Thứ Hai, tháng 4 01, 2013

Quân Đội Miến Điện Trong Vành Móng Ngựa


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 130328 


Và vương miện quá nặng trên đầu phong trào dân chủ  


 * Bà Aung San Suu Kyi trên khán đài bên Thiếu tướng Zaw Win, Thứ trưởng Bộ Biên Giới - ngày 27 Tháng Ba *


Khi Miến Điện đang chuyển sang một chế độ dân chủ hơn để thoát khỏi hoàn cảnh bị cô lập và lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, dư luận chú ý đến hai tác nhân chính của sự thay đổi. Đó là quân đội và lãnh tụ của phong trào đấu tranh cho dân chủ, bà Aung San Suu Kyi....


Hôm Thứ Tư 27 Tháng Ba vừa qua, quân đội Miến duyệt binh trước Quảng trường Ba Vua tại thủ đô Naypyidaw. Tham gia cuộc biểu dương là sáu ngàn quân thuộc ba binh chủng hải, lục, không quân và lực lượng cảnh sát, cùng chiến xa, đại pháo và phản lực cơ. Ngồi ở dưới, có Phu nhân Aung San Suu Kyi, nữ dân biểu lãnh đạo phong trào dân chủ. Thời sự quốc tế loan tin như vậy.

Ta hãy thử nhìn sâu hơn chuyện đó....

Tháng Ba năm 2006, chế độ quân phiệt Miến Điện chính thức thiên đô từ Yangon (ta thường gọi là Ngưỡng Quang) ở ven biển phía Nam lên Naypyidaw (xin đọc là Naipiđơ) ở giữa rừng tại một khu vực chiến lược trong nội địa. Lý do có thể là phong thủy, sấm ký - dạ vâng! - hay an ninh, vì khu vực  này tiếp cận với các địa phương xưa nay vẫn do dân thiểu số kiểm soát bằng lực lượng võ trang riêng.

Ngày 27 Tháng Ba được dân Miến gọi là "Ngày Cách Mạng Chống Phát Xít", để kỷ niệm cuộc khởi nghĩa chống quân Nhật vào năm 1945 dẫn đến nền độc lập của Miến Điện năm 1948. Với quân đội, đấy là "Ngày Quân Lực". Ngày 27 Tháng Ba năm 2006 chế độ quân phiệt đã nhân dịp này tổ chức cuộc duyệt binh với 12 ngàn quân - gấp đôi tuần qua - và nhiều chiến cụ để chính thức thông báo sự hình thành của thủ đô mới. Sau đấy, thủ đô mới được phát triển. Trung tâm là một quảng trưởng có ba bức tượng của Anawrahta, Bayinnaung và Alaungpaya, ba vị vua anh hùng nhất trong lịch sử.

Hôm Thứ Tư 27 vừa qua, Đại tướng Min Aung Hlaing là Tư lệnh Quân đội Miến Điện (gọi là Tatmadaw) đã ban huấn từ cho binh lính, được phát thanh trên toàn quốc, về vai trò của quân đội: lãnh đạo sinh hoạt chính trị quốc dân, chuyển hóa sang nền dân chủ và bảo vệ Hiến pháp.

Bài diễn văn "hoành tráng" – chữ nghĩa của Hà Nội quả là đắc dụng – là một món chua ngọt.

Nôm na là Quân đội vẫn lãnh đạo chính trị và có nhiệm bụ bảo vệ bản Hiến pháp. Được trưng cầu dân ý năm 2008, bản Hiến pháp này đề ra tiến trình "dân chủ hóa trong kỷ luật", nhưng đang được mổ xẻ và tu chính vì do chế độ quân phiệt đặt ra để thao túng hệ thống chính trị và vẫn duy trì quyền chỉ định thành phần tham gia Quốc hội. Đấy là phần hơi chua.

Nhưng vị ngọt trong lời hiệu triệu của người cầm đầu quân đội, là quân đội cũng chỉ đạo tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện. Tiến trình ấy khởi sự từ tháng Ba năm 2011 khi chế độ quân phiệt giải tán hội đồng của các tướng lãnh (Hội đồng Hòa bình và Phát triển) và trao quyền cho một Tổng thống dân sự là nguyên Thủ tướng và Đại tướng Thein Sein.

Diễn giải cho dễ hiểu, Miến Điện đã có một chính quyền dân sự về hình thức nhưng vẫn do quân đội chi phối trong hậu trường.

Chính quân đội – các tướng lãnh – đã chủ động chuyển hướng từ năm 2010 trước sự hoài nghi của Liên minh Quốc gia cho Dân chủ, lực lượng đối lập chính yếu do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Sau đó, đôi bên mới từng bước tiến thoái cho tới cuộc bầu cử bán phần vào Hạ viện đầu năm 2012 khi đảng của bà Suu Kyi chấp nhận tham gia bầu cử và thắng 43 trong 45 ghế được bầu lại. 

Nghĩa là Miến Điện đang ở giữa giai đoạn tiến thoái đó của quân đội và phong trào dân chủ.

Khi ấy, ta mới chú ý đến phía đối lập: Phu nhân Aung San Suu Kyi đã lần đầu xuất hiện trong cuộc duyệt binh ngày 27. Ý nghĩa của sự hiện diện này là gì?

Xin hãy mở rộng tầm nhìn và ống kính.

Trong ba ngày đại hội từ mùng chín vừa qua của Liên minh Dân chủ, bà Suu Kyi xác định quyền lãnh đạo của mình trước những phân vân và thiếu thống nhất ngay trong đảng. Từ một phong trào đấu tranh chuyển qua vai trò một đảng có hy vọng cầm quyền sau cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2015, phe đối lập tất nhiên là bị phân hóa về mục tiêu lẫn phương thức hành động.

Còn lại, chỉ có uy tín của một lãnh tụ quả cảm và anh hùng. Nhưng chính bà Suu Kyi đã làm thất vọng nhiều người ở trong và ngoài Miến Điện.

Ở bên ngoài là một số dư luận Tây phương và các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền. Họ thất vọng về lập trường thiếu kiên quyết của bà Dân biểu Suu Kyi trước những vụ xung đột về sắc tộc. Bà còn ngợi ca vai trò của quân đội nên có người cho rằng thay vì lãnh đạo sự chuyển hướng qua nền dân chủ, bà Suu Kyi có vẻ như đang thoả hiệp với quân đội và chính quyền.

Ở bên trong, nhiều người phàn nàn là ủy ban điều tra của Quốc hội do bà cầm đầu đã không đề nghị bác bỏ một dự án liên doanh khai thác đồng giữa một doanh nghiệp Trung Quốc và một đơn vị quân doanh của Miến Điện tại Letpadaung, dù dân chúng đã biểu tình phản đối dự án trong 11 ngày. Họ cho là bà nên bác dự án này như đã xảy ra năm 2011 với đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc thiết kế và thực hiện. Người ta càng không yên tâm khi bà khẳng định là không chủ trương chống Bắc Kinh.

Bây giờ, lãnh tụ đối lập lại ngồi bên một Thiếu tướng nghe một viên tư lệnh nói về vai trò lãnh đạo của quân đội! Từ ở xa, mình chẳng biết rằng bà có vỗ tay hay vẫn giữ nét nghiêm và buồn...

Nhưng ta hãy thử lùi lại một chút xem đôi bên tiến thoái ra sao....


***


Miến Điện có hai tai ách là địa dư và lịch sử.

Về địa dư hình thể, xứ này có trung tâm thù phú nhất là lưu vực sông Irrawaddy, chảy dọc từ Bắc xuống Nam ra vùng châu thổ ở giữa Vịnh Bengale ở hướng Tây và biển Andaman ở phía Đông. Tai ách địa dư ở đây là một vành móng ngựa bao quanh dòng sông và các phụ lưu ở mạn Bắc. Đấy là những núi rừng trùng điệp chạy vòng từ biên giới với Ấn Độ ở phía Tây qua biên giới với Trung Quốc ở phía Đông. 

Tai ách lịch sử là Đế quốc Anh bảo vệ quyền thống trị bằng lối phân công trách nhiệm quái đản: chiếm hai phần ba dân số, người Miến Điện lo về hành chánh và chính trị, mà không được nhập ngũ; di dân từ Ấn Độ thì góp phần về kinh tế; các sắc tộc thiểu số trong vành móng ngựa trên núi thì có quyền võ trang. Bên trong, các sắc tộc phải sống chung mà nhiều khi thiếu hoà bình. 

Khi giành lại độc lập từ năm 1948, Miến Điện phải giải quyết bài toán ác ôn đó.

Một giải pháp về an ninh là dân Miến Điện nắm lấy quân đội để còn bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ. Hậu quả của giải pháp là chế độ độc tài quân phiệt xuất hiện từ năm 1962. Thử nghiệm mô thức xã hội chủ nghĩa kiểu cộng sản không thành – mà làm sao thành công được! - chế độ quân phiệt nghiêng từ tả qua hữu và tăng cường ách độc tài từ năm 1988 nên bị thế giới cô lập.

Càng bị cô lập họ càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc.

Lãnh đạo Bắc Kinh bèn vớt cá hai ba tay, vừa mua chuộc chế độ trung ương vừa thực hiện các dự án khai thông luồng giao lưu kinh tế cho các tỉnh bị khóa trong lục địa để trổ ra Ấn Độ dương, lại vừa yểm trợ các sắc dân thiểu số sống trên vùng biên giới Miến-Hoa y như đồng bào của họ ở bên kia biên giới. Đôi khi họ có ý thức Hoa hơn Miến, hay ngược lại tùy theo mức độ bị đàn áp. Nhưng các lãnh chúa ở trên thường xuyên xây dựng lực lượng võ trang và khai thác đủ nghề, từ nha phiến qua buôn lậu võ khí, và khai thác sức yểm trợ của Trung Quốc để mặc cả với chính quyền trung ương của Miến.

Nghĩa là giải pháp an ninh của quân đội dẫn đến hậu quả tai hại về ngoại giao, chính trị và kinh tế. Càng bị các nước Tây phương tẩy chay họ càng trôi vào vòng tay Trung Quốc. Bây giờ, họ muốn ra khỏi trật tự u ám đó. 

Nhưng mà lui đến đâu thì sợ đến đó.  

Lý do là không chỉ có phong trào dân chủ hay bà Aung San Suu Kyi đang mở rộng ảnh hưởng từ ngoài vỉa hè vào đến trung tâm chính trị. Các lực lượng sắc tộc và chính dân Miến Điện cũng tham gia vào sự chuyển động dưới nhiều hình thức, kể cả bạo động. Giao tranh rồi ngưng bắn bị cắt quãng bằng xung đột giữa quân đội và các sắc dân Kachin hay Karen đã xảy ra. Khi có xung đột, thường dân cũng là nạn dân, thủ phạm là kẻ có súng. Xô sát rồi tàn sát bằng dao búa cũng xảy ra, mà nạn nhân của dân Miến theo Phật giáo lại là người Hồi giáo hoặc di dân gốc Hồi từ Bangladesh qua.... 

Trong cảnh hỗn loạn đó, Trung Quốc vẫn lạnh lùng theo dõi và kín đáo khuynh đảo, trong khi Tây phương cũng theo dõi, nhiều khi ồn ào và nông cạn theo tiêu chuẩn lý tưởng của họ.

Sự thật thì các nước dân chủ như Hoa Kỳ, Ấn Độ hay Nhật Bản vào tới đâu thì Trung Quốc phải lui tới đó. Nhưng khi mà họ chần chờ do dự xem lãnh tụ dân chủ tiến thoái ra sao thì Bắc Kinh còn cơ hội tác động. Vì vậy, thảm kịch ngày nay của Miến Điện là xã hội này chưa xây dựng được một giải pháp thay thế có thực lực.

Phong trào đấu tranh cho dân chủ chưa đủ mạnh để đẩy quân đội vào vai trò bảo vệ quốc gia hơn là bảo vệ chế độ. Các tướng lãnh cũng chưa đủ mạnh để bảo vệ biên cương và ổn định nội tình. Họ biết là phải lui bước, mà cũng sợ để lại một khoảng trống nguy hiểm, chi bằng tự trám vào khoảng trống đó bằng sức mạnh. Còn quần chúng ở giữa thì sẵn sàng vọng động vì cả ước vọng dân chủ lẫn tinh thần kỳ thị dị tộc. 

Trong thảm kịch đó, người ta còn thấy ra một mâu thuẫn cực nguy hiểm: Miến Điện muốn mở ra thế giới bên ngoài mà chưa hội nhập ở bên trong. Quân đội bị vây hãm trong vành móng ngựa và cái vương miện dân chủ bỗng như quá nặng cho một vị nữ lưu anh hùng.

Xét như vậy, người ta đừng vội phê phán theo kiểu truyền thông Tây phương mà nên theo dõi bản lãnh và trình độ trưởng thành của những tác nhân trong cuộc. Khẩu hiệu dân chủ thiếu nội dung thực tế không thể là bản lãnh.

1 nhận xét:

  1. Đọc bài này của bác hiểu rõ hơn về Miên. Sự thay đổi phải bắt đầu từ nội tình bên trong. Mà trong Phật học có nói phải là sự chứng ngộ. Chứ nếu không cũng chỉ là các giải pháp chắp vá. Nhưng một số phong trào dân chủ cũng là tác nhân cho sự thay đổi của chế độ độc tài. Như vậy phải có sự kết hợp từ 2 phía, sự chứng ngộ từ phía độc tài và các phong trào dân chủ đủ mạnh. Vậy đến khi nào mới có được sự chứng ngộ của chế độ độc tài và giải pháp nào cho VN thưa bác?

    Trả lờiXóa