Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 121126
"Kinh Tế Cũng Là Chính
Trị"
"Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" là một thành ngữ thông dụng
trong truyện võ hiệp Kim Dung. Nhưng đấy cũng có thể là một sự thật kinh tế mà
các cô cậu vừa đỗ cử nhân chưa mấy chú ý....
Sau cuộc tổng tuyển cử ngày sáu
Tháng 11, thời sự kinh tế Hoa Kỳ bàng hoàng nhắc đến vực thẳm ngân sách "fiscal
cliff". Đấy là khi mà một quyết định của Quốc hội khóa 112 từ Tháng Tám năm
ngoái có thể tự động cắt giảm công chi và tăng thuế kể từ đầu năm tới. Một tuần
trước ngày bầu cử, cột báo thường xuyên này đã nhắc đến chuyện đó trong bài
"Đắc Cử Bên Bờ Vực - Nhìn Vào Hố Sâu Tài Chánh Sau Khi
Thắng Cử".
Bây giờ, Hành pháp và Thượng viện
Dân Chủ cùng Hạ viện Cộng Hoà còn 34 ngày để tìm ra giải pháp thỏa hiệp - giảm
chi bao nhiêu và tăng thuế những ai, cỡ chừng nào - hầu tránh một rủi ro suy
trầm cho năm tới. Nếu kinh tế bị giảm mất 500 tỷ đô la, như giới làm luật đã ước
tính trên nguyên tắc, thì sản xuất và thất nghiệp sẽ bị hậu quả bất lợi trong hơn
một năm, trước khi tình hình có thể sáng sủa hơn nhờ hệ thống công chi thu được
chấn chỉnh. "Trong hơn một năm" có nghĩa là cận kề cuộc bầu cử giữa
nhiệm kỳ năm 2014. Không ai muốn cử tri uống thuốc đắng cho lành bệnh khi mình
có thể thất cử vì toa thuốc đắng ấy.
Vì vậy, "bệnh ở trong người
thành bệnh bạn - bệnh ở lâu dài thành bệnh thân - gối tay lên bệnh nằm thanh thản
– thành một đôi ta rất đá vàng". Xin mượn thơ Mai Thảo để nói về căn bệnh
kinh tế của Hoa Kỳ! Một bệnh thâm niên trong sự hồn nhiên của con bệnh....
***
Trong cuộc bầu cử vừa qua, đa số
cử tri cho rằng kinh tế là vấn đề đáng quan tâm nhất. Và 53% tin rằng đấy là trách
nhiệm của Tổng thống George W. Bush. Tổng thống Barack Obama tái đắc cử khi ban
tham mưu tranh cử khéo khai thác sự ngộ nhận này và ứng cử viên đối lập là Mitt
Romney còn gây ra nhiều ngộ nhận khác. Vì vậy, đảng Cộng Hoà không đáng lãnh đạo.
Nhưng chẳng nhờ vậy mà nước Mỹ sẽ
khá hơn - và đấy mới là vấn đề "kinh tế cũng là chính trị". Chỉ vì Hoa
Kỳ đang đi hết một chu kỳ chi tiêu và vay mượn quá sức mình.
Chu kỳ ấy khởi sự từ hơn ba chục
năm trước, từ một thế hệ rồi. Mà không chỉ có Hoa Kỳ. Hầu hết các nền kinh tế công
nghiệp hoá (Âu Châu, Hoa Kỳ và Nhật Bản) đều gặp hiện tượng đó và tương đối thì
nước Mỹ bị nhẹ hơn cả. Giới kinh tế có trí nhớ thì vạch ra cho ta thấy một núi
nợ vòi vọi, không chỉ trong khu vực công (bội chi ngân sách khiến chính quyền
phải đi vay) mà cả khu vực tư nhân và doanh nghiệp đều cùng nhau chất lên một núi
nợ và cả nước hồ hởi đi vay nước ngoài. Vay ngoại quốc là "nhập cảng tiết
kiệm của xứ khác" hoặc bị thâm hụt cán cân thanh toán hay cán cân chi phó. Năm 1980, tổng số nợ của các hộ gia đình Mỹ ở khoảng một ngàn năm trăm tỷ đô la, đến năm 2000 thì đã quá sáu ngàn tỷ: trong hai chục năm tăng gấp bốn. Chưa thấm vào đâu cả! Vì đến 2005 thì đã tăng gấp đôi, vượt 12 ngàn tỷ...
Như một triết lý nhà Phật, thói đời
có vay thì có trả.
Chu kỳ trả nợ đã bắt đầu từ năm
2007 khiến nạn suy trầm kinh tế 2008-2009 mới chậm phục hồi – năm năm đã qua rồi
- và đà tăng trưởng trong mươi năm tới,
sẽ tiếp tục ở cái mức èo uột là dưới 2%. Nạn suy trầm rất nhẹ vào Tháng 12 năm
2007 đã chấm dứt từ Tháng Bảy năm 2009 mà kinh tế chưa khởi sắc và chính quyền
gây bội chi còn nặng hơn, hơn ngàn tỷ mỗi năm trong bốn năm liền, để bù vào số
chi bị sút giảm của khu vực tư (tư nhân và doanh nghiệp).
Các cứng cử viên khó trình bày vấn
đề quá rắc rối và lưu cữu như vậy trong có 15 giây trên truyền hình, nên cũng
chẳng nói ra một sự thật mất lòng và mất phiếu: Hoa Kỳ phải chấn chỉnh chi thu,
chứ không chỉ dễ dãi tăng thuế nhà giầu để bù vào bội chi hoặc để san xẻ lợi tức
cho dân nghèo. Đấy là một lý do chủ yếu khiến tăng chi là bệnh khó lành.
Lý do kia là chính cử tri cũng không
biết nên chê thuốc đắng và chỉ thích uống nước đường. Trong số đó có một thế hệ
rất trẻ.... Đấy là thế hệ sẽ trả nợ mà không biết. Thực tế là họ đang trả nợ mà
chẳng hay.
"Đừng lay tôi nhé cuộc đời
chung quanh!"
***
Sau đây là vài ba thống kê đắng
chát do Hội đồng Doanh gia Trẻ Young Entrepreneur Council thu thập trong tài khóa
2011, quý độc giả tò mò có thể tìm đọc trên mạng http://theyec.org.
Trong năm qua, 53,6% những người
tốt nghiệp bốn năm đại học, ở tuổi 25 hay trẻ hơn, đã bị thất nghiệp toàn thời
hay bán thời. Lớp người trẻ ở cấp trung học, từ 17 đến 20 tuổi, còn vất vả hơn:
thất nghiệp 31,1%, khiếm dụng 54% - khiếm dụng là muốn tìm việc toàn thời mà không
ra nên đành nhận việc bán thời. Các cô cậu cử mới ra trường bị thất nghiệp
9,4%, khiếm dụng 19,1%.
Đó là về tình hình nhân dụng, vài
ba chuyện trong 43 sự kiện đáng lo ngại cho thế hệ tới.
Về lợi tức thì hầu hết đều chỉ tìm
ra việc lương thấp, ít cần tay nghề, tức là nhận việc kém "khả năng thật"
của họ mà phù hợp với đòi hỏi tầm thường nhưng khắt khe của thị trường. Sau bốn
năm đầu tư công sức trong nhà trường, đấy là thực tế phũ phàng đang chờ đợi ở
ngoài đời, chỉ có phân nửa là tìm ra việc sau cả năm đi kiếm. Mà tình hình chưa
có cải thiện từ nay đến năm 2020. Tám năm và bốn cuộc bầu cử nữa.
Vốn dĩ không khờ - đã tốt nghiệp
tú tài và mơ bằng cử nhân thì có ai khờ - giới trẻ bèn xoay cách khác. Tạm hoãn
hôn nhân và có con, một phần tư ca bài "trở về mái nhà xưa". Để sống
cùng cha mẹ. Những người khá hơn vậy thì vừa sống cùng cha mẹ vừa đi học tiếp -
và học cha mẹ ở phép đi vay.
Hơn 35% những người trẻ quay lại đại
học vì không tìm ra việc. Họ tài trợ việc học lẫn việc chi tiêu bằng tín dụng học
đường. Một ngàn tỷ đô la "student loan" là kết quả của hiện tượng đó.
Trung bình thì mỗi cô cậu sinh viên này mắc nợ 25 ngàn đồng, trong hai năm qua đã
có 31% bị vỡ nợ. Chúng ta vừa nói đến một trái bóng tín dụng cả ngàn tỷ đô la.
Với rủi ro ở cuối chân mây là bóng bể vì sinh viên tốt nghiệp vẫn không tìm ra
việc để trả nợ học phí.
Họ học không đúng nghề mà thị trường
trông đợi.
Đấy là lý do giải thích vì sao các
doanh nghiệp loại nhỏ và vừa đang cần ba triệu việc làm khá chuyên môn vì đòi hỏi
kiến thức về khoa học, thuật lý (technology), vật lý và toán học. Trong khi ấy
vẫn có 8% dân số lao động bị thất nghiệp và phân nửa những người trẻ được đào tạo
theo kiểu khác, kiểu cũ.
***
Sau ba chục năm hồ hởi vì tiền rẻ
và nhiều nên đi vay dễ dàng và chất lên một núi nợ, Hoa Kỳ đang chật vật trả nợ
nên một nạn suy trầm nhỏ đã kéo dài hơn một hạn kỳ thông thường là quanh quẩn
trong một năm. Nạn Tổng suy trầm 2008-2009 đã gieo họa thất nghiệp cho cả xã hội
và sẽ dẫn đến hiện tượng "Tổng thất nghiệp" của thế hệ trẻ vì khả năng
nhân dụng không phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Mười năm sau khi hồ hởi nói về cuộc
cách mạng tín học Ai Ti, và kinh tế tri thức, "knowledge economy",
người ta giật mình nhìn ra một vực thẳm còn sâu hơn cái hố ngân sách
"fiscal cliff" đang được truyền thông và các chính khách bàn tán.
Những người lạc quan thì nói đến
kết quả thần diệu của khoa học kỹ thuật Hoa Kỳ là năng suất: khu vực chế biến cần
ít người hơn mà sản xuất nhiều phẩm vật hơn, và hơn hẳn các nước khác. Người bi
quan thì nhìn vào một thế hệ đã thành tài mà chưa thành người có khả năng sản
xuất tương ứng với yêu cầu mới. May là thế hệ này còn có phim ảnh để giải trí!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét