Thứ Ba, tháng 4 23, 2013

Thiện và Ác – Nhân Quyền và Khủng Bố


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130422
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Khoẻ dùng sức, yếu dùng mưu. Văn minh thì dùng luật....

 * Sau thảm kịch: Boston Dũng Mãnh *


Vụ đánh bom Boston hôm 15 là một hành vi khủng bố.  Chưa cần biết "phải trái" gì, ta đã có thể kết luận như vậy vì mục tiêu là sát hại thường dân để gây ra sự sợ hãi, định nghĩa căn bản nhất của hành vi khủng bố.

Chuyện "phải trái" ở đây là xuất xứ hay động lực của nghi can. Khi tai họa vừa xảy ra và chưa rõ chi tiết, truyền thông cánh tả tại Mỹ vội kết luận rằng đấy là hành động của các nhóm cực hữu, loại dân quân tự phát của xã hội Hoa Kỳ. Truyền thông cánh hữu thì đưa ra giả thuyết tàn sát của các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan xưng danh Thánh Chiến Jihad với lối đánh bom dồn dập để gây tối đa thiệt hại.

Sau khi một nghi can bị thiệt mạng (Tamerlan Tsarnayev) và người em là Dzhokhar Tsarnayev bị bắt rồi đang được lấy khẩu cung trong nhà thương, người ta chú ý và bàn tán về chuyện khác: thí dụ như xuất xứ sắc tộc Chechen và động lực của hai nghi can; mối quan hệ hay không của kẻ gian với phong trào khủng bố Hồi giáo tại Nga hoặc với lực lượng khủng bố al-Qaeda; sự xuất sắc hay sơ sẩy của nhân viên công lực, v.v....

Trong những ngày tới, đề tài sẽ gây tranh luận là cơ sở pháp lý của việc truy tố nghi can – theo thủ tục đặc biệt cho quân thù hay là quy chế thông thường cho một công dân phạm pháp? Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ là nơi hiếm hoi mà người ta thảo luận về cách đối xử với kẻ tàn sát. Ở nhiều xứ khác, nhà nước không gặp sự phiền phức đó! Bụp, beng, phập, đoàng, là các động từ đơn giản....

Khi lùi lại một chút để nhìn trên toàn cảnh – khảo hướng chung của cột báo này – chúng ta có thể thấy ra nhiều chuyện cũng đáng suy ngẫm.

Cách đây mới chỉ một thế kỷ thôi, các gia đình di dân đến từ Âu Châu phải mất khá nhiều thời gian hội nhập. Thế hệ đầu tiên có thể làm tá điền hay nông gia vùng Mid-West. Thế hệ sau mới mở ra cơ sở tiểu thương, rồi con cháu có thể vào đại học, trở thành doanh gia, kỹ sư, bác sĩ. Ba đời chắt bóp mới có vị trí của nhiều người tỵ nạn Việt Nam, hoặc của hai anh em Tsarnayev, xin lỗi. Là bước vào đại học và có một tương lai sáng sủa hơn quá khứ của cha mẹ ông bà ở quê nhà.

Hoàn cảnh chung của đa số có cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của xã hội Hoa Kỳ, mà cũng là bối cảnh của cuộc tranh luận hiện nay về chánh sách di dân. Ngoại lệ là trường hợp của hai anh em Tsarnayev. Họ tách khỏi đại gia đình, từ chối hội nhập mà quay về quê cũ đầy hỗn mang và chọn giải pháp tai hại nhất: trở thành đặc công khủng bố. Và tấn công xã hội đã cưu mang họ.

Trình độ "tác nghiệp", trong ý nghiệp vụ lẫn nghiệp chướng, của hai anh em có tính chất thô sơ với lối chế tạo võ khí tàn sát được al-Qaeda tại Bán đảo Á Rập phổ biến trên mạng và tạp chí "Inspire". Sau khi giết người, họ chẳng tìm cách đào thoát để có thể tái diễn hành động khủng bố và xiển dương một chính nghĩa ma quỷ nào đó. Khi bị truy lùng lại cán xe lên nhau để bỏ chạy....

Động lực của nghi can có thể là cuộc Thánh Chiến cho đạo Hồi hay công lý cho dân Chechen vì họ là nạn nhân của chính quyền Nga - từ thời Xô viết của Stalin năm 1944 đến hai trận chiến và mười mấy năm tao loạn ở Chechnya.... Nhưng dù là bất cứ gì, ta nên nghi ngờ loại lý tưởng cao đẹp có thể biện minh cho hành động sát nhân, và trở lại chuyện nước Mỹ.

Hoa Kỳ tiếp nhận nhiều người từ tứ phương, với hành trang chất chứa nhiều vấn đề đặc thù của quá khứ mà đa số dân Mỹ không hiểu.

Trong số này, kẻ thoái hóa hoặc khó hội nhập có thể kết án sự thịnh vượng, hồn nhiên và cả tiến bộ khoa học kỹ thuật của nước Mỹ. Một số người còn học hỏi sự tiến bộ đó để trau dồi kỹ thuật giết người. Nhiều tay khủng bố đã từng tốt nghiệp kỹ sư và liên lạc để phổ biến sự hiểu biết đó trong mạng lưới của cái ác.

Tính chất cởi mở và cầu tiến của xã hội Hoa Kỳ cho phép thiện ác cùng sống chung. Và đua tranh. Then chốt ở đây là động lực tốt hay xấu, nói cho dễ hiểu mà khó giải, chính là cái "tâm".

Chúng ta đều hiểu ra quy luật "khoẻ dùng sức - yếu dùng mưu".

Sức có thể là bạo lực, là chiến tranh. Mưu có thể là dùng sức của người khác để đạt mục tiêu của mình. Và hèn nhất trong các loại mưu là khủng bố. Nhưng xã hội văn minh là nơi mà người ta dùng luật pháp để chi phối cả cái sức lẫn cái mưu của mọi người hầu không ai, kể cả chính quyền, có thể chèn ép người khác. Trong ý nghĩa đó, Hoa Kỳ là một xứ văn minh vì coi trọng luật pháp.

Chính là tinh thần "trọng pháp" mới dẫn đến cuộc tranh luận hiện nay về cách truy tố và biện hộ cho một kẻ đã giết người tại Boston. Chỉ nội một việc Dzhokhar Tsarnayev vẫn được gọi là "nghi can" – chưa có tội – cũng cho thấy sự thận trọng và nhân bản của xã hội. Nhiều người có thể bực bội vì chính quyền sẽ lại tốn ngân sách để bảo vệ mạng sống cho nghi can rồi đưa ra tòa xét xử theo hệ thống luật lệ minh bạch và khá nhiêu khê phức tạp. Nhưng đấy là cái giá phải trả để bảo vệ nền dân chủ.

Những suy đoán của một số người về mưu mô quỷ quái của nhà chức trách để theo dõi tin tức và có khi xâm phạm nhân quyền còn phản ảnh một sự thật khác. Chính quyền có nhiệm vụ bảo vệ quyền dân, trong đó có cả quyền tự do và quyền đàn hặc chính quyền.

Theo dõi việc cơ quan FBI bị trách cứ vì từ năm 2011 đã thẩm vấn nghi can Tamerlan Tsarnayev theo lời yêu cầu của Mật vụ FSB của Nga – hậu thân của KGB thời Xô viết – mà lại để thoát, chúng ta mới thấy ra cái khó của nhân viên công lực: chặt quá như Nga hoặc lỏng quá như Mỹ đều có thể là tai hại. Mà chặt hay lỏng thì đấy là phần suy diễn luật lệ, đôi khi bị chính trị hóa tại Hoa Kỳ.

Trong hoàn cảnh ấy, ta chú ý đến người dân.

Với sự phát triển của hình thái khủng bố tự phát, nội hóa, của những đặc công đơn lẻ trong xã hội tự do, chính là sự mẫn cán tham gia và hợp tác của người dân mới đem lại hy vọng ngăn ngừa và giải trừ. Bài học của vụ Boston Marathon là mọi gia đình đều phải quan tâm hơn nữa đến cách suy tư và hành động của con cái trong nhà - trước khi xảy ra thảm kịch. Nếu cộng đồng dân Chechen chú ý hơn nữa đến lề lối sinh hoạt của hai anh em Tsarnayev, có khi họ đã bảo vệ được cộng đồng, và nước Mỹ.

Sau cùng mới là tinh thần vô úy. Không hãi sợ lùi bước trước quân khủng bố là thái độ cần thiết.

_______________________________

"Chỉ Có Tại Nước Mỹ":


Trong vụ khủng bố Boston Marathon, Jeff Bauman là nạn nhân bị nát bấy hai chân. Ông vẫn tỉnh táo giúp cơ quan FBI khi mô tả nhân dạng của một nghi can. Nhờ vậy mà nhà chức trách sớm phổ biến hình ảnh và dẫn tới việc hai nghi can thấy động mà tìm cách đào thoát rồi bị truy lùng. Hành vi của Bauman được mọi người ngợi ca. Theo kiểu Mỹ, gần vạn người liền chung góp được 360 ngàn đô la qua mạng GoFundMe để trang trải chi phí y tế cho nhân vật anh hùng này. Ta nên để ý đến hiện tượng "crowd funding", quyên góp tập thể từ nhưng người bình thường cho một mục tiêu công ích và bất vụ lợi của xã hội.

8 nhận xét:

  1. Thank bác đã chia sẻ những góc nhìn về nước Mỹ và người Mỹ rất hay. Điều này cháu cũng tự hỏi và chưa trả lời đưcọ dứt mạch lần nào. Cái đẹp của tình người thật đáng quý và nõ vẫn nở trên một rừng luật, một rừng quy tắc đô thị khắt khe chứ không hề bị đổ bê-tông chút nào !

    Trả lờiXóa
  2. Vấn đề là nguyên nhân hay nguồn gốc của khủng bố? Họ cũng có lí tưởng nào đó-độc giả cần Giải Ảo!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyên nhân của khủng bố có thể là "giải phóng miền Nam", là chuyện miền Nam đã thấy....

      Nguyên nhân của khủng bố có thể là trả thù nước Nga, từ thời Stalin đến Putin. Nhưng vì sao lại đánh Mỹ?

      Nguyên nhân của khủng bố cũng có thể là để xây dựng một Vương triều Hồi giáo được cai trị bằng Giáo luật Shariat. Nhưng vì sao lại giết dân Hồi giáo?

      Rắc rối lắm!

      NXN

      Xóa
  3. Nhưng xét về mặt khác, phải thấy rằng nền an ninh của Mỹ quá không ổn định nếu không muốn nói là hỗn loạn. Một sự kiện lớn như thế, có hàng nghìn người dân tham gia, đương nhiên chính phủ phải huy động các lực lượng an ninh nhằm đối phó vs các tình huống có thể xảy ra, vậy mà lại để xảy ra 1 vụ việc kinh khủng như thế thì có phải là an ninh Mỹ quá kém không. Hãy xem Việt Nam đi, tuy không phát triển kinh tế được như Mỹ nhưng người dân chẳng phải lo ra đường bị khủng bố, đánh bom gì hết, sự yên bình của Việt Nam khối quốc gia mơ mà không được đấy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ban song o Viet Nam nen chi nhin thay nuoc My qua khung cua so nen xin duoc chia se voi ban cai nhin cua nguoi dang song tren dat Hoa Ky.

      Nhung su kien the thao nhu chay bo (marathon), bong ro ( basket ball), bong bau duc (foot ball), dua xe...voi hang chuc ngan nguoi xem va tham du xay ra rat thuong xuyen trong nhung tieu bang cua nuoc My. Cuoc chay bo marathon tai Boston chi la mot bien co nho trong sinh hoat the thao nay.

      Hoa Ky la dat nuoc rong lon, trong vong 10 nam nay, co bao nhieu vu khung bo da xay ra tren dat My ??? viec dat bom giet hai 3 nguoi o Boston la bien co kinh khung hay sao??? Nen an ninh cua My qua yeu kem khi da tim ra thu pham chi trong vong 1 tuan le ??

      Toi da tung song o Viet Nam, di nhieu noi tren the gioi va dang song o My mot thoi gian dai, co the noi voi ban rang chua noi nao khien toi an tam hon song tren dat nuc nay. Khi co chuyen, chi can mot cu dien thoai 911 la trong vai phut canh sat, nhan vien cuu hoa hay y te se toi tan nha giup do ban. (canh sat o day thuc su la ban dan chu khong phai la cha me dan nhu o VN!!!).

      Hoa Ky la mot dat dan chu nen tu do cua nguoi dan duoc ton trong toi muc toi da, ke ca quyen mang vu khi hay phan doi chinh phu neu co nhung bat dong y kien. Xin hoi ban VN co duoc nhu vay khong? Nguoi dan khi bi dan ap va kiem soat qua dang se bung no nhu mot thung thuoc sung va su bing an gia tao cua VN sa ra sao? Ban cu o VN va song voi giac mo cua ban va toi dang rat hanh phuc voi nhung tu do cua toi.

      Xóa
  4. Lệnh Hồ Công Tử khéo ỡm ờ!

    "Sự yên bình của Việt Nam khối quốc gia mơ mà không được đấy". Yên bình như Yên Lãng?

    Hay là muốn tụ tập thì phải xin phép thì hết hỗn loạn. Nếu cảnh sát võ trang còn đông hơn dân chạy bộ thì làm gì có khủng bố?

    Xin cám ơn về cách nêu vấn đề!

    NXN

    Trả lờiXóa
  5. Dear chú Nghĩa và các bạn,

    Tôi sinh ra và lớn lên ở VN và chưa bao giờ ra nước ngoài, nên tôi nhìn ra thế giới với tuy duy, với qua ống kính nhỏ bé của mình và không biết là đúng hay sai? Nước nào đi đầu đấu tranh cho tự do dân chủ, nước nào yểm trợ cho đảng phái đối lập, cho người dân bị đàn áp hay bị sống dưới chế độ hà khắc, chế độc tài và độc đảng? Nước nào hỗ trợ và can thiệp khi nước lớn ỷ thế chèn ép nước bé, nếu không phải là nước Mỹ? Người hồi giáo sống ở Mỹ được tự do dân chủ hơn người hồi giáo sống ở các nước hồi giáo, tại sao lại khủng bố nước Mỹ? Đúng là “đứng mũi chịu sào” “làm ơn mà mắc oán”! Còn Viêt Nam không có khủng bố, nhưng có 10.000 chết một năm vì tai nạn giao thông. Có đứng ra bênh vực kẻ yếu thế đâu mà bị kẻ mạnh bất lương thù oán và còn bi kịch hơn nữa là chính mình khủng bố dân mình! “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”! “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”!

    Cảm ơn chú nhiều về những bài viết rất giá trị!

    Trả lờiXóa
  6. "Mỗi nan đề phức tạp lại có một giải đáp trong sáng, đơn giản và trật lấc" H. L. Mencken.
    NXN

    Trả lờiXóa