Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston, số Xuân Quý Tỵ 2013
* Bích chương quảng cáo phim Topaz của Hitchcock - ấn bản Pháp ngữ *
Được yêu cầu viết một bài vui tươi cho số Xuân Quý Tỵ nhưng phải có ý nghĩa lịch sử, bỉnh bút Nguyễn-Xuân Nghĩa nhắc đến bản Hiệp định
Paris 40 năm về trước... và lạc đề ngay từ đầu - cho vui.
Mùa Xuân năm 1962, Tổng thống
John F. Kennedy cho đặc sứ riêng của ông đưa một mật thư lên Tổng thống Pháp là
Tướng Charles de Gaulle. Lá thư có tiêu đề chính thức và mạ vàng của Kennedy với
nội dung rất lạ: "Tình báo của Liên bang Xô viết đã xâm nhập vào chính quyền
Pháp - có thể lên đến Nội các của de Gaulle." Tổng thống Mỹ đề nghị là sẽ mời
đại diện của Tổng thống Pháp qua thẩm vấn nguồn tin tối mật này để kiểm chứng.
Cơ quan phản gián Pháp là SDECE
("Service de Documentation Extérieure et de Contre-Espionnage", tên gọi chính thức cho đến năm 1982 thì đổi
thành DGSE, Direction Générale de la
Sécurité Extérieure) liền mở cuộc điều tra. Và trình lên rằng thông
tin từ Tổng thống Kennedy có cơ sở khả tín.
Chuyện bất ngờ là ai đó ở trên lại
ra lệnh ngưng cuộc điều tra và cho chìm xuồng tất cả. Chuyện bất ngờ thứ hai xảy
ra sáu năm sau, cũng vào một mùa Xuân.
Khi vụ Tổng tấn công Tết Mậu Thân
68 còn tỏa khói lên thời sự Hoa Kỳ, trung tuần Tháng Tư năm 1968, tạp chí LIFE đăng
một tin lạ từ Philippe Thyraud de Vosjoli. Ông là nhân viên tình báo có 20 năm
công vụ và từng là trưởng trạm của phản gián Pháp tại Hoa Kỳ từ 1951 đến 1963.
De Vosjoli kể lại trên tờ LIFE chuyện
ly kỳ về thành tích gài người của tình báo Xô Viết và về phản ứng rất ơ hờ khó
hiểu của Chính quyền Pháp khi bị đòn nội tuyến của Liên Xô. Tuần báo Time đã có
một bài dài về câu chuyện này của de Vosjoli.
Tức là tin mật của Kennedy được hâm
nóng sáu năm sau, mà do một cựu điệp viên Pháp nói ra.
Nguồn tin mà Kennedy mách riêng
cho de Gaulle là từ Anatoli Golitsyn, một viên chức cao cấp của KGB đã cùng gia
đình đào thoát qua Mỹ. Với bí danh "Martel", cái tên như một hiệu
Cognac sang trọng mà thiếu một chữ lờ, viên chức này mất nhiều ngày giải trình
trước đại diện của một số quốc gia hội viên của Minh ước NATO. Kết quả là 200 điệp
viên của KGB bị Tây phương lột mặt nạ, kể cả Georges Paques, một viên chức cao
cấp của Pháp trong Minh ước NATO. Ông này bị vào tù.
Khi cơ quan SDECE bắt đầu thẩm vấn
Martel thì họ kinh ngạc về nhiều chuyện.
Đầu tiên, Martel đưa ra nhiều thông
tin cho thấy là có một điệp viên KGB trong số các cố vấn thân tín nhất của de
Gaulle. Thứ nữa, ít ra là năm cơ quan Pháp, kể cả các bộ Nội Vụ, Quốc Phòng và
Ngoại Giao, đã bị tình báo ngoại quốc xâm nhập. Ngay trong cơ quan phản gián
SDECE cũng đã có một mạng lưới nội tuyến của Liên Xô, hoạt động dưới mật hiệu
"Saphir" (Sapphire). Và thứ tư, mọi bí mật của NATO đã có thể từ
Paris chuyển qua Moscow trong vòng ba ngày! Cứ như là đang đọc truyện trinh thám
gián điệp vậy!
Xin quý độc giả hãy điềm điềm và
đừng hốt hoảng vì chuyện thật lại còn bất ngờ hơn vậy!
***
Theo lời tường thuật của de Vosjoli,
phản gián Pháp bị bàng hoàng về tiết lộ của Martel/Golitsyn tại thủ đô
Washington và khẩn báo về nhà rằng Martel nói ra những điều có cơ sở rất đáng tín.
Nhưng, tình báo Hoa Kỳ kinh ngạc
vì họ đã chia sẻ nguồn tin nhạy cảm cho một đồng minh mà ngoài vụ bắt giữ
Georges Paques, không thấy phản gián Pháp làm gì thêm để bóc sạch mạng lưới nội
tuyến của KGB. Tại Paris, thượng cấp thời ấy của de Vosjoli trong cơ quan SDECE
thì có lời giải thích: vì cuộc chiến Algérie, Pháp vừa trải qua khủng hoảng, thậm
chí đảo chính hụt và de Gaulle bị mưu sát vào Tháng Tám năm 1962, nên không muốn
có thêm một vụ tai tiếng.
Trên tờ LIFE, Philippe Thyraud de
Vosjoli bày tỏ sự nghi ngờ rằng có những thế lực hắc ám hơn đã muốn ém chuyện này,
và nêu giả thuyết cho độc giả suy đoán lấy. Một là nội gián Xô Viết đã dùng thế
lực chính trị mà xoá sạch vế tích. Hai là cơ quan CIA đã phả khói vào hồ sơ
Saphir để che giấu hoạt động tình báo của Mỹ tại Pháp. Ba là chỉ vì de Gaulle
khó chịu về chuyện Hoa Kỳ bật mí cho thấy sự hớ hênh của mình. Xưa nay, Tướng
de Gaulle luôn luôn nghi ngờ nước Mỹ....
Nhưng chuyện còn bất ngờ hơn vậy.
Chẳng những cơ quan phản gián SDECE không thanh lý môn hộ và giải trừ mạng lưới
phái khiển của KGB mà còn xoay ngược tấm khiên về phía Mỹ.
Điệp viên de Vosjoli được chỉ thị
từ Paris là hãy quên vụ Martel và Saphir mà lập ngay tại thủ đô Washington một
hệ thống thu thập tin tức về quân sự và khoa học Mỹ, kể cả chương trình chế tạo
hỏa tiễn chiến lược ICBM. De Vosjoli liền trình lên thượng cấp những rủi ro và
sự phi lý của dự án này trong một xứ đồng minh và bị Paris quạt ngược: chính de
Vosjoli đã giúp tình báo Mỹ biết được kế hoạch của Liên Xô tại Cuba năm 1962. Năm
đó, quả là Liên Bang Xô Viết lén đưa hỏa tiễn vào Cuba và gây ra vụ thi gan nghẹt
thở giữa John Kennedy và Nikita Kruschchev.
Khi thấy Paris xoay ngược quan hệ
như vậy, de Vosjoli bất bình, xin từ nhiệm và ở lại Pháp vào năm 1963. Từ đấy,
lịch sử đã thành tiểu thuyết.... Saphir đổi màu thành Topaz.
***
Philippe de Vosjoli có một bạn thân
người Mỹ là Leon Uris, tác giả của cuốn Exodus nổi tiếng từ năm 1958. Bực mình
về thái độ lật lọng của phản gián Pháp, ông kể lại cho người bạn nhiều tình tiết
của vụ hỏa tiễn Liên Xô tại Cuba năm 1962, lồng trong bối cảnh là việc điệp viên
KGB gài người vào chính quyền Pháp.
Từ các chi tiết đó, Leon Uris viết
cuốn tiểu thuyết gián điệp "Topaz", xuất bản năm 1967. Topaz là mật
hiệu của mạng lưới nội tuyến Liên Xô tại Pháp, một cách cải danh cái tên Saphir
có thật mà de Vosjoli biết rõ từ điệp viên đào tỵ Martel/Golitsyn.
Cuốn truyện lập tức nổi tiếng là
sách bán chạy mà không gây phản ứng gì nhiều từ Chính quyền de Gaulle, có lẽ vì
là sách Anh ngữ nên ít người đọc ở bên Pháp! Chỉ riêng có tuần báo trào phúng Le Canard Enchainé là nhắc tới với giọng
châm biếm.
Nhưng đạo diễn lừng danh Alfred
Hitchcock lại mê truyện này.
Năm 1969, ông dựng truyện thành
phim, cũng với tên "Topaz", và dùng tài diễn xuất của Frederick
Stafford, John Forsythe, John Vernon, Karin Dor và các diễn viên nổi tiếng của
Pháp như Dany Robin, Michel Piccoli và Philippe Noiret. Nhờ tài nghệ Hitchcock,
nhiều khán giả cứ tưởng rằng đây là tác phẩm hư cấu tưởng tượng về thời Chiến
Tranh Lạnh vì được dẫn từ Công trường Đỏ tại Moscow đến Copenhagen rồi
Washington, New York và Havana của Cuba trước khi kết thúc tại Paris.
Cuốn phim còn có tính chất tiên
tri ở mấy tình tiết rất Tây, mà nay đã lây vào Mỹ. Đó là những vụ ngoại tình và
bội phản trong thế giới tình báo và chính trị!
Điệp viên André Devereaux của Pháp
tại Hoa Kỳ đã được người bạn là nhân viên CIA Michael Nordstrom nhờ giúp cho một
việc: dùng quy chế ngoại giao của một tùy viên thương mại đi vào Cuba để kiểm
chứng tin tức do một gián điệp đào tỵ của KGB cung cấp, về các hoả tiễn được Liên
Xô đưa cho Fidel Castro. Tại Havana, Devereaux có người tình xưa là Juanita de
Cordoba, nay là tình nhân của một viên tướng Cuba, Rico Parra. Nhờ sự hy sinh của
cố nhân và những người gan lỳ trong mạng lưới kháng chiến chống Castro,
Devereaux đem về đầy đủ hình ảnh làm chứng. Tại Washington, Devereaux được CIA
trả ơn bằng những chi tiết về mạng lưới Topaz-Saphir trong hệ thống phản gián
Pháp.
Bị triệu về Paris vì đã sốt sắng
giúp Mỹ, điệp viên Devereaux phải kín đáo điều tra tiếp.
Cuối cùng thì ông tìm ra trưởng
lưới của Topaz là Jacques Granville, một viên chức cao cấp của tình báo Pháp, bạn
thân của mình từ thời kháng chiến chống Đức. Và đang là tình nhân của người vợ cô
đơn ở Paris!
Cuốn Topaz được chiếu tại Pháp dưới
một tên khác, là L'Étau, gọng kìm, để
khỏi trùng với tên một tác phẩm nổi tiếng của Marcel Pagnol đã được dựng thành
phim là Topaze với đại tài tử Fernandel. Nhưng khi ấy, vào năm 1969, mấy ai ở
Paris để ý đến một gọng kìm khác?
Đó là cuộc "Hòa đàm Ba Lê để
kết thúc chiến tranh Việt Nam"....
***
Bài này đã lạc đề từ đầu. Nên xin
trở lại đề tài với vài câu hỏi.
Sau vụ Mậu Thân 68, người bị mất
tinh thần nhất chính là Tổng thống Lyndon Johnson, xưa kia là Phó Tổng thống
cho đến khi John Kennedy bị ám sát tại Dallas vào ngày 22 Tháng 11 năm 1963 - một bí mật 50 năm sau vẫn chưa có giải đáp. Tháng Ba năm 1968, Johnson quyết định
ngưng oanh tạc Bắc Việt và tìm cách đàm phán với Hà Nội kể từ Tháng Năm 1968.
Là Phó Tổng thống, hiển nhiên là ông
có theo dõi vụ Cuba và biết về sự xâm nhập của tình báo Xô Viết vào hệ thống lãnh
đạo của Paris. Cớ sao ông lại chọn Paris là nơi tiến hành hòa đàm?
Câu hỏi gợi lên đề tài lý thú cho một cuốn truyện
trinh thám giả tưởng khác....
Nhân dịp năm mới, kinh chúc chú và gia đình vạn sự tốt lành!
Trả lờiXóaXin cám ơn Thanh và chúc em cùng gia đình an hảo, thành công trong nguyện ước cho năm tới. NXN
Trả lờiXóa