Thứ Tư, tháng 11 28, 2012

Nạn "Ỷ Thế Làm Liều"

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày 121128
Diễn đàn Kinh tế RFA

Ỷ thế đảng và nhà nước để làm liều, lời thì bỏ túi, lỗ thì dân chịu



* AFP photo - Nhân viên dịch vụ môi trường đô thị làm việc cho 
một dự án bất động sản ngoại thành Hà Nội ngày 04 tháng 10 năm 2012.*


Những tin tức dồn dập vào cuối năm cho thấy núi nợ rất lớn của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước của Việt Nam, bên trong là nhiều khoản nợ xấu, loại khó đòi và sẽ mất. Nói về nợ nần, người ta cũng quan ngại về núi nợ có thể sụp đổ của hệ thống ngân hàng sau nhiều năm được bơm tín dụng để kích thích kinh tế. Được yêu cầu trình bày về các vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nói về một hiện tượng ông gọi là "ỷ thế làm liều".

 

Lạc quan thiếu cơ sở 


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, báo cáo số 336/BC-CP của Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội ngày 16 Tháng 11 có nói đến tình trạng ngập nợ của các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước. Đồng thời, người ta cũng nhắc đến núi nợ rất cao và có thể sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Theo dõi mục Diễn đàn Kinh tế từ nhiều năm nay, thính giả của chúng ta có thấy ông trình bày về các hiện tượng này từ những năm 2007 và 2008, tức là cách nay bốn năm năm rồi. Nghĩa là những hiện tượng bất thường này đã có nguyên nhân sâu xa từ lâu. Thưa ông, vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng nạn hồ hởi sảng và quản lý tồi có thể giải thích được khá nhiều chuyện. Nhưng quan trọng nhất, tình trạng mà tôi xin gọi là "ỷ thế làm liều" mới là nguyên nhân chính và nó xuất phát từ cơ chế kinh tế chính trị của Việt Nam. Tôi xin giải thích.

- Hồ hởi sảng hay "lạc quan thiếu cơ sở" là nguyên nhân tâm lý phổ biến nhất của thị trường, của người dân và của nhà nước Việt Nam sau khi xứ này đổi mới kinh tế và dần dần hội nhập vào kinh tế thế giới với kết quả tăng trưởng rất cao. Rất cao ở đây là so với chính Việt Nam trong các năm trước, chứ nếu có so sánh với các quốc gia khác khi họ cũng bắt đầu chuyển hướng kinh tế trước đó nhiều thập niên thì chưa thấm vào đâu và lại còn có phẩm chất rất kém, bất công, thiếu quân bình và gây ô nhiễm môi sinh. Cao điểm của sự hồ hởi đó là khi Việt Nam được quy chế thương mại bình thường và vĩnh viễn với Hoa Kỳ và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới sau 16 năm thương thuyết. Vì quá lạc quan, thị trường Việt Nam không được chuẩn bị như vừa ra khỏi vùng nước lợ và bơi vào đại dương, vào biển lớn.

Vũ Hoàng: Và có phải rằng một trong những sự thiếu chuẩn bị ấy là khả năng quản lý vĩ mô không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy nhưng thật ra tình trạng thiếu chuẩn bị ấy có thể còn phổ biến hơn là khả năng quản lý kinh tế của nhà nước. Tôi cho rằng cả nước thiếu chuẩn bị để sinh hoạt trong một không gian kinh tế khác, với thông tin và quy luật vận hành khác, luật lệ và quy tắc kinh doanh khác. Một thí dụ là khả năng thẩm định các dự án đầu tư của doanh nghiệp hay hồ sơ tín dụng của ngân hàng. Tính chất rủi ro bất ngờ của loại nghiệp vụ đó là điều còn mới và cần được thấu hiểu, được học hỏi. Trong giai đoạn thương thuyết với Mỹ, WTO hay với quốc tế nói chung, người ta không có nỗ lực thông tin rõ ràng về môi trường mới.

- Sau đó, cũng do tình trạng hồ hởi sảng và quản lý tồi, Việt Nam mới ào ạt bơm tín dụng khiến lượng tín dụng cho ngân hàng đã tăng 25% một năm trong nhiều năm liền và gặp nguy cơ lạm phát vào năm 2007. Tiết mục chuyên đề của chúng ta đã phân tích hiện tượng này trong một chương trình phát thanh vào cuối năm đó và nội dung chương trình này vẫn được đài Á châu Tự do lưu trữ cho mọi người có thể tham khảo.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông đã nhắc lại những chương trình đó để thính giả của chúng ta có cơ hội kiểm lại vì chúng tôi nhớ rằng ông cũng đã báo động về tình trạng dư nợ tín dụng của Việt Nam đã cao bằng tổng sản phẩm nội địa GDP, là một điều cực kỳ bất thường và bất trắc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau đấy, vào năm 2008 thì vùng đại dương biển lớn lại bị giông bão với hàng loạt khủng hoảng của các tổ hợp đầu tư tài chính Hoa Kỳ. Trước hết là tập đoàn Bear Sterns vào Tháng Ba rồi Lehman Brothers cùng nhiều doanh nghiệp khác vào Tháng Chín năm 2008. Khi ấy, kinh tế Mỹ lại vừa bị nạn suy trầm từ Tháng 12 năm 2007 rồi cả thế giới bị hiện tượng Tổng suy trầm 2008-2009. Hiệu ứng suy trầm ấy dội ngược vào nền kinh tế Việt Nam đang bị nguy cơ lạm phát rất cao với giá thực phẩm tăng vọt mà các thị trường xuất khẩu thì co cụm trong khi Việt Nam vẫn nhập khẩu mạnh và bị nhập siêu. Vì vậy lãnh đạo kinh tế Việt Nam mới gặp bài toán lưỡng nan là phải vừa đạp thắng để ngừa lạm phát vừa phải tống ga để tăng trưởng cao, và kết cuộc thì lại học theo Trung Quốc mà ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế.

 

Ỷ thế làm liều  



000_Hkg7828964-250.jpg
Một người dân đang đạp xe qua một dự án phát triển nhà xây dựng dở dang ở ngoại ô Hà Nội hôm 17/9/2012. AFP photo  
 
Vũ Hoàng: Nhắc lại bối cảnh rộng lớn sâu xa ấy thì bà con mới nhớ đến không khí hốt hoảng vào năm 2008 rồi sau đó lại là sự lạc quan vô lối vào năm 2009, với hiện tượng bong bóng địa ốc nhờ tín dụng dồi dào. Cho đến khi bong bóng bị vỡ và nạn phá sản dây chuyền sau này. Bây giờ mình mới nói đến hiện tượng "ỷ thế làm liều", đó là cái gì vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đất là một thuật ngữ kinh tế xuất phát từ kỹ nghệ bảo hiểm, gọi là "moral hazard" mà nếu dịch ra thành "rủi ro đạo đức" thì quá tối nghĩa đến độ vô nghĩa.

- Ngành bảo hiểm có nghiệm thấy rằng những ai mua bảo hiểm để phòng ngừa một loại hiểm tai hay rủi ro nào đó thì thường vững tin là mình đã có bảo hiểm nên mới càng dễ gây rủi ro. Thí dụ tổng quát mà dễ hiểu hơn thì khi ta đi xe hai bánh, mình đều biết là sẽ gặp rủi ro lớn nếu có tai nạn nên lái xe tương đối thận trọng hơn. Cũng người đó, khi lái xe hơi bốn bánh mà lại là loại xe bốn bánh rất cao, to và cứng hơn thì sẽ có phản ứng tự tin đến bất cẩn và càng dễ gây ra tai nạn.

- Nếu lại đi xe hơi của nhà nước và nghĩ rằng có gì thì cơ quan của nhà nước sẽ phải lo, người lái xe đó sẽ không cẩn thận bằng khi lái xe của mình. Đấy là phản ứng ỷ thế nhà nước để làm liều, trong tinh thần mà dân ta hay gọi là "cha chung không ai khóc."

Vũ Hoàng: Bây giờ thì có lẽ quý thính giả hiểu ra cách diễn dịch về hiện tượng "ỷ thế làm liều". Cái thế đó làm thay đổi thái độ sinh hoạt của chúng ta và nhất là cách thẩm định rủi ro vì ta tin rằng ai đó sẽ lãnh rủi ro chứ mình thì vẫn an toàn. Nếu cái thế đó lại xuất phát từ nhà nước mà trách nhiệm lại không phân định rõ ràng thì ta mới có hiện tượng ngày nay là nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đã kinh doanh bất cẩn, vay mượn bừa phứa và gây ra rủi ro vỡ nợ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa ông, đúng như thế đấy. Hiện tượng ỷ thế xảy ra khi nhiều người có cái thế không chính đáng, thậm chí là bất chính, để lấy những quyết định kinh doanh đầy rủi ro mà bản thân lại không chịu trách nhiệm.

- Hiện tượng này xuất phát từ chủ trương kinh tế chính trị của hệ thống lãnh đạo, tức là từ chế độ chính trị của Việt Nam. Trước hết, chủ trương phát triển kinh tế qua vai trò chủ đạo của đảng và nhà nước khiến cho khu vực kinh tế nhà nước được bảo vệ và còn được bao che. Các tập đoàn kinh tế nhà nước hay tổng công ty có một quy chế pháp lý và kinh doanh riêng, không áp dụng cho tư doanh. Nhờ quy chế đó, giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, vốn dĩ cũng phải là đảng viên, đã có thể lấy những quyết định kinh doanh, như đầu tư hay vay mượn, mà không bị trách nhiệm như các doanh gia tư nhân. Đấy là một chuyện khá cơ bản và sẽ còn là vấn đề khi mà Việt Nam vẫn có chủ trương khoanh vùng bảo vệ các tập đoàn nhà nước.

- Trong khu vực được bảo vệ ấy, các tập đoàn nhà nước mới mở rộng phạm vi kinh doanh ra khỏi mục tiêu nguyên thủy, thí dụ như Điện lực vẫn có thể kinh doanh về ngân hàng hay bất động sản. Sở dĩ như vậy vì tập đoàn này nằm trong quỹ đạo quản lý và bao che của một Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Hội đồng Chính phủ, tức là Thủ tướng chẳng hạn. Cái nạn bao che ấy mới giải thích những vụ phá sản động trời của Vinashin hay Vinalines và rất nhiều cơ sở khác. Bây giờ ta mới nói đến một hệ quả khác là nạn "tư bản thân tộc" hay "crony capitalism".

 

Nạn tư bản thân tộc  



songda-hinh3-200.jpg
Tập đoàn Sông Đà trụ sở tại Hà Nội, ảnh minh họa. RFA photo   


Vũ Hoàng:Thưa ông, trong nhiều chương trình trước đây, ông cũng đề cập đến nạn "tư bản thân tộc" này, đấy là cái gì vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi mà đảng và nhà nước đã khoanh vùng kinh tế để tạo điều kiện kinh doanh bất thường và nhiều rủi ro mà không ai bị trách nhiệm rõ ràng thì tay chân của đảng và nhà nước mặc nhiên có một vùng kinh doanh tự do và họ bèn đưa tay chân vào chia chác lợi thế bất chính này. Đấy là một hiện tượng khác của tình trạng một người làm quan cả họ được nhờ.

- Yếu tố then chốt ở đây là quan hệ thân tộc, giữa những người cùng gia đình hay phe phái. Họ có cái thế chính trị ở trên để cạnh tranh bất chính với tư doanh ờ dưới mà lợi nhuận thì họ hưởng, rủi ro thì ai đó hứng chịu. Trong tình trạng luật pháp mập mờ và trách nhiệm thiếu phân minh thì những chuyện như vậy rất dễ xảy ra và chỉ công khai hóa một phần khi có tranh chấp về quyền lợi và ngụy trang thành một chiến dịch diệt trừ tham nhũng.

- Trong tuần qua chẳng hạn, nhật báo The New York Times của Mỹ đã phanh phui thêm một lần nữa tình trạng tư bản thân tộc quanh gia đình của Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đã nhờ nhiều quyết định bất chính ở trên, thuộc phạm vi quyết định của Thủ tướng mà trở thành tỷ phú bằng đô la qua một nghiệp vụ đầu tư. Những trường hợp như vậy tất nhiên cũng xảy ra tại Việt Nam vì có cùng một môi trường kinh tế chính trị. Nếu có điều tra về lĩnh vực quản lý ngân hàng thì ta sẽ thấy ra chuyện ấy. Thí dụ như ai trong các ngân hàng thương mại của nhà nước đã thẩm định và phê duyệt hồ sơ vay tiền của một tập đoàn nhà nước cho một dự án có giá trị kinh tế rất thấp và rủi ro tín dụng rất cao? Khi các khoản nợ này sụp đổ, ai sẽ chịu trách nhiệm và ai sẽ thanh toán sự lỗ lã?

Vũ Hoàng: Thưa ông, như vậy thì cả một sâu chuỗi các vấn đề như sự lạc quan thiếu cơ sở của người dân, tình trạng quản lý rất kém của nhà nước, nạn ỷ thế làm liều của tay chân nhà nước và hiện tượng tư bản thân tộc và tham nhũng tỏa rộng từ trên xuống. Có phải rằng những sâu chuỗi ấy có một sự liền lạc bất thường là hệ thống chính trị hiện hành của Việt Nam hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Không muốn chơi chữ trong một vấn đề quá nghiêm trọng, nhưng thật sự đấy là "sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả sự nghiệp của đảng", một sự phá sản dây chuyên từ văn hóa đến chính trị, luật pháp và kinh tế rồi kinh doanh. Người ta chỉ có hy vọng giải quyết được vấn đề nợ nần này khi lãnh đạo công khai hóa mọi chuyện, người dân có tự do thông tin và có quyền phê phán và trừng phạt những kẻ có trách nhiệm. Những chuyện ấy chưa có thì người dân tiếp tục là nạn nhân, kinh tế tiếp tục bị khủng hoảng.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.


Thứ Ba, tháng 11 27, 2012

Một Thế Hệ Thất Nghiệp



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 121126
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh....   

   * Thành một đôi ta rất đá vàng *



"Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" là một thành ngữ thông dụng trong truyện võ hiệp Kim Dung. Nhưng đấy cũng có thể là một sự thật kinh tế mà các cô cậu vừa đỗ cử nhân chưa mấy chú ý....

Sau cuộc tổng tuyển cử ngày sáu Tháng 11, thời sự kinh tế Hoa Kỳ bàng hoàng nhắc đến vực thẳm ngân sách "fiscal cliff". Đấy là khi mà một quyết định của Quốc hội khóa 112 từ Tháng Tám năm ngoái có thể tự động cắt giảm công chi và tăng thuế kể từ đầu năm tới. Một tuần trước ngày bầu cử, cột báo thường xuyên này đã nhắc đến chuyện đó trong bài "Đắc Cử Bên Bờ Vực - Nhìn Vào Hố Sâu Tài Chánh Sau Khi Thắng Cử".

Bây giờ, Hành pháp và Thượng viện Dân Chủ cùng Hạ viện Cộng Hoà còn 34 ngày để tìm ra giải pháp thỏa hiệp - giảm chi bao nhiêu và tăng thuế những ai, cỡ chừng nào - hầu tránh một rủi ro suy trầm cho năm tới. Nếu kinh tế bị giảm mất 500 tỷ đô la, như giới làm luật đã ước tính trên nguyên tắc, thì sản xuất và thất nghiệp sẽ bị hậu quả bất lợi trong hơn một năm, trước khi tình hình có thể sáng sủa hơn nhờ hệ thống công chi thu được chấn chỉnh. "Trong hơn một năm" có nghĩa là cận kề cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014. Không ai muốn cử tri uống thuốc đắng cho lành bệnh khi mình có thể thất cử vì toa thuốc đắng ấy.

Vì vậy, "bệnh ở trong người thành bệnh bạn - bệnh ở lâu dài thành bệnh thân - gối tay lên bệnh nằm thanh thản – thành một đôi ta rất đá vàng". Xin mượn thơ Mai Thảo để nói về căn bệnh kinh tế của Hoa Kỳ! Một bệnh thâm niên trong sự hồn nhiên của con bệnh....


***


Trong cuộc bầu cử vừa qua, đa số cử tri cho rằng kinh tế là vấn đề đáng quan tâm nhất. Và 53% tin rằng đấy là trách nhiệm của Tổng thống George W. Bush. Tổng thống Barack Obama tái đắc cử khi ban tham mưu tranh cử khéo khai thác sự ngộ nhận này và ứng cử viên đối lập là Mitt Romney còn gây ra nhiều ngộ nhận khác. Vì vậy, đảng Cộng Hoà không đáng lãnh đạo.

Nhưng chẳng nhờ vậy mà nước Mỹ sẽ khá hơn - và đấy mới là vấn đề "kinh tế cũng là chính trị". Chỉ vì Hoa Kỳ đang đi hết một chu kỳ chi tiêu và vay mượn quá sức mình.

Chu kỳ ấy khởi sự từ hơn ba chục năm trước, từ một thế hệ rồi. Mà không chỉ có Hoa Kỳ. Hầu hết các nền kinh tế công nghiệp hoá (Âu Châu, Hoa Kỳ và Nhật Bản) đều gặp hiện tượng đó và tương đối thì nước Mỹ bị nhẹ hơn cả. Giới kinh tế có trí nhớ thì vạch ra cho ta thấy một núi nợ vòi vọi, không chỉ trong khu vực công (bội chi ngân sách khiến chính quyền phải đi vay) mà cả khu vực tư nhân và doanh nghiệp đều cùng nhau chất lên một núi nợ và cả nước hồ hởi đi vay nước ngoài. Vay ngoại quốc là "nhập cảng tiết kiệm của xứ khác" hoặc bị thâm hụt cán cân thanh toán hay cán cân chi phó. Năm 1980, tổng số nợ của các hộ gia đình Mỹ ở khoảng một ngàn năm trăm tỷ đô la, đến năm 2000 thì đã quá sáu ngàn tỷ: trong hai chục năm tăng gấp bốn. Chưa thấm vào đâu cả! Vì đến 2005 thì đã tăng gấp đôi, vượt 12 ngàn tỷ...

Như một triết lý nhà Phật, thói đời có vay thì có trả.

Chu kỳ trả nợ đã bắt đầu từ năm 2007 khiến nạn suy trầm kinh tế 2008-2009 mới chậm phục hồi – năm năm đã qua rồi - và đà tăng trưởng trong mươi năm tới, sẽ tiếp tục ở cái mức èo uột là dưới 2%. Nạn suy trầm rất nhẹ vào Tháng 12 năm 2007 đã chấm dứt từ Tháng Bảy năm 2009 mà kinh tế chưa khởi sắc và chính quyền gây bội chi còn nặng hơn, hơn ngàn tỷ mỗi năm trong bốn năm liền, để bù vào số chi bị sút giảm của khu vực tư (tư nhân và doanh nghiệp).

Các cứng cử viên khó trình bày vấn đề quá rắc rối và lưu cữu như vậy trong có 15 giây trên truyền hình, nên cũng chẳng nói ra một sự thật mất lòng và mất phiếu: Hoa Kỳ phải chấn chỉnh chi thu, chứ không chỉ dễ dãi tăng thuế nhà giầu để bù vào bội chi hoặc để san xẻ lợi tức cho dân nghèo. Đấy là một lý do chủ yếu khiến tăng chi là bệnh khó lành.

Lý do kia là chính cử tri cũng không biết nên chê thuốc đắng và chỉ thích uống nước đường. Trong số đó có một thế hệ rất trẻ.... Đấy là thế hệ sẽ trả nợ mà không biết. Thực tế là họ đang trả nợ mà chẳng hay.

"Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh!"


***


Sau đây là vài ba thống kê đắng chát do Hội đồng Doanh gia Trẻ Young Entrepreneur Council thu thập trong tài khóa 2011, quý độc giả tò mò có thể tìm đọc trên mạng http://theyec.org.

Trong năm qua, 53,6% những người tốt nghiệp bốn năm đại học, ở tuổi 25 hay trẻ hơn, đã bị thất nghiệp toàn thời hay bán thời. Lớp người trẻ ở cấp trung học, từ 17 đến 20 tuổi, còn vất vả hơn: thất nghiệp 31,1%, khiếm dụng 54% - khiếm dụng là muốn tìm việc toàn thời mà không ra nên đành nhận việc bán thời. Các cô cậu cử mới ra trường bị thất nghiệp 9,4%, khiếm dụng 19,1%.

Đó là về tình hình nhân dụng, vài ba chuyện trong 43 sự kiện đáng lo ngại cho thế hệ tới.

Về lợi tức thì hầu hết đều chỉ tìm ra việc lương thấp, ít cần tay nghề, tức là nhận việc kém "khả năng thật" của họ mà phù hợp với đòi hỏi tầm thường nhưng khắt khe của thị trường. Sau bốn năm đầu tư công sức trong nhà trường, đấy là thực tế phũ phàng đang chờ đợi ở ngoài đời, chỉ có phân nửa là tìm ra việc sau cả năm đi kiếm. Mà tình hình chưa có cải thiện từ nay đến năm 2020. Tám năm và bốn cuộc bầu cử nữa.

Vốn dĩ không khờ - đã tốt nghiệp tú tài và mơ bằng cử nhân thì có ai khờ - giới trẻ bèn xoay cách khác. Tạm hoãn hôn nhân và có con, một phần tư ca bài "trở về mái nhà xưa". Để sống cùng cha mẹ. Những người khá hơn vậy thì vừa sống cùng cha mẹ vừa đi học tiếp - và học cha mẹ ở phép đi vay.

Hơn 35% những người trẻ quay lại đại học vì không tìm ra việc. Họ tài trợ việc học lẫn việc chi tiêu bằng tín dụng học đường. Một ngàn tỷ đô la "student loan" là kết quả của hiện tượng đó. Trung bình thì mỗi cô cậu sinh viên này mắc nợ 25 ngàn đồng, trong hai năm qua đã có 31% bị vỡ nợ. Chúng ta vừa nói đến một trái bóng tín dụng cả ngàn tỷ đô la. Với rủi ro ở cuối chân mây là bóng bể vì sinh viên tốt nghiệp vẫn không tìm ra việc để trả nợ học phí.

Họ học không đúng nghề mà thị trường trông đợi.

Đấy là lý do giải thích vì sao các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa đang cần ba triệu việc làm khá chuyên môn vì đòi hỏi kiến thức về khoa học, thuật lý (technology), vật lý và toán học. Trong khi ấy vẫn có 8% dân số lao động bị thất nghiệp và phân nửa những người trẻ được đào tạo theo kiểu khác, kiểu cũ.


***


Sau ba chục năm hồ hởi vì tiền rẻ và nhiều nên đi vay dễ dàng và chất lên một núi nợ, Hoa Kỳ đang chật vật trả nợ nên một nạn suy trầm nhỏ đã kéo dài hơn một hạn kỳ thông thường là quanh quẩn trong một năm. Nạn Tổng suy trầm 2008-2009 đã gieo họa thất nghiệp cho cả xã hội và sẽ dẫn đến hiện tượng "Tổng thất nghiệp" của thế hệ trẻ vì khả năng nhân dụng không phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Mười năm sau khi hồ hởi nói về cuộc cách mạng tín học Ai Ti, và kinh tế tri thức, "knowledge economy", người ta giật mình nhìn ra một vực thẳm còn sâu hơn cái hố ngân sách "fiscal cliff" đang được truyền thông và các chính khách bàn tán.

Những người lạc quan thì nói đến kết quả thần diệu của khoa học kỹ thuật Hoa Kỳ là năng suất: khu vực chế biến cần ít người hơn mà sản xuất nhiều phẩm vật hơn, và hơn hẳn các nước khác. Người bi quan thì nhìn vào một thế hệ đã thành tài mà chưa thành người có khả năng sản xuất tương ứng với yêu cầu mới. May là thế hệ này còn có phim ảnh để giải trí!

"Chưa Thấy Quan Tài Chưa Đổ Lệ" là cuốn phim họ chưa được xem.

Thứ Sáu, tháng 11 23, 2012

Thắng Bại Trên Dải Gaza



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 121122

Hãy Tạm Ngưng Bắn - Cho Đến Trận Sau....


* Quả bom nổ chậm Palestine *



Sau một tuần đấu pháo, Chính quyền Israel của dân Do Thái và Lực lượng Hamas của dân Palestine trên Dải Gaza đã đạt một thỏa thuận ngưng bắn do Chính quyền Ai Cập của Tổng thống Mohamed Morsi dàn xếp. Thế giới thở phào nhẹ nhõm và dân Mỹ hoan hỷ mừng Lễ Tạ Ơn. Nhưng được bao lâu?

Đúng bốn năm trước, cũng trong mùa bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, giao tranh đã bùng nổ trên Dải Gaza hôm mùng bốn Tháng 11, khi dân Mỹ đi bỏ phiếu. Chiến sự kéo dài nhiều tháng trước khi tạm lắng nhờ một giải pháp ngưng bắn cũng do một Tổng thống Ai Cập dàn xếp, ông Hosni Mubarak. Người ta có cảm giác như xem lại một cuốn phim cũ. Nhưng sự thể ngày nay đã khác xưa....


***


"Quốc gia Palestine" chỉ có trên hình thức. Dù được Liên hiệp quốc công nhận, Chính quyền Quốc gia Palestine (Palestinian National Authority) của Tổng thống Mahmoud Abbas không có thực quyền mà chỉ kiểm soát được khu vực gọi là Tây ngạn sông Jordan, cứ hay bị dịch là West Bank, hay Tây ngạn.

Thoát thai từ đảng Fatah và tổ chức Giải phóng Palestine PLO, chính quyền Abbas chủ trương hòa giải và sống chung với quốc gia Israel. Cũng vì vậy mà bị lực lượng Hamas tấn công – trong nghĩa bóng lẫn nghĩa đen - từ Dải Gaza để giành quyền lãnh đạo toàn thể mọi người Á Rập Hồi giáo trên đất Palestine. Không chấp nhận sống chung và chủ trương tiêu diệt Israel, quân khủng bố Hamas lại được khối Hồi giáo cực đoan yểm trợ, từ lực lượng Hezbollah tại Lebanon đến chế độ độc tài Syria và Cộng hoà Hồi giáo Iran.

Việc Iran cung cấp hỏa tiễn tầm xa (loại Fajr-3 và Fajr-5) cho quân Hamas qua ngả Sudan khiến Chính quyền Israel của Thủ tướng Binyamin Netanyahu phải ra tay, lần đầu là khi đánh kho đạn Yarmouk tại thủ đô Khartoum vào ngày 23 Tháng 10. Tiếp theo là việc hạ sát Hamed Jabari, tư lệnh lữ đoàn võ trang Izz al-Deen al-Qassam Brigade của Hamas vào ngày 14 Tháng 11 và công trình sư của kế hoạch trang bị hỏa tiễn Fajr của Iran cho Hamas. 

Biến cố thứ hai này châm ngòi cho một tuần đấu pháo giữa đôi bên.

Từ các khu dân cư đông đúc trên Dải Gaza, quân Hamas phóng hỏa tiễn vào Tel Aviv và Jerusalem. Quân đội Israel chống trả và chuẩn bị đưa bộ binh vào Dải Gaza, cho tới khi Ai Cập đề nghị giải pháp ngưng bắn giữa đôi bên với hậu thuẫn của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. Một ngày sau, lệnh ngưng bắn có vẻ được tôn trọng nên mọi người vui mừng.

Vui nhất là lực lượng Hamas.

Dùng dân làm bia để khiêu khích Israel bằng hỏa tiễn tầm xa của Iran, Hamas thành vô địch hoàn vũ chống Do Thái, xứng danh lãnh tụ đích thực của dân Palestine, và cho Chính quyền của Tổng thống Mahmoud Abbas ngồi chơi xơi nước tại Tây ngạn. Chuyện một quốc gia Palestine thống nhất và tồn tại song song cùng quốc gia Israel trở thành hài kịch khác của quốc tế và Liên hiệp quốc: từ nay về sau, các nước có muốn tìm giải pháp nào cho hồ sơ Palestine thì phải nói chuyện với lực lượng Hamas, cho đến nay vẫn bị coi là quân khủng bố.

Vui không kém là Chính quyền Ai Cập của Tổng thống Morsi.

Là một lãnh tụ của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo Muslim Brotherhood (MB) đã đắc cử Tổng thống sau khi Hosni Mubarak bị Mùa Xuân Á Rập lật đổ, Mohamed Morsi trở thành đối tác khả tín của Hoa Kỳ và Israel. Ai Cập vẫn được Mỹ viện trợ để duy trì sự hợp tác với Israel và góp phần ổn định khu vực Trung Đông và lại có tư thế còn cao hơn Turkey hay Saudi Arabia với thế giới Hồi giáo.

Trong khi Tổng thống Morsi dàn xếp một giải pháp tạm bợ cho vụ xung đột thì một lãnh tụ khác của tổ chức MB lại nói nước đôi: đả kích giải pháp ngưng bắn để bênh vực Hamas. Dư luận Hoa Kỳ thường quên bẵng rằng lực lượng Hamas có xuất xứ về ý thức hệ và tổ chức là phong trào Huynh đệ Hồi giáo MB này. Morsi thủ vai ông Thiện để bảo vệ quyền lợi Ai Cập như một cường quốc Hồi giáo, tổ chức MB của ông giữ vai ông Ác để vừa lấy lòng dân Á Rập Hồi giáo, vừa mặc cả thêm với Mỹ. Bên trong, Morsi đã lại thừa thắng nhờ vụ Gaza mà tự ban thêm nhiều quyền hạn "hiến định" khác.

Mở cờ trong bụng là Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Đang công du Á châu để nhấn mạnh đến chánh sách "chuyển trục về Đông Á", Obama gửi Ngoại trưởng Clinton về gỡ một ngòi nổ ở Trung Đông và nhân đó khỏa lấp những nghi vấn về vụ tàn sát Benghazi tại Libya. Hoa Kỳ quả là vẫn còn thế giá và ảnh hưởng tại Trung Đông, bất chấp những gì đang xảy ra tại Syria, hay bàn tay hắc ám của Iran trong khu vực. Sau khi tái đắc cử, Obama vừa đạt thêm một thành quả về đối ngoại.

Thắng lợi vẻ vang không kém phải vào tay Thủ tướng Netanyahu.

Ngày 22 Tháng Giêng năm tới, Israel sẽ có bầu cử, đảng Likud của Netanyahu vừa chứng minh sự quả cảm và có hy vọng thắng cử để lập một nội các thuần nhất và vững mạnh hơn. Vụ tấn công cho các nước đồng minh của Israel thấy mối nguy đằng sau lực lượng Hamas chính là Iran - Tổng thống Shimon Peres, một lãnh tụ ôn hòa của đảng đối lập, có nhắc đến vai trò này của Iran. Khi chấp nhận đề nghị ngưng bắn của Ai Cập, Netanyahu còn cải thiện được quan hệ khá căng thẳng với Tổng thống mới tái đắc cử tại Hoa Kỳ và bày tỏ nét ôn hòa hơn là chủ chiến.

Nhưng sự đời trên dải Gaza không thể nào vạn phần tốt đẹp như vậy.

Từ khi lập quốc vào năm 1948 đến nay, Israel gặp một mối nguy sinh tử chưa từng có từ miền Nam, từ Dải Gaza. Đây là nơi tập trung gần hai triệu dân Palestine trong các khu phố đông đúc, nghèo nàn và không có tài nguyên mà thừa thanh niên thất nghiệp. Đây cũng là nơi xuất phát hỏa tiễn tầm xa có thể đe dọa toàn thể lãnh thổ Israel. Mỗi khi chống đỡ hay trả đòn pháo kích mà gây tổn thất cho thường dân Palestine thì Israel lại bị thế giới lên án. Và ngoài lực lượng Hamas, không thiếu gì nhóm đặc công khủng bố sẵn sàng chơi bạo để lấy tiếng.

Đằng sau tất cả là các Giáo chủ Iran, với kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. Nếu Hoa Kỳ và thế giới không thể giải quyết mối đe dọa đến từ Iran, Israel sẽ phải đón bắt nhiều ám khí hung hiểm hơn. Chỉ cần một lần hụt tay là có thể tiêu vong.

Cho nên, những hồ hởi về giải pháp ngưng bắn vừa qua chỉ là tiếng vỗ tay khi màn hạ. Trước khi mở màn cho một bi kịch khác.


Thứ Tư, tháng 11 21, 2012

Thương thuyết với Trung Quốc

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 121121

Từ "lăng trì" tới "kỵ mã không đầu" - những xảo thuật đàm phán của Trung Quốc


* AFP photo - Dàn nhân sự mới trong Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, từ trái sang phải: Trương Cao Lệ, Lý Vân Sơn, Trương Ðức Giang, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Du Chí Thanh và Vương Kỳ Sơn tại Ðại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 15/11/2012. *


Sau cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ và sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Hoa, dư luận quốc tế chú ý đến thay đổi nhân sự cấp cao của hai quốc gia có nền kinh tế đứng đầu thế giới. Trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, nhân sự phụ trách việc đối thoại và đàm phán cũng sẽ là một lớp người mới. Nhân dịp này, mục Diễn Đàn Kinh Tế sẽ tìm hiểu về nghệ thuật thương thuyết của Trung Quốc, nhìn từ giác độ của Hoa Kỳ. Vũ Hoàng trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về khía cạnh lý thú này.


Vũ Hoàng: - Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, sau cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, có ba nhân vật sẽ không tham gia nội các trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama. Đó là Ngoại trưởng Hillary Clinton, Tổng trưởng Bộ Ngân khố, tức là Bộ Tài chính, là ông Timothy Geithner và ông Đại sứ Thương mại Ron Kirk. Đấy cũng là các nhân vật phụ trách thương thuyết với Trung Quốc trong khuôn khổ của cuộc "Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế" đã được ấn định từ lâu và mỗi khi có tranh chấp về mậu dịch giữa hai nước.

Cũng vậy, sau Đại hội khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Hoa, nhân sự phụ trách việc đối thoại với Hoa Kỳ sẽ có thay đổi. Đó là Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn, nay vào Thường vụ Bộ Chính trị làm Thư ký, tức là Trưởng ban, của Ban Kỷ luật và Kiểm tra Trung ương, hay Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc, hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là Chu Tiểu Xuyên và Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh, kỳ này không còn ở trong Trung ương đảng nên chắc hẳn cũng sẽ ra đi sau khóa họp đầu năm tới của Quốc hội Trung Quốc.

Vì quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất địa cầu có chi phối nhiều xứ khác nên các thị trường tài chính đều chú ý đến lớp người sẽ đảm nhiệm việc đối thoại và thương thảo giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ đầu năm tới. Cũng nhân dịp này, chúng tôi xin ông trình bày cho nghệ thuật thương thuyết của Trung Quốc nhìn từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ. Ông nghĩ sao về đề nghị ấy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng đây là một đề tài lý thú và bổ ích cho nhiều người, kể cả và nhất là người Việt!

- Về bối cảnh thì từ chuyến Hoa du của Tổng thống Richard Nixon vào đầu năm 1972, quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong 40 năm và có thể là qua ba đợt thương thảo. Thứ nhất là gần 10 năm đàm phán việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và phương thức giải quyết hồ sơ Đài Loan. Thứ nhì là sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế từ đầu năm 1979 là đợt thương thuyết của doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào khu vực chế biến của công nghiệp Trung Quốc dưới hình thức liên doanh. Thứ ba và gần đây hơn cả là đợt thương thuyết giấy phép kinh doanh trong khu vực dịch vụ của thị trường Hoa lục, vốn dĩ vẫn còn bị kiểm soát và hạn chế với doanh nghiệp ngoại quốc.

- Là một xứ dân chủ, có tự do thông tin và óc cầu tiến, Hoa Kỳ công khai hóa mọi kinh nghiệm, kể cả đợt thương thuyết đầu tiên về sau đã được giải mật và diễn tiến được in thành sách để ai muốn học hỏi về ngoại giao đều biết về cách thương thuyết với Trung Quốc. Trên doanh trường, các luật sư hay chuyên gia về đàm phán cũng công khai trao đổi kinh nghiệm với nhau, cho nên mình có thể tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật. Ngày xưa, tôi còn có cơ hội làm việc với một nhà ngoại giao đã từng tham dự đợt thương thuyết đầu tiên nên cũng rút tỉa được một số bài học.

 

Khi đối tác cũng là đối thủ 


000_Was3654040-250.jpg

Tổng thống Mỹ Barack Obama nâng ly cùng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong một bữa ăn tối tại Nhà Trắng hôm 19/1/2011. AFP photo  


Vũ Hoàng: Như vậy chúng ta có thể khởi sự từ một số bài học mà ông cho là cơ bản nhất.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung, dân tộc nào cũng có nền văn hóa đặc thù và nếp văn hóa đó chi phối phương thức đối thoại để đạt mục tiêu gọi là tối hảo của mình. Trung Quốc cũng thế, nhưng lại khác với nhiều nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay các nước Âu Châu, hoặc Do Thái.

- Cái khác ở đây là nền văn hóa duy chủng vì coi Hán tộc là nhất, và tự tôn vì tin rằng Trung Hoa là trung tâm thể giới và duy nhất chẳng giống ai. Trong thực tế thì họ đang học các nước tiên tiến để xây dựng nền móng pháp luật theo kịp quy phạm của thế giới văn minh, chứ cũng chẳng khác gì các nước kia, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ năm 2001. Nhưng họ vẫn làm bộ là mình khác thiên hạ và khoa trương nét văn hóa đó để đòi phần hơn.

- Cái khác thứ hai là mặc cảm tự ti, sợ bị khinh thường. Họ coi sĩ diện là quan trọng, thậm chí có khi còn quan trọng hơn cả quyền lợi kinh doanh. Cái khác thứ ba là tinh thần ăn vạ thiên hạ về hơn 150 năm lạc hậu nên mở đầu mọi cuộc thương thuyết đều dài dòng nói về chính nghĩa của Trung Quốc và trách nhiệm của thế giới về mọi tai ương của họ. Với họ, đối tác cũng là đối thủ.

- Cũng từ đó, họ có khái niệm khác thiên hạ về chữ "tín", trong tinh thần là sẵn sàng bội tín vì đấy là lý do trả thù mà họ cho là chính đáng vì đã từng bị liệt cường ức hiếp và nay mới bắt đầu công nghiệp hóa nên phải có sự biệt đãi đề đền bù.

Vũ Hoàng: Thế giới thường ca tụng người Hoa là trọng tín nghĩa mà ngay từ đầu ông đã nói đến một nét văn hóa "bội tín", thế là thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng ta nói về Trung Quốc như một tập thể chính trị và kinh tế đang tập trung quyền lực vào trong tay một thiểu số chứ không nói về người Hoa trên doanh trường của nền kinh tế tự do. Mà sự khác biệt này thật ra rất quan trọng.

- Tôi xin trình bày tiếp, nét văn hóa đặc thù của xứ này cũng dẫn đến một khác biệt quan trọng. Hoa Kỳ có nền văn hoá "trọng pháp", coi pháp luật và các văn kiện pháp lý là nền tảng của quyết định, Trung Quốc lại coi quan hệ nhân sự mới là then chốt và tin rằng việc xây dựng quan hệ ấy có thể giải quyết được nhiều mâu thuẫn.

- Mà "xây dựng quan hệ" cũng có thể hàm nghĩa tranh thủ hoặc mua chuộc vì trong việc thương thuyết, họ tìm cách gây cảm tình, phân hóa hoặc cấy vào hàng ngũ đối phương những người có lập trường hòa giải hoặc nhượng bộ. Tôi xin được gọi loại người thân hữu đó là "Lỗ Túc" như nhân vật Lỗ Túc của phe Đông Ngô trong truyện dã sử Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa bị Khổng Minh vận dụng mà không hay. Truyền thông và doanh giới Mỹ có nhiều nhân vật thủ vai Lỗ Túc cho Bắc Kinh và sẵn sàng nêu quan điểm có lợi cho Trung Quốc trước và trong khi đàm phán.

- Sau khi nói về đại thể xuất phát từ nền văn hóa nhiều mặc cảm và hệ thống chính trị thừa độc tài quỷ quyệt, ta mới nói chuyện cụ thể, về nghệ thuật hay thủ thuật đàm phán của Trung Quốc.

 

"Thủ thuật" thương thuyết 


000_Hkg8036733-250.jpg

Tổng thống Mỹ Barack Obama (T) trong một cuộc họp với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (P) bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á tại Phnom Penh vào ngày 20/11/2012. AFP photo


Vũ Hoàng: Ta bắt đầu đi vào chi tiết về cái nghệ thuật này, ông thấy nét gì là đáng chú ý nhất?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ cấp chiến lược là phải giành phần thắng mà bất kể tới lương thức phổ thông của các nước, chúng ta mới đi vào phần chiến thuật là các thủ đoạn thương thuyết. Trước hết là khái niệm về thời gian mà tôi xin gọi là "ngày Giời tháng Phật" dễ nhớ.

- Nhà thương thuyết Trung Quốc có tinh thần "trường kỳ kháng chiến" và không tự đặt ra hạn kỳ  hoàn tất một hiệp ước ngoại giao hay hợp đồng kinh doanh như nhiều xứ khác, nhất là Hoa Kỳ là một xứ cứ hai năm, bốn năm và sáu năm là lại có bầu cử nên cần chú ý đến thành quả ngắn hạn. Với tinh thần ấy, Trung Quốc có thể kéo dàic đàm phán để làm tiêu hao sự kiên nhẫn của đối thủ trên bàn đàm phán hay bên tiệc rượu có cả chục món kỳ trân. Thí dụ như sau khi nêu hết vấn đề này thì họ nêu vấn đề khác trong một chuỗi bàn luận, thoả thuận rồi phủ nhận và đòi bàn lại.

- Thủ đoạn cao điệu hơn vậy là chính họ lại đề nghị một kỳ hạn hoàn tất, ví dụ như một lễ ký kết long trọng với giới chức cao cấp của đôi bên trước Tết năm nay chẳng hạn, để làm đối phương sốt ruột mà đành nhượng bộ cho kịp. Chứ chính họ lại chẳng coi kỳ hạn hay lễ ký kết này là quan trọng và thực tế thì sau khi bản hợp đồng được ký kết thì đấy mới là lúc họ thương thuyết việc áp dụng!

- Thứ nhì là thủ thuật mà giới thương thuyết Mỹ gọi là "lăng trì", tức là xẻo thịt từng miếng. Nói cho dễ hiểu thì khi được đề nghị bản sơ thảo của một giao kèo hoàn chỉnh có cả trăm điều khoản thì hôm nay họ nêu vấn đề bất ngờ về một số điều này, ngày mai họ cãi rất hăng về một số khoản khác để đòi thay đổi. Cứ thế mà họ đưa ra hết chuyện này đến chuyện khác như muốn chẻ sợi tóc làm tư mà bất kể tới những thoả thuận đã đồng ý trước đó. Những gì đã nhượng bộ thì trở thành thắng lợi của Trung Quốc, những gì chưa nhượng bộ thì đàm phán lại. Giới thương thuyết Mỹ có cảm giác như bị lăng trì và nếu mệt mỏi và mất kiên nhẫn thì thua.

Vũ Hoàng: Thí dụ của ông quả là thú vị vì cho thấy chính người Mỹ cũng nói đến chuyện bị lóc thịt khi thương thuyết với Trung Quốc! Ngoài ra, họ còn nhìn ra thủ thuật nào khác nữa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một thủ đoạn thứ ba được các chuyên gia thương thuyết Mỹ gọi là "kỵ mã không đầu". Đó là khi trưởng đoàn thương thuyết bảo rằng mình vô thẩm quyền mà phải xin ý kiến của ai khác, cấp trên ở trong đảng hoặc cơ quan chuyên môn nào đó. Sau một giai đoạn đàm phán nhiêu khê, họ có thể lấy đó làm lý do để đòi thương thuyết lại từ đầu!

- Một thủ đoạn thứ tư là giữa cuộc thương thuyết, có khi họ nêu ra giả thuyết vu vơ hoang tưởng, thí dụ như nếu trời xập hoặc trái đất ngừng quay thì làm sao? Giả thuyết ấy khiến người ta phải điều chỉnh hoặc thương thuyết lại bản hợp đồng. Cái ảo diệu trong kỹ thuật này là không bao giờ họ nêu ra chi tiết cần điều chỉnh trong một chuỗi giả thuyết phi lý mà chỉ muốn đối thủ bị lạc hướng và tỏ lộ nhược điểm của mình khi phải phản ứng về những chuyện không thể nào xảy ra.

- Một thủ đoạn thứ năm là khi đàm phán, họ vẫn khẳng định rằng Trung Quốc là ngoại lệ nên không thể áp dụng thông thuật hay án lệ như với các nước khác. Dù đấy không là sự thật vì Trung Quốc chỉ là cóp nhặt luật lệ các nước tiên tiến, lối ăn nói này cho phép họ tìm thế thượng phong. Thí dụ như trong một dự án liên doanh, đối tác nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc vì luật lệ của Trung Quốc quy định như vậy. Mục đích chỉ là ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và sau khi nắm được bí quyết thì hủy bỏ liên doanh để gọi là tự túc tự cường! Nói cho cùng thì Trung Quốc quả là một ngoại lệ khi mà đảng, nhà nước, toà án và các doanh nghiệp bao che và bảo vệ lẫn nhau trong từng bước khai tác việc hợp tác với nước ngoài.

Vũ Hoàng: Thưa ông, nếu phải qua một chặng có năm quan ải hiểm trở như vậy thì làm sao nước ngoài có thể thành công trong việc hợp tác? Thực tế là từ hai chục năm qua Trung Quốc đã có sự hợp tác với nước ngoài thì mới có sức phát triển ngoạn mục như vậy. Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ Hoa Kỳ và các nước đều biết cả và nhất là biết lắc đầu, rời bàn thương thuyết lấy máy bay ra về chứ không chèo kéo và mắc bẫy trong cái mê cung của văn hóa kinh doanh với màu sắc Trung Quốc. 

- Quan trọng nhất, giới thương thuyết Hoa Kỳ cũng biết tới thủ thuật thứ sáu là sau khi ký kết hợp đồng thì đấy mới là lúc thương thuyết thật. Họ gọi đó là "sự trả thù là một món nên ăn nguội", theo một thành ngữ Pháp. Tức là sau khi đã có hợp đồng, phía Trung Quốc mới viện dẫn điều này hay khoản nọ để đòi áp dụng khác vì nghĩ là họ đã thua một cách oan uổng, bất công. Họ đòi trả thù và coi đó là chuyện sĩ diện hay quốc thể. Nhưng chính là thái độ quá quắt ấy lại khiến họ bị lầm lẫn về thực và hư, về điểm và diện, và bị tác dụng ngược, tức là bị thiệt thòi quyền lợi rồi sau đó mới tri hô là bị tư bản bóc lột.

- Kết luận ở đây là ưu thế của việc công khai hóa mọi chuyện khiến thế giới thu thập thông tin và hiểu ra kinh nghiệm ứng xử từ khi thương thuyết đến khi hợp tác - và Trung Quốc đang cần sự hợp tác đó.

Vũ Hoàng: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi ly kỳ này.

Thứ Ba, tháng 11 20, 2012

Nắng Mưa Là Bệnh Của Trời



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 121119
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Chiến Tranh Là Nghiệp Bên Đời Gaza!

 * Chiến sự trên Dải Gaza - pháo kích như pháo bông *



Bốn năm trước, hôm Thứ ba mùng bốn Tháng 11 năm 2008, khi cử tri Hoa Kỳ đi bầu lên một vị tổng thống mới thì chiến xa và pháo binh của Chính quyền Israel mở đường vào Dải Gaza. Theo sau là đoàn xe ủi có nhiệm vụ san bằng mạng lưới hầm hố mà lực lượng Hamas sử dụng để đưa võ khí - hỏa tiễn và súng cối – vào tấn công lãnh thổ Do Thái. Giải pháp tạm hưu chiến do Chính quyền Ai Cập của Tổng thống Hosni Mubarak dàn xếp giữa Israel và lực lượng Hamas của dân Palestine coi như tan vỡ....

"Đến hẹn lại lên", bốn năm sau, chuyện xung đột lại tái diễn, như một bản luân vũ khét lẹt. Thật ra, mọi chuyện bùng nổ sớm hơn, và rắc rối hơn.


***


Đêm 23 Tháng 10 năm nay, 10 ngày trước tổng tuyển cử Hoa Kỳ, dư luận Mỹ không để ý đến một mẩu tin lạc lõng: Kho đạn Yarmouk của xứ Sudan tại thủ đô Khartoum bị không quân Israel tấn công. Quá chú ý đến các cuộc tranh luận trong vụ bầu cử tổng thống Mỹ, người ta ít biết là quân đội Iran sử dụng kho đạn Yarmouk này để cất giấu và ráp chế hỏa tiễn chống phi cơ, chiến xa, và cả loại hỏa tiễn có tầm xa là Farj-3 và Farj-5, nhằm chuyển qua cho lực lượng Hamas sử dụng để từ Dải Gaza pháo kích vào Tel Aviv và Jerusalem của dân Do Thái.

Vì vậy, Chính quyền Israel của Thủ tướng Binyamin Netanyahu mới tiên hạ thủ.

Từ đã lâu, hai năm về trước rồi, tình báo Do Thái đã chuẩn bị dư luận qua những tiết lộ về việc Iran đưa võ khí cho quân Hamas nên việc tấn công dải Gaza là một điều cần thiết. Không tin rằng Israel đã biết về sự hiện hữu của hỏa tiễn, khi ấy lực lượng Hams trả đũa bằng súng cối mà vẫn cố giấu bửu bối Farj-5 cho đến khi viên tư lệnh quân sự Ahmad Jabari bị hạ sát hôm 14 vừa qua. Jabari là người thực hiện dự án hỏa tiễn Farj cho Hamas.

Khi sự việc vỡ lở thì lực lượng Hamas tung hết vốn liếng của Iran vào cuộc, phóng hỏa tiễn vào Tel Aviv. Israel ra lệnh trưng binh để chuẩn bị trận địa chiến. Mục tiêu là Dải Gaza – hoặc còn xa hơn thế....

Chúng ta vừa liếc qua một xâu liên hoàn của thời sự quốc tế: Israel, kho đạn Sudan, lực lượng Hamas, hỏa tiễn Iran, Ai Cập (Egypt) và Hoa Kỳ sau bầu cử. Bốn năm lại có một lần hay sao?


***


Bốn năm trước, Chính quyền Israel mở Chiến dịch "Cast Lead" kéo dài đến tận 2009. Lần này là Chiến dịch "Pillar of Defense" - chưa biết đến khi nào mới hoàn tất, trong khi ngần ấy phe can dự đều nói đến chuyện đánh đàm trên Dải Gaza. Điệp khúc âm u nhàm chán như một cái nghiệp.

Bốn năm trước, lực lượng Hamas gặt hái thành quả của bầu cử năm 2005, trở thành mũi xung kích của dân Palestine và muốn đánh bạt ảnh hưởng của Chính quyền Quốc gia Palestine PNA của lực lượng Fatah, bị kết tội là thỏa hiệp với dân Do Thái. Căn cứ địa của Hamas là Dải Gaza ở vùng ven biển và giáp giới với Egypt, trong khi lực lượng Fatah cố bảo vệ khu vực của mình Tây ngạn sông Jordan (West Bank).

Tức là dân Palestine có hai đầu chiến hòa, đã từng cắn nhau đến toé máu.

Đằng sau phe Hamas, được quốc tế coi là tổ chức khủng bố, còn có lực lượng Hezbollah tại xứ Lebanon giáp ranh với quốc gia Israel. Phối hợp nhịp nhàng, khi Hamas nhúc nhích từ Dải Gaza thì Hezbollah tấn công từ lãnh thổ Lebanon ở phía Bắc. Đằng sau Hamas và Hezbollah có xứ Syria, một đầu cầu tiếp vận võ khí, tiền bạc và nhân lực để dùng hồ sơ Palestine làm lý cớ khuấy động cả khu vực Trung Đông. Đằng sau Syria là các giáo chủ Iran, theo hệ phái Shia.

Ở bên kia chiến hào, và bên cạnh Israel, là xứ Ai Cập của Hosni Mubarak, là xứ Jordan của một Quốc vương dòng Hashemite và Vương quốc Saudi Arabia cùng các tiểu vương quốc Hồi giáo trong Vùng Vịnh Ba Tư. Rất ồn ào bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân Palestine, các quốc gia này thật ra không muốn lực lượng Hamas bung khỏi Dải Gaza do sự hà hơi tiếp sức của Syria và Iran. Nhưng càng muốn dàn xếp một giải pháp ôn hòa với Israel, họ càng bị Iran tố cáo là không bảo vệ quyền lợi của dân Hồi giáo. Hoặc là tay sai của Mỹ!

Các giáo chủ Iran đã củng cố được ảnh hưởng của mình tại Iraq và thọc tới miền Tây của xứ Afghanistan, lại còn muốn bành trướng vào miền Nam Lebanon qua lực lượng Hezbollah, và thường xuyên tiếp vận cho Hamas để gây khó cho Israel  - và Hoa Kỳ.

Bốn năm sau, là ngày nay, tình hình đã đổi khác – mà giống như xưa!


***


Tình hình đổi khác vì Ai Cập đổi chủ nhờ "Mùa Xuân Á Rập".

Ngày nay, lãnh đạo xứ này là lực lượng Huynh đệ Hồi giáo MB, từ nguyên thủy đã là nguồn tiếp sức về cả lý luận lẫn võ khí cho Hamas. Khi bất ổn lan rộng tại Syria, phe Hamas có thể trông cậy vào hậu cứ mới là lực lượng MB để tạo ra sự đã rồi. Bên trong lực lượng nay đang cầm quyền tại Ai Cập, mâu thuẫn đã manh nha. Một số lãnh tụ coi trọng ý thức hệ thì chủ trương yểm trợ Hamas và bành trướng ảnh hưởng trong thế giới Á Rập Hồi giáo. Một số khác thì nghĩ đến quyền lợi của Ai Cập, một cường quốc cấp khu vực và không muốn Dải Gaza trở thành một u bướu ung thư lan rộng vào lãnh thổ của mình.

Tình hình còn đổi khác vì khủng hoảng tại Syria.

Với mọi chứng tật hiển nhiên của một chế độ độc tài, Chính quyền Bashar al Assad là mối lo mà Israel có thể xử trí được vì dù sao chế độ al Assad còn chi phối được lực lượng Hamas. Khi chế độ al Assad rung chuyển và có thể bị lật đổ, Syria sẽ thành vùng oanh kích tự do của mọi lực lượng khủng bố Hồi giáo, như người ta có thể đã thấy tại Libya. Với chính quyền Israel, đây là mối nguy sinh tử.

Khi Iran tiếp tục kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm để bắt bí thiên hạ, lại muốn tăng cường sức mạnh vào Syria và Lebanon, thì Chính quyền Israel hết đất lùi. Họ càng khó lùi vì cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ đều rối trí vì các hồ sơ nội bộ nên thả nổi chuyện Syria và không thể cản được Iran.

Sau kinh nghiệm đắng chát tại Libya – và vụ Benghazi còn nóng hổi trên chính trường Mỹ – Hoa Kỳ không muốn bị lôi vào chiến sự Trung Đông qua ngả Syria. Nên lặng lẽ bán cái cho các cường quốc Hồi giáo khác, như Ai Cập, Turkey hay Saudi Arabia.

Chính quyền Ai Cập của lực lượng MB thì cân nhắc giữa mối lợi của viện trợ Mỹ với uy tín trong thế giới Á Rập Hồi giáo. Chính quyền Turkey không muốn khủng hoảng Syria lan rộng và chẳng thể dàn xếp một giải pháp hòa giải giữa Hamas và Israel, nên đung đưa ở giữa. Không để bị mang tiếng dây với hủi vì bênh vực Hamas mà cũng không thể bị kết án là thân cận với Israel. Saudi Arabia còn khổ tâm gấp bội: sự bành trướng của cả lực lượng MB tại Ai Cập lẫn Iran khiến Hoàng gia Saudi lâm thế kẹt. Bênh vực dân Palestine, dù chỉ tượng trưng, là ủng hộ xu hướng cực đoan theo kiểu Hamas... Lợi bất cập hại!



***


Tình hình có vẻ đổi khác mà thật ra vẫn giống như xưa.

Được trang bị hỏa tiễn tầm xa của Iran, lực lượng Hamas đang biểu dương giải pháp cực đoan trước thái độ ôn hòa của Chính quyền Quốc gia Palestine của lực lượng Fatah. Sau khi khấn vái  tứ phương mà không có giải pháp cho Trung Đông hay với thế giới Hồi giáo, Chính quyền Barack Obama đành công nhận rằng Israel có quyền tự vệ chính đáng khi tấn công vào Dải Gaza.

Và như mọi cường quốc khác, lại kêu gọi hòa đàm....

Việc đàm phán chỉ có kết quả nếu Hamas nhận đưa hỏa tiễn của Iran vào bàn thương thảo, tức là chấp nhận quyền tồn tại của dân Á Rập trên đất Palestine và của Chính quyền Israel của dân Do Thái. Rất tiếc là đề tài này lại không có trong các cuộc tranh luận của bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. 

Nên thời sự vẫn nháng lửa với cái nghiệp chiến chinh trên Dải Gaza...