Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130415
"Kinh Tế Cũng Là Chính
Trị"
Kinh Tế Chính Trị Học ABê Của Nhật Bản
* Thủ tướng Shinzo Abe: "Có lên thì lên lúc này - Không lên thì chết cả mày lẫn tao!" -
Đang canh chừng Bắc
Hàn chơi bạo trên đầu, Nam Hàn bị một phát trúng mông ở dưới: biện pháp tiền tệ
của Nhật Bản. Hài kịch bất ngờ của kinh tế chính trị học.
Kinh tế Nhật không chỉ bị suy trầm
với đà tăng trưởng la đà ngọn cỏ. Về mệnh giá thì Tổng sản lượng kinh tế ngày
nay chỉ bằng năm 1991: 20 năm dậm chân tại chỗ. Nhật còn gặp nạn giảm phát,
deflation, hiện tượng trái ngược với lạm phát: hàng họ bán với giá rẻ mà vẫn ế.
Trong khi Tổng sản lượng dập dình ở mức 0,6% một năm trong 15 năm liền, chỉ số giá
tiêu dùng lại bẽn lẽn chui dưới thảm: giảm 0,2% một năm.
Kinh tế chính trị học nhập môn dạy
rằng khi kinh tế suy trầm, ta có thể kích thích bằng cách hạ lãi suất hay bơm
tiền. Từ 13 năm trước, Nhật Bản đã ghìm lãi suất ở số không mà chẳng công hiệu.
Đây là lúc Shinzo Abe tái xuất hiện.
Ông Abe tái xuất hiện vì đã làm
Thủ tướng tròn một năm rồi đột ngột từ chức vào Tháng Chín năm 2007. Lần này, đảng
Tự do Dân chủ LDP của ông đắc cử vẻ vang và ông cầm ấn Thủ tướng từ cuối năm
ngoái với hứa hẹn cách mạng để kéo kinh tế ra khỏi nạn èo uột kinh niên.
Hôm mùng bốn vừa qua, tân Thống đốc
Ngân hàng Trung ương Haruhiko Kuroda lập tức bắn pháo lệnh: làm như cũ mà theo
kiểu mới với cường độ vũ bão. Như cũ là tăng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng,
gọi là Quantitative Easing hay QE.
Nhật đã phát minh liều thuốc bất
thường ấy từ năm 2001, dưới tên gọi "ryoteki kin'yu kawa". Sau đó, các
ngân hàng trung ương của Anh hay Hoa Kỳ và Liên Âu, v.v... mới áp dụng. Người
ta có thể gọi biện pháp QE là in bạc bơm tiền. Thực tế và chuyên môn hơn một tí
thì hơi nhức đầu.
Ngân hàng trung ương của các nước
văn minh không có quyền in bạc mua trái phiếu của nhà nước, tức là cho nhà nước
vay tiền để tài trợ bội chi ngân sách. Khi nhà nước đã tăng chi quá trán nên mắc
nợ ngập đầu và lãi suất đã hạ tới đáy mà kinh tế chưa nhúc nhích thì ngân hàng
trung ương phải len vào ngả bất thường.
Đó là bơm tiền qua cửa gián tiếp là
mua trái phiếu từ các ngân hàng và tá ghi vào bảng kết toán tài sản của hệ thống
ngân hàng một lượng tiền nhất định để ngân hàng có thêm thanh khoản nên cho vay
dễ hơn. Nhờ đó tài hóa có thể lưu thông và kinh tế phục hoạt. Nếu muốn thu hồi
biện pháp này thì ngân hàng trung ương bán lại trái phiếu, thu vào tiền mặt để hút
bớt khối tiền tệ lưu hành, thí dụ như khi kinh tế đã hoạt động mạnh nên bị nguy
cơ lạm phát.
Chuyện ly kỳ là kiểu mới vừa được
Thống đốc Kuroda công bố:
Nhật cố đạt lạm phát 2% trong hai
năm tới; muốn vậy, mỗi tháng mua vào 70% lượng trái phiếu phát hành, bằng 1% của
Tổng sản lượng; để nhân khối tiền tệ hơn gấp đôi, từ 29% lên 56% Tổng sản lượng;
với hướng thiên về trái phiếu dài hạn và cả loại "biến phiếu"
derivatives trên thị trường địa ốc; sẽ đánh thuế tiền tiết kiêm dư dôi của
doanh nghiệp; và duy trì chính sách này cho đến khi hiệu quả.
Khi đọc loại tin với mấy điểm ghi
ở trên, đa số chúng ta đều gạt tờ báo qua một bên. Rắc rối thật, đọc làm chi!
Sự thật bên dưới là Chính quyền
Nhật vừa dọa là sẽ để lạm phát tăng 2% và sẽ làm hạ phân lời trái phiếu. Khi giá
không tăng mà hàng năm còn giảm đều 0,2% từ 13 năm nay, biện pháp này là cú điện
giựt: cứ ghim tiền trong túi mà không xài thì đồng tiền sẽ mất giá. Với giới đầu
tư tài chánh, chính sách ấy khiến họ phải tìm phân lời cao hơn ở xứ khác, hoặc
đầu tư vào bất động sản.
Chuyện ấy đã là bất thường.
Bất thường hơn nữa là cường độ vũ
bão: lượng tiền vĩ đại được trù tính bơm ra là 200 tỷ đô la một tháng, so với
85 tỷ mà Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã thông báo. Nhắc lại cho rõ, năm năm
qua, ba đợt QE của Mỹ đã tăng khối tiền tệ khoảng 15% Tổng sản lượng Hoa Kỳ. Nhật
tính chạy nước rút, làm gấp đôi, tăng 30%, nội trong hai năm tới. Và cho biết là
sẽ còn làm hơn thế, nếu thấy cần thiết.
Vì vậy, thiên hạ mới chơi chữ mà
gọi biện pháp QE là QEternity. Tăng mức lưu hoạt có định lượng mà vô hạn kỳ. Mà
còn mạnh hơn Ngân hàng Trung ương Mỹ. Tại sao đến nỗi vậy?
Vì Chính quyền Nhật đã mắc nợ đến
240% Tổng sản lượng, gấp đôi Hoa Kỳ, mà kinh tế vẩn trì trệ thì ngân hàng trung
ương đành liều mạng bắn nỏ liên châu.
Từ khi Shinzo Abe công báo chiều
hướng được thiên hạ gọi là "kinh tế chính trị học kiểu Abe" (Abenomics),
các kinh tế gia thiên tả đã trích dẫn lý luận của Keynes để ngợi ca là sáng suốt
và quyết liệt, chứ không nửa vời và ngập ngừng như các chính quyền trước đây. Họ
quên mất lời cảnh báo của Keynes mà ta sẽ có dịp nhắc lại.
Kết quả như cũng đã thấy tại Mỹ, là
thị trường chứng khoán Nhật hả dạ tăng vọt, nhất là cổ phiếu của các quỹ đầu tư
về địa ốc được ngân hàng trung ương chiếu cố. Đồng thời, đồng Yen sụt mạnh so với
các ngoại tệ khác đến nỗi Bộ Ngân khố Mỹ cảnh báo hôm Thứ Sáu 12 vừa qua: Nhật cần
cứu nguy kinh tế nhưng không nên cạnh tranh bất chính bằng phá giá để nhờ hối
suất thấp mà bán hàng rẻ.
Tại hai ngày 18-19 sắp tới ở thủ
đô Hoa Kỳ của nhóm G20, các Tổng trưởng Tài chánh và Thống đốc Ngân hàng Trung ương
có thể nhắc lại: nếu ai cũng thi đua đánh sụt đồng bạc thì làm sao làm ăn? Đấy
là lúc nên chú ý đến Nam Hàn.
Khi Nhật dậm chân tại chỗ và bị
giảm phát, hàng năm kinh tế Nam Hàn vẫn tăng trưởng hơn 4% với chỉ số giá tiêu
dùng tăng 3,3%. Cường quốc tân hưng này còn trực tiếp đua tài với kẻ xâm lược, ông
thầy cũ và đồng minh hiện tại trên hai trận tuyến sở trường của Nhật là hàng điện
tử và xe hơi – xin nghĩ đến Samsung và Hyundai.
Bây giờ, đồng Yen lại sụt giá so
với đồng Won của Nam Hàn, và chỉ số cổ phiếu TOPIX của Nhật tăng vọt từ bốn tháng
nay trong khi chỉ số KOSPI của Nam Hàn cứ lẹt đẹt, nên ngón võ của Abe mới là mũi
tên bắn ngược vào một đồng minh đang bị Bắc Hàn hăm dọa trên đầu!
Sau cùng là "hậu quả bất lường"
hay liều thuốc đổ bệnh.
Khi Nhật liều lĩnh như vậy thì đâu
là rủi ro? Kinh tế Nhật suy sụp từ năm 1990 vì nạn bể bóng cổ phiếu và địa ốc hơn
20 năm trước. Bây giờ, chuyện ấy có thể tái diễn, dù Thống đốc Kuroda bảo là ông
không sợ và còn thổi lên trái bóng trái phiếu! Mà vì giao dịch với cả thế giới,
kinh tế Nhật không nằm riêng trong phòng hồi sinh, biện pháp tháo tiền cứu nguy
sẽ ảnh hưởng thế nào đến xứ khác? Thứ hai, nếu thấy sắp đạt chỉ tiêu lạm phát,
Nhật sẽ đảo ngược chánh sách và hút tiền ra. Có kịp không?
Ngoài đòn tiền tệ, cuộc cách mạng
Abenomics còn nhắm vào nhiều hướng khác. Đáng kể nhất là cải cách chế độ ruộng
đất và phá vỡ thế lực bảo hộ của nông gia để đưa Nhật Bản vào vòng đàm phán tự
do mậu dịch xuyên Thái bình dương TPP. Đây là việc cần thiết, nhưng gây rủi ro chính
trị lớn vì xưa nay thành phần này là nhóm lợi ích đã nuôi và nắm đảng LDP trong
tay.
Cột báo này đã quá nhức đầu nên
xin hẹn kỳ khác, khi Nhật bầu lại Thượng viện vào Tháng Sáu tới!
Quá hay!
Trả lờiXóa