Thứ Hai, tháng 2 18, 2013

Trung Lưu tại Trung Quốc

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130215

Cạn dòng trung lưu, đảng bơi trên cát....


 * Sức kéo của một thành phần trung lưu đông đảo tại Trung Quốc - ngoài ven biển *


Sau Đại hội 18, lãnh đạo Trung Quốc phải giải quyết một vấn đề xã hội có nguyên nhân kinh tế.

Đó là tình trạng bất mãn và động loạn tại nhiều nơi vì hố sâu giàu nghèo mở rộng giữa những hình ảnh khó chấp nhận được của nạn tham ô và cường hào ác bá. Nguyên nhân kinh tế của hiện tượng này là chiến lược phát triển nhờ xuất cảng bằng mọi giá, bất kể tới hiệu năng và mức lời của doanh nghiệp.

Ba chục năm sau, chiến lược ấy đã đi hết sự vận hành của nó và lãnh đạo phải thay đổi...

Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh thấy ra nhược điểm của chiến lược này, một phần vì thị trường xuất cảng vào các nước công nghiệp hóa đã giảm sút nặng. Phần kia là sự khác biệt quá lớn về lợi tức lẫn nhận thức giữa các tỉnh duyên hải được giàng vào các thị trường bên ngoài và các tỉnh lạc hậu bị khóa trong nội địa.

Về xã hội, khi hoạt động sản xuất cho xuất cảng còn thịnh đạt, lực lượng lao động từ bên trong đã lũ lượt "Đông tiến" để tìm việc ở vùng duyên hải bên ngoài. Số "dân công" này lên tới 250 triệu người trong tổng số 800 triệu lao động. Khi thế giới bị "tổng suy trầm" 2008-2009 và chậm hồi phục từ đó đến nay, khoảng 160 triệu người của lực lượng dân công ấy mất việc làm, lợi tức sút giảm và trở thành vấn đề cho các tỉnh và trung ương. Tình trạng gọi là "ổn định chính trị" từ hai chục năm qua, sau vụ thảm sát Thiên an môn năm 1989, đang bị đe dọa.

Vì chế độ hộ khẩu vẫn được duy trì, thành phần dân công này không có hộ khẩu ở những nơi họ tạm trú và sinh con đẻ cái từ cả chục năm nay. Giờ đây, họ rơi vào hoàn cảnh bấp bênh khi mất việc làm và lợi tức. Lực lượng lao động còn lại cũng không chấp nhận mức lương quá thấp, nhất là khi dân số bắt đầu lão hóa và nhiều doanh nghiệp kiếm không ra người. Thợ thuyền đình công, đòi tăng lương và bào mỏng mức lời của doanh nghiệp.

Từ những lý do trên, lãnh đạo Trung Quốc phải chuyển hướng, lấy đầu tư và tiêu thụ nội địa làm lực đẩy, chứ không thể trông cậy vào xuất cảng như xưa.

Trong bối cảnh đó, hai nhân vật lãnh đạo chính phủ là Thủ tướng Ôn Gia Bảo và người sẽ kế nhiệm vào tháng tới là Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đều liên tục nói đến tầm quan trọng của việc đô thị hóa để đem lại ổn định bền vững và việc nâng cao mức sống của dân nghèo ở thôn quê để đẩy lui nạn bất công xã hội.

Chúng ta nên lui về để nhìn sự thể trên toàn cảnh và trong trường kỳ....

Tại Hoa Kỳ, người ta cứ nói đến sự kiện tiêu thụ đã chiếm đến 72% Tổng sản lượng và nạn vay tiền mua xắm mới gây ra tai họa kinh tế. Rồi giải pháp tăng chi để kích thích lại gây thêm bội chi khiến tư nhân trả nợ chừng nào thì nhà nước lại vay thêm chừng đó. Trung Quốc gặp vấn đề trái ngược.

Sức tiêu thụ của các hộ gia đình Trung Quốc đã sụt tới mức thấp nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới. Hiện nay vỏn vẹn chỉ có 37% Tổng sản lượng so với 57% của Ấn Độ, của Đức hay Indonesia, hoặc 53% của Nam Hàn và 60% của Nhật. Cũng nên nhớ lại là từ nhiều thập niên trước, hai xứ sau cùng này đã từng lấy xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng nhưng không khi nào tiêu thụ lại sụt dưới 50% của Tổng sản lượng. Họ không quên chân lý là dân có giàu thì nước mới mạnh!

Trong khi đó, Trung Quốc lại bơi ngược dòng.

Trong sáu năm đầu của thế kỷ 21, từ 47% tổng sản lượng, tiêu thụ đã sụt tới 35% và xuất cảng đã tăng từ 23% lên 39%. Đấy là lúc xảy ra tạn tổng suy trầm từ đầu năm 2008 với hậu quả là xuất cảng giảm sút nên chính quyền ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế, tổng cộng là hơn bốn ngàn tỷ đô la trong các năm 2008-2010, đa số là cho các dự án xây dựng hạ tầng và gia cư. Nhờ vậy, kinh tế Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản vào năm 2010.

Nhưng tiêu thụ vẫn không tăng và chỉ ở khoảng một phần ba của Tổng sản lượng.

Nếu "lãnh đạo là tiên liệu" thì vì sao chính quyền Bắc Kinh lại tiên liệu kém như vậy?

Thật ra, từ cả chục năm trước họ lấy một quyết định có vẻ hợp lý. Chiến lược xuất cảng bằng mọi giá đem lại mối lợi trước mắt là chính quyền đạt xuất siêu và thu về một lượng ngoại tệ khổng lồ để có thể khuynh đảo thế giới. Và nhân công tại các tỉnh duyên hải có thêm tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng, đa số là của nhà nước, để còn lo cho ngày trở về già trong một xã hội không có mạng lưới an sinh đủ dày đủ chắc.

Khu vực chế biến cho xuất cảng tại vùng duyên hải còn tạo thêm việc làm và thu hút nguồn nhân công dư đôi từ các tỉnh bên trong. Vì là nhân công dư dôi và không có hộ khẩu, lực lượng dân công này đành chịu lương thấp, đem lại lợi thế cạnh tranh về ngoại thương và biến Trung Quốc thành trung tâm chế biến toàn cầu!

Nói cho phũ phàng, chiến lược này vắt sức lao động của người dân để tạo ra thế lực quốc tế cho nhà nước, cho nên nếu sức tiêu thụ của dân chúng có giảm thì cũng chẳng là vấn đề cho lãnh đạo.

Nhưng cơn chấn động toàn cầu từ năm năm vừa qua khiến cho xứ nào cũng tìm cách gia tăng xuất cảng, giảm thiểu nhập cảng nên càng muốn cạnh tranh thì Bắc Kinh càng ép người dân cho đến khi họ hết đất lùi và bắt đầu phản ứng. Đấy là lúc đảng và nhà nước Trung Quốc thấy là phải chuyển hướng và tìm một chiến lược khác hơn là trông cậy vào xuất cảng. Phải cho người dân có tiền để sức tiêu thụ của họ sẽ thay thế cho xuất cảng.

Nhưng Bắc Kinh lại gặp một nan đề khác.

Một đàng, chính quyền trung ương công nhận là muốn nâng mức tiêu thụ của thị trường nội địa thì phải chấp nhận tăng lương và trấn an giới tiêu thụ qua việc cải cách chế độ an sinh, y tế, gia cư và giáo dục để họ dám đem tiền ra tiêu xài. Hôm mùng năm vừa qua, Quốc vụ viện (Hội đồng Chính phủ) Bắc Kinh đã quyết định tăng mức lương tối thiểu của công nhân các tỉnh thêm 40% là trong tinh thần đó.

Mặt kia của bài toán là ai sẽ thanh toán các khoản chi phí phụ trội này?

Nếu doanh nghiệp và các tỉnh phải tăng lương và cải thiện chế độ an sinh cho người dân để nâng mức tiêu thụ nội địa thì nhiều công ty và cả chính quyền hàng tỉnh sẽ vỡ nợ và lập tức gây ra thất nghiệp. Chưa thấy nạn thất nghiệp đáng sợ ấy, lãnh đạo đã gặp sức cản rất mạnh của nhiều đảng bộ địa phương và nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước. Hệ thống quốc doanh này là lãnh địa của nhiều phe nhóm có thế lực rất cao và cưỡng chống thay đổi vì không muốn thu hẹp quyền lợi của họ khi phải cưu mang gánh nặng xã hội cho lực lượng lao động ở dưới.

Kết cuộc thì ba chục năm sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, Trung Quốc đã có trăm triệu đại gia trở thành triệu phú nhưng chưa có một thành phần trung lưu. Muốn phá vỡ hệ thống độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, từ công nghiệp qua ngân hàng, để giải tỏa các hoạt động sản xuất, tín dụng và an sinh cho người dân được dễ thở hơn thì trung ương bị cản trở về chánh sách.

Đã thế, dù đảng có thành công trong trận đấu nội bộ này, như cho tăng lương và mở rộng mạng lưới an sinh, họ vẫn đụng vào một thực tế văn hóa: người dân nói chung chưa dám rộng tay tiêu xài và thật ra chưa thấy lạc quan về tương lai nên vẫn cố thắt lưng buộc bụng.

Kết cuộc thì khái niệm "trung lưu" không là một con số thống kê về lợi tức mà là một nếp sống. Trung lưu là một lối suy tư còn quá mới trong một xã hội đã từng dại dột đề cao giai cấp vô sản và nghi ngờ bọn tiểu tư sản. Chỉ có một thiểu số đại gia thì phe phẩy tiêu xài như Mỹ, còn hơn Mỹ.

Đó là đám con ông cháu cha của một đảng xưng danh xã hội chủ nghĩa.



1 nhận xét:

  1. lương là chi phí sản xuất, khi tăng 40% thì giá thành sản phẩm sẽ tăng. Gây ra lạm phát, làm suy giảm tiêu thụ, do giá tăng thì cầu sẽ giảm. Vd cụ thể Với 1 số sản phẩm khi tăng lương cơ bản 10% thì giá thành sản phẩm có thể tăng 50-100% hoặc hơn như giá thực phẩm , tiền gửi xe, tiền xe ôm, giá 1 bát phở, 1 bát xôi ... ở VN thì sẽ có rất nhiều hàng hóa có mức tăng với tỷ lệ tăng không đồng đều. hệ quả hàng chục năm nay mỗi lần tăng lương là chỉ làm cho người lao đông thêm nghèo đi.tóm lại, kích thích tiêu thụ sẽ làm người lao động thêm nghèo.
    Giảm giá trị đồng tiền, sẽ làm tăng giá nhiều sản phẩm trung & cao cấp, Vd rõ nhất sẽ được tháy tại siêu thị,cách này ít nhiều cũng làm cho người dân nghèo đi.
    Cuộc chiến tranh nào cũng gây thiệt hai cho người dân. Chiến tranh súng đạn làm thiệt hại sinh mạng, tàn phá nền kinh tế, làm tiêu tan mọi thành quả lao động. Chiến tranh tiền tệ cũng ảnh hưởng tới kinh tế, làm người dân nghèo đi.

    Trả lờiXóa