Thứ Ba, tháng 2 05, 2013

Giải Phẫu Một Đám Mây Mù



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130203
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Năm năm sau, đã mờ mờ một chút ánh sáng ảo

* Gẫy đòn bẩy và những hoạn nạn sau đó *



Trong khoảng 1.500 chữ mà phân giải rồi tổng kết về những hoạn nạn kinh tế tại Hoa Kỳ thì cũng tựa như nói về... công án Thiền! Nhưng Xuân về thì ai cũng có thể nổi hứng....


Hoa Kỳ đang ở giữa chu kỳ trả nợ, thuật ngữ kinh tế tài chánh gọi đó là "deleverage" trong ý nghĩa là trả lại cái đòn bẩy: ta đi vay như dùng đòn bẩy để di chuyển một vật nặng quá sức mình.

Hoa Kỳ vay quá sức nên mắc nợ quá nhiều và đến hồi trả nợ. Từ 1980 đến 2010, nợ của doanh nghiệp tăng gấp ba, của chính quyền tăng gấp bốn và của các hộ gia đình gấp sáu. Các hộ gia đình là chúng ta đã cà thẻ tín dụng và vay tiền mua nhà với phần đặt cọc trả trước chiếm tỷ lệ ngày càng nhỏ hơn của trị giá căn nhà, trước là 20%, sau chỉ còn 10% và nhiều khi chả cần "down". Mua nhà rồi còn vay tiền tu bổ với niềm tin là nhà còn lên giá cao hơn khoản tín dụng đã vay. Khi vay tiền mua bán như vậy, tài hóa lưu thông và mọi người đều lạc quan, cho tới khi gẫy đòn bẩy vào cuối năm 2007, sau khi giá nhà hết tăng mà sụt từ 2006.

Từ đầu năm 2008, mọi người  bắt đầu phải trả nợ. Khi tài hóa bớt lưu thông thì kinh tế suy trầm hoặc tăng trưởng quá chậm, nên nhà nước tăng chi để kích thích và gây thêm bội chi mà không đạt yêu cầu về kích thích. Cụ thể là không làm giảm thất nghiệp. Khi nội vụ vỡ lở vào năm 2008, người ta đỗ lỗi cho Chính quyền Bush mà quên là sự nghiệp đi vay đã khởi đầu từ 30 năm trước. Khi kinh tế vẫn đình đọng với số công trái (vay mượn của nhà nước) lên tới 100% tổng sản lượng thì người ta đổ lỗi cho Chính quyền Obama mà quên hẳn một chu kỳ dài của chuyện có vay có trả.

Bối cảnh kinh tế đó giải thích phản ứng hốt hoảng và lý luận hàm hồ của ba cuộc bầu cử 2008, 2010 và 2012.

***

Nói về quy luật khắt khe của kinh tế thì trong trường kỳ, từ 1790 đến 2010, kinh tế Mỹ tăng trưởng trung bình 3,3% một năm. Trong hậu bán thế kỷ 20, từ 1950 đến 2000 thì tăng 3,6%, tỷ lệ ngoạn mục thời "hậu chiến".

Khi kinh tế bị suy trầm, từ Tháng 12 năm 2007 đến Tháng Bảy 2009, đà tăng trưởng còn  0,5%, nhưng từ khi hết suy trầm thì chỉ tăng 2,2%. Ngày nay, đà gia tăng chỉ mấp mé 2% nên người ta nói về nước Mỹ mạt vận và sự bất lực của cả hai đảng, trong khi chưa có một đảng thứ ba và cây đũa thần!

Hàng năm, sản lượng kinh tế Hoa Kỳ phải tăng chừng 3,3% thì mới không gây thêm thất nghiệp. Muốn thất nghiệp giảm thì phải thay đổi cơ cấu sản xuất để đạt mức tăng trưởng cao hơn, với sức kéo của thuật lý mới, như sinh học – biotechnology – Internet, người máy tự điều robots, viễn thông, điện toán, v.v.... Và một thành phần nhân lực mới. Nạn kỹ sư đang thất nghiệp và sự xuất hiện của một tầng lớp nhân lực mới là những gì chúng ta nên theo dõi trong mấy năm tới.

Ngược lại, nếu sức tăng trưởng thật chỉ có 2% một năm thì đà thất nghiệp có thể sẽ tăng gần 1% một năm. So với gần 8% hiện nay thì đấy là cơn ác mộng!

Năm năm mây mù vừa qua còn che phủ một thực tế u uẩn là Hoa Kỳ tiếp tục tăng chi mà nguồn thu thuế khoá cho ngân sách lại tăng không kịp vì sản xuất èo uột. Biện pháp tăng thuế chỉ hấp dẫn về chính trị, vì đáp ứng yêu cầu xã hội là người giàu phải cáng đáng nhiều hơn gánh nặng thuế khóa, chứ không giải quyết được bài toán kinh tế tài chánh là bù vào khoản bội chi quá cao. Đấy là bối cảnh chính trị của cuộc tranh luận chưa dứt ngày nay, và ngày mai khi Quốc hội sẽ tái đấu về các đề mục như định mức công trái, giảm chi hay cải tổ chế độ thuế khóa.


***


Trở lại chuyện đòn bẩy. Trong năm năm qua, khu vực tư nhân gồm cả doanh nghiệp lẫn các hộ gia đình đều thắt lưng buộc bụng để trả nợ mà trả không kịp so với đà vay mượn của nhà nước. Vòng luẩn quẩn ấy khiến Ngân hàng Trung ương là định chế duy nhất có thể cứu vãn tình hình theo hai nhiệm vụ pháp định là gia tăng mức nhân dụng (giảm thất nghiệp) và ổn định vật giá.

Trước hết là biện pháp cổ điển: hạ lãi suất ngắn hạn tới số không để khuyến khích tiêu thụ và sản xuất. Chưa thấy công hiệu vì lãi suất như sợi dây không nhúc nhích trên mặt sàn, người ta thử nghiệm giải pháp bất thường của Nhật, là "nâng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing" (QE): in tiền ảo trên bảng kết toán để mua lại chứng phiếu (trái phiếu nhà nước và các loại chứng khoán).

Rồi sau hai đợt bơm tiền không kết quả, Ngân hàng Trung ương bèn "xoắn dây" (Operation Twist) bằng cách mua trái phiếu dài hạn và bán trái phiếu ngắn hạn, gọi là "mua dài bán ngắn". Khi mua là xả tiền ra, khi bán là thu tiền vào, biện pháp mua và bán bằng nhau (45 tỷ đô la một tháng) không gây áp lực lạm phát trong lâu dài nhưng nhắm vào mục tiêu làm hạ lãi suất ngắn hạn để kích thích đầu tư. Vì thủ thuật kỳ bí ấy vẫn vô hiệu nên định chế tiền tệ của Mỹ mở ra đợt QE thứ ba, và báo trước là chỉ đóng lại khi thất nghiệp giảm tới 6,5% hay lạm phát lên tới 2,5%.

Xin quý độc giả thứ lỗi cho con dao giải phẫu cứ phải ngoắt ngoéo trong cái cơ thể âm u bất động. Mấy chi tiết chuyên môn ấy cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ đã bơm ra khoảng hai ngàn 900 tỷ đô la và dự tính bơm thêm hơn ngàn tỷ nữa cho tới khi thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, hy vọng là vào năm 2015. Khi nào ánh sáng ló dạng - thất nghiệp tiếp cận 6,6% để xuống tới mức kỳ diệu là 6,5% - thì mới dần dần thu hồi lượng tiền đã bơm ra trong năm năm qua. Phải mất dăm năm và rất nhiều hỗn loạn bất ngờ nếu giữa mùa Xuân của hồi sinh, Ngân hàng Trung ương nói đến chuyện thu liễm làm nhạc lắng mây chìm.

Kết quả là gì?

***

Thưa rằng hiệu quả chưa thấy thì hậu quả là rất nhiều nghịch lý.

Thị trường cổ phiếu lên giá làm giới đầu tư hả hê vì lời to, lợi tức của đa số bị sụt nên ai cũng giảm tiêu thụ mà nhân công vẫn thất nghiệp vì doanh nghiệp ngại tuyển người. Nước Mỹ mắc tội bất công. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương là một đảng viên Cộng Hoà bị mất uy tín, bị phe Cộng Hoà đả kích!

Trong tâm lý hoảng loạn vì một hiện tượng mấy chục năm mới thấy một lần, chính khách mị dân bèn kết án tư bản chủ nghĩa, can thiệp vào thị trường, tăng thuế để tái phân lợi tức, và giăng lưới kiểm soát kinh doanh. Các tổ hợp lớn thì vẫn có cách luồn chứ doanh nghiệp hạng trung và tiểu có thể ngồi trên cả ngàn tỷ hiện kim mà vẫn ngại tuyển dụng vì gánh nặng thuế khoá và luật lệ nhiêu khê.

Một hậu quả bất lường khác là ngần ấy biện pháp giải nguy đều làm Mỹ kim sụt giá.

Thế giới không chỉ có Hoa Kỳ và xứ nào cũng tìm cách can thiệp để tự cứu nguy. Vì chưa thể xuất cảng lên Nguyệt cầu hay sao Hoả, nhà nhà đều thi đua phá giá đồng bạc để bán hàng rẻ hơn. Dân Mỹ chưa nhìn thấy đằng sau những đường tuyến xanh đỏ lên xuống là một trận chiến hối đoái toàn cầu. Một biểu hiện khác của trận chiến âm thầm mãnh liệt này là giá vàng!

Đầu Xuân đừng nói chuyện chiến chinh. Xin đợi sau Tết, với lời chúc an lạc!...

2 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay & cô đọng ( trong rất nhiều bài hay của NXN ). Chúc tác giả NXN và gia đình thường an trong năm mới !Trân trọng. THD.

    Trả lờiXóa
  2. Xin cám ơn độc giả Tran Ho Dung và nhân dịp năm mới, xin được kính chúc câu "bình thường tâm" của nhà Phật. NXN

    Trả lờiXóa