Thứ Tư, tháng 2 27, 2013

Giải Oscar Và Nghệ Thuật Kiếm Phiếu


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130227

Trước lễ trao giải là một chiến dịch tranh thủ sáu ngàn giám khảo....



Mọi việc đã xong từ chiều 19 tuần trước, khi những người có thẩm quyền chấm điểm đã bỏ phiếu kín cho Giải Oscar thứ 85. Rồi lễ trao giải được long trọng tiến hành tối Chủ Nhật 24 tại sảnh đường Dolby của Hollywood làm mọi người đều nhức tim.


Y như trong giải Super Bowl của bộ môn football Mỹ, lắm người không chỉ thưởng thức nghệ thuật mà còn theo dõi chuyện ngoài biên, vốn dĩ là phụ mà đôi khi lại là chính. Đó là tiên đoán kết quả. Nhất là khi lại gửi gấm đồng tiền vào đó qua việc cá độ!

Nhưng hơn hẳn giải Super Bowl và các tay chơi ở Las Vegas, giải Oscar cũng là cơ hội cho người trong cuộc mở chiến dịch vận động và lung lạc ban... giám khảo, gần sáu ngàn người có quyền chấm giải.

Sau ngày sơ tuyển là 17 Tháng 12, với kết quả được thông báo chiều mùng 10 Tháng Giêng, các tác phẩm được tuyển chọn qua nhiều bộ môn khác nhau liền mở ra một cuộc đua ráo riết. Thật ra, chiến dịch đã khởi sự từ lâu mà khán giả chúng ta lại ít để ý.

Lý do dễ hiểu là bức tượng mạ vàng nặng gần bốn ký sẽ đem lại vàng thật – tiền bạc – cho người bỏ tiền thực hiện. Khi trình chiếu, các nhà sản xuất đã sớm nghĩ đến chi tiết ấy khi họ biết rằng ngày càng ít người Mỹ đi xem phim. Tác phẩm xuất sắc thì phải hái ra tiền, và được một giải Oscar là thêm sức quảng cáo cho khán giả chiếu cố.

Vì vậy, họ chuẩn bị có bài bản, playbook.

Một trong chín tác phẩm được tuyển vào loại phim hay nhất trong năm, phim Silver Linings Playbook,  đã theo bài bản từ khi được trình chiếu lần đầu, tại Liên Hoan Phim Ảnh Toronto của Canada. Mùa Thu năm ngoái, một buổi liên hoan tưng bừng đã giới thiệu cuốn phim với sự đổ bộ của các diễn viên nên lập tức ăn đứt một đối thủ là phim Argo cũng xuất hiện tại Toronto.

Từ cái trớn ở Toronto, nhà sản xuất Silver Linings là Harvey Weinstein bèn dàn trận tại Hoa Kỳ trước sự thành công tài chánh quá lớn của hai đối thủ kia, là phim Lincoln của Steven Spielberg và phim Life of Pi của Ang Lee. Đó là cho chiếu nhỏ giọt tại 16 rạp đầu tiên rồi mở chiến dịch rỉ tai để gây sự chú ý. Đến khi Silver Linings được thông báo hôm mùng 10 Tháng Giêng là trúng tuyển thì mới được tung ra trình chiếu khắp nơi! Người ta đã thấy chiêu pháp ấy của Weisntein từ cuốn phim The King's Speech. Hốt bạc là cái chắc.

Đừng quên rằng với Hollywood thì nghệ thuật là hốt bạc. Vinh dự đoạt giải là chuyện quan trọng, được giới phê bình ngợi khen thì càng hả hê. Nhưng phải được khán giả bỏ ra từ tám đến 12 đô la mua vé đi xem thì mới là đáng kể. Dù kinh tế còn eo xèo, trong chín tác phẩm được tuyển vào loại phim hay nhất trong năm, có sáu cuốn đã thu vào hơn trăm triệu đô la. Mấp mé ở dưới thì có Zero Dark City với 90 triệu. Còn phim Amour và Beasts of the Southern Wild thì thua xa, tổng cộng mới gom được có 15 triệu!

Nhưng nói về chuyện quảng cáo hay giao tế, Ben Affleck và George Clooney của phim Argo cũng chẳng là tay vừa. Họ mở ra nhiều cuộc tiếp tân "trong vòng thân mật" và mua 30 phút quảng cáo trên truyền hình vào giờ cao điểm để "tiết lộ" những tình tiết bên trong việc thực hiện. Hai đối thủ kia là Lincoln và Silver Linings đành đáp lễ bằng một loạt quảng cáo tốn kém khác.

Tính chung thì mỗi nhà sản xuất của năm tác phẩm dẫn đầu, là Argo, Les Misérables, Lincoln, Silver Linings và Zero Dark Thirty, đã buông ra 10 triệu bạc cho chiến dịch vận động này. Thả con săn sắt mà bắt con cá quả.

Nhưng giới điện ảnh còn khéo huy động một thành phần nghệ sĩ khác ở bên ngoài. Đó là các chính khách. Nhất là năm nay lại có quá nhiều tác phẩm thiên về đề tài chính trị, hoặc được thời sự đưa vào tranh luận chính trị. Mà vì đa số đạo diễn và nhà sản xuất Hollywood đều chi tiền khá bộn cho đảng Dân Chủ, các chính khách Dân Chủ cũng được mùa "thân dân" khi ngỏn ngoẻn xuất hiện bên các minh tinh nổi tiếng.

Từ Tháng 11, trước một cử tọa chín ngàn người, đạo diễn Spielberg long trọng đọc bài diễn văn kỷ niệm 149 năm ngày Tổng thống Abraham Lincoln có lời tuyên ngôn để đời tại nghĩa trang Gettysburg. Rồi cho trình chiếu phim Lincoln tại Quốc hội và cùng diễn viên Daniel Day-Lewis gặp Chủ tịch Thượng viện Harry Reid trước ống kính báo chí. Quả là lịch sử đã hòa hợp với nghệ thuật. Chưa hết, Spielberg còn nhờ nguyên Tổng thống Bill Clinton giới thiệu cuốn phim tại lễ trao giải Golden Globes. Tuyệt chiêu vì đôi ta cùng nổi.

Vụ một kẻ bị bệnh tâm thần đã tàn sát bà mẹ và 26 người trong một trường tiểu học ở Newtown của Connecticut càng khiến đề tài của cuốn phim Silver Linings trở thành thời sự nóng, dù ban đầu tác phẩm này được giới thiệu như một phim hài hước! Đạo diễn David O. Russel cùng tài tử Bradley Cooper khai thác khía cạnh tâm thần trong cuốn phim khi lên gặp Phó Tổng thống Joe Biden và hình ảnh được tweet ra ngoài cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Tài tử gạo cội Robert de Niro chỉ thủ vai phụ trong tác phẩm nhưng thành diễn viên xuất sắc của chiến dịch quảng cáo khi xụt xùi nước mắt trong một show truyền hình của Katie Couric về thảm cảnh của kẻ mắc bệnh thần kinh. Thất kinh về tài diễn xuất!

Nhà sản xuất Weinstein bèn đóng chốt bằng một mẩu quảng cáo khác, rằng từ 1991 đến nay, de Niro chưa đoạt thêm giải Oscar nào nữa. Ra cái điều giọt nước mắt của chàng là dâng tự đáy lòng chứ không là nước mắt cá sấu của một nghệ sĩ có tài!

Nhưng năm nay có hai tác phẩm đã làm xô lệch sân khấu chính trị quốc nội và quốc tế.

Do George Clooney, Ben Affleck và Grant Heslow sản xuất và Ben Affleck đạo diễn, phim Argo là loại trinh thám gián điệp về màn đánh tráo của Gia Nã Đại để cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị lực lượng cách mạng Hồi giáo Iran bắt làm con tin vào năm 1979. Một nhân viên CIA (do Ben Affleck thủ diễn) muốn giải vây sáu nhân viên ngoại giao đang trốn trong tư dinh Đại sứ Canada tại Iran nên cầu cứu.... Hollywood.

Họ dàn dựng như những nhà làm phim muốn thực hiện tác phẩm khoa học giả tưởng tên là Argo và tìm nơi quay tại Iran để các nhà ngoại giao tẩu thoát như người Gia Nã Đại làm phim. Dù được giới thiệu theo lối rào đón là sản phẩm hư cấu hơn là phim tài liệu, cuốn phim vẫn gây phản ứng, nhất là từ Gia Nã Đại và Iran. Người ta chê rằng vẫn là chuyện CIA nhận vơ công trạng của chính quyền Canada trong màn đánh tráo, nhưng nghe nói rằng giới trẻ tại Iran lại rất khoái và sao chép lung tung để coi cọp. Nên lại thêm một phần quảng cáo miễn phí!

Cuốn phim kia của nữ đạo diễn Kathryn Bigelov còn ly kỳ hơn nữa.

Dưới tên Zero Dark Thirty mà ta có thể dịch là "Sau Giờ Tý Canh Ba", tác phẩm nói về nỗ lực điều tra, truy lùng để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Chưa trình chiếu thì cuốn phim đã gây sôi nổi, rồi bị cả hai phe tả hữu đả kích vì hàm ý rằng việc tra tấn có góp phần tìm ra tông tích của tên khủng bố. Có tra tấn hay không và việc nặng tay lấy cung có chính đáng hay không là mấy câu hỏi chính trị nằm ngoài nghệ thuật, nàng Kathryn Bigelov đã lửng lơ như vậy.

Nhưng các đối thủ thì tác động vào ban giám khảo: vinh danh cuốn phim là đồng lõa với đòn tra tấn đấy! Trong vai một nhân viên trì chí và quyết liệt của CIA, nữ tài tử Jessica Chastain của phim này rất được chú ý nhưng có thể phải nhường giải Nữ Diễn Viên Xuất Sắc Nhất cho nàng Jennifer Lawrence....


***

Trên màn ảnh đỏ chói, các nghệ sĩ đã lũ lượt xuất hiện với áo khăn dịu dàng nên người viết xin chấm dứt việc bình luận và lui về làm khán giả. Mà chỉ nói thầm rằng mình đã bắt phim Argo, và đoán là đạo diễn Spielberg và tài tử Daniel Day-Lewis của phim Lincoln, cùng Jennifer Lawrence của phim Silver Linings là những người vui nhất đêm nay.

Còn nếu phim War Witch của Tim Nguyễn mà vượt nổi phim Amour để được chấm là tác phẩm ngoại quốc hay nhất năm thì giải nhất phải dành cho... Việt Báo Xuân Nhâm Thìn vì đã sớm có một bài viết về tay đạo diễn này. Một chàng trai gốc Việt đầy triển vọng ở Canada.

_____

Bài này được viết ngày Chủ Nhật 130224, trong khi đợi lễ trao giải Oscars lần thứ 85. Việt Báo đăng tải hôm 27. Đoán sai việc đạo diễn Lý An đoạt giải và không nhìn ra diễn viên Michelle Obama xuất hiện trong vai ăn có. Hề!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét