Thứ Bảy, tháng 2 02, 2013

Intel Việt Nam

Khôi An – Xuân Việt Báo 2013

Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam được giải thưởng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ


* Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton trao giải Award for Corporate Excellence: Từ trái sang phải: Ngoại Trưởng Clinton; Tổng Giám Đốc Intel Toàn Cầu Paul Otellini; Tổng Giám Đốc Intel Việt Nam Rick Howarth và phu nhân Debra; Trưởng Phòng Giao Dịch Uyên Hồ; Chuyên Viên Về Nhân Sự Roma Arellano; Phó Tổng Giám Đốc Tiếp Thị Steve Megli. Hình từ Intel Press  *


Giải Thưởng Của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Năm 2012

Theo lịch của Intel, tuần lễ ngay sau Lễ Tạ Ơn là tuần lễ thứ bốn mươi tám. Trong thời phồn thịnh thì khoảng thời gian giữa lễ Tạ Ơn và lễ Giáng Sinh là lúc người ta làm việc ít đi, tâm trí hớn hở nghĩ đến những buổi họp mặt ấm cúng và mua sắm tưng bừng.

Tuy nhiên, tuần lễ bốn mươi tám năm nay ở Intel không có vẻ gì vui tươi, rộn ràng. Ba cơn bão liên tiếp thổi qua vùng vịnh San Francisco đem lại trời âm u, gió lớn, và mưa tầm tã. Lạnh lẽo, ướt át như thể thời tiết cũng đồng điệu với sự vất vả của nhân viên trong thời buổi kinh tế khó khăn, cộng với những băn khoăn sau tin ông tổng giám đốc Paul Otellini đột ngột tuyên bố về hưu. Sau thời gian dài gắn bó với Intel, đây là lần đầu tiên người lãnh đạo cao nhất trong hãng sắp đi mà chưa có người sẵn sàng tiếp đuốc, cho nên tôi cũng có chút lo lắng.

Nhưng đến giữa tuần thì có một chuyện vui.

Tin từ trang web chính thức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Hôm thứ Tư ngày 28 tháng 11 năm 2012, trong một buổi lễ ở Washington, D.C., bà ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton đã trao Giải Thưởng Từ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Giành Cho Công Ty Xuất Sắc Năm 2012 đến Intel Viet Nam.

The Secretary's 2012 Award for Corporate Excellence, viết tắt là ACE, là giải thưởng hàng năm của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ để vinh danh các công ty Hoa Kỳ đã đi đầu với phương pháp làm việc gương mẫu, nỗ lực khuyến khích những khai phá mới và đẩy mạnh những nguyên tắc dân chủ trên toàn thế giới.

Intel Việt Nam đã thắng giải ACE trong lãnh vực các công ty lớn, có cơ sở tại nhiều quốc gia. Công ty kỹ thuật Intel đạt được vinh dự này bởi vì sự tiên phong trong việc bảo vệ môi trường qua hệ thống sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, vì nỗ lực cải tiến phương pháp giáo dục tại địa phương bắt đầu từ ban giảng huấn và cách soạn chương trình học, bao gồm gởi thầy cô đi tu nghiệp ở các trường đại học Hoa Kỳ cùng với những học bổng cho học sinh nghèo và phụ nữ.

Năm 2012 là năm thứ mười bốn của giải thưởng ACE. Hàng năm, nhân viên đặc nhiệm trong tòa đại sứ Hoa Kỳ ở khắp nơi trên thế giới sẽ tiến cử những công ty từ đất nước họ đang làm việc. Năm nay có tất cả sáu mươi hai công ty được đề cử. Ban giám khảo gồm những nhân vật cao cấp như đại diện của Ngoại Trưởng, Thứ Trưởng Bộ Năng Lượng, Thứ Trưởng Bộ Kinh Tế - Nông Nghiệp, và Thứ Trưởng Bộ Ngoại Vụ. Tháng 8, 2012 Intel Việt Nam vào vòng chung kết với mười công ty khác. Sau hai tháng chọn lựa ráo riết, cuối cùng giải giành cho hãng nhỏ được trao cho công ty Sorwathe ở Rawanda và giải giành cho hãng lớn về tay Intel Việt Nam.

Phần thưởng này thật là một điểm đẹp trong những hoạt động của Intel năm nay. Nó như một vụ trúng mùa, cây ra trái chĩu chịt sau nhiều tháng năm ươm trồng, vun tưới. Những năm tháng bắt đầu từ mười lăm năm trước với Intel Việt Nam và còn dài hơn nữa với riêng tôi.


***

Đường Về Còn Xa

Hồi mới vào Intel tôi giữ trách nhiệm Tests Development, chuyên viết nhu liệu cho khâu kiểm soát cuối cùng của sản phẩm I486. Thời đó, Xưởng Cắt Ráp và Kiểm Phẩm (Assembly and Test House) duy nhất ở ngoại quốc nằm tại thành phố Penang, Mã Lai. Sau một năm, khi nhu liệu đã chạy ngọt, sản phẩm đã sẵn sàng cho quy trình sản xuất hàng loạt, tôi đem bàn giao cho nhóm kỹ sư ở Penang.

Hôm đó máy bay đáp trễ nên vừa ăn xong bữa chiều thì trời đã tối. Đêm đầu tiên trên đất Mã, từ hành lang một nhà hàng lộng lẫy trên đồi cao, nhìn hút mắt những ánh đèn như sao sa, tôi chạnh lòng tâm sự với người kỹ sư bản xứ “Đây là lần đầu tiên tôi trở về Á châu. Đứng ở đây, tôi buồn quá. Tôi đang ở rất gần với quê hương tôi, nhưng đường trở về thì còn xa lắm…”
Đó là năm 1993.


Những Bước Đầu Vào Việt Nam

Mấy năm sau, 1997, Intel mở văn phòng bán hàng và quảng cáo (Sales and Marketing Office) đầu tiên ở Sài Gòn. Đối với Intel, đây chỉ là tin nhỏ trong hãng vì Intel liên tiếp mở văn phòng ở khắp nơi trên thế giới, nhưng lại là tin lớn trong các nhân viên người Việt. Ngày đó, những gì liên quan tới Việt Nam đều gợi lên ít nhiều bùi ngùi về một quê hương xa lắc. Tuy vậy, chuyện quay về làm việc trong tầm tay của chính quyền Việt Nam là điều ít ai muốn, cho nên văn phòng ở Việt Nam chỉ là một điều gần trong tim nhưng xa vời trong thực tế… Dù sao đối với nhân viên Intel ở vùng Thung Lũng Điện Tử Bắc California thì sự kiện này có gần gũi hơn một chút vì người đầu tiên trở về trông coi văn phòng là anh Thân Trọng Phúc làm việc ở Intel Santa Clara. Ở trong cùng một tòa nhà, chúng tôi gặp nhau thường xuyên trong giờ nghỉ trưa và hầu hết đều biết nhau.

Văn phòng đầu tiên ở Việt Nam chỉ có vài nhân viên, nhưng đó là nơi để Intel bắt đầu tìm hiểu về tiềm năng của đất nước này. Lúc đó, nhiều người vẫn nghĩ về Việt Nam qua hình ảnh thương tâm họ từng nhìn thấy trên TiVi và báo chí. Việt Nam, một xứ sở rách nát vì hai mươi năm bom đạn. Việt Nam, nơi những chiếc thuyền bé nhỏ đầy người đã ra đi và rất nhiều chiếc chẳng bao giờ đến…

Nhưng Intel có cái nhìn khác.

Intel thấy Việt Nam với một tầng lớp dân thành thị đang trở nên khá giả. Tâm trí của họ không còn bị trói chặt với cơm ăn áo mặc hàng ngày, họ mong tiếp xúc với thế giới cao rộng và khao khát những hàng hóa hiện đại từ những nhà sản xuất có tên tuổi. Intel thấy Việt Nam với lực lượng nhân công đông đảo và rẻ mạt, từ những sinh viên tốt nghiệp bốn năm đại học vui mừng khi kiếm được hai trăm đô la một tháng tới những người lao động chân tay với giá mười hai xu một giờ. Intel nhận thấy nhiều người Việt rất cần mẫn và có khả năng nắm bắt cái mới một cách mau lẹ. Đây là điều kiện rất quan trọng vì Intel muốn phát triển đội ngũ nhân viên có thể đáp ứng với những tiến bộ nhanh như tên bắn trong kỹ thuật chế tạo máy vi tính. Intel thích thú khi gặp nhiều nhân viên Việt Nam ở cấp chót nhưng học rất nhanh. Nhưng với tôi, hiểu được hoàn cảnh xã hội Việt Nam, thì điều đó chẳng có gì lạ. Đất nước Việt Nam quá nghèo nên người dân không có cơ hội tiến thân. Rất nhiều học sinh thông minh, hiếu học mà phải đi làm ngay sau khi tốt nghiệp trung học, kiếm được một công việc thấp nhất ở Intel là họ mừng lắm. Được huấn luyện đúng mức, họ sẽ đóng góp rất nhiều.

Nhưng, nếu chỉ có thế thì Việt Nam vẫn chưa đủ hấp dẫn. 

Trong nhiều cuộc họp giữa các nhân vật cao cấp nhất ở Intel để phân tích hơn thiệt, Việt Nam vẫn chưa vượt được Trung Hoa và Ấn Độ. Trung Hoa cũng có nhân công thấp giá, xứ sở lại mênh mông. Ấn Độ với trùng trùng điệp điệp người đi kiếm việc, đa số đều biết chút tiếng Anh – Anh quốc đã đô hộ Ấn Độ trong vài trăm năm – và hệ thống Đại học Kỹ Thuật Ấn (Indian Institues of Technology), đã được chứng minh là đẳng cấp quốc tế, hằng năm cho ra hàng ngàn kỹ sư trẻ có kiến thức vững vàng… 

Tuy nhiên, cũng như mọi hãng lớn khác, Intel luôn muốn trải rộng địa bàn đầu tư, họ không muốn dồn quá nhiều vốn vào một nơi. 

Cùng lúc đó chính phủ Việt Nam đang hết sức thu hút các hãng xưởng lớn ở ngoại quốc với kỳ vọng trở thành trung tâm kỹ nghệ như Ấn Độ. Khi một hãng có tầm vóc như Intel mở xưởng tại Việt Nam thì sẽ có nhiều hãng khác theo chân. Ông Jeff Prundy, Trưởng Nhóm Tài Chánh của Intel Việt Nam, đã so sánh Việt Nam như một khu bán hàng mới mở, đang cần một cửa tiệm có tiếng tăm đến làm trụ để thu hút nhiều tiệm khác, tạo cơ hội cho chủ nhà tăng giá thuê. Cả hai bên đều biết rõ Intel là danh hiệu mà Việt Nam đang ao ước. Cho nên, Việt Nam tăng sức hấp dẫn bằng cách giảm thuế tối đa. Các thành viên cao cấp của Intel còn được đối xử hết sức đặc biệt, mọi quan tâm của họ đều là quan tâm của chính quyền Việt Nam. Họ có đường dây điện thoại riêng để nói chuyện trực tiếp với những nhân vật cao nhất khi gặp bất cứ vấn đề gì. Ông Rick Howarth, Tổng Giám Đốc của Intel Việt Nam, còn có một lời mời với ngày tháng để ngỏ từ Phủ Thủ Tướng Việt Nam, ông có thể đến bàn công việc bất cứ khi nào có dịp ra Hà Nội.

Chín năm sau khi Intel đặt chân đến Việt Nam, cuộc thương lượng đã xong. Tháng Hai năm 2006, báo ở Việt Nam và Hoa Kỳ đều đăng tin: Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư của Việt Nam cấp giấy phép cho Intel bỏ vốn ba trăm triệu Mỹ kim để xây cơ xưởng tại Sài Gòn.

Cùng trong năm 2006, Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization). Xu hướng thuận lợi tiếp tục khi Hội Nghị Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương với hai mươi mốt nước diễn ra tại Hà Nội ngay sau đó. Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đến Việt Nam cùng gặp gỡ với hàng trăm nhân vật cao cấp nhất của các công ty trên toàn cầu. 

Ước mơ phát triển kỹ nghệ ở Việt Nam giống như cây non đang đâm chồi lại được thêm một cơn mưa tiếp sức vào tháng 4, 2006. Ông Bill Gates, Tổng Giám Đốc công ty Microsoft, đã đến thăm Việt Nam, học diễn văn và cảm động trước hàng ngàn đôi mắt nồng nhiệt ngưỡng mộ và cháy bỏng ước mơ của sinh viên đại học Hà Nội. Nhưng Việt Nam vẫn chưa chấn chỉnh được tệ trạng sao chép sản phẩm vô tội vạ và vẫn mang tiếng là nơi có mức đánh cắp tác quyền cao nhất Á châu. Các dĩa sao chép từ âm nhạc, phim ảnh tới bộ điều hành Windows của Microsoft bày bán la liệt trên đường phố với giá vài đô la. Có lẽ vì thế mà sau khi đèn hoa và thảm đỏ đã được cất đi, nhìn lại chỉ có Intel là hãng có tầm vóc quốc tế quyết định mở xưởng lớn tại Việt Nam.

Nhưng Intel vẫn tỏ ra rất tự tin vào sự chọn lựa của họ.

Tháng 11, 2006, Intel đưa ra tuyên bố mới. Họ quyết định tăng gấp ba số vốn dự định, tung ra một tỷ đô la để xây Xưởng Cắt Ráp và Kiểm Phẩm tại Việt Nam. Phân xưởng lớn gấp hai lần cơ sở đầu tiên mà tôi đã đến tại Mã Lai, và là Xưởng Cắt Ráp và Kiểm Phẩm lớn nhất trong lịch sử gần bốn mươi năm của Intel. Đây là kế hoạch bạc tỷ đầu tiên và cũng là số đầu tư lớn nhất của một hãng Mỹ vào Việt Nam từ trước đến nay. 

Năm 2007, viên gạch đầu tiên của cơ sở được đặt xuống trên vùng đất xưa kia là ruộng lúa…


Hello Việt Nam

Tổng Giám Đốc Paul Otellini đọc diễn văn khai mạc trong Lễ Khánh Thành 
Intel Products Việt Nam – Hình từ website của Phạm Hồng Phước



“Thay mặt cho tám mươi lăm ngàn nhân viên của Intel trên toàn thế giới, tôi muốn nói ‘Hello Việt Nam!’”

Đó là lời mở đầu bài diễn văn của ông Paul Otellini, Tổng Giám Đốc Intel Toàn Cầu. Ngày 29 tháng 10 năm 2010, trên sân khấu sáng rực của một hội trường đông nghẹt các đại diện cao cấp của chính quyền Việt Nam, đại sứ Mỹ Michael Michalak, toàn bộ nhân viên và nhiều nhân vật tai mắt khác, ông Otellini tuyên bố chính thức đưa nhà máy vào hoạt động.

Intel Việt Nam tọa lạc trên một khu đất rộng một trăm mười lăm mẫu trong khu Sài Gòn Hi-Tech, cách trung tâm Sài Gòn mười lăm cây số. Là kết quả bốn năm làm việc miệt mài của hàng ngàn chuyên viên xây dựng cùng với vô số máy móc tối tân, nhà máy Intel Việt Nam mới tinh khôi, đẹp đẽ và hiện đại không khác gì những cơ sở của Intel tại Mỹ. Ngôi nhà rộng năm trăm ngàn bộ vuông (hơn năm mươi ngàn mét vuông) được chống bằng tám ngàn tám trăm cây cột khổng lồ. Những cây cột cao bằng sáu tầng lầu, xuyên qua phần đất lầy, trụ vững chãi trên lớp đá cứng dưới đáy. Trên sân thượng nhà máy, hệ thống sản xuất điện từ năng lượng mặt trời rộng hơn ba ngàn mét vuông, được dệt bằng hàng ngàn tấm thâu ánh sáng bóng loáng, ngời lên dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời miền nhiệt đới.


   Intel Việt Nam – Hình từ Internet


Hệ Thống Sản Xuất Điện Từ Năng Lượng Mặt Trời Trên Sân Thượng Intel Việt Nam – Hình từ Website của Phạm Hồng Phước


Intel Việt Nam chịu trách nhiệm cắt, đóng vỏ, và kiểm phẩm - khâu cuối trong đường dây sản xuất bộ óc của máy tính xách tay và điện thoại. Mỗi sản phẩm mỏng như lưỡi dao lam, bề mặt nhỏ bằng hạt đậu phọng được gọi là một ‘chipset’.  Những chipset này là sản phẩm mới nhất của Intel, là kỳ vọng của Intel để đạt vị trí dẫn đầu trong thị trường máy tính di động. Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, nhóm của tôi tại Intel Santa Clara đang nỗ lực trong khâu đầu để chế tạo sản phẩm này.

Sau khi được cắt ra từ một đĩa lớn gọi là wafer, chipset được bỏ vào trong vỏ bọc, đưa qua máy để kiểm tra hàng chục chức năng trước khi được phê chuẩn là hoàn hảo. Các khâu này đều phải thực hiện trong một phân xưởng đặc biệt sạch gọi là Clean Room để giảm thiểu từng hạt bụi tới mức tối đa. Ở Intel Việt Nam, phần Clean Room rộng gần bằng năm lần rưỡi của sân vận động football.

Ông Otellini nói “Intel Products Việt Nam là một nhà máy đáng kể, nơi sẽ làm ra những sản phẩm nền tảng cho sáng tạo mới trong tương lai. Những hãng sản xuất máy tính sẽ dùng sản phẩm từ nơi này để tạo ra những máy móc làm thay đổi thế giới”

 Một "cái bánh" Wafer (mỗi ô nhỏ trên wafer là một chipset) 


 Một Chipset – Hình từ Intel Press                   


 
Clean Room Tại Intel Việt Nam Với Nhân Viên Trong Áo Khoác Và Khẩu Trang – Hình từ Intel Press


Khó khăn đầu tiên


Intel chọn Việt Nam một phần lớn vì họ tin vào khả năng của nhân công Việt Nam. Trong buổi khai mạc, cả hai ông Paul Otellini và Rick Howarth đều lặp lại điều đó.  Những nhân viên làm việc cho chúng tôi còn quan trọng hơn chính nhà máy”, ông Otellini nói. “Việt Nam thu hút chúng tôi bằng đội nhân công đầy sức sống, có tay nghề và khả năng đóng góp cao”, ông Howarth tiếp lời.

Tuy nhiên, để nhà máy đạt hết công suất, Intel Việt Nam cần tuyển thêm hơn ba ngàn nhân viên. Và Intel đã gặp trở ngại đầu tiên tại đây. Năm 2008, Intel mở cuộc thi tuyển cho hai ngàn ứng viên. Chỉ có chín mươi người làm được trên 60% bài thi sơ khảo và hơn một nửa trong số đó rớt phần tiếng Anh căn bản. Cuối cùng chỉ bốn mươi người – vỏn vẹn 2% - qua được cuộc chọn lựa! 

Kết quả quá tệ này đã làm nhiều nhân viên cao cấp của Intel ngạc nhiên! 

Họ hỏi “Tại sao vậy?” Họ hỏi “Có phải Intel đã chọn lầm nơi?”

Tin này được đăng trên website chính thức của Intel Headquarters tại Hoa Kỳ và ngay cả trên báo địa phương ở các tiểu bang có Intel hiện diện. Nghe tin tôi thấy hơi mắc cở nhưng cảm xúc chính là phiền lòng. Người ta đổ lỗi cho chương trình đại học của Việt Nam lỗi thời và quá nặng về lý thuyết. Nhưng đó là phần giải thích của người ngoại quốc cho người ngoại quốc nghe. 

Riêng tôi, đã sống và lớn lên ở Việt Nam, đã qua nhiều kinh nghiệm đau thương của chính mình và người thân, tôi biết lý do thật sự. 

Dù chương trình học còn thua kém các nước khác, sinh viên Việt Nam không dở tệ như vậy, tôi tin điều đó như tin ở chính mình! Bây giờ trường đại học tư mở nhiều, đi học ở ngoại quốc đã dễ dàng, đám con ông cháu cha và đám có tiền không còn chiếm gần hết chỗ như cách đây mấy mươi năm. Sinh viên ở các trường đại học công hầu hết là những người có khả năng. Họ đã đổ mồ hôi nước mắt vượt qua những kỳ thi tuyển rất khó để chen vào số chỗ ngồi ít ỏi trong những ngôi trường còn nhỏ bé. Nhưng những sinh viên này bị chèn ép rất nhiều khi đi kiếm việc. 

Khi một hãng nổi tiếng như Intel tuyển người, chắc danh sách “gửi gấm đặc biệt” rất dài, và những người chỉ có kiến thức mà không có lo lót thì khó có cơ hội vào đến cửa. Trong hai ngàn ứng viên có lẽ rất nhiều người được đưa vào bất kể trình độ. Có lẽ chính những người đưa họ vào cũng không ngờ ông chủ Intel khó tính và cẩn thận bắt làm bài thi!

Nhưng “vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn”, đối với Intel đây chỉ là một khúc mắc nhỏ. Họ giải quyết vấn đề nhanh chóng bằng cách thức rất-Intel: trực tiếp tuyển chọn và đào tạo nhân viên. Tháng 12, 2008 – chỉ vài tháng sau đợt tuyển người đầy thất vọng – Intel mở Chương Trình Du Học của Intel Việt Nam (Intel Việt Nam Study Abroad gọi tắt là IVS).

Một trong những điều tôi thích nhất ở Intel là cách làm việc quy củ và khoa học. Tôi đã thấy ưu điểm đó rất nhiều lần và chương trình IVS, một lần nữa, đã chứng minh điều ấy.

Intel bắt đầu bằng cách chọn lọc trường đại học tại Việt Nam. Họ gạt ra ngoài các trường tư và chỉ nhận đơn của sinh viên đã hoàn tất năm thứ hai từ những trường có tiếng trên toàn quốc. Năm trường từ Sài Gòn: Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật, Đại học Quốc Tế, Đại học Công Nghiệp; hai trường từ Hà Nội: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công Nghệ Quốc Gia; và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cùng Đại học Cần Thơ. Cuộc tuyển chọn có tất cả bốn phần: phần sơ khảo dựa trên thành tích bắt đầu từ Trung học, phần thi viết, phần phỏng vấn bằng tiếng Việt tại Intel, và phần cuối là khả năng tiếng Anh căn bản chứng minh bằng điểm thi TOEFL (*).   


Sinh Viên Trong Chương Trình Du Học của Intel Việt Nam 2010-2012 Tại Đại Học Portland, Oregon – Hình từ Portland University


Câu Trả Lời Của Tuổi Trẻ Việt Nam

 
Đợt đầu tiên, hai mươi tám sinh viên được tuyển từ bốn trăm đơn xin. Intel đài thọ hơn hai triệu Mỹ kim cho họ sang du học tại Đại Học Portland ở tiểu bang Oregon. Các sinh viên này đến Portland vào mùa hè năm 2009 với sự tiếp đón ân cần của một Phó Tổng Giám Đốc từ Intel Oregon và một đội ngũ dẫn đường (mentors) của Intel với nhiều nhân viên gốc Việt. Họ được học một khóa tám tuần với các lớp Anh văn, văn hóa và kỹ thuật trước khi sánh vai với học sinh toàn trường trong các lớp khai giảng vào mùa Thu 2009. Người ta gọi họ cũng là IVS – Intel Việt Nam Scholars, những học giả từ Intel Việt Nam. 

Sau hai năm học và ba tháng hè thực tập tại Intel Việt Nam, các IVS đầu tiên đã lên sân khấu lãnh bằng Cử Nhân của Portland University vào mùa hè năm 2011. Hai mươi tám sinh viên, hai mươi tám bằng ra trường danh dự! Họ đã làm ban giảng huấn ngạc nhiên và điều than phiền duy nhất của các giáo sư là họ đã làm điểm trung bình của lớp vọt lên cao, thành ra khó chấm điểm các học sinh khác!  

Đợt sinh viên thứ hai gồm hai mươi hai người cũng đã ra trường vào tháng 6, 2012. Thành tích của nhóm này không những tốt đẹp như nhóm đầu tiên mà còn lẫy lừng hơn nữa. Bốn sinh viên trong nhóm đã đoạt giải nhất trong cuộc thi chế tạo sản phẩm điện tử dùng trong đời sống hàng ngày được tổ chức tại tiểu bang Florida. Đội đến từ một nước nghèo không có trường đại học nào đáng kể đã vượt qua những đội từ các trường đại học danh tiếng vào bậc nhất thế giới như MIT (Massachusetts Institute of Technology) và University of California, Berkeley. “Họ là một kết hợp hiếm có giữa óc thông minh, tinh thần chịu khó vượt bực, lòng cầu tiến, và sự kiên trì” giáo sư Mark Faust, người hướng dẫn và đích thân dắt các sinh viên này đi dự thi, đã nói như thế.

Nhóm IVS thứ ba đã đến Portland vào tháng 8, 2012. Đặc biệt lần này Intel muốn đào tạo thêm nữ kỹ sư, vì thế trong hai mươi mốt người được học bổng năm nay có tới mười sáu nữ sinh viên. Chỉ hai năm nữa, những người trẻ ưu tú này cũng sẽ ra trường và trở về làm với Intel. 

Theo khế ước, những IVS chỉ cần làm với Intel trong ba năm, sau đó họ có thể đi bất cứ nơi đâu. Nhưng dù là ở lại với Intel hay tung cánh bay đi những chân trời xa, những con chim đã ra ràng từ tổ Intel sẽ trở thành những con chim đầu đàn để hướng dẫn lớp trẻ sau này. Họ sẽ mãi là tài sản quý báu của Việt Nam.

***


Những Đóng Góp Vô Giá Từ Intel Việt Nam


Đã từ lâu, tôi nhận biết rằng hai điều quý báu nhất mà tôi nhận được từ đất nước Hoa Kỳ là cơ hội và kiến thức. Ngoài kiến thức chuyên môn, kiến thức về văn hóa xã hội cũng không kém phần quan trọng. Những hiểu biết đó giúp người ta sống và làm việc như một nhân viên hữu hiệu, một người đồng sự đáng tin cậy và một công dân tốt. Tôi đã từng mơ đem những điều học được về truyền lại cho thế hệ trẻ ở Việt Nam, tôi tin rằng mình sẽ là một người thầy không tới nỗi tệ vì tôi chia sẻ kinh nghiệm bằng khối óc và bằng cả con tim. 

Gần hai mươi năm trước, ở Intel Mã Lai, có những ngày tôi làm việc trễ đến nỗi không tìm được taxi về khách sạn. Người kỹ sư cùng làm đã chở tôi về bằng xe gắn máy. Đêm Á châu ấm áp, trời Á châu gần gũi đã làm tôi nhớ Việt Nam quá đỗi. Trên con đường băng qua những ruộng lúa, những dòng kinh ngai ngái mùi bùn tôi đã mơ ngày Intel mở cơ sở tại Việt Nam. Tôi biết chỉ những hãng mạnh như Intel mới có thể đi theo đường lối họ vạch ra dù tiền lệ ở Việt Nam có tệ đến thế nào. Chỉ những hãng có tiêu chuẩn rõ ràng đứng đắn như Intel mới có thể là hậu thuẫn vững vàng cho tôi truyền đạt những cái hay trong văn hóa làm việc (business culture) của những nước kỹ thuật tân tiến như Hoa Kỳ. 

Tuy vậy, lúc chia sẻ ước mơ với người trong gia đình và bạn bè thân, tôi đã không được tán thành. Mọi người không tin là Intel đi ngược được cung cách làm ăn nhếch nhác đã thành tật tại Việt Nam, họ cũng không nghĩ là Intel có thể giữ được những nguyên tắc của hãng trước quy luật “tiền là cán cân công lý” ở Việt Nam. Bạn bè còn khuyên tôi nhớ kỹ rằng Intel chỉ là một cơ sở làm ăn chứ không phải là nhà phát triển xã hội, họ bảo tôi đừng mơ mộng viển vông. Ngay cả những người bạn Ấn Độ cũng nhắc tới câu “phép vua thua lệ làng”, họ nói Intel Ấn Độ cũng như Intel Việt Nam sẽ khác xa Intel ở Hoa Kỳ….

Những điều mọi người nói đã làm tôi ít nhiều băn khoăn. Nhưng tôi vẫn tiếp tục nuôi hy vọng. 

Và những việc Intel làm gần đây đã như cơn mưa tưới xanh cây hy vọng đó. Intel không khoác áo hoa mỹ lên những hoạt động của họ - họ luôn nói rằng việc làm ăn có lợi cho cả hai bên bằng một cách thẳng thắn rất-Mỹ, và tôi cũng không mong Việt Nam là nơi đến của các hoạt động từ thiện. “Cách tốt nhất để giúp người khác no không phải là cho họ cá mà là chỉ cho họ cách sử dụng cần câu.” (**) Và Intel đã đem đến Việt Nam những cần câu quý giá đó.

Intel sẽ tạo bốn ngàn việc làm cho Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả là Intel đang giúp gieo mầm cho một xã hội văn minh và tốt đẹp hơn. Intel không hô hào khẩu hiệu trồng người, họ chỉ làm. Làm một cách hữu hiệu và nhanh chóng. Là một hãng hàng đầu ở Hoa Kỳ, Intel hiểu rõ rằng dân trí cao là điều kiện tất yếu để mở rộng thị trường. Họ không hoạt động từ thiện nhưng họ đã làm được những điều đẹp đẽ nhất. Họ đã giúp vực dậy niềm tin vào kiến thức, họ giúp tuổi trẻ cảm được niềm tự hào, hạnh phúc khi đạt được kết quả rực rỡ bằng chính sức mình.

Nhờ có Intel, sáu năm qua hơn một trăm ngàn giáo viên mới đã được đào tạo với chương trình dạy học cập nhật. Bước đầu ở hai mươi hai tỉnh và sẽ tiếp tục mở rộng ra cả nước.

Nhờ có Intel, tỉnh Lào Cai xa tít trên miền núi rừng biên giới Việt-Hoa đã có hệ thống WiMax nối liền nhà thương, trường học, và các văn phòng tỉnh. Điều đó đã giúp chính quyền liên lạc với nhau có hệ thống hơn và các em bé dân tộc Tày ở vùng núi Sapa đã được vào danh sách đi học, thầy cô đã biết rằng các em có mặt trên đời.

Nhờ có Intel các em bé mồ côi đang ở bậc tiểu học đã được sờ vào cái máy vi tính – tại phòng thí nghiệm do nhân viên của Intel lập nên ở trong trường. Các em đã được dắt đi thăm cơ xưởng huy hoàng của Intel, cùng xếp hàng mua thức ăn trong Intel Café “đẹp như trong truyện thần tiên”, rồi ăn trưa cùng với hàng ngàn nhân viên. Các em đã tin rằng sự học có thể đem lại tương lai tươi sáng khi mắt thấy, tai nghe. Và nhất là khi gặp một chị lớn vẫn còn sống trong viện mồ côi đang làm việc tại Intel.

Nhờ có Intel, bảy mươi hai IVS – những tài năng của Việt Nam, đã có dịp học hỏi những kỹ thuật mới nhất, những quy cách làm việc khoa học, đầy trách nhiệm nhưng không kém phần sáng tạo. Từ một làng nhỏ mà xe gắn máy đi giáp vòng trong năm phút, từ một gia đình cha mẹ trồng lúa và nuôi heo để nuôi con đi học, từ một mái nhà mẹ góa con côi, các em đã đạt được ước mơ từng là không tưởng: đi du học ở Mỹ và có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo tương lai của một cơ sở kỹ thuật nổi tiếng vào bậc nhất trên thế giới.

Nhờ có Intel, những chuyên viên trẻ không những là nhân viên giỏi mà còn là thành viên tốt trong cộng đồng. Ở Việt Nam, Intel là hãng đầu tiên và duy nhất khuyến khích nhân viên làm việc xã hội. Đi thăm trại mồ côi, sơn trường cho các học sinh tàn tật, dạy học cho trẻ em miền quê, những công việc này là chuyện thường ở Mỹ nhưng mới mẻ và vô cùng quan trọng ở Việt Nam. Vô cùng quan trọng vì đó là những tấm gương để đối lại những câu chuyện ăn chơi, xài tiền như rác của các những thanh niên không có phương hướng đang nhan nhản trong xã hội.


Intel Việt Nam còn đi đầu trong việc lành mạnh hóa doanh nghiệp. Ngay sau khi hòn gạch đầu tiên của nhà máy được đặt xuống, Intel đã đặt móng cho nguyên tắc làm việc của hãng: ngày 14 tháng 8 năm 2007, Tổng Giám Đốc Intel Việt Nam Rick Howarth, Giám Đốc Saigon Hi-Tech Park Nguyễn Đình Mai và tân Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn Ken Fairfax, đã cùng ký tên vào Bản Nguyên Tắc Làm Việc Của Intel để cam kết về đạo đức trong kinh doanh, dứt khoát bài trừ tham nhũng. Trong dịp đó ông Howarth nhắc lại vụ một nhân viên Intel được gợi ý nhận hối lộ để giúp thỏa thuận hợp đồng. Chuyện đó đã được điều tra kỹ lưỡng và người vi phạm đã bị sa thải. "Mục đích chính của bản thỏa thuận là chúng tôi muốn nâng cao sự minh bạch của môi trường nơi Intel đầu tư…" ông Howarth nhấn mạnh. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử tại Việt Nam một công ty yêu cầu cơ quan nhà nước cùng ký vào một văn bản như vậy.

***

Hồi còn nhỏ, tôi đọc truyện một ông thầy nhân từ hàng tháng kín đáo ép hai tờ giấy bạc vào vở của một học sinh túng thiếu để giúp người đó học thành tài (***). Mấy chục năm sau, câu chuyện đó vẫn làm tôi rưng rưng cảm động. Mỗi năm, sau cuộc thi vào đại học ở Việt Nam, tôi thường lên Internet tìm đọc về những học sinh nghèo đạt thành tích cao trong kỳ thi và mơ rằng tôi có nhân duyên để làm giống như ông thầy đó. Ngày nay Intel Việt Nam đã làm và đang làm được những việc tương tự cho những học sinh nghèo như tôi và bạn bè năm xưa.

Intel là hãng đầu tiên tôi làm việc, có thể nói tôi đã trưởng thành ở đây. Thời gian đủ lâu để tôi thấy được những thăng trầm trong hãng và không kỳ vọng rằng mọi chuyện tại Intel, từ Intel đều tốt đẹp. Intel Việt Nam mới chập chững những bước đầu tiên trên con đường dài trước mặt. Intel toàn cầu cũng đang đối mặt với nhiều thử thách lớn và còn đang cần tìm người lãnh đạo mới. Tuy vậy, tôi vẫn tin vào những nguyên tắc tốt đẹp đã làm nền cho sức mạnh và khả năng vượt khó của Intel. 

Những thành quả ở Việt Nam - được minh chứng bằng giải thưởng ACE, đã làm tôi rất vui. Đây là một trong những lần hiếm hoi tôi thấy… hả hê khi bạn bè và người thân tôi có vẻ sai. Hy vọng của tôi về một ngày chia sẻ những điều học được với nhân viên ở Intel Việt Nam vẫn còn biếc xanh, dù tôi biết đây không phải là một quyết định dễ dàng. Có thể tôi sẽ tìm được một việc làm ngắn hạn ở Intel Việt Nam, có thể tôi sẽ truyền đạt kinh nghiệm đó tại Mỹ qua chương trình Intel Việt Nam Du Học, cũng có thể là Intel không cần vì có nhiều người làm việc đó giỏi hơn tôi... Dù hoài bão riêng có thành hay không, điều quan trọng hơn cả là Intel đã giúp thay đổi xã hội Việt Nam như tôi từng mơ ước. 

Tôi đã không phải thất vọng sau hai mươi năm đợi chờ và tận tụy với Intel.

Cám ơn Intel và chúc mừng Intel Việt Nam!

Khôi An

Chú thích:

(*) TOEFL (Test of English as a Foreign Language): một trong những bài thi được Hoa Kỳ dùng làm căn bản để trắc nghiệm trình độ Anh ngữ cho học sinh ngoại quốc.
(**) Ý từ câu ngạn ngữ Anh “Give a man a fish, and you feed him for a day; show him how to catch fish, and you feed him for a life time” mà nhiều người cứ cho là của Trung Hoa.
 (***) Tác phẩm Tấm Lòng Vàng của Nguyễn Công Hoan

_____________________


NXN Giới thiệu: Tác giả Khôi An đã hai lần liên tiếp nhận giải "Viết Về Nước Mỹ" do Việt Báo lập ra từ 12 năm trước (và Trưởng ban chấm giải từ 2003 là Nguyễn-Xuân Nghĩa): Năm 2009 Khôi An đoạt giải Danh Dự với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình", năm 2010 đoạt Giải Tác Phẩm Xuất Sắc Trong Năm với bài "Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu?" Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại công ty Intel. 


Bài này của nữ kỹ sư Khôi An đã được đăng trên Việt Báo Xuân Nhâm Thìn 2013 vừa xuất bản. Dainamax Tribune xin giới thiệu với quý độc giả như một món quà Xuân, nhất là về những khó khăn khi tuyển người, cách Intel giải quyết, và câu trả lời của tuổi trẻ Việt Nam. Cám ơn các em. 

Một chi tiết khác rất nên chú ý trong bài này: chính Intel, một cơ sở tư doanh, đã ký giấy tự nguyện giải trừ tham nhũng và mời đại diện nhà nước (tòa Đại sứ Hoa Kỳ) đến cùng ký vào văn kiện này! Đây mới là "nhân dân làm chủ"...


10 nhận xét:

  1. Cám ơn bác Nghĩa đã giới thiệu bài của tác giả Khôi An, một bài viết rất hay và ý nghĩa về những bước đi của Intel trong 15 năm qua, ấp ủ của tác giả, và ước mơ về công bằng cơ hội cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

    Về lời phê 'tệ trạng sao chép sản phẩm vô tội vạ và vẫn mang tiếng là nơi có mức đánh cắp tác quyền cao nhất Á châu', là độc giả trung thành của bác Nghĩa đã lâu, nhất là những góc nhìn mới của bác về lịch sử qua chương trình giải ảo, Sơn mong biết ý kiến của bác Nghĩa khi đọc qua bài 'Ăn cắp bản quyền và gian lận thương mại thúc đẩy cách mạng công nghiệp nước Mỹ' của bloomberg,

    về bảo vệ tài sản trí tuệ, giá trị phổ quát như Mỹ đang rao giảng, hay là những nước đi sau như Trung Quốc, Việt Nam thì để 'close the gap' nhanh nhất thì cũng là copy như Mỹ đã từng làm cách đây 300 năm...

    cám ơn bác Nghĩa,

    Trả lờiXóa
  2. Son T. Pham

    Anh giáo sư Peter Andreas này viết cuốn sách cho vui!

    Lẩm cẩm lắm khi suy luận chuyện thế kỷ 19 vào thế kỷ 21 mà kết án Hoa Kỳ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sau khi đã ăn cắp một số sáng kiến của Anh.

    Cuối thể kỷ 18, Hoa Kỳ thành hình sau khi giành lại độc lập từ Đế quốc Anh và bị chiến tranh, áp lực và phong toả từ nước Anh. Một trong nhiều người Mỹ đã vượt qua chiến tuyến muôn mặt ấy mà thu nhận công nghệ của Anh và Âu Châu, là Lowell. Nhưng ông ta không đơn giản là tay ăn cắp như Andreas viết ra một sơ sài và mị dân, đấy là một doanh gia có tài và dù mất ở tuổi rất trẻ là 42 vẫn để lại một cơ sở công nghiệp lớn lao.

    Đấy là chuyện của người ta. Hãy tưởng tượng hoàn cảnh của Việt Nam sau khi giành lại độc lập từ Trung Quốc năm 938 và bị áp lực rất nặng, kể cả về quân sự. Khi ấy phải xoay trở ra sao?

    Bây giờ, căn cứ trên sự hình thành của chủ nghĩa tư bản Mỹ và cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Hoa Kỳ mà cho rằng đấy là Mỹ ăn cắp từ Âu Châu nên qua thế kỷ 21 không có quyền cấm Trung Quốc ăn cắp! Lý luận ấu trĩ và nguy hiểm cho quyền lợi của nước Mỹ. Ta có thể lý luận theo lối đó là Việt Nam không có kết án Trung Quốc về vụ đánh cướp Hoàng Sa vì ngày xưa đã lấy Thủy Chân Lạp. Loại lý luận này rất hợp ý Bắc Kinh!

    Xoay ngược vấn đề và liên hệ đến bài viết của Khôi An về Intel:

    Ngày xưa, Trung Quốc bắt ta triều cống cho họ trí thức và chuyên gia, lại còn qua xứ ta tịch thu và xóa bỏ kiến thức để chỉ còn có hệ thống văn hoá chính trị của họ. Nếu không quên trí nhớ, ta nhớ đến một giai thoại vui: họ còn cấm bán một số món hàng cho nước Nam. Trạng nguyên Lương Thế Vinh muốn lấy giống ngô bắp về trồng tại thì phải giấu vào chỗ kín! Mấy chuyện lạc hậu đó phải chấm dứt.

    Ngày nay, mà từ lâu rồi, Hoa Kỳ lại mở cửa cho thanh niên xứ khác vào học hỏi kiến thức của họ chứ cũng chẳng giấu diếm gì. Vì sau cùng thì kiến thức đó có lợi cho mọi người - dù nhân tài xứ khác có ở lại Mỹ hay hồi hương làm việc. Ăn thua là chính sách của xứ khác khi đào tạo, cho xuất ngoại hoặc sử dụng nhân tài của mình. Nếu có bị thua kém thì hãy nghĩ là vì mình ngu hơn là vì thiên hạ gian!

    Và đừng vội tin đám trí thức bá láp như kẻ dám viết rằng "chuyện ăn cắp mới giúp cho cuộc cách mạng Mỹ" theo bài đăng trên Bloomberg. Vì sao một phần ba kinh tế gia của Harvard ngày nay lại đến từ Âu Châu?

    Người ta có thể viết về lịch sử hình thành của nước Mỹ rất côn đồ gian trá, nhưng chẳng thể vì đó mà bênh vực các chế độ gian trá côn đồ đời nay!

    Chuyện rắc rối, nhưng nói dù ngắn thì em vẫn có thể hiểu được.


    Trả lờiXóa
  3. cám ơn bác Nghĩa rất nhiều về phản hồi thật chi tiết và sâu sắc.

    Trả lờiXóa
  4. Em cũng là thành viên trong đoàn IVS, em có nghe nói về cuộc thi tuyển thất vọng trước đây của Intel mà người ta hay kể. Giờ về làm thì thực ra em cũng ko hiểu rõ hồi đó sao lại có cớ sự lạ lùng.

    Vào thời điểm năm 2008 thì bảo là kỹ sư Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu. Em tại thời điểm đó đang theo học Bách Khoa Sài Gòn (Trường Phú Thọ hồi xưa) cũng lang bang đến xin phỏng vấn nhưng bị từ chối vì bảo là chỉ tuyển kỹ thuật viên (trong khi em muốn phỏng vấn vị trí kĩ sư). Dựa vào kinh nghiệm lần đó của em thì em nghĩ là lý giải cho tỉ lệ rớt cao ngất ngưỡng đưa ra trong bài này hơi có phần võ đoán. Còn nguyên nhân thật sự thì thật ra em không biết!

    Tuy nhiên tại thời điểm 2011 khi em trở về công tác tại công ty thì tình hình là ban quản lý phát biểu thế này: "Các kỹ sư tốt nghiệp trong nước có khả năng công tác ngang bằng như các kỹ sư tốt nghiệp tại nước ngoài". Qua thực tiễn làm việc thì em cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Rốt cục là tại sao lại rớt 98% vào 2008 thì em hiện giờ cũng vẫn không hiểu.

    Trả lờiXóa
  5. giải thích cho hiện tượng tuyển dụng 2008, theo như tác giả mình thấy hoàn toàn hợp lý (Khi một hãng nổi tiếng như Intel tuyển người, chắc danh sách “gửi gấm đặc biệt” rất dài, và những người chỉ có kiến thức mà không có lo lót thì khó có cơ hội vào đến cửa. Trong hai ngàn ứng viên có lẽ rất nhiều người được đưa vào bất kể trình độ. Có lẽ chính những người đưa họ vào cũng không ngờ ông chủ Intel khó tính và cẩn thận bắt làm bài thi!).vì công ty Mỹ hoạt động ở VN thì vẫn chủ yếu là người Việt thực hiện, và họ cũng chịu ảnh hưởng của Văn hóa VN - nhất thân nhì quen,gửi gắm quan hệ, có thể NV tuyển dụng coi tuyển dụng là cơ hội để kiếm tiền. Còn nếu SV tốt nghiệp trong nước đạt yêu cầu thì họ cần gì phải chi 2 triệu USD & nhiều chi phí, công sức # để gửi người qua đào tạo ở Mỹ làm gì? Vì thế nên họ kêu gọi phòng chống tham nhũng.
    Trước đây, mình cũng làm ở 1 cty lớn của Mỹ ở VN về năng lượng.cty này do 1 giám đốc người Việt & cũng là Đảng viên, nên có cũng giống như mọi tiêu cực ở cty Nhà nước của VN. Tuy nhiên, nhờ có những luật lệ, công cụ, chính sách của Mỹ mà những tiêu cực nó ít nhìn thấy hơn, tinh vi phức tạp hơn, mà chỉ có người trong cuộc biết thôi. Mình chỉ được nghe kể lại thôi chứ cũng không có bằng chứng để làm gì cả. Ở cty Mỹ, tiêu cực chỉ xảy ra ở người lãnh đạo thôi, chứ không tràn lan như ở cty VN. Vì cty Mỹ quá lớn nên tất yếu người lãnh đạo sẽ có nhiều quyền lực. Tiền & quyền đi liền với nhau trong nền kinh tế thị trường mà. Họ biết vậy, nên họ tìm cách hạn chế nó chứ không thể loại nó được triệt để.

    Trả lờiXóa
  6. Em xin làm rõ thêm là theo như quan sát trực tiếp của em là mọi cuộc tuyển dụng của Intel tại Việt Nam đều mở rộng, có giới thiệu hay không có giới thiệu thì cũng như nhau ạ. Vì tận mắt chứng kiến nên em cũng thấy tự tin. Vả lại vị trí tuyển dụng lúc đó là kĩ thuật viên, lương thật ra không cao, nên em cũng không nghĩ là vị trí ưa thích cho các đối tượng có quen biết với chính quyền.

    Trả lờiXóa
  7. Xin cám ơn các bạn về những lời bình. Nhất là của hanoi và Happy Feet.

    Xin anh em hãy đọc lại, cho kỹ.

    Tác giả qua Mỹ năm 1984 và phải "làm lại cuộc đời". Mười năm sau - là 20 năm trước - thì đã tham gia và thực tế góp phần đào tạo chuyên viên cho Intel tại Malaysia. Bậc thầy của các em đấy. Khi Intel muốn đem sở nguyện đó cho giới trẻ tại Việt Nam thì gặp vấn đề. Có tội nghiệp không?

    Nếu có phải cạnh tranh với chuyên gia Malaysia mà ta thua sút thì lỗi tại ai nếu không là vì hệ thống lãnh đạo?

    Trả lờiXóa
  8. Em đọc lời bình bác Nghĩa 3 lần nhưng vẫn không hiểu rõ ý bác. Em lớn lên ở Việt Nam nhưng tánh tình rất giống người Mỹ. Thích phát biểu, thích tìm hiểu sự thật. Cha em trước cũng là kỹ sư Phú Thọ, làm việc dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Chuyện thăng trầm lịch sử em cũng có nghe qua nhiều từ cả cha em và những cô chú ở Mỹ, nhưng vì sinh ra sau chiến tranh nên em có góc nhìn khác với người đi trước.

    Về nhận xét của bác đối với tác giả thì em hiểu rõ và hoàn toàn đồng ý. Chị ấy là người tài năng, có lòng đối với quê hương và em vô cũng quí mến các cô, chú, bác, anh, chị như thế. Thực tế nhiều nhân viên Intel Oregon người Việt mà em đã gặp đều là những người như thế. Ý kiến em nêu lên là để cung cấp thêm thực liệu, làm giàu thông tin cho bài viết. Em có khẳng định cách lí giải của chị là chưa sát thực tế vì đơn giản là lí giải đó không khớp với những quan sát em thấy trong suốt quá trình. Thực ra vài đồng nghiệp hiện tại bên cạnh đơn vị làm việc của em cũng có những lí giải riêng của họ nhưng phần nhiều là lời kể lại nên em cũng thấy không nhất thiết nêu ra.

    Bản thân nhà nước hiện tại họ có rất nhiều cái sai, nhưng cũng có những cái họ làm được. Mình chê bai tràn lan thì không giúp ích cho việc xây dựng. Thực tiễn luôn luôn sinh động và nhiều chiều. Em nghĩ chỉ có hiểu rõ thực tiễn mới có thể giúp ích được cho tình hình. Còn tấm lòng thì người Việt mình ai cũng có. Nhưng tiếc là vì thù hằn quá nhiều mà có tình trạng nhiều người trẻ muốn về quê đóng góp mà cũng phải đắn đo.

    Thực tiễn đã cho thấy Intel khi vào Việt Nam thực tế không gặp phải vấn đề về nhân lực. Các nhân viên tốt nghiệp tại bản địa đều không có dấu hiệu thiếu năng lực. Cá biệt còn có vài trường hợp được mời sang Malaysia hỗ trợ cho nhà máy bạn. Cái họ cần học nhiều là văn hóa và hệ thống điều hành công việc của Intel. Mà điều này thì đúng đối với bất kì quốc gia nào Intel đặt chân đến, không riêng nước ta. Điều này cần được khẳng định và là có ích cho sức thu hút đầu tư của Việt Nam. Hiện tượng xảy ra năm 2008 được nêu trên báo chí một cách quá giản lược, không thể hiện trung thực vấn đề. Liệu có thể giả định rằng chiến lược hay tiêu chí tuyển dụng năm đó chưa phú hợp với điều kiện thực địa tại một nước không nói tiếng Anh? Liệu sau đó có phải công ty đã thay đổi chiến lược và tìm được đúng và đủ số người? Vòng đời của dự án đầu tư là vài chục năm, nên giai đoạn ramp up cũng dài và phức tạp. Các phát biểu giản lược gây hiểu lầm cho công chúng là nên tránh.

    Trả lờiXóa
  9. Chào bác Nghĩa!
    Rất tình cờ cháu đc đọc bài viết này và sẽ đi tìm cách để góp ý trực tiếp với tác giả của nó. Cảm ơn bác đã đăng lên đây. Cháu xin mượn blog của bác để đưa ra ý kiến của mình.
    Đã qua rồi cái thời "những sinh viên tốt nghiệp bốn năm đại học vui mừng khi kiếm được hai trăm đô la một tháng". Kỹ sư đc tuyển dụng vào đây toàn là những người giỏi nhưng có chính kiến. Nếu họ thấy phù hợp thì sẽ gắn bó với Intel lâu dài. Còn cũng có nhiều người giỏi nghỉ rồi và đi con đường riêng của chính họ.
    Những người có tham vọng và tâm huyết như tác giả KA ko phải ko có nhưng thực tế làm họ bất lực. Cháu cũng mong chúng ta có một tương lai khác, nhưng hiện thực làm cháu ko có nhiều lạc quan.
    Thông tin trong bài viết có thể còn gây tranh cãi nhưng dù sao cháu xin chân thành cảm ơn những người Việt ở Mỹ đã góp phần đưa Intel về VN.
    Xin chúc các bác, cô, chú, anh, chị, em... một mùa xuân mới mạnh khoẻ và hạnh phúc.
    (Cháu tự hào vì đã từng là 1 Inteller :D)

    Trả lờiXóa
  10. Chúc mừng năm mới!

    Cảm ơn bác Nghĩa đã đăng bài viết cảm động của tác giả Khôi An. Thông tin tuyển nhân viên của Intel được nhiều người làm giáo dục lấy như một minh họa cho chất lượng đàotạo thấp của nền đại học nước nhà, mà cá nhân tôi cũng sử dung trong một bài viết của mình. Qua phản hồi của các bạn Happy Feet và Free like a bird là những người trong cuộc thì rõ ràng đã có một sự thông tin sai. Cụ thể là Intel đã tuyển kỹ thuạt viên- các vị trí không đòi hỏi trình độ đại học. Như vậy 4000 ứng viên khi đó là các bạn tốt nghiệp các trường trung cấp và cao đẳng nghề. Và việc các bạn trượt chủ yếu do Anh ngữ. Với chương trình đào tạo hiện tại thì điều này là hoàn toàn có thể hiểu được!

    Trả lờiXóa