Thứ Ba, tháng 5 22, 2012

Đi Tìm Lãnh Đạo

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 120521
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

 Thiếu kẻ tiên phong, Hoa Kỳ bọc hậu?

 * Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện với Tổng thống A Phú Hãn Hamid Karzai 
và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari nhân Thượng đỉnh NATO tại Chicago *



Thế giới đang thiếu một quốc gia có khả năng lãnh đạo mà Hoa Kỳ lại bị đẩy vào vị trí thu dọn chiến trường.

Tuần qua, người ta theo dõi việc tân Tổng thống Pháp François Hollande vừa xong thủ tục nhậm chức là bay qua Đức và bị sét đánh. Phi cơ bị hư hại phải vòng về! Rồi Thượng đỉnh Pháp-Đức xoáy vào mâu thuẫn về ưu tiên cho Âu Châu, là tăng trưởng như Pháp chủ trương hay giảm chi như yêu cầu của Đức? Kết cuộc, Pháp đề nghị phát hành trái phiếu Âu châu, do Đức thủ vai tài trợ, như mọi khi! Không được lãnh đạo, Đức lãnh nợ...

Nhưng Hy Lạp mới là vấn đề khiến các thị trường tài chánh thế giới theo nhau tuột dốc cả tuần.

Tháng tới, Hy Lạp phải bầu cử lại. Liên minh của hai đảng tả hữu truyền thống không huy động được đa số để đề nghị giải pháp cứu nguy. Đảng cực tả Syriza chiếm thế mạnh thì đòi toàn điều bất khả: Hy Lạp phải được cấp cứu, vẫn muốn ở trong khối Euro mà không chấp nhận khắc khổ. Kinh hãi nhất là lời phát biểu của lãnh tụ Syriza, Alexis Tsipras, 37 tuổi: "Đối đế thì Hy Lạp sẽ quịt nợ, dùng tiền đó trả cho công nhân và người về hưu!" 

Lãnh đạo là lãnh trợ cấp?

Nhân vật chưa có một ngày giải quyết chuyện quốc kế dân sinh còn đưa ra chủ trương khả dĩ là khẩu hiệu tranh cử cho... Tổng thống Mỹ: "Cắt giảm ngân sách quốc phòng, diệt trừ lãng phí và tham ô, truy lùng bọn nhà giàu trốn thuế!" Một hướng chỉ đạo hấp dẫn mà tào lao: dân Hy Lạp trốn thuế và nhà nước trốn nợ từ năm 2009. 

Vì dân trốn thuế thổ trạch, xứ này phát huy sáng kiến là gom tiền thuế vào hóa đơn tiền điện. Kết quả là vì dân khỏi trả cả thuế lẫn tiền điện, công ty điện lực xắm vai thu thuế cho nhà nước bị phá sản! Nhà nước bèn trợ cấp cho điện lực, bằng ngân sách lủng.

Chúng ta đang nói về một quốc gia từng có nền văn minh rực rỡ thời cổ đại chứ không phải một bộ lạc thổ dân Á Phi nào đó. Đấy là lúc người ta phát minh chữ "Grexit" – GreeceExit – Hy Lạp phải ra khỏi khối Euro.

Có thể lắm, nhưng sau đó còn những nước nào có thể bị nạn và đồng Euro sẽ tròn méo sứt mẻ ra sao?

Trong khi chờ đợi, dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền ký thác, năm tỷ Euro trong hai tuần, để đưa qua xứ khác lánh nạn. Khi thiên hạ ùn ùn rút tiền, việc hợp lý nhất là... cũng xếp hàng, trước khi ngân hàng sụp đổ. Vốn là sản phẩm khan hiếm nhất thị trường, đồng tiền đã không cánh mà bay khỏi Hy Lạp – chuyển ngân điện tử nay đã quá thông dụng – xứ này thành "Lạp Ngập Sương". Thùng rác.

Cái tam đầu chế đứng ra giải cứu Hy Lạp - là Hội đồng Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - đành bó tay. Và chờ hội nghị khẩn cấp khác.

Hội nghị thì không thiếu.

Sau hội nghị Pháp-Đức, Tổng thống Pháp qua Mỹ gặp Chủ tịch luân phiên của nhóm G-8, năm nay họp Thượng đỉnh tại Camp David. Số là từ 1976, bảy đầu máy kinh tế thế giới... năm xưa, lập ra nhóm G-7 để quyết định về kinh tế toàn cầu. Từ năm 1997, nhóm G-7 mời Liên bang Nga tham dự, thành ra nhóm G-8, với nghị trình gồm cả vấn đề an ninh. Mà nay chẳng còn ai muốn nghe.

Năm nay, lãnh tụ thật của Nga là Tổng thống Vladimir Putin vừa tái nhậm chức không thèm dự, để Tổng thống cũ là Thủ tướng mới Dmitri Medvedev đi thay. Các vấn đề an ninh, Syria, Iran, Bắc Hàn, đều như gió thoảng, hồ sơ lương thực hay năng lượng thế giới cũng vậy. Thượng đỉnh G-8 tập trung vào chuyện giông bão Âu châu, với tuyên bố tẻ nhạt không kém.

Tám vị lương y thế giới, cùng hai đại diện của Âu châu, đã kê toa bốc thuốc: phải vừa bổ vừa tả. Vừa kích thích tăng trưởng vừa chấn chỉnh chi thu. Tiền đâu thực hiện việc đó? Đấy là lúc thế giới chờ đợi Tổng thống Hoa Kỳ đề nghị một kế hoạch cụ thể cho các nước. Vô phương.

Ông Barack Obama đang lo tranh cử và bị Hạ viện Cộng Hòa thách đố trong từng bước chi thu nên không thể có sáng kiến gì hơn khi chính nước Mỹ cũng bị bội chi quá nặng. Ông chỉ cầu là khủng hoảng Âu châu không đẩy kinh tế Mỹ vào một đợt suy trầm nữa ngay trước ngày bầu cử.

Hai ngày Thượng đỉnh của nhóm G-8 tại Camp David vừa dứt thì lại có hai ngày Thượng đỉnh của khối NATO tại Chicago.

Hàng năm, 28 hội viên Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương vẫn họp định kỳ ở cấp Tổng trưởng, một hai năm mới có Thượng đỉnh. Dù Chicago là đất thang mộc và bản doanh tái tranh cử của ông Obama, xin đừng tìm ẩn ý gì trong việc chọn nơi này để hội họp - ngẫu nhiên thôi!

Năm nay, nghị trình NATO có hồ sơ tài giảm võ khí chiến lược với Nga. Chuyện ấy bị gác qua bên, như các hồ sơ nóng kia là giải trừ nạn phổ biến võ khí hạch tâm - và đệ nhất thủ phạm là Bắc Hàn hay Iran - hoặc nạn tàn sát thường dân tại Syria, hay kinh nghiệm về Mùa Xuân Á Rập, v.v.... Nhưng NATO có một kết quả cụ thể, nhờ Hoa Kỳ. Đó là vẫn dựng lên lá chắn chiến lược tại Đông Âu: hệ thống phi đạn chống hoả tiễn đạn đạo để đón bắt võ khí xuất phát từ Iran - hay Liên bang Nga. Dĩ nhiên là Medvedev không vui với chuyện đó và Putin ở nhà lo việc khác.

Đáng chú ý nhất trong Thượng đỉnh là hồ sơ A Phú Hãn: Hoa Kỳ và NATO vừa lấy một quyết định cần thiết mà đầy rủi ro là dời đổi mục tiêu.

Vì rủi ro nên bền lề Thượng đỉnh, Tư lệnh Hoa Kỳ phải cảnh báo binh sĩ là sẽ còn đổ máu. Nhưng cần thiết vì từ năm 2010 chiến lược xây dựng quốc gia qua các dự án phát triển đã gom vào mục tiêu chống nổi dậy với việc đôn quân cho liên quân quốc tế (và Hoa Kỳ) ISAF. Bây giờ, ISAF lui thêm một bước để Chính quyền Kabul đàm phán với đối thủ Taliban và để Lực lượng An ninh A Phú Hãn ANSF đảm nhiệm vai trò bảo an nhờ sự tăng cường huấn luyện của liên quân.

Thượng đỉnh NATO coi đây là một tiến bộ, dù thực tế là các nước đều thiếu hai phương tiện: thời giờ và tiền bạc.

Về thời giờ thì chẳng cứ gì Pháp, còn vỏn vẹn có 3.400 binh lính, đòi rút quân một năm sớm hơn kỳ hạn cuối năm 2014. Của đi thay người thì vẫn hơn. Nhưng tiền của lại là điều mà thành viên NATO tại Âu châu thiếu nhất!

Mươi năm trước, Âu Châu còn góp vào phân nửa ngân sách NATO, rồi chỉ tiêu là xứ nào cũng dành 2% ngân sách cho quốc phòng đã thành mộng mị. Âu Châu tăng chi cho xã hội chứ ghét việc binh đao nên nay chỉ gánh chừng một phần ba ngân sách NATO mà thôi. Khi hữu sự thì đã có Mỹ! Thí dụ là Lybia năm ngoái...

Chuyện A Phú Hãn gợi nhớ quy luật rút tiền ký thác: ai cũng muốn rút thì ta chẳng nên bọc hậu. Các nước đều đẩy vai trò đó qua Mỹ, nước chủ chi cho Kabul kịp thời mộ quân và huấn luyện để lo lấy thân trước kỳ hạn. Đối thủ là lực lượng Taliban cũng biết coi lịch và chờ ngày... hoà giải hòa hợp dưới Giáo luật Sharia của đạo Hồi.

Trong khi ấy, im ắng suốt một chuỗi thượng đỉnh dồn dập là Trung Quốc.

Nhân khi thiên hạ choáng váng về Âu Châu rồi Thượng đỉnh Pháp-Đức, G-8, NATO, v.v... thì Bắc Kinh cho luật sư khiếm thị Trần Quang Thành cùng gia đình lên máy bay qua Mỹ. Một ánh chớp trên truyền hình! Chói lòa bên trong Bắc Kinh là những khó khăn cùng cực về kinh tế lẫn chính trị trước Đại hội 18. May mà thiên hạ rọi đèn qua hướng khác.

Ở trên, người viết có nói ra điều sai bét: nạn thiếu tiền toàn cầu! Thật ra, thế giới đang thiếu niềm tin hoặc một cơ chế lãnh đạo.

Liên hiệp quốc, Âu Châu, Nhật, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Turkey, thế giới Hồi giáo, nhóm G-8, G-20 hay nhóm BRICs của các nước đang lên, v.v... đều xoay vần trong loại vấn nạn khó giải. Mà quần chúng thì chẳng còn tin vào ai. Trong hoàn cảnh thế giới không đầu như vậy, phải chi Hoa Kỳ sớm hoàn tất cuộc tranh cử.

Để tìm lại vai trò lãnh đạo của mình.
 

1 nhận xét:

  1. Vậy là xét cho cùng thì Hoa Kỳ với tất cả những bộ óc siêu việt vẫn đã và sẽ tiếp tục lãnh sứ mệnh dẫn dắt thế giới sao thưa bác Nguyễn Xuân Nghĩa? Việc G8 quyết định tăng chi chắc không ủng hộ kế hoạch khắc khổ của Đức sẽ là một đòn bẩy tốt để Trung Hoa thêm một bước mạnh hơn nhằm mưa toan địa vị bá chủ không ạ?
    Cảm ơn vì những phân tích rộng rãi và cách nhìn sâu sắc của bác.

    Trả lờiXóa