Thứ Ba, tháng 4 09, 2013

Khi Từ Tâm Dẫn Đến Bom Đạn


Nguyễn-Xuân Nghĩa Người Việt Ngày 130409
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Lòng Súng Nhân Đạo Cứu Người Lầm Than  

* Em nhỏ, nhà em ở đâu, cha mẹ còn không? *


Tuần qua, bóng ma của cuộc chiến Iraq đã che khuất một cuộc chiến khác tại Libya. Trong khi ấy, thường dân Syria vẫn bị tàn sát....

Ngày 19 Tháng Ba năm 2003, Hoa Kỳ dẫn đầu chiến dịch tấn công Iraq và mở ra 10 năm hỗn loạn sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ. Ngày 19 Tháng Ba năm 2011, Hoa Kỳ yểm trợ 10 thành viên của Minh ước NATO can thiệp vào cuộc nội chiến tại Libya cho đến khi chế độ Muammar Ghaddafi bị lật đổ. Nhìn lại thì tình hình Iraq ngày nay tương đối đã ổn định hơn Libya - với sự nhấn mạnh dành cho chữ "tương đối". Trong khi ấy, cuộc nội chiến tại Syria cũng khởi sự vào Tháng Ba năm 2011 vẫn chưa dứt, với số tử vong được Liên Hiệp Quốc ước lượng khoảng bảy vạn người - và còn tiếp tục.

Người dân Hoa Kỳ đã tranh luận gay gắt về cuộc chiến Iraq, khởi sự với sự ủng hộ của đại đa số dân chúng và Quốc hội cho đến khi dư luận đổi ý và các chính khách lật lọng về lý do tham chiến. Sai lầm về chiến lược quân sự của Chính quyền Bush gây tổn thất chính trị cho đảng Cộng Hoà trong các cuộc bầu cử kế tiếp, cho đến ngày nay. Nhưng quyết định dồn quân đánh tới của Tổng thống George W. Bush vào đầu năm 2007 đã cứu vãn được tình hình và mở ra giải pháp triệt thoái, sau này được Chính quyền Obama áp dụng cho cuộc chiến tại Afghanistan để chấm dứt một cuộc chiến dài nhất lịch sử Hoa Kỳ, từ 2002 đến 2014.

Từ kinh nghiệm của hai cuộc chiến xảy ra sau vụ khủng bố 9-11, tại Afghanistan và Iraq, người ta tưởng lãnh đạo nước Mỹ sẽ thận trọng hơn khi quyết định sử dụng võ lực tại một xứ khác. 

Thế rồi, sự hồ hởi về triển vọng dân chủ trong thế giới Hồi giáo sau "Mùa Xuân Á Rập" vào đầu năm 2011 đã gây nhiễu loạn trong nhận thức và Hoa Kỳ lại can dự vào nội chiến tại Libya. Lần này thì khôn ngoan hơn để khỏi bị sa lầy như tại Iraq. Ở tại chỗ, Libya vẫn là thùng thuốc súng đang lan rộng qua xứ Mali. Tia lửa bật lên từ Benghazi vào Tháng 11 năm ngoái khiến bốn nhân viên Hoa Kỳ thiệt mạng, kể cả Đại sứ J. Christopher Stevens, và nay còn gây tranh luận trong chính trường Mỹ. Trong khi đó, số thường dân bị tàn sát tại Syria đã vượt mọi kỷ lục mà không xứ nào muốn can thiệp. Kể cả Hoa Kỳ. 

Chúng ta nên nhìn lại chuyện này và nhớ tới sự hợp lý rất co giãn của việc tham chiến vì chủ nghĩa nhân đạo.

***

Các quốc gia có thể lao vào chiến tranh vì quyền lợi. Trong loại phiêu lưu quân sự ấy, động lực là sự bành trướng vì quyền lợi kinh tế và an ninh, hoặc ngăn ngừa sự bành trướng của xứ khác. Hầu hết các cuộc chiến tranh trong lịch sử đều thuộc loại này, lên tới cao điểm trong thế kỷ 20 là hai cuộc Đại chiến, Thế chiến I và Thế chiến II. 

Trong thế kỷ 20, các nước cũng có thể lao vào chiến tranh vì lý do ý thức hệ, để bành trướng một hệ thống tư tưởng mà người ta cho là chính đáng. Tình trạng "Chiến tranh lạnh" trong gần nửa thế kỷ giữa hai khối, với các cuộc chiến rất nóng, đã xảy ra vì lý do ý thức hệ. Các chiến lược gia có thể nhấn mạnh rằng động lực thật chỉ là quyền lợi ngụy danh đạo đức của tư tưởng. Vô phúc cho xứ nào lại để dân tộc và quốc gia trôi vào chiến tranh vì một lý tưởng cao đẹp – Hà Nội ơi!

Tuy nhiên, sau Thế chiến II, các nước còn có thể tham chiến vì một động lực khác, là chủ nghĩa nhân đạo. Đây là trường hợp ứng vào lời ca Phạm Đình Chương trong bài "Anh Đi Chiến Dịch": lòng súng nhân đạo cứu người lầm than.... Vụ Somalia năm 1992, Haiti năm 1994, Kosovo năm 1999 hay Libya năm 2011, v.v... thuộc vào loại đó.

Trong một xã hội văn minh, không cứu người hoạn nạn có thể là một cái tội. Sau vụ thảm sát dân Do Thái tại Đức và nhiều tai họa khác sau này, thế giới văn minh cũng không chấp nhận được sự thể người dân vô tội bị tàn sát hàng loạt. Vì vậy, việc can thiệp quân sự vào nội tình một xứ khác là lý do chính đáng. Nhiều quốc gia ủng hộ chiến tranh có đạo lý bằng nghị quyết của Quốc hội hoặc Liên hiệp quốc còn gửi tới lực lượng quân sự bảo vệ hoà bình gọi là đội quân "Mũ Xanh". 

Đấy cũng là một loại chiến tranh có nguyên nhân ý thức hệ, nhưng là ý thức hệ của lòng nhân chống lại một chế độ bị kết án là có tội ác với nhân loại. Khi ấy, ta lại thấy một nghịch lý về đạo đức: 

Các đảng cộng sản đã từng gây chiến, phá hoại hòa bình hoặc khuynh đảo xứ khác qua lực lượng cộng sản xưng danh cách mạng nhưng lại chống hình thái chiến tranh này vì hai lý do là hòa bình và xen lấn vào nội tình xứ khác. Họ viện dẫn một nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc là quyền tự quyết của các nước và kết án việc can thiệp bằng quân sự vào một nước có chủ quyền. Tình đồng chí giữa hai đảng cộng sản có thể biện minh cho chiến tranh vì lý do ý thức hệ, chứ lý do nhân đạo hay nhân quyền của chiến tranh là điều vô giá trị với lý luận cộng sản. Hãy xem Bắc Kinh bảo vệ các chế độ hung đồ ra sao thì mình rõ.


***


Ngay tại một quốc gia đứng đầu các nước dân chủ là Hoa Kỳ, người ta còn tranh luận về lằn ranh mơ hồ giữa hành động can thiệp vì lý do nhân đạo với việc bỏ phiếu bằng bom. 

Đó là khi có nội chiến tại một quốc gia mà phe cầm quyền mất độc quyền bạo lực và các nhóm khởi nghĩa cũng có thể sử dụng võ khí. Chuyện Libya năm xưa và Syria hiện nay là điển hình. 

Cung cấp võ khí cho một phe tham chiến, hoặc dội bom tiêu diệt một chế độ độc tài là hai giải pháp chính trị được tranh cãi trong Quốc hội. Cả hai phe chủ chiến hay chủ hòa đều có lý do chính đáng. Nhưng bi kịch nội chiến ở phương xa có thể là hài kịch chính trị ở nhà: can thiệp hay bất can thiệp đều có tội! 

Khi ấy, một sự khôn ngoan chính trị có thể đáp ứng cả hai nhu cầu chiến hòa, lý tưởng và thực tiễn. Đó là giải pháp quân sự rón rén: oanh tạc và tập kích bằng không quân chứ không thả quân vào bênh vực thường dân. Nhưng giải pháp hạn chế ấy vẫn có thể tuột tay thành của nợ là phải góp phần phát huy dân chủ và xây dựng quốc gia. Kinh nghiệm Iraq dẫn tới giải pháp Libya và tai họa cho Libya và Mali hiện nay dẫn đến việc bất can thiệp vào Syria.

Các nước Âu Châu đều đã đi trước Hoa Kỳ trong trò chơi lý tưởng này nhưng vì lực bất tòng tâm, nên họ đứng sau Hoa Kỳ trong các cuộc phiêu lưu quân sự để thắng bại gì thì vẫn có lý. Sau khi dội bom và thả võ khí cho các phe nổi dậy, Hoa Kỳ cũng hiểu ra tình đời và nhất là tai họa nuôi ong tay áo – trao võ khí cho quân khủng bố chống Mỹ - nên cũng đành ngó lên trời.

Hoa Kỳ chưa tìm ra hình thái can thiệp vô nhiễm nên thường dân ở nhiều nơi vẫn đang bị tàn sát hàng ngày. Trong khi các chế độ độc tài vẫn có thể nương nhau tồn tại.


_____________________________

"Chỉ Có Tại Nước Mỹ":
 
Một tay Thủy Quân Lục Chiến từ Iraq trở về nhà đã nhận được một quyết định của thành phố Hypoluxo của Tiểu bang Florida. Anh chàng Gregory Schaffer được lệnh hạ lá quốc kỳ cho đến khi trả tiền lệ phí là một ngàn đồng để được phép cắm một cột cờ ngay trong sân nhà. Lời than của nạn nhân: "Tôi đã chiến đấu cho lá cờ và nay phải trả tiền cho lá cờ thiêng liêng này!"

2 nhận xét:

  1. Chào chú,

    Chú có thể bình luân và viết một bài về chủ đề này được không? Cháu rất chờ đợi! Cảm ơn chú nhiều!

    http://vneconomy.vn/2013040809414570P0C9920/trong-cung-hay-trong-cau-de-cuu-nen-kinh-te.htm

    Trả lờiXóa
  2. Thanh ơi,

    Tôi có đọc bài này, phì cười xong rồi lại thấy ái ngại cho sinh viên học kinh tế ở nhà. Sẽ có dịp trở lại đề tài này.

    Chúc Thanh may mắn.

    NXN

    Trả lờiXóa