Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 130401
"Kinh Tế Cũng Là Chính
Trị"
Từ Kỹ Thuật Thống Kê Đến Tiền Già....
* Rổ hàng của người đi chợ*
Bài này không viết về lạm phát tại Việt Nam nên nhà mạng của nhà nước Hà
Nội khỏi mất công chặn phá. Xin cứ đọc thoải mái....
Hôm Thứ Sáu 15 vừa qua, Bộ Lao động
Hoa Kỳ công bố thống kê về Chỉ số Giá tiêu dùng trong Tháng Hai: bất ngờ tăng
0,7%, cao hơn dự báo và cao nhất kể từ năm 2009 là khi kinh tế bị suy trầm. Nhưng
nếu khỏi tính giá lương thực và năng lượng xăng dầu thì chỉ số CPI chỉ tăng
0,2%. Nhớ lại chuyện giá xăng còn quá cao, báo chí bèn kết luận rằng CPI lên
0,7% vì xăng, chứ vật giá nói chung vẫn ổn
định, trung bình tăng có 2,0% trong 12 tháng qua. Hoặc 2% một năm từ bốn năm
qua. Độc giả tò mò có thể tìm đọc báo cáo này trên mạng www.bls.gov, nhưng nên
thủ sẵn vài viên thuốc nhức đầu vì 35 trang khó nhá.
Báo chí tiêu thụ thống kê kinh tế
cho thiên hạ đọc mà đôi khi không hiểu. Dù có hiểu thì làm sao giải thích tường
tận trong bản tin có mấy trăm chữ? Vì vậy, Người Việt mới có cột mục này!
Rời thế giới trừu tượng của thống
kê mà ra chợ, ta đều thấy vật giá đắt đỏ hơn. Người viết nghe nhiều chủ tiệm
quen biết than phiền vì sao giá tăng so
với trước đây mà báo chí cứ tô hồng vậy? Hộp phấn mực toner cho cái máy in HP của
mình thì quả đắt hơn chừng 15% so với năm ngoái. Nếu giá không tăng nhiều thì
lượng lại giảm, một hình thức tăng giá kín đáo hơn.
Vì vậy, từ chuyện đời thường lên
tới tháp ngà của kinh tế học, ta tự hỏi là vì sao vật giá gia tăng tại Hoa Kỳ mà
thống kê vẫn khẳng định rằng chỉ số giá cả không tăng? Có gì trục trặc không?
Trong 1.500 chữ - giấy mực vốn đắt!
- bài này nói về sự trục trặc ấy. Mà dẫn qua hướng khác vì kinh tế cũng là chính
trị: thống kê là nghệ thuật xào nấu chuyện bếp núc của chúng ta.
Bộ Lao động có một Văn phòng Thống
kê Bureau of Labor Statistics thường khảo sát rồi công bố nhiều kết quả làm cơ
sở cho các quyết định kinh tế của nhà nước và thị trường, trong đó có chỉ số về
đủ loại vật giá. Đáng chú ý nhất là giá tiêu dùng CPI, thước đo của lạm phát.
Ban đầu, chỉ số CPI là phí tổn của
một giỏ hàng tiêu biểu gọi tắt là COGI (Cost
of Goods Index). Sau đó, Quốc hội đòi chỉ số CPI phải phản ảnh phí tổn thật
của người dân để duy trì mức sống, gọi tắt là Cost of Living Index, COLI. Rồi Văn phòng Thống kê còn điều chỉnh
nhiều lần từ 35 năm nay để tìm ra con số họ nghĩ là khách quan nhất về giá cả.
Một cách điều chỉnh là theo dõi sự
thay đổi trong giỏ hàng tiêu biểu. Thí dụ dễ hiểu là nếu món này quá đắt thì
người dân tìm loại hàng "điền thế" rẻ hơn. Dưới bếp thì thay thịt bò
quá đắt bằng thịt heo thịt gà và kiếm loại rau xào rẻ hơn. Ở nhà trên, hộp phấn
mực do hãng HP sản xuất mà quá đắt thì có thể thay hàng din bằng hàng dỏm, vẫn
tạm xài được mà rẻ hơn....
Chuyện "rẻ hơn" như vậy
cũng có nghĩa là chỉ số CPI như được công bố định kỳ có thể đưa ra một thước đo
thấp hơn về mức lạm phát. Điều ấy mới giải thích thắc mắc của bà đi chợ trước sự
cả tin của ông chồng đang xào tin về CPI cho báo chí: Ngoài chợ thì hàng lên giá,
trên báo thì lạm phát từ đầu năm 2009 chỉ tăng trung bình có 2%! Hãy nói về thực
hư.
Nếu theo dõi tình hình giá thương
phẩm (commodities) là nguyên nhiên vật
liệu và đủ loại nông sản, từ xăng dầu, đồng thiếc đến ngô bắp, cà phê, nước
cam, v.v... ta thấy tăng 38% trong bốn năm, trung bình là 8,6% một năm. Giá xăng
từ 2,6 đồng một ga lông thì nay là ba đồng bảy, tăng hơn 40%, quy ra từng năm
thì tăng 9%. Thuế suất các loại, từ liên bang đến tiểu bang và địa phương thì tăng
35%, trung bình 7,8% một năm. Xin miễn nói về loại thương phẩm đặc biệt khác là....
vàng, từ 930 đồng đã lên tới 1.600 và tăng 70% trong bốn năm, 14% một năm!
Ngần ấy chi tiết cho thấy hình như
mức lạm phát thật có thể cao hơn con số biểu kiến. Mà chuyện nâng hay hạ cái thước đo
không là tính toán hay lý luận xa vời ở trên trời vì trực tiếp liên quan đến cả
triệu quyết định về đầu tư của thị trường và về ngân sách của chính trường.
Cụ thể thì trên thị trường, chỉ số
CPI là nền móng tính ra phân lời trái phiếu cho vay hay kỳ vọng về đầu tư cổ
phiếu và nếu lạm phát tăng thì lãi suất đi vay sẽ tăng, bội chi ngân sách cũng
vậy vì nhà nước phải trả tiền lời đi vay. Trong chính trường, CPI là cơ sở tính
toán mức thanh toán của quỹ An sinh Xã hội gọi là COLA (Cost of Living Adjustment) và việc xác định căn bản tính thuế lợi tức
để quy ra nguồn thu về thuế khóa hay mức bội chi của ngân sách.
Bây giờ, kinh tế mới thật sự là
chính trị khi bội chi ngân sách quá nặng và khiếm hụt của quỹ An sinh quá lớn đang
khiến người ta tranh luận về việc lại điều chỉnh thước đo. Chỉ vì từ nửa thế kỷ
nay, nhiều kinh tế gia lại cho rằng chỉ số CPI thật ra cao hơn lạm phát và cần điều
chỉnh nữa mới sát với thực tế!
Tức là chỉ số CPI nằm giữa lằn đạn
của cả hai phía: phải nâng cho cao hơn hay giảm cho thấp hơn.
Số là trong trận đấu hiện nay về
ngân sách liên bang bị bội chi quá nặng và cần giảm chi, tăng thuế hoặc cả hai,
người ta đang nói đến một khái niệm là "Chained CPI" mà cột báo này xin gượng dịch là "ràng giá vào
thực tế" cho dễ hiểu. Đó là tính lại về thành phần của giỏ hàng tiêu biểu
để điều chỉnh theo nguyên tắc điền thế đã nói ở trên: không bò thì gà cho rẻ hơn.
Phải sửa tỷ trọng của các mặt hàng và tính ra hệ số gia trọng cho xác thực hơn.
Từ năm 1996 đến nay đã có nhiều cơ
quan tư vấn lưỡng đảng hay trung tâm nghiên cứu độc lập đề nghị như vậy và Cục
Thống kê Bộ Lao động có điều chỉnh theo hướng đó - mà chưa đủ.
Bây giờ nếu chỉ số CPI được tính
lại cho thấp hơn thì phần phúc lợi phải thanh toán cho người già và nguồn thu về
thuế có thể hạ bội chi khoảng 300 tỷ đô la trong 10 năm tới mà khỏi sờ mó gì vào
quỹ Social Security hay luật thuế khóa.
Ban biên tập của tờ Washington
Post, nhiều kinh tế gia và ủy ban lưỡng đảng vận động cách sửa sai này và Chính
quyền Barack đang thiên về giải pháp êm dịu đó. Nhưng lại bị Hiệp hội những người
Mỹ về hưu AARP chống đối vì việc điều chỉnh sẽ đánh sụt phúc lợi cho người cao
niên.
Cho nên, khi nghe nói về chỉ số
CPI hay về chuyện niềng giá tiêu dùng vào cái gì khác thì ta nên biết rằng đấy
là chuyện áo cơm của đời sống. Và chỉ có trí tuệ của chính khách mới có thể diễn
giải rằng việc hãm đà gia tăng phúc lợi xã hội là một biện pháp giảm chi! Kết
luận ở đây là nếu phúc lợi không giảm thì thuế sẽ tăng. Thực tế thì người ta sẽ
gặp cả hai. Vì nhà nước khó duy trì được chế độ bao cấp hiện nay nên có thể xào
nấu thống kê để che giấu việc đó.
Nền dân chủ quả là nhiêu khê vì dân biết canh nên nhà nước phải khéo lách, và bề nào cũng bị trách cứ. Nhà nước Hà Nội thì chưa đi tới trình độ ảo diệu đó. Nên mới chơi trò phũ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét