số của từng tiểu bang và bày tỏ ý dân một cách trực tiếp nhất qua nhiệm kỳ hai năm. Hai là Thượng viện: mọi tiểu bang lớn nhỏ gì cũng có hai Nghị sĩ, sáu năm một lần thì bầu lại để vừa ngăn ngừa nhiệt tình sôi nổi của Hạ viện vừa kiểm soát hay phê chuẩn nhiều quyết định của Tổng thống. Thí dụ, Thượng viện đã bác bỏ quyết định đàn hặc Tổng thống Bill Clinton do Hạ viện biểu quyết và nói chung thường phê chuẩn các hiệp ước hay bổ nhiệm của Tổng thống.

Chúng ta thấy lại triết lý chính trị của bậc Quốc phụ: thay dân chủ trực tiếp bằng nhiều lớp đại biểu trung gian có thể hạn chế nhiệt tình sôi nổi của người dân và kiềm chế lẫn nhau. Vì vậy, Hoa Kỳ có thể thức bầu cử Tổng thống phức tạp mà cũng tinh vi nhất.

Cử Tri Đoàn là lớp trung gian quy tụ 100 Nghị sĩ, 435 Dân biểu và ba đại biểu của Thủ đô, tổng cộng là 538 “Đại cử tri”. Muốn đắc cử Tổng thống thì phải có hơn nửa (269) số phiếu Đại cử tri, tức là phải đạt 270 phiếu. Hàm ý ở dưới là 1) không tiểu bang nào có dưới ba phiếu, 2) tiểu bang nào cũng có tiếng nói trong tiến trình tuyển cử, 3) muốn đắc cử, các ứng cử viên phải quan tâm đến quyền lợi của từng tiểu bang; 4) chứ không thể hốt phiếu của vài ba tiêu bang đông dân nhất mà có thể đắc cử Tổng thống của toàn quốc.

Các nước dân chủ không gặp hoàn cảnh đặc thù của nước Mỹ nên có thể nghĩ tới giải pháp phổ thông đầu phiếu để bầu lên người lãnh đạo Hành pháp. Hoa Kỳ là quốc gia “nhân tạo”, thành lập từ một triết lý sống chung, không phải là “dân tạo” của một sắc dân, lại có quá nhiều khác biệt cần dung hòa nên việc thể hiện ý dân hay ý chí chung đòi hỏi một thể thức tuyển cử khác.

Xin lấy thí dụ nữa, một tiểu bang thưa dân lại có loại tài nguyên hiếm quý nhất cho kinh tế quốc dân. "Ý chí chung" của một quốc gia bình thường có thể dẫn tới việc “quốc hữu hóa” tài sản đó cho toàn dân cùng hưởng, với hậu quả là tiểu bang kia bị bóc lột, đòi ly khai, có khi gây nội chiến! Chưa nói đến tài nguyên thiên nhiên, một khái niệm đạo đức là chế độ nô lệ cũng khiến Hoa Kỳ bị Nội chiến sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 1860: từ 1861 tới 1865 mất 700 ngàn sinh linh khi cả nước chỉ có 34 tiểu bang với dân số tổng cộng chưa tới 32 triệu dân!

Nhờ thể thức tuyển cử ấy, các ứng cử viên phải quan tâm đến các tiểu bang thưa thớt dân cư ở giữa, chứ không thể chỉ vận động để thắng phiếu tại bốn tiểu bang đông dân ở vùng duyên hải như California, Texas, Florida hay New York. Vòng sơ bộ khởi sự rất sớm khiến các tiểu bang ở giữa, như Iowa, New Hampshire, Nevada, v.v… có cơ hội thẩm xét các ứng cử viên ngay từ đầu. Và ứng cử viên Donald Trump thắng cử chính là vì khéo thuyết phục được cử tri bị lãng quên trong các tiểu bang không may về kinh tế do hiệu ứng toàn cầu hóa và không may về địa dư và dân số là nằm giữa với dân số thấp.

Ông chiếm đa số phiếu cử tri tại 30 tiểu bang mà vẫn thua số phiếu cử tri do bà Clinton thu được tại 20 tiểu bang và Thủ đô, nhưng ông đạt đa số phiếu Cử Tri Đoàn.


















Bầy cử tri của Hillary: Chúng ta muốn gì? Muốn nhớ đi bầu! Muốn vậy khi nào? Từ hai tuần trước!   



Bây giờ, đảng Dân Chủ và giới bình luận đang bàn cãi xem bà Hillary Clinton có thể nào thuyết phục một số Đại cử tri của 30 tiểu bang đã dồn phiếu cho ông Trump đảo ngược quyết định mà bầu cho liên danh Dân Chủ hay chăng? Rất nhiều phần là không. Từ năm 1900 tới nay mới chỉ có tám người đảo phiếu theo kiểu đó. Với 155 phiếu Đại cử tri phải cam kết theo luật mà không đảo phiếu, ông Trump vẫn nắm phần thắng trong tay, trong khi các Đại cử tri của bà Clinton lại có thể đảo phiếu cho… Nghị sĩ Bernie Sanders hay Thống đốc Ohio là John Kasich!

Sau khi thất cử, nếu bà Clinton cũng nghe xui dại mà đòi xét lại, thì mùng sáu Tháng Giêng tới, khi mọi chuyện trở thành chính thức, người ta càng thấy là bà đáng thất cử: lấy ngọn bỏ gốc, lỡ quên các tiểu bang ở giữa mà còn đòi xóa bỏ một hệ thống tuyển cử đã chứng tỏ giá trị, không những ít tệ nhất mà lại phù hợp nhất cho nền dân chủ lạ kỳ này. 

4 nhận xét:

  1. Ông Nghĩa cho cháu hỏi. Liệu cách thức bầu cử kỳ lạ đó của Hoa Kỳ có phù hợp với các quốc gia khác ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ không, vì Hoa Kỳ là một quốc gia quá đặc biệt, thành hình từ một quy ước "nhân tạo", không từ một sắc tộc hay chủng tộc chính, cùng chia sẻ một ngôn ngữ, văn hóa chung mà từ nhiều tập thể di dân sống trên những khu vực địa dư khác biệt. Vì phải dung hòa qúa nhiều khác biệt, họ có thể thức đề cử đại biểu quá rắc rối, nhưng vẫn là hệ thống ít tệ nhất cho mục đích yêu cầu của xứ này: thể hiện lòng dân, một cách thận trọng!

      Xóa
  2. Chức danh của TT Hoa Kỳ là Tổng thống Liên bang, không phải là TT nước Mỹ. TT điều hành các vấn đề Liên bang, cụ thể là các chính sách ngoại giao, quốc phòng, an ninh Liên bang, các chính sách xã hội có tính Liên bang.

    Với người dân, sát sườn của họ là các chính sách Tiểu bang. Hay nói cách khác, người dân có thể sống khỏe trong ngắn hạn mà không cần TT Liên bang. Ở đây nhấn mạnh chữ "trong ngắn hạn".

    Do vậy, việc bầu TT Liên bang là lựa chọn giữa các Tiểu bang. Trong kỳ bầu cử TT, các Tiểu bang trưng cầu về việc chọn TT Liên bang. Kết quả bầu TT LB là sự bầu chọn của Tiểu bang, không phải là sự lãng mạn của cử tri trong ngắn hạn.

    Báo chí trong nước hay phân tích: cử tri đoàn bằng số dân biểu (họ gọi là hạ nghị sĩ) cộng 2. Xin thưa, con số 2 đó là số lượng Nghị sĩ của mỗi Tiểu bang đấy ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Cụ Lý. Khái niệm chủ yếu - các tiểu bang chọn Tổng thống Liên bang - là điều mà nhiều người vẫn chưa thấy!

      Xóa