Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 121101
Tổng thống Mỹ sẽ giải quyết vấn đề kinh tế ra sao?
* Gần phân nửa cử tri vẫn chọn người khác làm Tổng thống... *
Trong cuộc tranh cử năm nay tại Mỹ, người hạnh phúc nhất là cố vấn
chính trị của hai liên danh Dân Chủ và Cộng Hoà vì chỉ có một mục tiêu cụ thể
là giúp phe mình đắc cử. Sau khi thắng cử, người khổ sở nhất chính là cố vấn
kinh tế vì cái quy luật "thắng rồi đã vậy, múa gậy làm sao"?
Ngược với ấn tượng của nhiều người,
kể cả các ứng cử viên đòi lãnh đạo Hành pháp, Tổng thống Mỹ không có toàn quyền
về kinh tế hay xã hội. Quyền hạn Tổng thống bị chi phối bởi Lưỡng viện Quốc hội,
Ngân hàng Trung ương và bởi cả tỷ người trên thị trường kinh tế toàn cầu lẫn loại
chuyện bất lường, theo định nghĩa là bất ngờ nên chẳng ai đoán trước được. Vì
thế, cùng với việc kiểm phiếu sau một cuộc tranh cử quá dài, người ta cần nhìn
vào kết quả bầu cử Quốc hội khóa 113, xem đảng nào kiểm soát được Hạ viện và Thượng
viện, tới mức độ nào, và có muốn hợp tác cùng Tổng thống không?
Huống hồ, cùng bài toán kinh tế,
Hoa Kỳ còn bị khủng hoảng về chính trị vì nhiều mâu thuẫn khó dung hòa giữa hai
đảng trong Quốc hội khóa 112 và vì khả năng tác động rất thấp của người lãnh đạo
Hành pháp. Cho nên, lợi dụng sự phấn khởi của dư luận sau cuộc tổng tuyển cử, Tổng
thống Mỹ chỉ có thể xác định được các ưu tiên về kinh tế xã hội và kêu gọi sự hợp
tác của Quốc hội để cấp tốc ban hành biện pháp cứu nguy và thông qua các đạo luật
cải cách sau này.
Nhìn từ bên ngoài, ta có thể nhìn
ra loại ưu tiên về thời điểm và ưu tiên về quan hệ nhân quả giữa các vấn đề.
Về ưu tiên thời cơ thì mùng hai
Tháng Giêng tới, 18 ngày trước khi Tổng thống nhậm chức, kinh tế Mỹ sẽ sụt vào cái
hố ngân sách do ách tắc chính trị từ năm 2011. Đó là đạo luật Quốc hội khóa 112
mà Tổng thống Barack Obama phải ban hành hôm mùng hai Tháng Tám năm ngoái.
Trên nguyên tắc, nó mặc nhiên giảm
chi ngân sách và đồng loạt tăng thuế, tổng cộng gần 700 tỷ đô la trong năm tới.
Cho một nền kinh tế có sản lượng gần 15 ngàn tỷ thì đây là số tiền rất lớn với
hậu quả có thể đánh sụt sản xuất cả ngàn tỷ, tùy cách tính. Khi kinh tế còn trì
trệ với đà tăng trưởng chỉ có 2% là mừng, thì biện pháp "phản kích thích"
ấy lập tức gây ra suy trầm và đẩy mạnh thất nghiệp, điều này, Quỹ Tiền tệ Quốc
tế cũng đã cảnh báo cách nay hai tuần.
Vì vậy, cùng Quốc hội sẽ mãn nhiệm
đầu năm tới và lãnh đạo của Quốc hội mới, Tổng thống tân cử phải dàn xếp giải
pháp dung hoà. Trước hết là hạ mức cắt giảm công chi và tăng thuế xuống khoảng trên
dưới trăm tỷ để tránh cái họa suy trầm từ cái nạn "Tận thế Thuế khóa",
Taxmageddon.
Thứ hai, là nhân cái tuần trăng mật
chính trị mà trấn an thị trường và tranh thủ dư luận để gây lại niềm tin và vận
động Lập pháp Mỹ chấp nhận một kế hoạch cải cách toàn diện hầu giải quyết loại
vấn đề cực kỳ phức tạp gọi là "hữu cơ".
Số là kinh tế toàn cầu bị Tổng suy
trầm năm 2008-2009 và tại Hoa Kỳ thì đã chấm dứt vào Tháng Bảy năm 2009 mà chưa
hồi phục mạnh, thất nghiệp vẫn mấp mé 8%. Đã vậy, năm tới kinh tế Mỹ có thể bị
suy trầm nữa, dù có ra khỏi vực thẳm tài chánh vừa nói ở trên.
Lý do là dù giới tiêu thụ đã tin
tưởng hơn, thị trường gia cư và kỹ nghệ xây cất có vẻ khởi sắc sau khi suy sụp
trong bốn năm liền, các doanh nghiệp vẫn ngần ngại. Thực tế thì họ còn giảm đầu
tư và tiếp tục thải người trong khi vẫn ngồi trên cả ngàn tỷ đô la mà không dám
rớ tới.
Nguyên do của tình trạng éo le này
là: Thứ nhất, họ không tin vào mức doanh thu sẽ đạt được như ta đã thấy mấy tuần
qua khi thị trường cổ phiếu tuột giá mạnh. Thứ hai, các doanh nghiệp loại nhỏ và
vừa thì e ngại những bất trắc về luật lệ được dồn dập ban hành trong mấy năm
qua, đây là loại doanh nghiệp có khả năng tuyển dụng cao nhất và sẽ góp phần giải
quyết nạn thất nghiệp và nâng cao lợi tức của giới tiêu thụ, tức là nâng cao mãi
lực của thị trường.
Thứ ba, quan trọng hơn cả, các
doanh nghiệp không yên tâm về mức bội chi ngân sách quá cao và vay tiền quá nhiều
nên có thể đẩy mạnh phân lời trái phiếu, tức là nâng sao phí tổn tài chánh sau
này.
Nạn bội chi là vấn đề trầm trọng
và nan giải tương tự như những gì ta đã thấy tại Âu Châu và Nhật, vậy mà không
là trầm trọng nhất. Vấn đề nghiêm trọng là hệ thống kinh tế chính trị không thể
giải quyết nổi bài toán ấy! Nhìn vào chánh sách thì mình có thề thấy ra điều ấy.
Khi kinh tế trôi vào chu kỳ suy
trầm thì theo thông lệ, nhằm giảm thiểu hậu quả bất lợi người ta có hai loại biện
pháp ứng phó. Về ngân sách là tăng chi hay giảm thuế, về tiền tệ là hạ lãi suất
và bơm tiền. Hoa Kỳ đã ào ạt tăng chi và bị bội chi hơn ngàn tỷ một năm mà chưa
đẩy lui nạn trì trệ, lại còn chất thêm một núi nợ kỷ lục nay đã gần bằng Tổng sản
lượng cả năm.
Khi đó, vì ách tắc chính trị, chỉ
còn Ngân hàng Trung ương với biện pháp tiền tệ để cứu nguy. Sau khi cắt lãi suất
tới số không, định chế này ba lần bơm tiền qua biện pháp "gia tăng mức lưu
hoạt có định lượng" hay quantitative easing. Với hậu quả là mỗi lẫn làm
nguyên nhiên vật liệu, kể cả xăng dầu và thực phẩm, đều tăng giá mà vẫn không có
hiệu quả.
Nguyên nhân của tình trạng bất
thường và bất lực về chánh sách là sau mấy chục năm vay nợ quá sức, Hoa Kỳ đến
ngày trả nợ.
Tư nhân thu vén chi tiêu để trả nợ
thì nhà nước phải tăng chi để kích cầu và bù vào sự thiếu hụt đó nên gánh nợ vẫn
là mối nguy ở trên đầu vì sẽ ụp xuống cả nước. Y như trong cái "Hố đen"
của thiên văn học, kinh tế Hoa Kỳ đang mấp mé hố nợ là nơi mà mọi quy luật kinh
tế bình thường đều không có hiệu quả mà chỉ đào sâu khủng hoảng chính trị, tương
tự như những gì đã thấy tại Âu Châu và sẽ thấy tại Nhật Bản.
Xét về hoàn cảnh khác biệt của từng
nước thì mỗi người có thể đi vào địa ngục bằng một cửa!
Mỗi quốc gia trong khối công nghiệp
hoá có thể bị bội chi và đi vay theo một cách, và bị khiếm hụt ngân sách ở mức
độ khác nhau. Nhưng nói chung thì nếu bị bội chi quá 90% Tổng sản lượng là ất
khó xoay trở. Bây giờ, ngần ấy quốc gia lâm nạn đều phải thắt lưng buộc bụng
trong nhiều năm để chấn chỉnh chi thu và xây dựng lại nền móng kinh tế quân bình
hơn. Nhưng, có ai đắc cử bằng lời hứa kiêng khem khắc khổ? Mà cử tri thì chỉ muốn
ai đó gánh vác thiệt hại để cho mình vẫn duy trì được mức sống cũ vì vậy mà sau
ba năm chật vật, chưa xứ nào thoát.
Nếu so sánh thì dù sao Hoa Kỳ vẫn
có nền kinh tế giàu mạnh nhất và nhìn xa hơn thì nền kinh tế thứ nhì thế giới là
Trung Quốc thì cũng mấp mé khủng hoảng vì ào ạt bơm tín dụng từ năm 2008 nay cũng
mắc nợ mà xấu tới cỡ nào họ cũng chưa rõ.
Trở lại chuyện Hoa Kỳ, Tổng thống
tân cử sẽ phải thuyết phục được Quốc hội, thị trường và nhất là quần chúng, rằng
Hoa Kỳ sẽ phải giảm chi và tăng thuế, tức là chấp nhận khắc khổ trong bốn năm
quý, quãng hơn một năm, thì mới có nền móng vững bền hơn cho tương lai. Đấy là
một ưu tiên của mọi ưu tiên. Vì nếu không kịp thì qua năm 2014 nước Mỹ lại có bầu
cử Quốc hội nữa, là khi mà các ứng cử viên lại hứa hẹn điều viển vông và gây
tai họa khác.
Khi đã tạm dựng lại nền móng, Tổng
thống tân cử phải đề nghị Quốc hội cải tổ toàn bộ chế độ thuế khóa hiện hành, vừa
bất công vừa đầy lỗ hổng cho các đại tổ hợp và tỷ phú lách thuế. Đây là nguyên
nhân chính khiến khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ bị giảm sút từ nhiều năm nay nếu
so với các nước công nghiệp hóa khác vì nó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp
loại nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất tân lập với đầy sáng kiến mới. Một dự án
nghiên cứu của Đại học Harvard, đã cảnh báo như vậy từ Tháng Ba rồi mà các ứng
cử viên của cả hai đảng đều tránh nói đến.
Sau cùng mới là những ưu tiên về
xã hội.
Khi các chính khách muốn moi phiếu
của dân thì họ đều nói đến chuyện xã hội, đề tài hấp dẫn mà mơ hồ vì cái gì cũng
là xã hội cả. Nạn suy trầm và hồi phục èo uột trong ba năm liền khiến lợi tức dân
đều giảm và 47 triệu người phải sống nhờ trợ cấp lương thực. Đấy là vấn đề xã hội
lệ thuộc vào giải pháp kinh tế ta vừa nói.
Hoa Kỳ cũng bị nạn lão hóa dân số
dù ít trầm trọng như Âu Châu hay Nhật Bản nhờ có di dân, nhưng gánh nặng hưu bổng
và y tế ngày càng cao cũng là vấn đề xã hội vĩ đại mà thế hệ kế tiếp sẽ lãnh vì
các chính trị gia của thế hệ này chỉ lo tái đắc cử nên cứ hứa hẹn và dọa nạt lung
tung.
Nói về di dân, cánh cửa chính thức
ở trên thì bị đảng Cộng Hoà khép lại vì sợ sức cạnh tranh của di dân có chuyên
môn cao, trong khi đảng Dân Chủ mở toang cánh cửa bất hợp pháp ở dưới để hốt
phiếu cử tri Latino và thiểu số. Đấy cũng là vấn đề xã hội và chính trị cho một
quốc gia hình thành từ di dân mà các chính quyền Cộng Hoà hay Dân Chủ đều muốn
giải quyết. Mà không nổi như ông Bush năm 2005 hoặc chẳng dám như ông Obama suốt
ba năm qua dù ông ta rất chú ý đến mục tiêu cải tạo xã hội.
Sau cùng, ngoài hồ sơ hưu bổng, y
tế, di dân, Mỹ còn có vấn đề xã hội lau dài là trình độ giáo dục sút kém ở mức
trung tiểu học. Ít ai dám rớ tới chuyện này vì thế lực quá mạnh của các nghiệp đoàn
giáo chức, nên tương lai nước Mỹ thật ra khó khá!
Để kết luận thì dường như người
ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào Tổng thống Mỹ và cứ nghĩ là cuộc bầu cử sẽ giải
quyết được vấn đề.
Thật ra, Tổng thống chỉ có thể nương
theo các thế lực và chuyển động chung quanh để cải tiến được một phần của thực tại
là đã khá rồi. Thứ hai, trong lịch sử Hoa Kỳ từ gần 200 năm nay, đa số Tổng thống
chỉ được khoảng phân nửa cử tri ủng hộ. Được 60% là cực kỳ hãn hữu chỉ có năm sáu
người, và có 18 người đắc cử với số cử tri còn ít hơn 50%, lần cuối là ông Bill
Clinton.
Nghĩa là dù hứng khởi đến mấy, ta
không quên là gần phân nửa cử tri đã chọn người khác và nếu Tổng thống có hưởng
kết quả bất ngờ thì cũng lãnh hậu quả bất lường của các chính quyền tiền nhiệm.
Rồi chỉ hai năm sau khi đắc cử là đã phải nghĩ đến và chuẩn bị cho cuộc bầu cử
tới.
Vì vậy, mọi sự đều chỉ là tương đối
thôi, chứ chẳng có gì là đáng lạc quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét