Thứ Ba, tháng 11 20, 2012

Nắng Mưa Là Bệnh Của Trời



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 121119
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Chiến Tranh Là Nghiệp Bên Đời Gaza!

 * Chiến sự trên Dải Gaza - pháo kích như pháo bông *



Bốn năm trước, hôm Thứ ba mùng bốn Tháng 11 năm 2008, khi cử tri Hoa Kỳ đi bầu lên một vị tổng thống mới thì chiến xa và pháo binh của Chính quyền Israel mở đường vào Dải Gaza. Theo sau là đoàn xe ủi có nhiệm vụ san bằng mạng lưới hầm hố mà lực lượng Hamas sử dụng để đưa võ khí - hỏa tiễn và súng cối – vào tấn công lãnh thổ Do Thái. Giải pháp tạm hưu chiến do Chính quyền Ai Cập của Tổng thống Hosni Mubarak dàn xếp giữa Israel và lực lượng Hamas của dân Palestine coi như tan vỡ....

"Đến hẹn lại lên", bốn năm sau, chuyện xung đột lại tái diễn, như một bản luân vũ khét lẹt. Thật ra, mọi chuyện bùng nổ sớm hơn, và rắc rối hơn.


***


Đêm 23 Tháng 10 năm nay, 10 ngày trước tổng tuyển cử Hoa Kỳ, dư luận Mỹ không để ý đến một mẩu tin lạc lõng: Kho đạn Yarmouk của xứ Sudan tại thủ đô Khartoum bị không quân Israel tấn công. Quá chú ý đến các cuộc tranh luận trong vụ bầu cử tổng thống Mỹ, người ta ít biết là quân đội Iran sử dụng kho đạn Yarmouk này để cất giấu và ráp chế hỏa tiễn chống phi cơ, chiến xa, và cả loại hỏa tiễn có tầm xa là Farj-3 và Farj-5, nhằm chuyển qua cho lực lượng Hamas sử dụng để từ Dải Gaza pháo kích vào Tel Aviv và Jerusalem của dân Do Thái.

Vì vậy, Chính quyền Israel của Thủ tướng Binyamin Netanyahu mới tiên hạ thủ.

Từ đã lâu, hai năm về trước rồi, tình báo Do Thái đã chuẩn bị dư luận qua những tiết lộ về việc Iran đưa võ khí cho quân Hamas nên việc tấn công dải Gaza là một điều cần thiết. Không tin rằng Israel đã biết về sự hiện hữu của hỏa tiễn, khi ấy lực lượng Hams trả đũa bằng súng cối mà vẫn cố giấu bửu bối Farj-5 cho đến khi viên tư lệnh quân sự Ahmad Jabari bị hạ sát hôm 14 vừa qua. Jabari là người thực hiện dự án hỏa tiễn Farj cho Hamas.

Khi sự việc vỡ lở thì lực lượng Hamas tung hết vốn liếng của Iran vào cuộc, phóng hỏa tiễn vào Tel Aviv. Israel ra lệnh trưng binh để chuẩn bị trận địa chiến. Mục tiêu là Dải Gaza – hoặc còn xa hơn thế....

Chúng ta vừa liếc qua một xâu liên hoàn của thời sự quốc tế: Israel, kho đạn Sudan, lực lượng Hamas, hỏa tiễn Iran, Ai Cập (Egypt) và Hoa Kỳ sau bầu cử. Bốn năm lại có một lần hay sao?


***


Bốn năm trước, Chính quyền Israel mở Chiến dịch "Cast Lead" kéo dài đến tận 2009. Lần này là Chiến dịch "Pillar of Defense" - chưa biết đến khi nào mới hoàn tất, trong khi ngần ấy phe can dự đều nói đến chuyện đánh đàm trên Dải Gaza. Điệp khúc âm u nhàm chán như một cái nghiệp.

Bốn năm trước, lực lượng Hamas gặt hái thành quả của bầu cử năm 2005, trở thành mũi xung kích của dân Palestine và muốn đánh bạt ảnh hưởng của Chính quyền Quốc gia Palestine PNA của lực lượng Fatah, bị kết tội là thỏa hiệp với dân Do Thái. Căn cứ địa của Hamas là Dải Gaza ở vùng ven biển và giáp giới với Egypt, trong khi lực lượng Fatah cố bảo vệ khu vực của mình Tây ngạn sông Jordan (West Bank).

Tức là dân Palestine có hai đầu chiến hòa, đã từng cắn nhau đến toé máu.

Đằng sau phe Hamas, được quốc tế coi là tổ chức khủng bố, còn có lực lượng Hezbollah tại xứ Lebanon giáp ranh với quốc gia Israel. Phối hợp nhịp nhàng, khi Hamas nhúc nhích từ Dải Gaza thì Hezbollah tấn công từ lãnh thổ Lebanon ở phía Bắc. Đằng sau Hamas và Hezbollah có xứ Syria, một đầu cầu tiếp vận võ khí, tiền bạc và nhân lực để dùng hồ sơ Palestine làm lý cớ khuấy động cả khu vực Trung Đông. Đằng sau Syria là các giáo chủ Iran, theo hệ phái Shia.

Ở bên kia chiến hào, và bên cạnh Israel, là xứ Ai Cập của Hosni Mubarak, là xứ Jordan của một Quốc vương dòng Hashemite và Vương quốc Saudi Arabia cùng các tiểu vương quốc Hồi giáo trong Vùng Vịnh Ba Tư. Rất ồn ào bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân Palestine, các quốc gia này thật ra không muốn lực lượng Hamas bung khỏi Dải Gaza do sự hà hơi tiếp sức của Syria và Iran. Nhưng càng muốn dàn xếp một giải pháp ôn hòa với Israel, họ càng bị Iran tố cáo là không bảo vệ quyền lợi của dân Hồi giáo. Hoặc là tay sai của Mỹ!

Các giáo chủ Iran đã củng cố được ảnh hưởng của mình tại Iraq và thọc tới miền Tây của xứ Afghanistan, lại còn muốn bành trướng vào miền Nam Lebanon qua lực lượng Hezbollah, và thường xuyên tiếp vận cho Hamas để gây khó cho Israel  - và Hoa Kỳ.

Bốn năm sau, là ngày nay, tình hình đã đổi khác – mà giống như xưa!


***


Tình hình đổi khác vì Ai Cập đổi chủ nhờ "Mùa Xuân Á Rập".

Ngày nay, lãnh đạo xứ này là lực lượng Huynh đệ Hồi giáo MB, từ nguyên thủy đã là nguồn tiếp sức về cả lý luận lẫn võ khí cho Hamas. Khi bất ổn lan rộng tại Syria, phe Hamas có thể trông cậy vào hậu cứ mới là lực lượng MB để tạo ra sự đã rồi. Bên trong lực lượng nay đang cầm quyền tại Ai Cập, mâu thuẫn đã manh nha. Một số lãnh tụ coi trọng ý thức hệ thì chủ trương yểm trợ Hamas và bành trướng ảnh hưởng trong thế giới Á Rập Hồi giáo. Một số khác thì nghĩ đến quyền lợi của Ai Cập, một cường quốc cấp khu vực và không muốn Dải Gaza trở thành một u bướu ung thư lan rộng vào lãnh thổ của mình.

Tình hình còn đổi khác vì khủng hoảng tại Syria.

Với mọi chứng tật hiển nhiên của một chế độ độc tài, Chính quyền Bashar al Assad là mối lo mà Israel có thể xử trí được vì dù sao chế độ al Assad còn chi phối được lực lượng Hamas. Khi chế độ al Assad rung chuyển và có thể bị lật đổ, Syria sẽ thành vùng oanh kích tự do của mọi lực lượng khủng bố Hồi giáo, như người ta có thể đã thấy tại Libya. Với chính quyền Israel, đây là mối nguy sinh tử.

Khi Iran tiếp tục kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm để bắt bí thiên hạ, lại muốn tăng cường sức mạnh vào Syria và Lebanon, thì Chính quyền Israel hết đất lùi. Họ càng khó lùi vì cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ đều rối trí vì các hồ sơ nội bộ nên thả nổi chuyện Syria và không thể cản được Iran.

Sau kinh nghiệm đắng chát tại Libya – và vụ Benghazi còn nóng hổi trên chính trường Mỹ – Hoa Kỳ không muốn bị lôi vào chiến sự Trung Đông qua ngả Syria. Nên lặng lẽ bán cái cho các cường quốc Hồi giáo khác, như Ai Cập, Turkey hay Saudi Arabia.

Chính quyền Ai Cập của lực lượng MB thì cân nhắc giữa mối lợi của viện trợ Mỹ với uy tín trong thế giới Á Rập Hồi giáo. Chính quyền Turkey không muốn khủng hoảng Syria lan rộng và chẳng thể dàn xếp một giải pháp hòa giải giữa Hamas và Israel, nên đung đưa ở giữa. Không để bị mang tiếng dây với hủi vì bênh vực Hamas mà cũng không thể bị kết án là thân cận với Israel. Saudi Arabia còn khổ tâm gấp bội: sự bành trướng của cả lực lượng MB tại Ai Cập lẫn Iran khiến Hoàng gia Saudi lâm thế kẹt. Bênh vực dân Palestine, dù chỉ tượng trưng, là ủng hộ xu hướng cực đoan theo kiểu Hamas... Lợi bất cập hại!



***


Tình hình có vẻ đổi khác mà thật ra vẫn giống như xưa.

Được trang bị hỏa tiễn tầm xa của Iran, lực lượng Hamas đang biểu dương giải pháp cực đoan trước thái độ ôn hòa của Chính quyền Quốc gia Palestine của lực lượng Fatah. Sau khi khấn vái  tứ phương mà không có giải pháp cho Trung Đông hay với thế giới Hồi giáo, Chính quyền Barack Obama đành công nhận rằng Israel có quyền tự vệ chính đáng khi tấn công vào Dải Gaza.

Và như mọi cường quốc khác, lại kêu gọi hòa đàm....

Việc đàm phán chỉ có kết quả nếu Hamas nhận đưa hỏa tiễn của Iran vào bàn thương thảo, tức là chấp nhận quyền tồn tại của dân Á Rập trên đất Palestine và của Chính quyền Israel của dân Do Thái. Rất tiếc là đề tài này lại không có trong các cuộc tranh luận của bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. 

Nên thời sự vẫn nháng lửa với cái nghiệp chiến chinh trên Dải Gaza...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét