Thứ Tư, tháng 2 27, 2013

Kinh Tế Việt Nam Chưa Thể Khá


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Gia Minh, RFA Ngày 130227
"Diễn Đàn Kinh Tế

Căn nhà mái dột và móng ruỗng nên chỉ sợ phải gió  

033_RIA12-1287910_3522-305.jpg
* Một góc phố Hà Nội những ngày cuối năm 2012 - AFP photo * 


Sau khi ăn Tết, lãnh đạo Việt Nam lại ra chỉ thị về việc cần làm ngay để cải tiến tình hình kinh tế. Năm nay, không khí còn có vẻ khẩn trương mà chẳng mấy lạc quan sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế và chỉ thị các phủ bộ cùng cơ quan liên hệ ra sức tiến hành. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về viễn ảnh kinh tế đó qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Gia Minh thực hiện sau đây

Khó khăn chồng chất


Gia Minh: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt và ban hành quyết định về Đề án quy mô sẽ thi hành từ nay đến năm 2020 để tái cơ cấu nền kinh tế èo uột của Việt Nam với đà tăng trưởng thấp nhất kể từ 13 năm nay. Lồng trong đề án là tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp, với trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Theo dõi quyết định mang số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Hà Nội, ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và những năm tới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Gần hai năm nay rồi, người ta đã thấy lãnh đạo Hà Nội, từ đảng xuống tới Nhà nước và Chính phủ nói đến việc chuyển hướng và ba yêu cầu tái cấu trúc hệ thống tài chính và ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp nhà nước và hệ thống đầu tư của khu vực công quyền. Nhưng tiến độ của việc cải sửa thật ra quá chậm và nếu có xem lại các quyết định đã ban hành từ năm ngoái về những yêu cầu tái cơ cấu đó thì cũng như xem lại một khúc phim cũ. Khác biệt nếu có là thời hạn thực hiện, thay vì từ 2011 đến 2015 thì nay sẽ là 2013 đến 2020. Trong khi ấy, thực tế kinh tế và đời sống vẫn tiếp tục xoay vần và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Gia Minh: Xin ông nêu ra vài thí dụ để thính giả của chúng ta hiểu ra cơ sở phân tích của ông về những nỗi khó khăn đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp trở ngại khi phải vay tiền ngân hàng vì các ngân hàng bị kẹt nợ mà xấu tốt và nhiều ít thế nào thì chẳng ai biết hoặc đánh giá được cho chính xác. Bộ máy tuần hoàn cần bơm tiền cho cơ thể mà bị ách tắc như vậy thì sản xuất tất nhiên đình đốn và đà tăng trưởng kinh tế sẽ khó vượt qua 5,5%, với nguy cơ lạm phát thật ra sẽ tăng trong những tháng tới. Về toàn cảnh thì như vậy, nay ta nói đến chuyện cụ thể là nợ nần.

- Trong nhiều năm liền, do chính sách ưu đãi lẫn hệ thống quản lý lỏng lẻo của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã vay mượn quá sức, nôm na là gấp ba số vốn, nhiều hơn tư doanh nội địa và công ty có vốn đầu tư của nước ngoài. Khi kinh tế bị suy trầm, doanh nghiệp không trả được nợ và chủ nợ là ngân hàng mới bị kẹt mà càng kẹt nặng khi doanh nghiệp nhà nước đi vay để đầu cơ ngoài mục đích kinh doanh nguyên thủy. Tháng Bảy năm ngoái, Thủ tướng Hà Nội mới ra quyết định mang số 958 về xử lý nợ công và định ra những định mức về đi vay. Nhưng điều ly kỳ là chẳng thấy đề ra biện pháp ngăn ngừa hoặc chế tài khi vay quá chuẩn mực quy định.

- Chuyện các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty bị lỗ lã và có nguy cơ vỡ nợ thì đã manh nha từ năm năm trước mà việc cải cách thì vẫn chậm lụt. Năm ngoái cũng đã có hai quyết định từ Thủ tướng mang số 704 và 929 với chỉ thị và hứa hẹn cải tổ rất huê dạng mà kết quả vẫn chưa tới đâu. Người ta chưa thấy công khai hóa thông tin về việc rà soát, chấn chỉnh và kỷ luật những sai phạm vì lý do chuyên môn hay pháp lý. Trong lĩnh vực ngân hàng cũng thế, việc xử lý nợ xấu và lập ra công ty quản lý tài sản để thanh thỏa các khoản nợ đã được Ngân hàng Nhà nước ra quy định từ Tháng Năm năm ngoái mà chưa nhúc nhích, giờ này người ta mới lại nói đến Đề án Tổng thể để tái cơ cấu như một bước đột phá. Tất cả vẫn chỉ là màn khói, là lời nói.

 

Trở ngại từ ngân hàng  

image-250.jpg
Ảnh minh họa các ngân hàng ở VN. RFA file


 
Gia Minh: Với người dân thì tài chính và ngân hàng là lĩnh vực thiết yếu nhất trong sinh hoạt kinh tế, vì thu hút ký thác của họ và cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp. Thưa ông, tình hình lĩnh vực này ra sao và có cải tiến gì không kể từ những quyết định từ năm ngoái như ông vừa nhắc lại?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hệ thống ngân hàng của Việt Nam gây ra mối quan ngại lớn vì hai lý do. Thứ nhất là tài sản ung thối đến rỗng ruột vì các khoản nợ xấu, khó đòi và sẽ mất mà xấu tới cỡ nào và mất bao nhiêu thì chưa ai biết. Thứ hai là từ nhiều năm nay, người ta đã nói đến nhu cầu cải tổ ngân hàng, cũng cấp bách như cải cách doanh nghiệp, vậy mà vẫn chưa tiến hành.

- Về chuyện thứ nhất, trong nhiều năm hồ hởi bơm tín dụng mà thiếu khả năng thẩm định rủi ro và cơ chế thanh tra trong một môi trường luật lệ rất lỏng lẻo, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là một cấu trúc èo uột và có thể sụp đổ dưới một núi nợ xấu - thuật ngữ kinh tế gọi là nợ không sinh lời mà sẽ mất. Tính đến Tháng Chín năm ngoái, các ngân hàng báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một tỷ lệ nợ xấu là gần 5%. Ngân hàng Nhà nước thì ước tính một con số gấp rưỡi, là gần 9%, khoảng 200 ngàn tỷ đồng. Nhưng nếu áp dụng tiêu chuẩn thẩm định kế toán ngân hàng của quốc tế thì cục u bướu này có thể to hơn gấp bội.  

Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp trở ngại khi phải vay tiền ngân hàng vì các ngân hàng bị kẹt nợ mà xấu tốt và nhiều ít thế nào thì chẳng ai biết hoặc đánh giá được cho chính xác. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Gia Minh: Thưa ông, xin được hỏi ngay một câu là vì sao lại có khác biệt lớn như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng vì sự khác biệt trong định nghĩa. Thí dụ thiết thực là khi một khoản nợ đáo hạn mà chưa thanh toán sau 90 ngày thì phải được coi là nợ xấu và có thể mất. Nếu lại vì khách nợ có quan hệ tốt về chính trị hoặc vì ngân hàng không muốn trương chủ ký thác e sợ mà rút tiền thì ngân hàng có thể đảo nợ là cho vay thêm để thanh lý khoản nợ đó. Về kế toán thì ngân hàng đã thu về khoản nợ cũ tức là không bị nợ xấu, dù thực tế lại khác hẳn. Khi bị rủi ro mất nợ thì ngân hàng phải lập dự phòng. Số dự phòng này ăn vào vốn kinh doanh của ngân hàng, tức là khấu trừ vào khoản tài sản có thể cho vay ra. Nếu đánh giá thấp mức rủi ro mất nợ và thật sự là sẽ mất nhiều hơn thì ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu vốn và phải tăng vốn.

- Như vậy, sự khác biệt quá lớn trong cách ngân hàng và cả Ngân hàng Nhà nước chiết tính mức nợ xấu nếu so sánh với tiêu chuẩn của quốc tế cho thấy một sự thật u ám ở bên dưới. Đó là các ngân hàng của Việt Nam không lập dự phòng rủi ro tương xứng với mức nợ sẽ mất, và thực tế là đang bị thiếu vốn kinh doanh. Chuyện ấy hết là một vấn đề kế toán mà là mối nguy kinh tế.

 

Nguy cơ vỡ nợ

034_2631762-250.jpg
Một phụ nữ ngoại thành Hà Nội trong cuộc mưu sinh. AFP photo  


Gia Minh: Mối nguy kinh tế vì các ngân hàng thực tế thiếu vốn cho vay và còn có khả năng bị vỡ nợ, có phải là như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy và một cách gián tiếp người ta đã thấy ra điều ấy qua những chấn động vừa qua về giá vàng.

- Trong tình trạng kinh tế èo uột và chính trị bất trắc, người dân không tin vào giá trị của đồng bạc Việt Nam và cứ có tiền thì mua vàng để phòng thân. Họ phải ký thác vàng vào ngân hàng nhưng khi thiếu tiền mặt, ngân hàng lại rút vàng của thân chủ ra bán để đáp ứng tiêu chuẩn về thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước. Rồi sau đó, ngân hàng lại phải mua vàng để trả cho khách cần tiền đâm ra ngân hàng góp phần đáng kể vào sự dao động trên thị trường vàng của Việt Nam.

- Các ngân hàng cho vay ra mà không ước tính được rủi ro cho chính xác và an toàn nên bị nguy cơ vỡ nợ. Sau đó, họ phát huy sáng kiến là chiêu dụ thân chủ ký thác vàng miếng, vàng lá vào trong két sắt của ngân hàng và trả tiền lời rất hậu. Lượng vàng ấy trở thành một phương tiện kinh doanh cho các ngân hàng khi họ bán ra rồi mua vào ở từng thời điểm khác nhau với giá khác nhau. Khi phải mua vào với giá cao hơn trong sự biến động của thị trường vàng, các ngân hàng càng bị lỗ nặng và trôi dần vào cái vực phá sản.

Gia Minh: Thưa ông, như vậy thì có phải trách nhiệm chính vẫn thuộc về Ngân hàng Nhà nước hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng thuộc về Ngân hàng Nhà nước và cả Nhà nước đứng sau nữa.

- Trên nguyên tắc và nếu làm đúng chức năng, cơ quan này phải ra quy định rõ ràng và huấn luyện hẳn hoi về cách thẩm định rủi ro, xếp loại tín dụng, phải ra tiêu chuẩn về nhu cầu trích lập quỹ dự phòng rủi ro mất nợ và đặt thời hạn trắc nghiệm khả năng ứng phó hay ứng suất – nói theo thuật ngữ ngân hàng. Mà tất cả tiến trình ấy phải được công khai hóa với thông tin minh bạch cho công chúng cùng biết. Đấy là cơ sở cho phép Ngân hàng Nhà nước ước tính ra khối lượng nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng hầu còn kịp đối phó sau này.

Các ngân hàng cho vay ra mà không ước tính được rủi ro cho chính xác và an toàn nên bị nguy cơ vỡ nợ. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Một phương cách đối phó được nói tới là lập ra một Công ty Quản lý Tài sản để sẽ mua lại các khoản nợ và giúp các ngân hàng có một bảng kết toán tài sản lành mạnh và quân bình hơn. Nhưng công ty này sẽ lấy vốn ở đâu và khi bị lỗ thì ai chịu? Mà làm sao tính ra lời lỗ và thanh thoả nếu không có tiêu chuẩn định giá theo một nguyên tắc thống nhất và có những quy định pháp lý về thể thức mua bán? Chúng ta không quên là năm bảy năm trước, Trung Quốc cũng đã mất 200 tỷ đô la để mua lại tài sản và bù lỗ cho các ngân hàng mà đa số là quốc doanh của họ. Dù sao, Chính quyền Trung Quốc còn có tiền.... chứ trong giả thuyết lạc quan là nợ xấu của Việt Nam chỉ lên tới 20 tỷ đô la thì đấy cũng bằng khối dự trữ ngoại tệ hiện nay của Hà Nội.

Gia Minh: Mới chỉ phân tích có hai hồ sơ nổi cộm là doanh nghiệp nhà nước và tài chính ngân hàng thì ta đã thấy ra nhiều khó khăn trước mắt. Đấy là cơ sở của cách đánh giá khá bi quan của ông hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta thấy là từ Hội nghị kỳ sáu của Ban chấp hành Trung ương khóa 11 vào Tháng 10 năm ngoái, lãnh đạo đảng Cộng sản đã nói đến tái cơ cấu về doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư của khu vực công quyền. Nhưng xét cho kỹ thì họ mới chỉ nói thôi mà chưa thấy làm gì. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước, từ các tập đoàn kinh tế đến tổng công ty và bên trong là núi nợ đã đổ, vẫn chưa thấy nhúc nhích sau các Quyết định 929 và 704.

- Hệ thống tài chính và ngân hàng cũng đang lung lay mà Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ra tay, trừ cái sáng kiến là nhảy vào quản lý vàng miếng vì những mục tiêu mà người dân cho là mờ ám cũng tựa như quyết định đổi tiền thời xưa vậy. Sau cùng còn lĩnh vực đầu tư công quyền với mấy vạn dự án thì chưa thấy  ai nói đến chiều hướng cải cách ra sao và làm thế nào để tái cơ cấu khi có quá nhiều quyền lợi mắc mứu bên trong?

- Từ trên xuống là như vậy, thực tế ngoài chợ còn có vụ khủng hoảng về bất động sản làm mất thêm cả triệu tỷ đồng bạc nữa, Nhà nước tính sao? Bối cảnh ấy khiến người ta không thể lạc quan trong trung hạn mà phải bi quan về tình hình ngắn hạn ngay trong năm nay. Ngày xưa có người lãnh đạo của đảng than phiền là nạn tham nhũng cũng tựa như nhà dột từ nóc xuống, nay ta còn thấy ra nền móng ruỗng nát bên dưới căn nhà này. Chỉ mong là nhà không phải gió.

Gia Minh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

 

Giải Oscar Và Nghệ Thuật Kiếm Phiếu


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130227

Trước lễ trao giải là một chiến dịch tranh thủ sáu ngàn giám khảo....



Mọi việc đã xong từ chiều 19 tuần trước, khi những người có thẩm quyền chấm điểm đã bỏ phiếu kín cho Giải Oscar thứ 85. Rồi lễ trao giải được long trọng tiến hành tối Chủ Nhật 24 tại sảnh đường Dolby của Hollywood làm mọi người đều nhức tim.


Y như trong giải Super Bowl của bộ môn football Mỹ, lắm người không chỉ thưởng thức nghệ thuật mà còn theo dõi chuyện ngoài biên, vốn dĩ là phụ mà đôi khi lại là chính. Đó là tiên đoán kết quả. Nhất là khi lại gửi gấm đồng tiền vào đó qua việc cá độ!

Nhưng hơn hẳn giải Super Bowl và các tay chơi ở Las Vegas, giải Oscar cũng là cơ hội cho người trong cuộc mở chiến dịch vận động và lung lạc ban... giám khảo, gần sáu ngàn người có quyền chấm giải.

Sau ngày sơ tuyển là 17 Tháng 12, với kết quả được thông báo chiều mùng 10 Tháng Giêng, các tác phẩm được tuyển chọn qua nhiều bộ môn khác nhau liền mở ra một cuộc đua ráo riết. Thật ra, chiến dịch đã khởi sự từ lâu mà khán giả chúng ta lại ít để ý.

Lý do dễ hiểu là bức tượng mạ vàng nặng gần bốn ký sẽ đem lại vàng thật – tiền bạc – cho người bỏ tiền thực hiện. Khi trình chiếu, các nhà sản xuất đã sớm nghĩ đến chi tiết ấy khi họ biết rằng ngày càng ít người Mỹ đi xem phim. Tác phẩm xuất sắc thì phải hái ra tiền, và được một giải Oscar là thêm sức quảng cáo cho khán giả chiếu cố.

Vì vậy, họ chuẩn bị có bài bản, playbook.

Một trong chín tác phẩm được tuyển vào loại phim hay nhất trong năm, phim Silver Linings Playbook,  đã theo bài bản từ khi được trình chiếu lần đầu, tại Liên Hoan Phim Ảnh Toronto của Canada. Mùa Thu năm ngoái, một buổi liên hoan tưng bừng đã giới thiệu cuốn phim với sự đổ bộ của các diễn viên nên lập tức ăn đứt một đối thủ là phim Argo cũng xuất hiện tại Toronto.

Từ cái trớn ở Toronto, nhà sản xuất Silver Linings là Harvey Weinstein bèn dàn trận tại Hoa Kỳ trước sự thành công tài chánh quá lớn của hai đối thủ kia, là phim Lincoln của Steven Spielberg và phim Life of Pi của Ang Lee. Đó là cho chiếu nhỏ giọt tại 16 rạp đầu tiên rồi mở chiến dịch rỉ tai để gây sự chú ý. Đến khi Silver Linings được thông báo hôm mùng 10 Tháng Giêng là trúng tuyển thì mới được tung ra trình chiếu khắp nơi! Người ta đã thấy chiêu pháp ấy của Weisntein từ cuốn phim The King's Speech. Hốt bạc là cái chắc.

Đừng quên rằng với Hollywood thì nghệ thuật là hốt bạc. Vinh dự đoạt giải là chuyện quan trọng, được giới phê bình ngợi khen thì càng hả hê. Nhưng phải được khán giả bỏ ra từ tám đến 12 đô la mua vé đi xem thì mới là đáng kể. Dù kinh tế còn eo xèo, trong chín tác phẩm được tuyển vào loại phim hay nhất trong năm, có sáu cuốn đã thu vào hơn trăm triệu đô la. Mấp mé ở dưới thì có Zero Dark City với 90 triệu. Còn phim Amour và Beasts of the Southern Wild thì thua xa, tổng cộng mới gom được có 15 triệu!

Nhưng nói về chuyện quảng cáo hay giao tế, Ben Affleck và George Clooney của phim Argo cũng chẳng là tay vừa. Họ mở ra nhiều cuộc tiếp tân "trong vòng thân mật" và mua 30 phút quảng cáo trên truyền hình vào giờ cao điểm để "tiết lộ" những tình tiết bên trong việc thực hiện. Hai đối thủ kia là Lincoln và Silver Linings đành đáp lễ bằng một loạt quảng cáo tốn kém khác.

Tính chung thì mỗi nhà sản xuất của năm tác phẩm dẫn đầu, là Argo, Les Misérables, Lincoln, Silver Linings và Zero Dark Thirty, đã buông ra 10 triệu bạc cho chiến dịch vận động này. Thả con săn sắt mà bắt con cá quả.

Nhưng giới điện ảnh còn khéo huy động một thành phần nghệ sĩ khác ở bên ngoài. Đó là các chính khách. Nhất là năm nay lại có quá nhiều tác phẩm thiên về đề tài chính trị, hoặc được thời sự đưa vào tranh luận chính trị. Mà vì đa số đạo diễn và nhà sản xuất Hollywood đều chi tiền khá bộn cho đảng Dân Chủ, các chính khách Dân Chủ cũng được mùa "thân dân" khi ngỏn ngoẻn xuất hiện bên các minh tinh nổi tiếng.

Từ Tháng 11, trước một cử tọa chín ngàn người, đạo diễn Spielberg long trọng đọc bài diễn văn kỷ niệm 149 năm ngày Tổng thống Abraham Lincoln có lời tuyên ngôn để đời tại nghĩa trang Gettysburg. Rồi cho trình chiếu phim Lincoln tại Quốc hội và cùng diễn viên Daniel Day-Lewis gặp Chủ tịch Thượng viện Harry Reid trước ống kính báo chí. Quả là lịch sử đã hòa hợp với nghệ thuật. Chưa hết, Spielberg còn nhờ nguyên Tổng thống Bill Clinton giới thiệu cuốn phim tại lễ trao giải Golden Globes. Tuyệt chiêu vì đôi ta cùng nổi.

Vụ một kẻ bị bệnh tâm thần đã tàn sát bà mẹ và 26 người trong một trường tiểu học ở Newtown của Connecticut càng khiến đề tài của cuốn phim Silver Linings trở thành thời sự nóng, dù ban đầu tác phẩm này được giới thiệu như một phim hài hước! Đạo diễn David O. Russel cùng tài tử Bradley Cooper khai thác khía cạnh tâm thần trong cuốn phim khi lên gặp Phó Tổng thống Joe Biden và hình ảnh được tweet ra ngoài cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Tài tử gạo cội Robert de Niro chỉ thủ vai phụ trong tác phẩm nhưng thành diễn viên xuất sắc của chiến dịch quảng cáo khi xụt xùi nước mắt trong một show truyền hình của Katie Couric về thảm cảnh của kẻ mắc bệnh thần kinh. Thất kinh về tài diễn xuất!

Nhà sản xuất Weinstein bèn đóng chốt bằng một mẩu quảng cáo khác, rằng từ 1991 đến nay, de Niro chưa đoạt thêm giải Oscar nào nữa. Ra cái điều giọt nước mắt của chàng là dâng tự đáy lòng chứ không là nước mắt cá sấu của một nghệ sĩ có tài!

Nhưng năm nay có hai tác phẩm đã làm xô lệch sân khấu chính trị quốc nội và quốc tế.

Do George Clooney, Ben Affleck và Grant Heslow sản xuất và Ben Affleck đạo diễn, phim Argo là loại trinh thám gián điệp về màn đánh tráo của Gia Nã Đại để cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị lực lượng cách mạng Hồi giáo Iran bắt làm con tin vào năm 1979. Một nhân viên CIA (do Ben Affleck thủ diễn) muốn giải vây sáu nhân viên ngoại giao đang trốn trong tư dinh Đại sứ Canada tại Iran nên cầu cứu.... Hollywood.

Họ dàn dựng như những nhà làm phim muốn thực hiện tác phẩm khoa học giả tưởng tên là Argo và tìm nơi quay tại Iran để các nhà ngoại giao tẩu thoát như người Gia Nã Đại làm phim. Dù được giới thiệu theo lối rào đón là sản phẩm hư cấu hơn là phim tài liệu, cuốn phim vẫn gây phản ứng, nhất là từ Gia Nã Đại và Iran. Người ta chê rằng vẫn là chuyện CIA nhận vơ công trạng của chính quyền Canada trong màn đánh tráo, nhưng nghe nói rằng giới trẻ tại Iran lại rất khoái và sao chép lung tung để coi cọp. Nên lại thêm một phần quảng cáo miễn phí!

Cuốn phim kia của nữ đạo diễn Kathryn Bigelov còn ly kỳ hơn nữa.

Dưới tên Zero Dark Thirty mà ta có thể dịch là "Sau Giờ Tý Canh Ba", tác phẩm nói về nỗ lực điều tra, truy lùng để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Chưa trình chiếu thì cuốn phim đã gây sôi nổi, rồi bị cả hai phe tả hữu đả kích vì hàm ý rằng việc tra tấn có góp phần tìm ra tông tích của tên khủng bố. Có tra tấn hay không và việc nặng tay lấy cung có chính đáng hay không là mấy câu hỏi chính trị nằm ngoài nghệ thuật, nàng Kathryn Bigelov đã lửng lơ như vậy.

Nhưng các đối thủ thì tác động vào ban giám khảo: vinh danh cuốn phim là đồng lõa với đòn tra tấn đấy! Trong vai một nhân viên trì chí và quyết liệt của CIA, nữ tài tử Jessica Chastain của phim này rất được chú ý nhưng có thể phải nhường giải Nữ Diễn Viên Xuất Sắc Nhất cho nàng Jennifer Lawrence....


***

Trên màn ảnh đỏ chói, các nghệ sĩ đã lũ lượt xuất hiện với áo khăn dịu dàng nên người viết xin chấm dứt việc bình luận và lui về làm khán giả. Mà chỉ nói thầm rằng mình đã bắt phim Argo, và đoán là đạo diễn Spielberg và tài tử Daniel Day-Lewis của phim Lincoln, cùng Jennifer Lawrence của phim Silver Linings là những người vui nhất đêm nay.

Còn nếu phim War Witch của Tim Nguyễn mà vượt nổi phim Amour để được chấm là tác phẩm ngoại quốc hay nhất năm thì giải nhất phải dành cho... Việt Báo Xuân Nhâm Thìn vì đã sớm có một bài viết về tay đạo diễn này. Một chàng trai gốc Việt đầy triển vọng ở Canada.

_____

Bài này được viết ngày Chủ Nhật 130224, trong khi đợi lễ trao giải Oscars lần thứ 85. Việt Báo đăng tải hôm 27. Đoán sai việc đạo diễn Lý An đoạt giải và không nhìn ra diễn viên Michelle Obama xuất hiện trong vai ăn có. Hề!


Thứ Ba, tháng 2 26, 2013

Vẫy Vùng và Giẫy Dụa



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130225
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Chính trị Hoa Kỳ đưa ra hình ảnh thê thảm về nước Mỹ

 * Ngân sách Hoa Kỳ, thời 2007 và ngày nay, với mảng bội chi và mẩu giảm chi 85 tỷ - Hý họa của Michael Ramirez, báo IBD Ngày 130226 *


Từ một tuần qua và trong những ngày tới, trận đánh về ngân sách tại Hoa Kỳ sẽ lại là thời sự nóng hổi. Nhưng càng khiến thế giới hoài nghi về tâm thần vững mạnh của nước Mỹ.

Mở màn là vụ khủng hoảng tài chánh vào năm 2008, nhồi trong một cuộc tổng tuyển cử sau hai nhiệm kỳ Tổng thống của đảng Cộng Hoà. Năm năm về trước, đa số người dân còn mơ hồ về nguyên nhân sâu xa của vụ khủng hoảng, bùng nổ giữa một chu kỳ suy trầm kinh tế khởi sự từ Tháng 12 năm 2007. Người ta nói đến lý do là nạn bể bóng đầu tư trên thị trường gia cư, hay tình trạng bất cẩn và thậm chí bất lương của nhiều ngân hàng đầu tư, nên mới gây ra một vụ nỡ nợ dây chuyền sau sự sụp đổ của hệ thống tín dụng gia cư với loại tín dụng thứ cấp subprime như những kén nợ ung thối cứ được truyền tay.

Sau tám năm kiểm soát Hành pháp của đảng Cộng Hoà, với vụ suy trầm mở đầu và kết thúc (2001 và 2008), nạn khủng bố 9-11, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và hai chiến trường nóng là Afghanistan và Iraq - một thời chiến tranh được tài trợ bằng vay nợ vì không tăng thuế - đảng Dân Chủ có đầy hy vọng thắng cử. Quả nhiên là kiểm soát được cả Hành pháp lẫn lưỡng viện Quốc hội. Giải pháp cấp cứu của đảng này thuộc vào loại cổ điển của cánh tả là tăng chi để kích thích kinh tế.

Nhưng nguyên nhân của tình trạng khó khăn kinh tế không nằm ở các biểu hiện ngoài da như vừa nói ở trên, mà thuộc về cơ cấu và có tính chất lâu dài hơn một chu kỳ. Nguyên nhân đó là tình trạng vay mượn quá nhiều từ mấy chục năm liền, từ những năm 1980 trở về sau, với sự góp sức đáng kể của Quốc hội và bốn đời Tổng thống thuộc cả hai đảng. Sau ba chục năm đi vay quá sức và đến hồi trả nợ, Hoa Kỳ bước vào giai đoạn sóng gió với giới hạn nhất định của các giải pháp cổ điển thông thường về tiền tệ hay ngân sách.

Giới hạn ấy khiến Ngân hàng Trung ương là định chế duy nhất còn khả năng xoay trở, với loại biện pháp bất thường, hy hữu. Điển hình là sau khi đã hạ lãi suất tới số không thì ba lần in bạc bơm tiền gọi là "quantitative easing" (QE) và một lần vặn chéo lãi suất ("Operation Twist"). Vì nhiều nguyên do sâu xa lâu dài, các biện pháp đó chậm gây tác dụng. Rồi tranh luận chính trị cùng các chính khách mới gây ra những vấn đề còn lại.

Trước hết, sau cuộc tổng tuyển cử 2008 trong cơn hốt hoảng của khủng hoảng tài chánh, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm 2010, cử tri phản ứng mạnh với chánh sách tăng chi và bao cấp của Chính quyền Dân Chủ. Kết quả là nạn ách tắc chính trị vì một hệ thống lãnh đạo hai đầu: đảng Dân Chủ vẫn kiểm soát Hành pháp và Thượng viện, nhưng phải chia quyền với đảng Cộng Hoà tại Hạ viện, cơ chế có thẩm quyền nhất về ngân sách.

Hậu quả là trận đánh liên miên về ngân sách giữa hai đảng trong suốt năm 2011. Vì 2012 lại có tổng tuyển cử nữa, nên bài toán nan giải và lưu cữu về ngân sách - với mức bội chi kỷ lục là mỗi năm một ngàn tỷ đô la, và gánh công trái (nợ của khu vực công) đã vượt tổng sản lượng là 16 ngàn tỷ - cũng không được giải quyết: các chính khách chỉ có thể nhắm vào mục tiêu ngắn hạn trước mắt là tái đắc cử.

Họ lãng quên và khóa lấp các vấn đề dài hạn là 1) giảm mức bội chi, 2) thanh toán gánh nợ công quyền, 3) cải tổ chế độ thuế khoá, 4) cải cách thủ tục chi thu để tránh sự phá sản tất yếu của quỹ an sinh và y tế. Năm năm sau vụ khủng hoảng vì vay mượn quá nhiều, chính quyền lại mắc nợ hơn trước và việc giảm chi chỉ là giảm đà gia tăng của công chi mà thôi.

Đấy là bối cảnh của trận đánh ngân sách và biện pháp gọi là "tạm cầm giữ" ("sequestration") liên quan đến 85 tỷ sẽ tự động bị cắt năm nay.

Số là sau khi chiếm lại đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cư 2010, đảng Cộng Hoà đòi hỏi là chỉ nâng định mức đi vay thêm một đồng nếu ngân sách giảm chi một ngân khoản tương đương. Trận đánh kéo dài suốt năm 2011 với kết quả là đạo luật kiểm soát ngân sách Budget Control Act được Tổng thống Barack Obama ban hành ngày hai Tháng Tám năm đó. Bên trong là thỏa thuận giữa hai đảng là trong 10 năm tới sẽ nâng mức công trái thêm 2.400 tỷ và giảm chi một ngân khoản tương đương. Nhưng sẽ giảm ở đâu?

Vì các chính khách không thể đồng ý về nội dung và đối tượng giảm chi, họ bày ra một trò lạ là sự dọa nạt.

Nếu trong năm 2012 mà không đạt thỏa thuận thì ngân sách tự động bị cắt 1.200 tỷ trong 10 năm tới. Dù đấy chỉ là một dọa nạt theo kiểu tháu cáy, sự thỏa thuận đó vẫn không có, trừ vài nhượng bộ ngoài da - trị giá 24 tỷ bằng cách tăng thuế và giảm chi mỗi thứ một nửa – và biện pháp tăng thuế thêm 160 tỷ, nên ngân sách của tài khóa 2013 sẽ tự động bị cắt 85 tỷ đô la, bên trong có 46 tỷ về quốc phòng.

Xin nhắc lại cho rõ: giảm chi 85 tỷ trong một ngân sách 3.600 tỷ, chỉ bằng 2,36%. Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ biểu diễn hài kịch còn lại.

Tổng thống Obama lại buông lời dọa nạt: việc giảm chi mù quáng đó khiến người già con trẻ, an ninh phi trường hay vệ sinh thực phẩm, và thậm chí cả khả năng tác chiến của quân đội, v.v... không được bảo đảm. Màn dọa nạt đó là sáng kiến đánh dứ xuất phát từ Phủ Tổng thống ra, mà được đa số Dân biểu Nghị sĩ Cộng Hoà tương kế tựu kế chấp nhận khi bỏ phiếu đồng ý từ Tháng Tám năm 2011 và gần nhất là vào Tháng Giêng vửa qua.

Bây giờ đôi bên đổ lỗi cho nhau, rằng đó là ý kiến tai hại của Tòa Bạch Cung. Không, đó là trách nhiệm nặng nề của đảng Cộng Hoà.

Những người chủ thật sự của quốc gia này nghĩ sao về trò hề này?

Cuộc khảo sát ý kiến được công bố Thứ Năm tuần trước cho biết là chỉ có 43% người dân lõm bõm biết về biện pháp giảm chi tự động. Nhưng 54% lại tin rằng việc giảm chi ấy gây bất lợi khi kinh tế còn èo uột và thất nghiệp vẫn mấp mé 8%.

Chính là sự mơ hồ của cử tri, và sự hồ đồ của họ khi bỏ phiếu, mới dẫn đến bi hài kịch hiện nay, bi kịch về kinh tế và hài kịch về chính trị. Trong kỳ tới, mục "Kinh tế cũng là Chính trị" sẽ tìm hiểu chuyện này. Nhìn từ bên ngoài, các quốc gia trên thế giới, bạn như thù, đang theo dõi trận đấu Mỹ-Mỹ với sự ái ngại - hay hả hê.... Hoa Kỳ hết vẫy vùng mà chỉ giẫy dụa!

Hay dân tộc nào cũng có lãnh đạo xứng đáng với mình?

_______________________
"Chỉ Có Tại Nước Mỹ": cuối mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" có trăm chữ về loại chuyện chỉ có tại nước Mỹ. Mua vui cũng được một vài phút giây:

Nhà thiết kế Adam Harvey tại New York vừa tung ra loại trang phục mới, tên là Stealth Wear - mà ta có thể dịch là "y phục tàng hình". Công dụng là giúp cho người mặc khỏi bị máy bay tự động phát giác bằng ống kính hồng ngoại tuyến. Dù chẳng là khủng bố sắt máu thì khách hàng cũng phải là dân có máu mặt: áo khoác có che đầu trị giá 473 đô la; áo dài kiểu burqa phủ tới cổ chân có trùm đầu và che mặt  thì tốn 2.365 đồng. Sáng tạo vô biên!


Thứ Bảy, tháng 2 23, 2013

Trung Quốc Phục Hưng


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130223

Và phục binh Trung Quốc

* Công xưởng của thế giới: Hắc khách của  đội 61398, thuộc Tổng tham, Tam bộ, Nhị cục! *



Đúng năm năm trước, vào Tháng Ba năm 2008, một tổ hợp đầu tư Hoa Kỳ nghiêng đổ, đó là công ty Bear Sterns, được thành lập từ năm 1923, 90 năm về trước. Biến cố tưởng như nhỏ nhoi đó bật tia lửa báo hiệu một vụ cháy rừng. Cùng thời điểm ấy, dân Tây Tạng ở khắp nơi tổ chức biểu tình tưởng niệm biến cố 17 Tháng Ba năm 1959, khi thủ đô Lhasa của họ bị Hồng quân Trung Quốc chiếm đóng và vị quốc trưởng là đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 phải lưu vong qua Ấn Độ. Không chỉ biểu tình phản đối ách thống trị của Trung Quốc, dân Tây Tạng và những người tranh đấu cho nhân quyền còn "dàn chào" ngọn đuốc Thế vận đang biểu diễn vòng quanh thế giới trước khi châm lửa cho Thế vận hội Bắc Kinh...

Tia lửa Bear Sterns châm ngòi cho vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ, bùng nổ khi tổ hợp Lehman Brothers sụp đổ ngày 15 Tháng Chín. Còn tia lửa Tây Tạng bị Trung Quốc dập tắt mà vẫn âm ỉ lan xa, với hàng trăm người Tây Tạng cả tăng lẫn tục đã tự thiêu từ hai năm qua.

Trước sự thờ ơ của thế giới.

Chỉ vì tám giờ tám phút tối ngày tám tháng tám năm lẻ tám, Thế vận hội Bắc Kinh huy hoàng khai mạc trong một vận động trường hiện đại có cái dạng của một ổ chim. Thế vận hội hạ màn 18 ngày sau, lại còn vĩ đại hơn lễ khai mạc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu với sự xuất hiện của Trung Quốc, một nước đã đoạt nhiều huy chương hơn Hoa Kỳ và đang trên đà bắt kịp kinh tế Mỹ về sản lượng....

Rồi ba tuần sau khi Thế vận Bắc Kinh chấm dứt, ngày 15 tháng 9 năm 2008, tổ hợp đầu tư Lehman Brothers của Mỹ phá sản, kéo theo hàng loạt cơ sở tài chánh khác trong một vụ khủng hoảng hy hữu. Năm đó, Hoa Kỳ lại có tổng tuyển cử và bầu lại Tổng thống. Cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ trong cơn hốt hoảng của cả nước mở ra một chu kỳ bao cấp với biện pháp chống đỡ cổ điển là tăng chi để kích cầu: nước Mỹ bị bội chi nặng và mắc nợ còn nặng hơn xưa. Giờ này, tuần này, Hoa Kỳ chưa ra khỏi tranh luận về gánh nợ và cái ách bội chi.

Phải chăng sự sụp đổ của Bear Sterns, rồi Lehman Brothers, AIG, Fannie Mae và Freddie Mac, v.v... đánh dấu ngày tàn của nước Mỹ? Vào cùng thời điểm ấy, Trung Quốc phục hưng sau hai thế kỷ bại liệt, là con bệnh của Đông Á. Chúng ta đã trải qua năm năm hỗn mang như vậy,

Tuần qua, Hoa Kỳ cũng báo động rằng cả trăm doanh nghiệp cao kỹ lẫn các cơ quan liên bang, kể cả bộ Quốc phòng, đã bị "hắc khách" tấn công!

Hắc khách là những tay tin tặc hacker đã xâm nhập vào nội tình của địch và còn lên tới đầu não để vừa ăn cắp vừa phá hoại bằng những phản trình tinh vi. Y như các thích khách được thấy trong bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên, bọn hắc khách có bản lĩnh nhất cũng xuất phát từ Trung Quốc.

Theo cơ quan tư nhân chuyên nghiên cứu về an ninh tín học là Mandiant, một điểm xuất phát của hắc khách Trung Quốc là "Tổng tham Tam bộ Nhị cục". Diễn ra bạch văn là phòng nhì của ban ba, bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng! Một bộ phận chủ lực về hắc khách của cơ quan bí hiểm này là Đơn vị 61398 ("61398 Bộ đội") nằm trong một cao ốc trên đường Đại đồng ở Thượng Hải.

Khi ngẫm lại thì năm năm qua - khi Hoa Kỳ cùng các nước công nghiệp tiên tiến và dân chủ của Tây phương, kể cả Nhật Bản, còn ngụp lặn trong muôn vàn khó khăn - cũng là lúc Trung Quốc bung ra bốn phương và khẳng định thế mạnh về mọi mặt, kinh tế, ngoại giao và quân sự! Còn trời đất gì nữa?

Mà không phải sao?

Bắc Kinh hiện là chủ đầu tư, nguồn viện trợ lẫn trung tâm đổi chác quyền lợi với các nước Á Châu, Phi Châu và Trung Nam Mỹ, rồi còn xâm nhập vào các thị trường tiên tiến, mắc nợ và khát tiền của Tây phương.

Bắc Kinh đã cho các nước nghèo vay tiền còn nhiều hơn Ngân hàng Thế giới. Rồi xây hải cảng, xa lộ, ống dẫn dầu và khí đốt cho các nước bán khoáng sản và năng lượng. Bắc Kinh tung ra một lực lượng "dân công", những kẻ tha phương cầu thực để kiếm sống, vào khai thác nông trại, đồn điền, hầm mỏ và thương xá của các nước để thu về nguyên nhiên vật liệu và hàng ngày thả ra hàng triệu sản phẩm "chế tạo tại Trung Quốc" với giá rẻ mạt. Lực lượng dân công đó có sự yểm trợ về tín dụng và ngoại giao của một tam đầu chế là nhà nước, ngân hàng và xí nghiệp quốc doanh.

Bắc Kinh còn tiếp vận cho các chế độ hung đồ đang bị thế giới cấm vận, mà không hề có loại điều kiện mang tính chất "xen lấn nội bộ" như nhân quyền, dân chủ, môi sinh hay phổ biến võ khí tàn sát....

Nếu nhìn theo giác độ an ninh, Bắc Kinh đang nối một xâu chuỗi từ Đông Á qua Ấn Độ dương đến Hồng hải để lập ra thế liên hoành kết hợp các đồng minh. Mục tiêu là giải quyết nhu cầu vận chuyển mà khỏi bị chặn ở "nan đề Malacca" là các eo biển Malacca, Lombok và Makassar trên vùng biển Đông Nam Á hiện vẫn do Hoa Kỳ kiểm soát. Nhu cầu ấy sẽ khai thông và phát triển những tỉnh bị khóa trong lục địa, từ Tứ Xuyên đến Vân Nam. Mục tiêu kia là đánh một vòng đai quân cảng cho phép hạm đội Trung Quốc sử dụng để khống chế được Vịnh Bengale, Ấn Độ dương và biển Á Rập, và nối kết với miền Tây biển Thái Bình.

Hai chục năm trước, sau khi Liên Xô tan rã, nhiều người Mỹ lạc quan vội nói đến "lịch sử cáo chung" và sự thắng thế của tư bản chủ nghĩa. Rồi cả thế giới ca tụng "đồng thuận Washington", những tôn chỉ có giá trị nhất cho phát triển như kỷ cương ngân sách, cải tổ công chi và thuế vụ cho thông thoáng đơn giản, như quy luật tự do của thị trường trong việc ấn định lãi suất và ngoại thương, hoặc tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước để xoá dần chế độ công hữu bằng quyền tư hữu, v.v... Chính quyền Bill Clinton của Hoa Kỳ còn kết hợp chân lý "đồng thuận Washington" với các tiêu chuẩn tiến bộ hơn về chính trị là nhân quyền và dân chủ.

Ngày nay, Hoa Kỳ đã thủ tiêu sự đồng thuận cao quý đó bằng chuyện bội chi và tăng thuế chẳng thua kém gì các nước Âu Châu bao cấp. Trong khi Trung Quốc lại đưa ra nguyên tắc khác để mời chào các nước đang phát triển. Đó là "đồng thuận Bắc Kinh" – hoàn toàn trái ngược qua vai trò quan trọng của khu vực kinh tế nhà nước và cực kỳ vô đạo khi gạt chuyện dân chủ hay nhân quyền vào đống rác.

Nhờ vậy, Bắc Kinh có một xâu chuỗi các nước không đồng chí thì cũng là đồng mình hay thân chủ, khách hàng. Cuba, Venezuela, Iran và thậm chí Bắc Hàn đều ngả về Đông trước sự hậm hực mà bất lực của các nước dân chủ Tây phương!

Kết quả là năm năm sau, Trung Quốc đã toả sáng, có thêm bằng hữu ở xa, kể cả các nước độc tài và tham ô của Phi Châu và Nam Mỹ. Trong khi các nước ở gần hơn và dân chủ hơn, như 10 quốc gia Đông Nam Á trong hiệp hội ASEAN, thì rơi vào thế lưỡng nan. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Trung Quốc cho sự thịnh vượng kinh tế, nhưng lại e ngại mối nguy xâm lược và khuynh đảo của Bắc Kinh. Họ nhìn vào Hoa Kỳ như một thế lực đối trọng có thể bảo vệ cho an ninh. Nhưng lại e ngại sự bất nhất của lãnh đạo Mỹ, khi Hoa Kỳ chưa ra khỏi những xoay vần nội bộ về chuyện công chi thu.

Thời sự quốc tế và các nhà bình luận thập phương đều đang nói đến tình huống lạ thường này.

Nhưng ít ai nêu câu hỏi là Trung Quốc sẽ tồn tại được bao lâu khi mà ánh sáng chói lòa đang toả ra ngoài lại che giấu những mảng u ám ở bên trong? Hỏi cách khác, chế độ có thể bóc lột người dân đến cỡ nào để làm cho nước mạnh mà dân vẫn nghèo! Kỳ trước, cột báo này đã nói đến thành phần trung lưu của Trung Quốc. Họ ở đâu, đang làm gì?

Loại câu hỏi ấy mới thật sự là vấn đề đáng chú ý vì như thơ Nguyễn Chí Thiện, "trong bóng đêm đã phục sẵn một mặt trời". Đó là phản ứng nổi loạn của người dân, là mối lo động loạn xã hội đang nằm trong xương tủy của Thiên triều ngất ngưởng trên đỉnh.

Tin tức chuyên đề về kinh tế thì cứ ngợi ca đức sáng của doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu mở thêm mắt bên kia thì may ra ta mới thấy ra chiều sâu. Thăm thẳm...